Trẻ bị nôn nhiều lần trong ngày là dấu hiệu cảnh báo bé đang gặp vấn đề về sức khỏe như mắc phải căn bệnh nào đó liên quan đến đường tiêu hóa. Vậy nguyên nhân là gì và làm thế nào để khắc phục tình trạng này hiệu quả nhất? Trong bài viết ngày hôm nay, chúng tôi sẽ giúp bố mẹ hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Menu xem nhanh:
1. Nguyên nhân khiến trẻ bị nôn nhiều lần trong ngày là gì?
Ở giai đoạn sơ sinh, trẻ rất dễ bị nôn. Tuy nhiên, nếu tần suất nôn diễn ra nhiều lần trong ngày, đó có thể là báo động vấn đề bệnh lý. Một số căn bệnh có thể khiến bé bị nôn nhiều trong ngày, sốt nhẹ và không đi ngoài là:
1.1. Do trẻ bị viêm dạ dày ruột
Rất khó để phân biệt bệnh viêm dạ dày ruột do vi khuẩn hoặc virus gây ra với ngộ độc thức ăn vì dấu hiệu của hai nguyên nhân này khá tương đồng với nhau. Cụ thể là bé sẽ nôn trớ liên tục, cứ 5 – 30 phút con nôn 1 lần và hiện tượng này có thể kéo dài từ 1 – 12 giờ đầu tiên. Tuy nhiên, bố mẹ vẫn có thể phân biệt được thông qua một số triệu chứng như sau:
– Với những bé nôn trớ liên tục do nhiễm virus, bệnh viêm dạ dày ruột sẽ khởi phát đột ngột. Trong trường hợp này, trẻ sẽ sốt và nôn trớ liên tục đi kèm với hiện tượng đau bụng. Tình trạng nôn trớ có thể kéo dài từ 12 – 72 giờ. Ngoài ra, hiện tượng tiêu chảy thường xuất hiện vào ngày đầu tiên hoặc ngày thứ hai nhiễm bệnh. Do đó, nếu bé nôn trớ nhiều nhưng không sốt có thể loại trừ khả năng bị viêm dạ dày ruột do virus, vi khuẩn gây ra.
– Nếu con nôn nhiều nhưng không sốt, có thể nghi ngờ trẻ bị viêm dạ dày ruột do ngộ độc. Dấu hiệu trẻ nôn nhiều lần trong ngày thường bắt đầu xuất hiện khoảng 2 – 12 giờ sau khi bé ăn phải những loại thực phẩm kém chất lượng. Những trẻ bị ngộ độc thức ăn sẽ không sốt. Biểu hiện nôn trớ thường không kéo dài quá 12 tiếng, có thể có hoặc không kèm theo triệu chứng tiêu chảy. Nếu bé sốt và nôn liên tục suốt 12 tiếng đồng hồ, bố mẹ phải nhanh chóng đưa con đến bệnh viện để bác sĩ chẩn đoán bệnh và điều trị kịp thời.
1.2. Do trẻ em bị nhiễm trùng đường tiết niệu
Trẻ sốt vài ngày và đôi khi đi kèm với tình trạng đi tiểu thấy đau rát, nôn ói hoặc nước tiểu có mùi hôi khó chịu thì có thể là do con bị nhiễm trùng đường tiết niệu.
1.3. Do trẻ bị tắc ruột
Căn bệnh này xảy ra khi ruột của con bị xoắn lại. Mặc dù đây là hiện tượng hiếm gặp nhưng lại rất nguy hiểm. Thậm chí, trẻ phải được cấp cứu càng sớm càng tốt. Dấu hiệu dễ nhận biết nhất của bệnh tắc ruột ở trẻ em là đau bụng dữ dội. Do đó, nếu con không đau bụng hoặc chỉ đau bụng vừa thì việc bé bị nôn liên tục không phải vì tắc ruột.
Các biểu hiện của tắc ruột bao gồm đau bụng dữ dội, đột ngột, từng cơn hoặc liên tục, nôn nhiều, kèm theo đi đại tiện, vã mồ hôi, làn da trở nên nhợt nhạt và tình hình bệnh càng ngày càng xấu đi.
1.4. Do trẻ bị lồng ruột
Với trẻ nhỏ, nếu con bị nôn liên tục nhưng không sốt, không muốn ăn uống hoặc bị đau bụng nhưng không đi đại tiện được thì có thể bé bị lồng ruột. Bé cần phải được điều trị cấp cứu ngay. Có nhiều triệu chứng của bệnh lồng ruột ở trẻ em. Ví dụ như bé thường co chân về phía bụng, đi ngoài phân lỏng, người nhợt nhạt, máu trong phân.
2. Bố mẹ cần phải làm gì khi con bị nôn nhiều lần trong ngày?
2.1. Theo dõi dấu hiệu mất nước của trẻ em
Trẻ bị nôn nhiều lần trong một ngày có thể khiến cơ thể bé bị mất nước với những cấp độ khác nhau. Ở mức độ nhẹ, bé thường có những triệu chứng như luôn khát nước, môi khô nhẹ.
Ở mức độ này, bố mẹ có thể theo dõi và chăm sóc con tại nhà. Tuy nhiên, khi trẻ có những biểu hiện nặng như khóc không ra nước mắt, môi khôi, không đi tiểu trong vòng 6 giờ,… Khi đó, bố mẹ cần phải nhanh chóng cho con đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
2.2. Thay đổi chế độ ăn uống của bé
Bố mẹ nên xây dựng cho con một chế độ dinh dưỡng khoa học và lành mạnh gồm những loại thực phẩm dễ tiêu hóa. Với những trẻ đang bú sữa mẹ, mẹ phải tiếp tục cho con con bú và tăng cữ sữa lên. Với những trẻ lớn hơn và đã ăn dặm, bố mẹ nên chia nhỏ các bữa ăn. Đồng thời, hãy cho bé ăn uống theo nhu cầu, không được ép trẻ ăn quá nhiều. Sau mỗi bữa ăn, bố mẹ nên để con nghỉ ngơi. Thời điểm này ta không được chọc bé cười hoặc khóc quá nhiều. Điều này có thể khiến trẻ bị nôn.
2.3. Bù nước cho trẻ
Để giúp con tránh bị mất nước, bố mẹ có thể cho trẻ uống Oresol theo đúng tỷ lệ mà bác sĩ hướng dẫn. Dung dịch Oresol có công dụng phòng ngừa và điều trị tình trạng mất nước do các bệnh lý gây ra và không gây nôn ói nặng hơn. Nếu con không chịu uống hoặc nôn ngay sau khi uống Oresol, bố mẹ phải theo dõi thật cẩn thận các biểu hiện của trẻ và tham khảo ý kiến của bác sĩ.
2.4. Khi nào bố mẹ cần đưa con đến gặp bác sĩ?
Khi nhận thấy trẻ có những biểu hiện sau đây, bố mẹ hãy cho con đến bệnh viện gặp bác sĩ ngay:
– Trẻ nôn ra dịch mật hoặc máu và đau bụng nhiều.
– Trẻ nôn liên tục, nhiều lần trong ngày và kéo dài hơn 24 giờ.
– Bé không ăn uống trong vài giờ đồng hồ.
– Con có những biểu hiện mất nước.
– Trẻ sốt trên 38 độ C hơn 3 ngày hoặc đưa con đi khám ngay khi sốt trên 39 độ C.
– Bé lừ đừ và ngủ gà ngủ gật.
Khi thấy trẻ bị nôn nhiều lần trong ngày kèm những dấu hiệu trên, bố mẹ cần nhanh chóng đưa con đến Hệ thống Y Tế Thu Cúc TCI để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và điều trị kịp thời. Chúc con yêu của bố mẹ mau chóng khỏi bệnh nhé!