Trẻ đi ngoài nhiều lần trong ngày có nguy hiểm?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Trẻ đi ngoài nhiều lần trong ngày luôn là một trong những vấn đề khiến các bậc phụ huynh lo lắng. Vậy hiện tượng này có nguy hiểm hay không, có ảnh hưởng gì đến sự phát triển của trẻ hay cách điều trị như thế nào, những thắc mắc thường gặp của các bạn sẽ được giải đáp ở ngay bài viết dưới đây, cùng tìm hiểu ngay nhé!

1. Trẻ đi ngoài bao nhiêu lần trong một ngày là bình thường?

Đối với trẻ trong tháng, tần suất đi ngoài dao động trong khoảng từ 4 đến 10 lần một ngày được xem là mức bình thường.

Đối với trẻ khi ra tháng, mỗi trẻ sẽ có tần suất đi ngoài riêng. Có trường hợp trẻ có thể đi nhiều lần trong một ngày, tuy nhiên cũng có trẻ chỉ đi ngoài khoảng từ 2 ngày/lần. Với những trường hợp này, nếu như con vẫn bú ngoan và tăng cân đều đặn thì phụ huynh không cần phải quá lo lắng bởi con vẫn đang phát triển tốt.

Tuy nhiên, nếu như trẻ có dấu hiệu đi ngoài đột ngột với tần suất cao hơn mức bình thường thì phụ huynh nên chú ý. Ngoài ra, một số trường hợp trẻ thay đổi tính chất phân như phân đổi màu, phân có mùi chua hay sủi bọt… Lúc này, phụ huynh cần đưa trẻ đi thăm khám tại bệnh viện hoặc các cơ sở uy tế để sớm tìm ra nguyên nhân cũng như biện pháp điều trị đúng cách.

Phụ huynh cần chú ý nếu như ở trẻ đột nhiên có biểu hiện đi ngoài với tần suất nhiều hơn mức bình thường

Phụ huynh cần chú ý nếu như ở trẻ đột nhiên có biểu hiện đi ngoài với tần suất nhiều hơn mức bình thường

2. Nguyên nhân trẻ đi ngoài nhiều lần?

Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng đi ngoài nhiều lần của trẻ. Tuy nhiên, phụ huynh cần đặc biệt lưu ý đế một số nguyên nhân chính như sau:

2.1 Tiêu chảy

Khi trẻ có dấu hiệu đi ngoài từ 8 đến 10 lần trong ngày, đi phân lỏng toàn nước, thậm chí phân có thể có màu xanh, có nhầy hoặc máu. Cùng với đó, ở trẻ xuất hiện biểu hiện khó chịu, quấy khóc, bú kém hoặc sốt, nôn. Đây chính là dấu hiệu cảnh báo trẻ bị tiêu chảy. Nếu như không điều trị kịp thời, tiêu chảy ở trẻ sẽ diễn biến rất nhanh. Nguy hiểm nhất có thể kể đến tình trạng mất nước sẽ dẫn đến suy thận, suy hô hấp và nguy cơ tử vong

2.2 Trẻ bị dị ứng với sữa mẹ

Chế độ dinh dưỡng của người mẹ đang cho con bú có ảnh hưởng rất lớn đến hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh. Chính vì vậy, đây cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ bị đi ngoài nhiều lần. Tốt hơn hết, mẹ nên xem xét chế độ dinh dưỡng hàng ngày của mình, bổ sung nhiều dưỡng chất tốt cho cơ thể đồng thời loại bỏ những thực phẩm không tốt cho sữa mẹ.

Dị ứng với sữa mẹ có thể là một trong những nguyên nhân khiến cho trẻ đi ngoài nhiều lần trong ngày

Dị ứng với sữa mẹ có thể là một trong những nguyên nhân khiến cho trẻ đi ngoài nhiều lần trong ngày

2.3 Trẻ nhiễm ký sinh trùng

Ký sinh trùng Giardia Lamblia lây lan qua nguồn nước hoặc thực phẩm. Đây có thể là một trong những thủ phạm hàng đầu dẫn tới việc trẻ đi ngoài nhiều lần. Khi bị nhiễm ký sinh trùng, trẻ sẽ xuất hiện những triệu chứng tiêu chảy. Ví dụ như: Tiêu chảy tóe nước, có máu trong phân… Ngoài ra, ký sinh trùng cũng làm ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ chất béo của cơ thể khiến trẻ thường xuyên đau bụng, đầy hơi, chán ăn, buồn nôn và đôi khi là sốt nhẹ.

2.4 Trẻ đi ngoài nhiều lần trong ngày do dị ứng với thức ăn

Protein có trong thực phẩm là thành phần chủ yếu gây ra dị ứng ở trẻ dẫn tới đi ngoài. Bên cạnh đi ngoài liên tục, trẻ còn xuất hiện các biểu hiện khác. Điển hình như: Đau bụng, buồn nôn, khó thở, … Thậm chí ở một vài trường hợp nghiêm trọng có thể đi kèm các triệu chứng huyết áp giảm. Nhóm thức ăn gây dị ứng nhiều nhất là trứng, hải sản, cá, lạc.

2.5 Trẻ đi ngoài nhiều lần do sử dụng thuốc kháng sinh

Thuốc kháng sinh cũng là một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng đi ngoài nhiều. Một số loại thuốc kháng sinh có vai trò tiêu diệt vi khuẩn có hại. Tuy nhiên, chúng lại gây ra tác dụng phụ. Sự cân bằng hệ vi sinh đường ruột bị mất gây loạn khuẩn ruột. Từ đó, bé không chỉ đi vệ sinh nhiều lần trong ngày mà phân cũng trở nên lỏng lẫn chất nhầy. Đôi khi phân có màu xanh hoặc vàng, có bọt, đôi khi phân lẫn máu.

3. Trẻ em đi ngoài nhiều lần trong ngày có nguy hiểm hay không?

Khi đi ngoài chứa toàn phân lỏng, toàn nước, cơ thể con sẽ bị hao hụt một lượng nước lớn và điện giải. Tình trạng này để kéo dài là vô cùng nguy hiểm. Con sẽ phải đối mặt với các nguy cơ như:

– Kiệt nước dẫn tới tử vong

– Suy thận cấp, hạ huyết áp, ngất xỉu và hôn mê

– Suy dinh dưỡng

Chính vì vậy, để có câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc trẻ bị đi ngoài nhiều lần có nguy hiểm hay không thì trước tiên, phụ huynh cần đánh giá tình trạng mất nước của trẻ theo những cấp độ sau:

– Ở cấp độ nhẹ, trẻ chỉ có biểu hiện khát nước, môi khô hoặc da khô.

Lúc này, mẹ cần tăng cường cho con bổ sung nước. Có thể là nước trái cây không đường hoặc dung dịch điện giải. Lưu ý cần tránh tuyệt đối nước ngọt có gas để tránh làm tình trạng đi ngoài nặng thêm.

– Ở cấp độ vừa và nặng, trẻ xuất hiện các biểu hiện như: Đi ngoài kèm theo nôn ói liên tục, ngủ li bì, không chịu uống nước, không chịu bú…

Với trường hợp kể trên, phụ huynh cần đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt. Nếu như trẻ bị mất nước nặng, bác sĩ sẽ chỉ định truyền dịch để bổ sung điện giải nhanh.

4. Các biện pháp cải thiện tình trạng trẻ đi ngoài nhiều lần

Khi trẻ bị đi ngoài nhiều lần, bên cạnh việc theo dõi tình trạng phân cũng như số lần đi ngoài của trẻ. Phụ huynh đừng quên kiểm tra lại chế độ ăn uống hàng ngày của trẻ để tìm ra nguyên nhân. Ngoài ra, chúng ta cũng cần lưu ý thực hiện một số biện pháp như:

– Bổ sung nước và chất điện giải oresol để bù lại lượng nước đã mất khi đi ngoài quá nhiều

– Vệ sinh, tắm rửa sạch sẽ để tránh nhiễm khuẩn. Sau vệ sinh chú ý nhắc nhở trẻ rửa tay bằng xà phòng

– Chú ý giữ cho môi trường sống sạch sẽ. Các vật dụng và đồ chơi của trẻ cũng cần được làm sạch, khử trùng thường xuyên

– Chế biến các món ăn mềm, dễ tiêu hóa. Ví dụ như cháo, súp, canh, … Lưu ý, không cho trẻ ăn quá mặn hoặc các loại gia vị dễ kích ứng dạ dày.

– Nhỏ Rota cho con đầy đủ để phòng ngừa tiêu chảy do Rotavirus

Tuy nhiên, vẫn có trường hợp đã thực hiện những biện pháp trên mà không thấy hiệu quả. Khi này, phụ huynh nên đưa con đi thăm khám tại các cơ sở y tế hoặc bệnh viện.

Mẹ đừng quên tắm rửa sạch sẽ cho trẻ để hạn chế nhiễm khuẩn

Mẹ đừng quên tắm rửa sạch sẽ cho trẻ để hạn chế nhiễm khuẩn

Hi vọng rằng với những thông tin trên, phụ huynh đã có cho mình đáp án về việc trẻ đi ngoài nhiều lần trong ngày.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital