Bệnh viêm dạ dày ruột: Cách điều trị và phòng ngừa

Tham vấn bác sĩ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Vũ Văn Khiên

Phó giám đốc phụ trách Nội soi tiêu hóa

Bệnh viêm dạ dày ruột có thể gặp ở bất cứ ai, kể cả trẻ nhỏ. Đây là tình trạng viêm niêm mạc tại đường tiêu hóa do nhiễm trùng. Để hiểu hơn về các triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh, mời bạn đọc cùng theo dõi bài viết sau của Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI.

1. Triệu chứng và biến chứng của bệnh viêm dạ dày ruột

1.1. Khái niệm viêm dạ dày ruột

Tình trạng viêm niêm mạc tại đường ruột (dạ dày, ruột non và đại tràng) được gọi là viêm dạ dày ruột. Nhiễm trùng có thể bắt nguồn từ các vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng, cụ thể như sau:

– Vi khuẩn gây bệnh thường gặp gồm: E.coli, Shigella, tụ cầu,…

– Virus gây bệnh: Norovirus và Rotavirus là các chủng phổ biến nhất.

– Ký sinh trùng như Giardia intestinalis, Entamoeba histolytica, Cryptosporidium parvum,…

Viêm dạ dày ruột có thể tự khỏi, tuy nhiên bệnh có thể gây nhiều triệu chứng khó chịu cho người bệnh. Ngoài ra, bệnh có khả năng diễn biến nặng, đặc biệt ở trẻ nhỏ, những người có sức đề kháng kém hoặc bị suy giảm miễn dịch. Vì vậy, bệnh cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đúng cách.

Bệnh viêm dạ dày ruột là gì?

Viêm dạ dày ruột là bệnh lý đường tiêu hóa khá phổ biến, gây ra nhiều triệu chứng khó chịu

1.2. Triệu chứng nhận biết bệnh viêm dạ dày ruột

Các triệu chứng sau đây có thể gặp ở đa số trường hợp bệnh:

– Triệu chứng điển hình nhất của bệnh là tiêu chảy kéo dài.

– Đau bụng, đi kèm với buồn nôn, có thể nôn mửa liên tục.

– Đau đầu, chóng mặt, mất sức, cơ thể mệt mỏi.

– Có thể xuất hiện các cơn ớn lạnh hoặc bị sốt cao.

– Thường xuyên có cảm giác khô miệng và lưỡi, chán ăn, đắng miệng, tiểu ít.

Khi tình trạng tiêu chảy và nôn mửa kéo dài, người bệnh đối mặt với nguy cơ mất nước với các biểu hiện gồm: hôn mê, mất nhận thức, yếu sức, tim đập nhanh bất thường, sốt cao trên 38 độ liên tục trong nhiều ngày,…

Khi gặp các triệu chứng kể trên, người bệnh cần được nhanh chóng đưa tới các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, đảm bảo an toàn cho người bệnh.

1.3. Biến chứng khi mắc viêm dạ dày ruột

Bệnh lý này có thể tự khỏi nhưng cũng có thể tiếp tục tiến triển gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng sức khỏe như:

– Mất nước kéo dài nhiều ngày dẫn đến tụt huyết áp, giảm lượng máu cung cấp tới các cơ quan, ảnh hưởng  đến chức năng thận.

– Viêm da, viêm kết mạc, các biến chứng liên quan đến xương khớp.

– Niêm mạc dạ dày và thành ruột bị tổn thương, ảnh hưởng đến hoạt động tiêu hóa, hấp thu các chất dinh dưỡng.

– Trẻ em là nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề do viêm dạ dày ruột. Trẻ có thể bị thiếu máu, thiếu tiểu cầu và suy thận.

2. Chẩn đoán bệnh viêm dạ dày ruột như thế nào?

Trước hết, viêm dạ dày ruột sẽ được chẩn đoán sơ bộ thông qua các triệu chứng lâm sàng. Bác sĩ sẽ trực tiếp kiểm tra, khai thác các triệu chứng mà người bệnh đang gặp phải.

Sau đó, người bệnh sẽ được chỉ định một số xét nghiệm cận lâm sàng để loại trừ các vấn đề sức khỏe có dấu hiệu tương tự. Các phương pháp chẩn đoán có thể được thực hiện gồm:

– Xét nghiệm phân: Giúp xác định sự có mặt của các vi khuẩn, virus và ký sinh trùng gây bệnh.

Nội soi dạ dày – đại tràng: Nhằm quan sát trực tiếp niêm mạc đường tiêu hóa, đánh giá chính xác vị trí tổn thương, tình trạng, mức độ bệnh.

Chẩn đoán bệnh viêm dạ dày ruột

Viêm dạ dày ruột có thể được chẩn đoán thông qua nội soi dạ dày – đại tràng

3. Phương pháp hiệu quả điều trị viêm dạ dày ruột

Dựa vào kết quả chẩn đoán và tình trạng cụ thể của từng người bệnh, bác sĩ có thể xây dựng các phương án điều trị như sau:

3.1. Bổ sung nhiều nước hỗ trợ điều trị bệnh viêm dạ dày ruột

Viêm dạ dày ruột dễ dẫn đến tình trạng mất nước và các chất điện giải. Do đó, người bệnh cần lưu ý bổ sung nước một cách kịp thời và hiệu quả:

– Uống đủ từ 2 lít nước mỗi ngày, có thể sử dụng nước lọc, oresol, các loại nước ép có lợi cho sức khỏe.

– Sau mỗi lần tiêu chảy, người bệnh nên bổ sung ngay khoảng 200ml nước.

– Nếu có triệu chứng nôn ói liên tục, người bệnh không nên uống nước ngay mà nên đợi từ 5 – 10 phút. Nên uống một cách chậm rãi, không nên vội vàng, tránh tình trạng nôn ói trầm trọng hơn.

– Không uống các loại đồ uống chứa nhiều đường, đồ uống có gas, các loại đồ uống gây kích thích niêm mạc đường tiêu hóa.

3.2. Sử dụng thuốc

Người bệnh có thể được chỉ định sử dụng một số loại thuốc để kiểm soát các triệu chứng viêm dạ dày ruột.

– Loperamide có thể được dùng trong trường hợp bị tiêu chảy quá nhiều. Thuốc có tác dụng giảm số lần đi đại tiện của người bệnh.

– Ibuprofen hoặc Paracetamol giúp đẩy lùi triệu chứng sốt cao, đau đầu.

– Tình trạng nôn mửa có thể được giảm thiểu nhờ prochlorperazine hoặc ondansetron.

Người bệnh cần lưu ý, việc dùng thuốc cần có tư vấn của bác sĩ sau khi thăm khám và chẩn đoán. Sử dụng thuốc đúng chỉ định giúp đảm bảo hiệu quả điều trị cũng như an toàn cho sức khỏe người bệnh.

Điều trị bệnh viêm dạ dày ruột

Người bệnh cần bổ sung đủ nước, cải thiện chế độ ăn uống và tuân thủ chỉ định dùng thuốc của bác sĩ

3.3. Cải thiện chế độ ăn uống

Người bệnh nên áp dụng chế độ ăn uống khoa học để cải thiện tình trạng bệnh:

– Không sử dụng các thực phẩm chứa nhiều chất béo, dầu mỡ, thức ăn cay nóng, khó tiêu.

– Ăn đúng giờ, không bỏ bữa, thực đơn cần đảm bảo đủ dinh dưỡng, ăn nhiều rau xanh để bổ sung khoáng chất và nước.

– Có thể sử dụng bánh mì và gạo nguyên cám trong thực đơn hàng ngày.

6. Cần làm gì để phòng ngừa viêm dạ dày ruột

Để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh, bạn có thể tham khảo áp dụng một số biện pháp sau đây:

– Rửa tay thường xuyên và đúng cách với nước và xà phòng diệt khuẩn, nhất là sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn, sau khi chế biến thức ăn,…

– Giữ vệ sinh nhà ở và môi trường xung quanh, khử trùng bề mặt các đồ vật thường dùng có nguy cơ nhiễm bẩn (như màn hình điện thoại, bàn phím máy tính,…).

– Không dùng chung đồ vệ sinh cá nhân như bàn chải đánh răng, khăn tắm,… với người đang mắc viêm dạ dày ruột.

– Quần áo và các đồ dùng đã bị nhiễm bẩn của người bệnh nên được giặt riêng, tốt nhất là giặt bằng nước nóng để khử khuẩn.

– Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ăn chín uống sôi, sử dụng nguồn nước sạch, không ăn đồ quá hạn, ôi thiu.

– Xây dựng và duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, kết hợp thói quen sinh hoạt khoa học, nghỉ ngơi hợp lý.

– Chủ động thăm khám sức khỏe tiêu hóa định kỳ, đặc biệt là khi có các triệu chứng bất thường.

Trên đây là các thông tin về triệu chứng, biến chứng, cách chẩn đoán và điều trị bệnh viêm dạ dày ruột. Đồng thời, bài viết cũng cung cấp biện pháp phòng ngừa bệnh lý này. Hy vọng bài viết đã mang đến các thông tin hữu ích giúp bạn bảo vệ hiệu quả sức khỏe đường tiêu hóa.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital