Ung thư ruột non: Yếu tố nguy cơ, chẩn đoán và điều trị

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKI

Lê Văn Bảo

Trưởng khoa Ung Bướu

Các nghiên cứu cho biết ung thư ruột non chỉ chiếm tỷ lệ 1 – 2% ung thư đường tiêu hóa nhưng tỷ lệ tử vong của bệnh lại rất cao. Do đó, mỗi người cần nắm được yếu tố nguy cơ gây bệnh, các triệu chứng cảnh báo bệnh, từ đó thăm khám ngay để được phát hiện sớm và điều trị kịp thời để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.

1. Phân loại và các giai đoạn ung thư ruột non

Ruột non là một bộ phận thuộc ống tiêu hóa, nối giữa dạ dày và đại tràng. Cơ quan này có chức năng hấp thụ dinh dưỡng cho cơ thể. Ruột non được chia thành 3 bộ phận chính gồm: Tá tràng (nối liền dạ dày) – Hỗng tràng (phần ở giữa) – Hồi tràng (phần cuối cùng, nối tiếp với đại tràng).

Ung thư ruột non xảy ra khi các tế bào ruột bị đột biến và phát triển không kiểm soát, hình thành 1 hoặc nhiều khối u.

1.1. Phân loại

5 loại ung thư phổ biến tại cơ quan này gồm:

– Ung thư biểu mô tuyến: Thể bệnh thường gặp nhất (ước tính 30 – 40%), bắt đầu các tế bào tuyến của ruột non. Ung thư biểu mô tuyến thường xảy ra ở tá tràng và hỗng tràng. Ban đầu chúng thường polyp có kích thước nhỏ. Theo thời gian kích thước tăng dần và trở thành ác tính.

– Ung thư mô liên kết (Sarcoma): Khối u phát triển trong các mô mềm của ruột non, thường xảy ra ở hồi tràng.

– Khối u thần kinh nội tiết (Neuroendocrine tumor): Khối u phát triển chậm, thường xuất hiện ở phần cuối ruột non.

– U mô đệm đường tiêu hóa (GIST): Không phải tất cả GIST đều là ung thư. Đây là loại ung thư hiếm gặp, hơn 50% trường hợp bắt nguồn từ dạ dày.

– U lympho ruột non (Lymphoma ruột non): Là loại ung thư bắt đầu trong các hạch bạch huyết. U lympho ruột gây rối loạn suy giảm miễn dịch, ảnh hưởng đến khả năng chống lại nhiễm trùng và các bệnh lý khác trong cơ thể.

Ung thư ruột non

Ung thư ruột non không phổ biến như một số bệnh lý ung thư đường tiêu hóa khác nhưng có tỷ lệ tử vong cao

1.2. Các giai đoạn ung thư ruột non

Bệnh được chia thành 4 giai đoạn dựa trên đặc điểm khối u, di căn hạch và di căn xa:

– Giai đoạn 1: Ung thư chỉ phát triển trong các lớp đường ruột, không xâm lấn mô xung quanh cũng như hạch bạch huyết.

– Giai đoạn 2: Ung thư phát triển vượt qua thành ruột, xâm lấn mô xung quanh. Tuy nhiên không có tình trạng di căn hạch.

– Giai đoạn 3A: Ung thư di căn từ 1 đến 3 hạch vùng, có thể vượt qua lớp cơ thành ruột hoặc không, nhưng không có di căn xa.

– Giai đoạn 3B: Ung thư di căn từ 4 hạch vùng trở lên, có thể vượt qua lớp cơ thành ruột hoặc không, nhưng không có di căn xa.

– Giai đoạn 4 (hay giai đoạn cuối): Ung thư di căn xa đến các cơ quan khác trong cơ thể như phổi, gan,…

2. Yếu tố nguy cơ gây bệnh

Nguyên nhân chính xác dẫn đến bệnh lý ung thư này hiện vẫn chưa được xác định rõ ràng. Hãy cùng Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI tìm hiểu một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh, bao gồm:

Bệnh Crohn: Đây là bệnh viêm mạn tính tại đường tiêu hóa. Bệnh Crohn làm tăng khả năng mắc các bệnh lý ruột non và đại trực tràng, trong đó có ung thư.

– Bệnh Celiac (còn gọi là bệnh không dung nạp Gluten): Hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng lại với protein Gluten trong thực phẩm (lúa mì, lúa mạch,…). Bệnh dẫn đến tình trạng viêm và phá vỡ biểu mô ruột non. Đây chính là nguyên nhân khiến Celiac làm tăng nguy cơ ung thư tại cơ quan này.

–  Hội chứng đa polyp tuyến có tính chất gia đình (FAP): Đây là bệnh lý di truyền làm xuất hiện hàng chục đến hàng trăm polyp ở đường tiêu hóa. Các polyp tập trung chủ yếu ở đại trực tràng, số lượng xuất hiện ở ruột non và dạ dày ít hơn. Người bệnh FAP có nguy cơ ung thư đường tiêu hóa nói chung cao hơn so với những người không mắc bệnh.

– Tuổi cao: Trên 60 tuổi.

– Giới tính: Các số liệu thống kê cho thấy tỷ lệ nam giới mắc bệnh nhiều hơn sơ với nữ giới.

– Thói quen hút thuốc lá, uống rượu; chế độ ăn nhiều chất béo động vật.

– Thường xuyên tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại (như axit phenoxyacetic) cũng làm tăng nguy cơ ung thư.

Triệu chứng ung thư ruột non

Triệu chứng của bệnh thường không đặc hiệu, có thể nhầm lẫn với nhiều bệnh lý khác tại đường tiêu hóa

3. Triệu chứng cảnh báo ung thư ruột non

Triệu chứng ở giai đoạn đầu thường không rõ ràng, dễ bị hiểu lầm thành các bệnh tiêu hóa thông thường khác. Do đó, người bệnh thường chủ quan, không thăm khám với bác sĩ. Điều này dẫn đến phần lớn trường hợp ung thư được phát hiện ở giai đoạn muộn. Việc điều trị do đó thường gặp nhiều khó khăn, tốn kém và mất thời gian. Chính vì vậy người bệnh cần đến bệnh viện kiểm tra ngay khi phát hiện một số dấu hiệu sớm của bệnh như dưới đây:

– Có máu trong phân: Người bệnh đa số đi ngoài phân đen, màu như bã cà phê, mùi thối khắm. Bệnh lý ung thư này thường ít khi có máu đỏ tươi trong phân.

– Tiêu chảy: Người bệnh đi ngoài phân nước trên 3 lần mỗi ngày.

– Có khối u nổi lên vùng bụng.

Đau bụng âm ỉ, mơ hồ, triệu chứng đau hiếm khi ở mức độ dữ dội.

– Nôn hoặc buồn nôn.

– Giảm cân không rõ nguyên nhân: Đây là tình trạng thường gặp ở giai đoạn cuối của bệnh ung thư.

4. Cách chẩn đoán, điều trị và phòng tránh

4.1. Các biện pháp chẩn đoán bệnh

Các xét nghiệm chẩn đoán được ứng dụng phổ biến bao gồm:

Xét nghiệm máu: Nếu người bệnh có tình trạng xuất huyết, xét nghiệm máu sẽ cho biết số lượng hồng cầu, huyết sắc tố giảm. Bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm chức năng gan – thận nhằm xác định tổ chức ung thư đã gây ảnh hưởng đến các cơ quan khác hay chưa.

– Chụp X-quang ổ bụng (X-quang ổ bụng không chuẩn bị hoặc chụp ruột non có thuốc cản quang).

– Sinh thiết lấy mẫu mô làm giải phẫu bệnh: Đây chính là tiêu chuẩn trong chẩn đoán ung thư ruột non.

– Nội soi viên nang giúp quan sát bề mặt niêm mạc ruột non.

Chẩn đoán ung thư ruột non

Chụp X-quang ổ bụng giúp phát hiện các bất thường tại ruột non

4.2. Các biện pháp điều trị ung thư ruột non

Bệnh lý ung thư này cần áp dụng điều trị đa mô thức. Phác đồ điều trị được lựa chọn dựa trên các yếu tố như: giai đoạn và loại ung thư, thể trạng chung của người bệnh, lựa chọn của người bệnh, các tác dụng phụ của điều trị.

Sau đây là các phương pháp điều trị thường gặp hiện nay:

– Phẫu thuật: Đây là phương pháp điều trị chính, thực hiện bằng cách cắt bỏ khối u và các bộ phận bị xâm lấn, đảm bảo lưu thông đường tiêu hóa. Sau phẫu thuật, một số biến chứng có thể xảy ra như chảy máu, đau, nhiễm trùng sau mổ, rối loạn tiêu hóa,… Người bệnh cần thực hiện phẫu thuật tại cơ sở y tế uy tín bởi đội ngũ bác sĩ có tay nghề cao để hạn chế tối đa các biến chứng.

– Hóa trị: Là biện pháp tiêu diệt các tế bào ung thư bằng thuốc. Hóa trị có thể gây các tác dụng phụ gồm: mệt mỏi, nôn, buồn nôn, chán ăn, rụng tóc, tiêu chảy, nguy cơ nhiễm trùng do giảm bạch cầu,…

– Xạ trị: Phương pháp này thường không được sử dụng như biện pháp điều trị chính. Thay vào đó, nó thường được chỉ định trong điều trị triệu chứng khi bệnh ở giai đoạn muộn. Các biến chứng có thể gặp sau khi xạ trị là: mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa, phản ứng da mức độ nhẹ,…

4.3. Giải pháp phòng bệnh hiệu quả

Để phòng tránh ung thư đường ruột nói chung, mỗi người cần lưu ý:

– Không hút thuốc lá, hạn chế đồ uống có cồn như rượu bia.

– Ăn uống khoa học, lành mạnh: Ăn nhiều rau xanh, ngũ cốc; hạn chế đồ chiên nướng, đồ ăn chế biến sẵn,…

– Những người có tiền sự bệnh Crohn, bệnh Celiac, bệnh FAP cần khám tiêu hóa định kỳ 2 lần/năm để sàng lọc phát hiện sớm bệnh.

Bài viết đã cung cấp đến bạn đọc các thông tin liên quan đến ung thư ruột non. Hy vọng các thông tin trong bài đã giúp bạn hiểu hơn về bệnh lý này và nắm được các yếu tố nguy cơ, các chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh hiệu quả.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital