Trị đau dạ dày với 7 mẹo dân gian hữu ích

Tham vấn bác sĩ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Vũ Văn Khiên

Phó giám đốc phụ trách Nội soi tiêu hóa

Đau dạ dày là vấn đề tiêu hóa phổ biến. Bệnh có thể xảy ra với bất cứ ai, trong bất cứ giai đoạn nào của cuộc đời. Để nhanh chóng khắc phục cơn đau khó chịu mà không phải dùng thuốc, người bệnh thường tìm đến các mẹo dân gian giúp trị đau dạ dày. 

1.  Lưu ý khi sử dụng mẹo dân gian chữa bệnh

Hiện nay, trị đau dạ dày bằng mẹo dân gian đang là một phương pháp được nhiều người bệnh áp dụng bên cạnh các phác đồ điều trị hiện đại. 

Các mẹo dân gian sử dụng nguyên liệu tự nhiên (đa phần là các loại thảo dược) được đánh giá là lành tính, do đó thường được sử dụng để kiểm soát bệnh lâu dài. Tuy nhiên, cần lưu ý phương pháp này chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ làm thuyên giảm triệu chứng, không thể trị khỏi bệnh dứt điểm. Do đó, chỉ phù hợp với những cơn đau dạ dày từ nhẹ đến vừa, khi các tổn thương viêm còn nông và chưa gây ra nhiều ảnh hưởng.

Trường hợp người bệnh đã bị đau nhiều lần trong khoảng thời gian dài, cần có các giải pháp đặc trị mới có thể đẩy lùi bệnh. Do đó, bệnh nhân cần sớm thực hiện thăm khám với bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và có phác đồ điều trị phù hợp. Lúc này, các mẹo dân gian có thể được sử dụng đồng thời với mục đích hỗ trợ điều trị bệnh tại nhà (sau khi tham khảo ý kiến bác sĩ).

2.  Mẹo dân gian được sử dụng phổ biến trong điều trị đau dạ dày

Trong rất nhiều bài thuốc dân gian được sử dụng, Thu Cúc TCI tổng hợp 7 cách làm được người bệnh sử dụng nhiều nhất, dễ dàng thực hiện tại nhà:

2.1 Trị đau dạ dày nhờ nghệ và mật ong

Hỗn hợp nghệ mật ong vẫn được xem là bài thuốc chữa đau dạ dày tốt nhất xưa nay. Hoạt chất curcumin có trong nghệ được công nhận về khả năng chống viêm, kháng khuẩn cao. Đồng thời giúp trung hòa axit dịch vị và hỗ trợ làm lành những tổn thương tại niêm mạc dạ dày.

Trị đau dạ dày nhờ viên tinh nghệ mật ong

Trị đau dạ dày nhờ viên tinh nghệ mật ong

Người bệnh thực hiện bằng cách sử dụng bột nghệ tươi trộn với mật ong nguyên chất theo tỷ lệ 2:1. Tiếp đến nặn hỗn hợp thành các viên nhỏ vừa dùng (khoảng 5g) rồi cho vào bảo quản kín trong hũ thủy tinh. Người bệnh sử dụng các viên tinh nghệ mật ong cùng với nước ấm 2 lần mỗi ngày, mỗi lần 3 viên ít nhất trong 14 ngày để nhận thấy hiệu quả.

2.2 Sử dụng gừng

Gừng ngoài là gia vị quen thuộc trong căn bếp gia đình còn có tác dụng tuyệt vời đối với sức khỏe, đặc biệt là với người đau dạ dày. Với các công dụng như giảm khó tiêu, đầy bụng, chống buồn nôn, hạn chế các cơn co thắt ruột, kích thích tiêu hóa…, sử dụng gừng cho thấy hiệu quả làm dịu cơn đau dạ dày rõ rệt. Chưa kể gừng còn có khả năng giảm tiết axit dạ dày và tăng lưu thông máu đến dạ dày giúp nhanh chóng chữa lành tổn thương. 

Cách sử dụng gừng chữa đau dạ dày rất đơn giản. Người bệnh cạo sạch vỏ gừng và đập dập, sau đó cho gừng vào ấm đun với nước trong 5 phút. Nước gừng sau đun rót ra cốc để cho bớt nóng thì cho thêm mật ong vào nguấy đều. Uống nước gừng sau bữa sáng từ 20 – 30 phút để gừng phát huy hết công dụng.

Lưu ý với mẹo trị đau dạ dày bằng gừng, nguyên liệu này dù an toàn song không phù hợp với những bệnh nhân xuất huyết dạ dày vì nguy cơ làm tăng tình trạng chảy máu. Người bệnh có các biểu hiện đi ngoài phân đen, nôn ra dịch có dính máu, sốt cao,… không nên dùng gừng.

2.3 Bài thuốc chữa đau dạ dày bằng nha đam 

Thành phần glycoprotein được tìm thấy trong nha đam được xác nhận là một chất kháng viêm tự nhiên. Sử dụng nha đam có thể giúp chống sưng, thu nhỏ vết loét và chữa lành tổn thương dạ dày. Bên cạnh đó nha đam cũng chứa nhiều axit amin, vitamin có tác dụng kích thích hệ tiêu hóa, giải độc, làm dịu cảm giác đau dạ dày.

Để sử dụng, người bệnh lấy một nhánh nha đam tươi, gọt sạch vỏ, loại bỏ phần nhựa và lấy phần thịt. Thịt nha đam có thể ép lấy nước uống hoặc cắt hạt lựu nấu cùng với đường phèn. Người bệnh nên sử dụng trước ăn 15 – 30 phút, từ 2 – 3 lần mỗi ngày. 

2.4 Dùng trà hoa cúc 

Hoa cúc chứa các hợp chất như polyphenol có tác dụng thư giãn hệ tiêu hóa, hạn chế các cơn co thắt, đồng thời giảm triệu chứng khó tiêu, buồn nôn… Do đó, đây là một loại thảo dược hữu ích trong điều trị chứng đau dạ dày. 

Thưởng thức 2 – 3 tách trà hoa cúc mỗi ngày không chỉ giúp giảm đau dạ dày mà còn giúp người bệnh thư giãn, giảm căng thẳng thần kinh và ngủ ngon hơn.

2.5 Lá bạc hà hỗ trợ trị đau dạ dày

Người bệnh có thể sử dụng lá bạc bà hãm với nước sôi để uống nhằm giảm đau dạ dày. Menthol và methyl salicylate có trong bạc hà có tác dụng tuyệt vời trong việc kháng khuẩn, chống co thắt cơ bắp trong ruột. 

Dầu bạc hà pha loãng trong nước còn đem lại hiệu quả trong kiểm soát triệu chứng đau do hội chứng ruột kích thích. Đồng thời giúp dịch tiêu hóa đẩy nhanh quá trình phân hủy thức ăn, tăng khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng và đào thải cặn bã. 

Với các triệu chứng khó tiêu, đầy hơi, buồn nôn, sử dụng bạc hà cũng đem lại hiệu quả thuyên giảm triệu chứng đáng kể. 

2.6 Mẹo chữa đau dạ dày bằng đậu rồng

Đậu rồng chứa nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe đường tiêu hóa

Đậu rồng chứa nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe đường tiêu hóa

Đậu rồng trồng chủ yếu ở các tỉnh phía Nam, là thực phẩm có hàm lượng dinh dưỡng cao và đem lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe. Đối với hệ tiêu hóa, các thành phần trong đậu rồng như men tiêu hoá, protit, gluxit, lipit và lượng chất xơ dồi dào đem lại hiệu quả rất tốt cho hoạt động của dạ dày.  

Để trị đau dạ dày bằng đầu rồng, mỗi ngày trước khi ăn sáng, người bệnh thực hiện nhai sống từ 10 – 12 hạt đậu rồng già và nuốt. Một cách khác là bệnh nhân có thể tán hạt đậu rồng thành bột để pha cùng nước uống mỗi ngày. Đối với cách làm này, người bệnh cần ít nhất 2 tuần để thấy được hiệu quả.

2.7 Sử dụng lá tía tô

Lá tía tô giúp giảm đau dạ dày, sát khuẩn, giảm viêm loét,…

Lá tía tô giúp giảm đau dạ dày, sát khuẩn, giảm viêm loét,…

Hoạt chất glycosid và tanin trong lá tía tô có tác dụng hiệu quả trọng giảm tiết axit dịch vị dạ dày, đồng thời thúc đẩy làm lành vết loét. Người bệnh sử dụng bằng cách dùng lá tía tô (tươi hoặc khô) rửa sạch, hãm với nước để uống hoặc ăn trực tiếp. Tinh dầu từ lá tía tô tiết ra khi đi vào dạ dày có hiệu quả giảm đau, kháng viêm khi tiếp xúc với những tổn thương tại dạ dày.

Cần lưu ý lá tía tô nên được sử dụng với lượng vừa đủ, mỗi lần từ 10 – 15g để tránh nóng trong người. 

Bên cạnh việc áp dụng các bài thuốc dân gian, người bệnh đồng thời cần duy trì trạng thái tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng và theo đuổi chế độ ăn uống có lợi để việc điều trị bệnh đạt hiệu quả tối ưu. 

Chữa đau dạ dày bằng mẹo dân gian phần lớn đều lành tính, dễ thực hiện nhưng việc điều trị đau dạ dày không thể chỉ phụ thuộc vào các giải pháp dân gian. Nếu cơn đau dạ dày khiến bạn đau đớn, khó chịu và không có khuynh hướng thuyên giảm kể cả khi đã áp dụng các biện pháp tự nhiên, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và có phác đồ điều trị phù hợp. 

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital