Lồng ruột ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng, cách xử trí

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Lồng ruột ở trẻ em là một trong những vấn đề khiến không ít bậc phụ huynh lo lắng. Khi lồng ruột xảy ra, các mạch máu nuôi ruột bị tắc nghẽn, không cung cấp dưỡng chất cho phần ruột bị lồng, gây nguy cơ hoại tử. Phụ huynh cần nhận biết các dấu hiệu của lồng ruột sớm để có thể đưa trẻ đi cấp cứu và can thiệp kịp thời.

1. Thế nào là lồng ruột?

Lồng ruột là cấp cứu thường gặp ở trẻ em, xảy ra khi một phần ruột chui vào bên trong phần ruột kế cận. Tình trạng này có thể xảy ra ở mọi độ tuổi, nhưng thường thấy nhiều nhất ở trẻ từ 4 đến 9 tháng tuổi, đặc biệt là ở những bé thừa cân. Thông tin thống kê cũng cho thấy, tỷ lệ mắc bệnh lồng ruột ở bé trai cao hơn, chiếm tới 70%.

Nguyên nhân gây lồng ruột vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, có một số yếu tố có thể tác động đến nguy cơ mắc lồng ruột ở trẻ, như sự mất cân đối kích thước giữa hồi tràng và van hồi manh tràng, viêm hạch mạc treo ruột, polyp hoặc khối u trong ruột, viêm nhiễm ruột, sẹo tổn thương trong ruột…

Lồng ruột gây tắc nghẽn và ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa thức ăn của trẻ. Ngoài ra, các mạch máu cung cấp dưỡng chất cho ruột cũng bị tắc nghẽn khi lồng ruột xảy ra. Phần ruột bị tắc sẽ nhanh chóng giãn to, dẫn tới thiếu máu, gây viêm nhiễm, sưng phù, hoại tử và xuất huyết.

Trong vòng 48 giờ sau khi lồng ruột xảy ra, chỉ khoảng 2,5% các trường hợp lồng ruột dẫn đến hoại tử. Sau 72 giờ, tỷ lệ hoại tử do lồng ruột tăng lên 80%. Hoại tử ruột do lồng ruột có thể dẫn đến nhiễm khuẩn, nhiễm độc nặng, sốc nhiễm khuẩn và thủng ruột gây viêm phúc mạc, gây nguy hiểm tính mạng cho trẻ.

Nếu trẻ được đưa đến bệnh viện kịp thời sau khi bị lồng ruột, bác sĩ có thể tháo lồng ruột bằng phương pháp sử dụng hơi. Tuy nhiên, nếu trẻ được đưa đến viện muộn hoặc thủ thuật tháo lồng ruột bằng hơi không thành công, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp phẫu thuật phù hợp tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của trẻ.

Lồng ruột là tình trạng về sức khỏe nguy hiểm ở trẻ nhỏ

Lồng ruột là tình trạng về sức khỏe nguy hiểm ở trẻ nhỏ

2. Nguyên nhân lồng ruột ở trẻ em

Nguyên nhân gây lồng ruột không dễ xác định, tuy nhiên, một số yếu tố sau có thể góp phần làm tăng nguy cơ lồng ruột ở trẻ nhỏ:

– Chuyển đổi từ bú sữa sang ăn dặm: Giai đoạn này có thể gây co bóp ruột không đều, đồng thời kích thước đoạn ruột khác nhau cũng là một yếu tố tạo điều kiện cho lồng ruột xảy ra.

Viêm ruột: Sự viêm nhiễm trong ruột có thể khiến việc tiêu hóa gặp khó khăn và tiềm ẩn nguy cơ lồng ruột.

– Các khối u và bệnh lý ruột: Khối u lành tính hoặc ung thư trong ruột non, bệnh túi thừa Meckel, polyp ruột hoặc hậu quả sau các cơn viêm nhiễm cũng có thể góp phần dẫn tới tình trạng lồng ruột.

– Cấu trúc ruột bất thường: Cấu trúc ruột bất thường bẩm sinh có thể là một trong những yếu tố khiến việc lồng ruột dễ xảy ra hơn ở trẻ nhỏ.

– Độ tuổi và giới tính: Nhóm tuổi từ 3 – 6 tháng có nguy cơ lồng ruột cao hơn so với các nhóm tuổi khác. Bé trai có nguy cơ mắc lồng ruột cao hơn gấp 2 – 3 lần so với bé gái, đặc biệt là khi bé thừa cân, béo phì.

– Tiền sử lồng ruột: Nếu trẻ đã từng bị lồng ruột trước đây, khả năng mắc lại tình trạng này sẽ cao hơn…

Tuy nguyên nhân lồng ruột không được xác định rõ ràng, nhưng nhận biết và theo dõi các yếu tố nguy cơ có thể giúp phụ huynh phát hiện sớm và can thiệp kịp thời.

3. Dấu hiệu trẻ lồng ruột

3.1. Giai đoạn đầu

Các dấu hiệu của lồng ruột ở trẻ nhỏ mà cha mẹ có thể nhận biết bao gồm:

– Ngừng bú: Trẻ đột ngột từ chối bú hoặc không bú hết sữa.

– Khó chịu trong dạ dày do cảm giác co thắt.

– Khóc thét và gối co lên ngực do đau bụng từng cơn.

– Nôn ói.

– Vã mồ hôi.

– Da xanh xao…

3.2. Giai đoạn nghiêm trọng

– Phân nhầy máu

– Mệt lả

– Khối u nhỏ vùng dạ dày.

– Sốt

– Mất nước

– Tiêu chảy…

3.3. Giai đoạn bắt đầu hoại tử

– Chướng bụng.

– Nôn liên tục.

– Dạ nhợt nhạt.

– Thở nhanh.

– Tim đập nhanh…

Trẻ bị lồng ruột thường quấy khóc, mệt lả, nôn ói… do dạ dày co thắt nhiều

Trẻ bị lồng ruột thường quấy khóc, mệt lả, nôn ói… do dạ dày co thắt nhiều

4. Cách xử trí lồng ruột ở trẻ em

Khi thấy trẻ có dấu hiệu lồng ruột, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám sớm để được điều trị kịp thời. Các biện pháp thường được áp dụng để điều trị xử trí tình trạng lồng ruột ở trẻ là:

– Tháo lồng ruột bằng hơi: Bác sĩ sẽ sử dụng một ống thông nhỏ được đặt vào ruột qua lỗ hậu môn. Áp suất hơi được áp dụng để kéo giãn đoạn ruột bị lồng, giúp khối lồng trở về trạng thái bình thường. Phương pháp này thường có tỷ lệ thành công cao và tránh được phẫu thuật cho trẻ.

– Đặt ống thông qua mũi hoặc dạ dày: Một ống thông có thể được đặt qua mũi hoặc dạ dày để giảm áp lực bên trong ruột non.

Nếu trẻ đến viện muộn hơn 6 giờ hoặc thất bại trong việc tháo lồng ruột bằng hơi, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật để loại bỏ khối ruột bị lồng. Đồng thời, trẻ sẽ được điều trị bằng kháng sinh để kiểm soát nhiễm trùng.

Nếu trẻ nhập viện muộn hơn 24 giờ thì dù phẫu thuật, khả năng hồi sức và chăm sóc sau phẫu thuật cũng sẽ khó khăn hơn. Trẻ có thể đối mặt với nguy cơ suy kiệt và biến chứng nặng, chẳng hạn như viêm phổi, có thể dẫn đến tử vong.

Cha mẹ nên đưa trẻ tới bệnh viện sớm để được bác sĩ xử trí lồng ruột kịp thời

Cha mẹ nên đưa trẻ tới bệnh viện sớm để được bác sĩ xử trí lồng ruột kịp thời

5. Phòng ngừa lồng ruột cho trẻ

Để tránh trẻ bị lồng ruột, phụ huynh nên tuân thủ những biện pháp sau:

– Không cho trẻ vừa ăn vừa chơi đùa, cười to, khóc to, chạy nhảy. Khi cho trẻ ăn dặm, cần điều chỉnh liều lượng và chất lượng thức ăn theo độ tuổi, từ từ tăng dần liều lượng và từ thức ăn lỏng đến đặc. Tránh cho trẻ ăn quá nhiều đạm vì có thể gây khó tiêu hóa.

– Sau khi tháo lồng ruột, không nên ẵm xốc trẻ và tránh để trẻ nhún nhảy, chạy giỡn, cười, khóc quá nhiều.

– Theo dõi và phát hiện sớm các triệu chứng lồng ruột tái phát để đưa trẻ đến viện kịp thời.

– Nếu trẻ bị lồng ruột do các bệnh lý đường tiêu hóa thì cần điều trị dứt điểm để phòng ngừa biến chứng tới ruột và gây lồng ruột.

– Giữ vệ sinh trong ăn uống để tránh khiến trẻ bị tiêu chảy và rối loạn tiêu hóa.

Xây dựng chế độ sinh hoạt khoa học để phòng ngừa lồng ruột ở trẻ em

Xây dựng chế độ sinh hoạt khoa học để phòng ngừa lồng ruột ở trẻ em

Để đối phó với tình trạng lồng ruột ở trẻ em, bố mẹ cần chú ý và phát hiện những dấu hiệu bất thường của trẻ. Khi nhận thấy trẻ có những biểu hiện bất thường thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, nhằm tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital