Triệu chứng đau bao tử cấp tính: Chẩn đoán đúng – điều trị kịp thời

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKI

Phạm Đức Sơn

Trưởng Đơn vị Thăm dò chức năng - Nội soi tiêu hóa

Các trường hợp gặp phải triệu chứng đau bao tử cấp tính có thể thường xuyên bắt gặp ở những người xung quanh hoặc cũng có thể gặp phải ở chính bản thân bạn. Nhận biết đúng các dấu hiệu bệnh để chủ động thăm khám khi cần và xử lý cơn đau đúng cách. 

1. Bệnh đau bao tử cấp

Bệnh đau bao tử cấp (đau dạ dày cấp tính) là tình trạng diễn ra cơn đau ở dạ dày một các đột ngột kèm theo các triệu chứng khiến người bệnh khó chịu. Đau bao tử cấp thường được dứt điểm nhanh chóng nếu người bệnh nhận biết đúng triệu chứng và xử lý đúng cách kịp thời. Với trường hợp không được điều trị tốt sẽ lặp lại tái phát nhiều lần, lâu dần đau dạ dày chuyển qua giai đoạn mạn tính kèm theo nhiều nguy cơ biến chứng khác.

“Thủ phạm” chính gây ra cơn đau dạ dày cấp là vi khuẩn HP – Helicobacter pylori. Đây là loại vi khuẩn có thể xâm nhập và hoạt động mạnh tại lớp nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày. Bên cạnh đó, đau dạ dày còn đến từ một số nguyên nhân sau:

– Uống nhiều rượu, bia.

– Chế độ ăn thất thường, lối sống sinh hoạt không đảm bảo khoa học.

– Bị căng thẳng, stress nặng.

– Tác dụng phụ do lạm dụng các loại thuốc kháng viêm, thuốc kháng sinh.

– Ngộ độc thực phẩm.

Cơn đau dạ dày cấp tính

Cơn đau bao tử cấp tính gặp phải diễn ra đột ngột và thường khá dữ dội ở thời điểm ban đầu.

2. Nhận diện triệu chứng điển hình đau bao tử cấp tính

2.1. Triệu chứng đau bao tử cấp thường gặp là đau thượng vị

Triệu chứng phổ biến nhất ở người bệnh đau dạ dày cấp gặp phải là đau bụng vùng thượng vị. Cơn đau có thể diễn ra âm ỉ hoặc dữ dội kèm theo cảm giác nóng rát, cồn cào quanh vùng thượng vị.

Thời điểm cơn đau xuất hiện thường là sau khi ăn khoảng 2-3 tiếng do niêm mạc dạ dày đang bị tổn thương gặp thức ăn đi vào dẫn tới cọ sát và gây đau. Đôi khi, cơn đau thượng vị cũng gặp phải lúc người bệnh ăn khi đói hoặc đau lúc về đêm, rạng sáng làm ảnh hưởng lớn tới giấc ngủ.

2.2. Buồn nôn và nôn

Người bệnh đau bao tử cấp có thể cảm thấy buồn nôn và nôn nhiều, nôn ngay sau khi vừa ăn xong và nôn hết thức ăn.

Khi đã nôn hết thức ăn, cơn đau bụng sẽ giảm dần, nhưng một lúc sau sẽ đau trở lại. Trường hợp nếu người bệnh nôn quá nhiều mà không can thiệp sẽ dẫn đến tình trạng mất nước và mất chất điện giải. Hậu quả là người bệnh bị mệt mỏi, hốc hác, vẻ mặt nhợt nhạt, người gầy sút cân.

Ngoài cảm giác buồn nôn và nôn, người bệnh có thể kèm theo các triệu chứng của rối loạn tiêu hóa như ợ chua, ợ hơi, đầy bụng, trướng bụng, sinh hơi nhiều (trung tiện nhiều), chán ăn, ăn không ngon.

Triệu chứng đau bao tử cấp

Người bệnh đau bao tử cấp tính thường xuyên có cảm giác buồn nôn hoặc bị nôn ngay sau ăn.

2.3. Triệu chứng đau bao tử cấp nặng là xuất huyết tiêu hóa

Xuất huyết tiêu hóa là triệu chứng nặng của đau dạ dày cấp tính khi bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời. Người bệnh cần cảnh giác với những dấu hiệu xuất huyết tiêu hóa thông qua các biểu hiện như:

– Đau bụng dữ dội, đau theo từng cơn kéo dài không rõ nguyên nhân. Cơn đau càng dữ dội hơn khi ăn đồ chua, đồ cay nóng,…

– Quan sát phân có màu đen hoặc đỏ tươi (là màu của cục máu đông hoặc máu tươi) và phân có mùi hôi bất thường.

– Nôn ra máu.

Xuất huyết tiêu hóa là dấu hiệu cảnh báo về mức độ nghiêm trọng và nguy hiểm của bệnh. Vì vậy, ngay khi nhận thấy dấu hiệu bất thường này, người bệnh cần chủ động thăm khám ngay để được chẩn đoán, điều trị bệnh đúng cách kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm.

3. Phương pháp chẩn đoán xác định đau dạ dày cấp

Chẩn đoán lâm sàng bằng việc tìm hiểu các thông tin như: Trước khi bị đau bụng cấp tính người bệnh ăn, uống gì; Tìm hiểu tiền sử của người bệnh và gia đình có ai đã bị bệnh dạ dày không?…

Sau khi đã cấp cứu giải quyết qua cơn đau cấp tính, bác sĩ có thể chỉ định tiến hành phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng phù hợp để xác định rõ về nguyên nhân gây ra cơn đau dạ dày cấp bằng chụp X-quang dạ dày kèm thuốc cản quang hoặc nội soi dạ dày nếu người bệnh đáp ứng đủ yêu cầu.

Trong chẩn đoán nguyên nhân đau dạ dày cấp nói riêng và các bệnh đường tiêu hóa nói chung, nội soi dạ dày là phương pháp hữu hiệu được ưu tiên thực hiện. Thông qua nội soi sẽ cho biết rõ vị trí viêm, tình trạng viêm, đồng thời có thể kết hợp lấy mảnh sinh thiết để làm xét nghiệm tìm vi khuẩn HP. Từ đó cho kết quả chẩn đoán chính xác, làm căn cứ tốt giúp bác sĩ lên phác đồ điều trị chi tiết sau đó.

Chẩn đoán đau bao tử cấp qua nội soi dạ dày

Sinh thiết qua nội soi dạ dày giúp chẩn đoán chính xác về tình trạng đau bao tử cấp cũng như các tổn thương khác ở đường tiêu hóa trên.

4. Xử lý cơn đau bao tử cấp đúng cách

Khi xuất hiện cơn đau tại vùng thượng vị cùng các triệu chứng miêu tả kể trên của đau dạ dày cấp, tốt nhất người bệnh nên chủ động đi khám càng sớm càng tốt để được chẩn đoán đúng nguyên nhân và chữa trị bệnh kịp thời.

Đối với cơn đau dạ dày cấp, trước hết sẽ cần ưu tiên điều trị triệu chứng trước bao gồm giảm đau, chống viêm, chống xuất tiết dịch vị và chống nôn để giảm khó chịu cho người bệnh cũng như ngăn ngừa tổn thương ở niêm mạc thêm nghiêm trọng.

Sau đó, cần xác định chính xác nguyên nhân đau dạ dày để được điều trị đúng phác đồ. Như đã nói ở trên, phần lớn đau dạ dày do nhiễm HP dương tính. Với trường hợp này, bác sĩ sẽ lên đúng phác đồ thuốc kháng sinh để tiêu diệt loại bỏ vi khuẩn. Còn nếu đau dạ dày do nguyên nhân ngộ độc thực phẩm sẽ cần được cấp cứu rửa dạ dày càng sớm càng tốt.

Vì vậy, việc nhận biết đúng và sớm các triệu chứng đau bao tử cấp là rất cần thiết. Hãy có cho mình đủ kiến thức để đối phó đúng cách với cơn đau dạ dày khi gặp phải đồng thời tích cực phòng bệnh hiệu quả bằng chế độ ăn khoa học và điều chỉnh thói quen sinh hoạt thật hợp lý.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital