Triệu chứng đau bao tử: Nhận biết sớm, xử lý nhanh

Tham vấn bác sĩ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Vũ Văn Khiên

Phó giám đốc phụ trách Nội soi tiêu hóa

Việc nhận biết sớm các triệu chứng đau bao tử (đau dạ dày) là rất quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả, nhanh chóng, ngăn ngừa bệnh trở nặng và phát triển các biến chứng khôn lường.

1. Thủ phạm gây đau dạ dày là gì?

Đau dạ dày có thể gặp phải ở mọi đối tượng tuy nhiên không phải ai cũng biết được nguyên nhân nào gây đau. Dưới đây là một số yếu tố làm tăng nguy cơ đau dạ dày:

– Nhiễm vi khuẩn HP: Có tới 75% các trường hợp bị đau dạ dày đến từ việc nhiễm khuẩn HP. HP phát triển tại dạ dày sẽ tạo ra những tổn thương cho lớp niêm mạc và dần hình thành nên các ổ viêm loét tại đây;

– Thường xuyên hút thuốc lá hoặc sinh hoạt lâu ngày trong môi trường có khói thuốc;

– Chế độ ăn uống không đảm bảo: ăn đồ chua, cay, nóng, ăn uống mất vệ sinh an toàn thực phẩm,…;

– Lạm dụng bia rượu và đồ uống có cồn khác hay các chất kích thích: rượu bia có hại cho niêm mạc dạ dày, tạo thêm các vết loét mới và nếu để lâu ngày sẽ tăng nguy cơ chảy máu, thậm chí là biến chứng thủng bao tử;

– Do áp lực, stress lâu ngày gây kích thích co bóp dạ dày và tăng hoạt động nhu động ruột, từ đó sẽ đau bao tử thêm nghiêm trọng.

Nguyên nhân gây đau bao tử

Nhiễm vi khuẩn HP dương tính là nguyên nhân hàng đầu gây đau dạ dày.

2. Các triệu chứng đau bao tử điển hình

Hầu hết các trường hợp đau bao tử thường có những triệu chứng khá điển hình và rõ rệt nhất là ở giai đoạn đầu. Nếu người bệnh chủ quan bỏ qua, bệnh có thể chuyển sang giai đoạn tiến triển âm thầm. Lúc này, các triệu chứng mờ nhạt hơn có thể chỉ gây cơn đau bụng âm ỉ nhưng thực chất các tổn thương vẫn ngày đêm phát triển.

Người bệnh hãy chú ý tới các triệu chứng sau đây:

2.1. Đau thượng vị là triệu chứng đau bao tử điển hình đầu tiên

Đau vùng bụng thượng vị là dấu hiệu thường có và điển hình khi bị đau dạ dày. Người bệnh sẽ cảm thấy bị đau dữ dội hoặc chỉ đau âm ỉ tùy theo mức độ bệnh. Kèm theo đó là cảm giác tức vùng bụng, nóng rát rất khó chịu.

Về vị trí đau bao tử có thể từ bụng lên ngực hoặc đau lan ra cả sau lưng. Cơn đau thường xuất hiện trong khoảng từ 1-2 tuần ở trong giai đoạn đầu của bệnh và bắt đầu tái đi tái lại nhất là khi thời tiết thay đổi hoặc giao mùa. Nếu để tình trạng này không được xử lý sớm có thể sẽ chuyển qua bị đau triền miên.

Triệu chứng đau bao tử điển hình

Đau bụng vùng thượng vị là triệu chứng điển hình giúp nhận biết cơn đau bao tử.

2.2. Ăn uống kém hơn

Người bệnh bị đau dạ dày thường có dấu hiệu kém ăn rõ rệt thể hiện bởi lượng thức ăn bị giảm đi hoặc ăn không ngon miệng.

Nguyên nhân dẫn tới biểu hiện này là bởi thức ăn được tiêu hóa chậm. Sau khi ăn, người bệnh bị chướng bụng, đầy bụng, khó tiêu, cảm giác nặng nề, ấm ách, nghiêm trọng hơn là buồn nôn và nôn ra hết thức ăn.

2.3. Ợ hơi, ợ chua, ợ nóng

Ợ chua, ợ hơi gây ra sự khó chịu cho người bệnh và trực tiếp ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.

Nguyên nhân của biểu hiện này là do hoạt động dạ dày bị rối loạn nên thức ăn khó được tiêu hóa. Khi đó, thức ăn dễ bị ứ đọng lại và lên men. Người bệnh sẽ cảm thấy vị đắng hoặc bị chua khi thức ăn hoặc hơi trào ngược lên họng nhưng chỉ lên nửa chừng. Người bệnh sẽ cảm thấy đau ở vùng ức mũi hoặc đau sau xương ức.

2.4. Cảm giác buồn nôn, nôn

Như đã nói ở trên, khi hoạt động tiêu hóa ở dạ dày bị kém đi nhiều làm ứ trệ thức ăn sẽ dẫn đến cảm giác buồn nôn và nôn. Đây là biểu hiện của nhiều loại bệnh lý như viêm dạ dày cấp, viêm loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, thậm chí còn có thể là ung thư.

Hệ lụy của việc nôn nhiều khiến cho tình trạng mất nước và mất điện giải trong dịch dạ dày xảy ra. Nặng hơn có thể là hạ huyết áp, trụy tim mạch, sút cân nhanh dẫn đến thiếu máu, bị phù nề…

2.5. Chảy máu tiêu hóa là triệu chứng đau bao tử nguy hiểm

Biểu hiện khi bị chảy máu tiêu hóa thường là nôn ra máu tươi hoặc máu đen, máu lẫn trong phân, đau bụng dữ dội. Người bệnh sẽ cảm thấy choáng váng, chóng mặt, hoa mắt, tụt huyết áp nếu bị xuất huyết nặng dẫn tới mất máu cấp.

Chảy máu tiêu hóa là biến chứng rất nguy hiểm cảnh báo bệnh đau dạ dày, viêm loét dạ dày, ung thư dạ dày,… Nếu bệnh không được xử lý kịp thời, người bệnh còn có thể bị nguy hiểm tới tính mạng.

Xuất huyết tiêu hóa khi bị đau dạ dày

Xuất huyết tiêu hóa là triệu chứng cảnh báo về mức độ nguy hiểm và nghiêm trọng của bệnh.

3. Cần làm gì khi nhận thấy nghi ngờ đau bao tử?

Khi gặp các dấu hiệu nghi ngờ trên, người bệnh nên sớm đến bệnh viện để được thăm khám, chẩn đoán nguyên nhân chính xác có phải do đau dạ dày không hay đến từ một vấn đề sức khỏe khác. Nếu chẩn đoán là đau dạ dày, người bệnh sẽ cần thực hiện điều trị tích cực tránh bệnh tiến triển nặng hơn và gây ra các biến chứng nguy hiểm.

Bên cạnh điều trị theo đúng phác đồ bác sĩ chỉ định, người bệnh cũng có thể áp dụng 1 số mẹo sau để giảm triệu chứng đau bao tử cũng như hỗ trợ điều trị bệnh một cách hiệu quả hơn như chườm nóng massage vùng bụng, uống sữa ấm, sử dụng nghệ mật ong, ăn đồ ăn dễ tiêu hóa,…

Nhận biết đúng và sớm các triệu chứng đau bao tử là cách hỗ trợ tốt nhất cho việc điều trị. Thực hiện điều trị càng sớm sẽ càng mang lại nhiều lợi ích: phương pháp đơn giản, hiệu quả nhanh chóng, tiết kiệm chi phí.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital