Viêm phế quản là bệnh lý thường gặp ở trẻ nhất là trẻ nhỏ. Vậy khi trẻ bị viêm phế quản mẹ nên làm gì để bảo tốt sức khỏe cho con?
Menu xem nhanh:
1. Đôi nét về bệnh viêm phế quản
1.1. Mẹ có biết khi nào trẻ bị viêm phế quản?
Phế quản (cuống phổi) là bộ phận rất dễ bị viêm nhiễm cấp tính do nguyên nhân virus. Đây là bệnh rất phổ biến ở trẻ em, nhất là những trẻ ở độ tuổi từ 6 đến 36 tháng.
Những trẻ ở tầm dưới 1 tuổi do sức đề kháng kém nên mỗi khi thời tiết chuyển mùa rất dễ mắc phải bệnh viêm phế quản. Bệnh có thể xuất hiện song song hoặc sau khi trẻ mắc phải những bệnh khác trên đường hô hấp như cúm, sởi, ho gà,… Cha mẹ nên tăng cường sức đề kháng cho trẻ hoặc cho trẻ đi tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm đầy đủ nhằm giảm nguy cơ viêm phế quản do biến chứng bởi các bệnh khác.
1.2. Triệu chứng cảnh báo trẻ bị viêm phế quản là gì?
Virus là nguyên nhân chính gây ra viêm phế quản giai đoạn đầu, thường gặp ở trẻ sau khi bị cảm lạnh, sổ mũi, ho, viêm hô hấp trên.
Nếu như bé có những biểu hiện cảm lạnh, sổ mũi, ho cùng với sốt kéo dài trong nhiều ngày hoặc ho kéo dài từ 2-3 tuần mà không đỡ thì rất có thể bé đã bị viêm phế quản cấp. Bé bị viêm phế quản ho nhiều, đau rát họng và khạc đờm trắng hoặc xanh, vàng. Không chỉ bị sốt, trẻ còn có thể bị đau ngực, chán ăn, mệt mỏi, nôn trớ.
Bên cạnh đó, bé bị viêm phế quản phổi có thể do hít phải bụi bẩn, không khí ô nhiễm, khói thuốc lá. Viêm phế quản phổi dễ bị nhầm lẫn với các bệnh hô hấp khác, do bệnh này có dấu hiệu giống với các bệnh đường hô hấp thông thường khác. Bé bị viêm phế quản phổi thường có dấu hiệu như sốt cao 39-40 độ C, ho, mũi có dịch màu, xanh, thở gấp, có các triệu chứng viêm phế quản nặng (bỏ bú, bỏ ăn, rút lõm lồng ngực, …)
2. Trẻ viêm phế quản mẹ cần làm gì?
Khi thấy trẻ có dấu hiệu khó thở, bú kém, tím tái; có biến chứng (suy hô hấp, viêm phổi, xẹp phổi…); có yếu tố nguy cơ trên nên đưa trẻ đến bệnh viện sớm.
Viêm phế quản không phải bệnh phức tạp nên có thể trị dứt điểm được nếu được điều trị đúng cách. Bố mẹ cần lưu ý những điểm sau khi chăm sóc trẻ để có thể giúp trẻ nhanh khỏi bệnh nhất.
Với các trường hợp nhẹ, không có biến chứng, không có yếu tố nguy cơ thì có thể được chăm sóc tại nhà bằng việc cho trẻ bú hay ăn uống đầy đủ. Cụ thể như cho trẻ uống nhiều nước, làm thông thoáng mũi cho trẻ để giúp trẻ dễ thở hơn. Có thể nhỏ mũi 2-3 giọt nước muối sinh lý, sau đó làm sạch mũi cho trẻ. Cho trẻ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Tránh khói thuốc lá vì có thể làm bệnh của trẻ nặng hơn và dễ trở thành bệnh hen sau này.
– Khi trẻ viêm phế quản do vi rút, cha mẹ không nên cho trẻ uống thuốc kháng sinh vì thuốc không có tác dụng trong điều trị virus. Tốt nhất là hỗ trợ giúp trẻ nhanh long đờm bằng các loại thuốc ho long đờm hoặc vỗ rung long đờm, cho trẻ ăn uống đủ chất, tăng cường nhiều loại hoa quả rau xanh để tăng cường sức đề kháng thì bệnh có thể tự khỏi sau vài ngày.
– Trẻ trong độ tuổi sơ sinh thì mẹ cần tăng cường cho bé bú để tăng cường nước, chất dinh dưỡng và kháng thể có trong sữa mẹ. Với những trẻ đã được ăn dặm thì mẹ cần để ý chế độ ăn của trẻ, giảm những loại thực phẩm khó tiêu và tăng cường những loại chất có khả năng tạo kháng thể tự nhiên.
– Rửa mũi đúng cách cho trẻ bằng nước muối sinh lý ấm thường xuyên nhằm loại bỏ bớt dịch mũi họng, giúp trẻ dễ thở, tránh dịch tiết chảy xuống đường hô hấp dưới.
– Giữ ấm cơ thể cho trẻ nhưng đối với những trường hợp trẻ bị sốt thì không được ủ ấm. Cần mặc quần áo thoáng mát và thấm mồ hôi. Chườm ấm ở những vùng nách, cổ, bẹn. Nếu trẻ sốt cao thì cần hạ sốt cho trẻ bằng thuốc nhưng phải tham khảo ý kiến của bác sĩ.
– Nếu các vấn đề của trẻ không thuyên giảm mà có xu hướng tăng nặng hơn thì cần nhanh chóng đưa trẻ đi khám để được bác sĩ xác định chính xác nguyên nhân và điều trị cho trẻ kịp thời.
Lưu ý chế độ ăn cho những trẻ mắc viêm phế quản mà mẹ cần ghi nhớ
Bổ sung những chất dinh dưỡng cần thiết là cách để trẻ mau hồi phục sức khỏe khi mắc bệnh viêm phế quản:
– Tăng cường ăn các loại trái cây tươi và rau xanh, ưu tiên các loại rau của quả có nhiều chất oxy hóa như: cà rốt, dâu tây, rau chân vịt,…những loại rau củ quả này có nhiều vitamin giúp
hệ miễn dịch của trẻ khỏe hơn, chống lại viêm nhiễm tại phế quản.
– Bổ sung vào các bữa ăn chính của trẻ các loại thực phẩm nhiều dinh dưỡng nhưng vẫn dễ tiêu hóa như: trứng gà, đậu phụ, bột mì, ngũ cốc…
– Cho trẻ uống thêm các loại sữa hoặc chế phẩm từ sữa như sữa chua hoặc sữa đậu nành với hàm lượng chất béo không cao, tốt cho khả năng tiêu hóa của trẻ.
– Trẻ khi bị bệnh thường cảm thấy chán ăn, khó nuốt do đau họng nên mẹ hãy chế biến thức ăn dạng mềm lỏng cho trẻ như cháo, súp sẽ giúp trẻ dễ ăn, dễ nuốt hơn
– Mẹ nên chia nhỏ bữa ăn để trẻ dễ ăn hơn, tránh nhồi nhét trẻ ăn quá nhiều một lúc có thể khiến trẻ bị nôn trớ.
– Bổ sung nước lọc và nước trái cây cho trẻ để tăng khả năng thải độc tố, giúp giảm sốt và bù nước.
3. Phòng bệnh viêm tiểu phế quản cho trẻ em như thế nào?
– Cho trẻ bú mẹ đến 2 tuổi để tăng cường sức đề kháng cho trẻ.
– Khi bé bị sổ mũi thì bố mẹ cần lấy nước mũi cho bé thường xuyên. Dùng tăm bông đưa vào lỗ mũi để các chất dịch nhầy dính vào và rút ra.
– Nhỏ nước muối sinh lý để sạch khuẩn và vệ sinh phía trong mũi cho trẻ
– Không nên mặc quá nhiều áo cho bé làm cho bé nóng, không khí trong phòng không được quá khô. Nếu cần thiết phải tạo ẩm cho không khí
– Không để cho bé hít phải khói thuốc lá. Khói thuốc lá làm rát phế quản nên trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh nguy cơ nhiễm viêm tiểu phế quản là rất cao.
– Cố gắng cách ly với nguồn bệnh, hạn chế tiếp xúc với người bệnh để tránh lây lan.
Trên đây là những thông tin về bệnh phế quản bị viêm và những lời khuyên dành cho cha mẹ khi chăm sóc trẻ, giúp trẻ nhanh chóng hồi phục hơn khi không may mắc bệnh này.