Viêm dạ dày ruột có nguy hiểm? Biểu hiện bệnh

Tham vấn bác sĩ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Vũ Văn Khiên

Phó giám đốc phụ trách Nội soi tiêu hóa

Viêm dạ dày ruột hay được biết đến với tên gọi “cúm dạ dày” là bệnh tiêu hóa phổ biến bất cứ ai cũng có thể gặp phải. Đối với trẻ nhỏ, người lớn tuổi, người bị suy giảm miễn dịch, bệnh có thể gây nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Vậy nhận biết tình trạng này như thế nào, cùng xem ngay các giải đáp hữu ích tại bài viết dưới đây.

1. Bệnh học viêm dạ dày ruột

Viêm dạ dày ruột là tình trạng tổn thương viêm xuất hiện tại lớp lót phía trong dạ dày, ruột non và đại tràng. Phần lớn trường hợp bệnh được xác định là do nhiễm trùng gây ra bởi các loại virus, vi khuẩn, ký sinh trùng… Trong đó:

Hai loại virus gây bệnh chủ yếu là rotavirus (thường bắt gặp ở trẻ em) và norovirus (phổ biến hơn ở người lớn)

Các loại vi khuẩn gây hại cho đường ruột như Campylobacter, Shigella, Salmonella và E.Coli…

Ký sinh trùng: Giardia, Cryptosporidium, Entamoeba… 

Một số ít trường hợp viêm dạ dày ruột xảy ra không liên quan đến nguyên nhân truyền nhiễm như: do nuốt phải chất độc hóa học, dị ứng thực phẩm hoặc phản ứng với thuốc. 

Viêm dạ dày ruột gây tình trạng tiêu chảy và nôn mửa thường khiến người bệnh khó chịu và mệt mỏi. Song đối với người trưởng thành khỏe mạnh, bệnh có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Mặt khác, viêm dạ dày ruột vẫn có thể nghiêm trọng với trẻ nhỏ, người già, bệnh nhân suy giảm miễn dịch hoặc có bệnh lý nặng trước đó…

Nhiễm khuẩn là nguyên nhân phổ biến gây viêm dạ dày ruột.

Nhiễm khuẩn là nguyên nhân phổ biến gây viêm dạ dày ruột.

2. Biến chứng viêm dạ dày ruột

Trường hợp thuộc nhóm các đối tượng nguy cơ kể trên, sau đây là các biến chứng người bệnh có thể gặp phải khi mắc viêm dạ dày ruột:

2.1 Viêm dạ dày ruột gây mất nước và chất điện giải

Khi cơ thể người bệnh bị tiêu chảy và nôn mửa liên tục, lượng nước được đưa vào cơ thể qua đường uống có thể không bù hoàn được lượng nước đã mất đi. Lúc này, người bệnh dễ bị tụt huyết áp, giảm lượng cung của máu đến các cơ quan nội tạng của cơ thể. Về lâu dài, nếu không được điều trị người bệnh có thể bị suy thận.

Thông thường, người bệnh được phát hiện mất nước do viêm dạ dày ruột sẽ được tiến hành truyền nước qua tĩnh mạch tại các cơ sở y tế.

2.2 Biến chứng đến các cơ quan khác của cơ thể

Một số ít trường hợp bị viêm dạ dày ruột, người bệnh có thể gặp tình trạng viêm đau khớp, viêm da, viêm kết mạc

Ca bệnh hiếm gặp có thể ảnh hưởng đến màng não và tủy xương gây phù não, hôn mê… 

2.3 Bất dung nạp Lactose

Lactose chứa nhiều trong các chế phẩm từ sữa. Bất dung nạp lactose là tình trạng thiếu hụt enzyme lactase do ruột non tiết ra để phân giải lactose. Do đó người bệnh sẽ gặp khó khăn khi tiêu hóa các loại thực phẩm này. Từ đó dẫn đến các hiện tượng như đầy bụng, đau bụng, đi ngoài phân nước…

Các triệu chứng sẽ thuyên giảm và biến mất nếu bệnh nhân ko uống sữa và thành ruột bị nhiễm trùng được điều trị khỏi. 

2.4 Hội chứng tán huyết ure máu

Là biến chứng hiếm gặp, chỉ xuất hiện ở trẻ em. Bệnh liên quan đến chủng vi khuẩn E.coli gây viêm dạ dày. Như tên gọi, hội chứng này gây tình trạng thiếu máu, xuất huyết giảm tiểu cầu và suy thận. Một số trường hợp gây tăng huyết áp ở người bệnh.

3. Biểu hiện viêm dạ dày ruột ở người bệnh 

Tiêu chảy kèm nôn mửa là triệu chứng điển hình của viêm dạ dày ruột. Trong một ngày, người bệnh có thể đi ngoài từ 3 – 5 lần. Phân đi ra thường lỏng, nát, có thể dính máu nhầy (khi bệnh diễn tiến nghiêm trọng). Đau bụng thường diễn ra cùng lúc với tiêu chảy và chấm dứt sau khi người bệnh đã đi ngoài. 

Người bệnh cũng có thể bị sốt cao, đau đầu, ớn lạnh.

Người bệnh mất nước quá nhiều do nôn ói và tiêu chảy kéo dài có thể cảm thấy miệng lưỡi khô, đi tiểu ít, cơ thể mệt mỏi. Nặng hơn có thể rơi vào hôn mê, rối loạn nhịp tim, cơ thể mất hết sức lực…

Tiêu chảy kèm nôn ói dấu hiệu đặc trưng của bệnh viêm dạ dày ruột.

Tiêu chảy kèm nôn ói dấu hiệu đặc trưng của bệnh viêm dạ dày ruột.

4. Các biện pháp hỗ trợ điều trị bệnh

4.1. Uống nhiều nước

Với người bệnh mất nước do tiêu chảy và nôn ói, cần có biện pháp bù nước nhanh chóng, tránh tình trạng suy kiệt. Sau đi ngoài, bệnh nhân nên bổ sung khoảng 200ml nước. Trường hợp kèm theo nôn, nên uống nước sau từ 5-10 phút, uống từ từ trong khoảng 2 phút. 

Bệnh nhân cao tuổi, trẻ nhỏ có thể được chỉ định dùng thuốc bù nước. Lưu ý, thuốc cần được pha chế đúng liều lượng của nhà sản xuất để đạt hiệu quả. 

Chú ý không nên uống loại nước có chứa nhiều đường, nước ngọt vì sẽ khiến tình trạng tiêu chảy trở nên nặng hơn.

Chú ý không nên uống loại nước có chứa nhiều đường, nước ngọt vì sẽ khiến tình trạng tiêu chảy trở nên nặng hơn.

4.2 Chế độ ăn uống

Trong điều trị các bệnh lý tiêu hóa, chế độ ăn luôn đóng vai trò quan trọng. 

Với người mắc bệnh, cần ăn đủ – đúng bữa, tránh tình trạng bỏ bữa, ăn quá muộn. 

Bệnh nhân cũng cần tránh các thức ăn đóng hộp, nhiều dầu mỡ, chua, cay. 

Đặc biệt không ăn rau sống và trái cây có vỏ cho đến khi hết tiêu chảy. 

Ngoài ra, bệnh nhân có thể bổ sung thêm tinh bột từ gạo, ngũ cốc, bánh mì và các loại canh, súp…

4.3 Sử dụng thuốc điều trị triệu chứng viêm dạ dày ruột

Người bệnh sau khi điều chỉnh chế độ ăn vẫn cảm thấy bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm cần đến cơ sở y tế để được thăm khám. Sau khi có kết luận, người bệnh có thể được chỉ định dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Các loại thuốc bao gồm: thuốc cầm tiêu chảy, thuốc giảm đau hạ sốt, thuốc giảm nôn mửa…

Cần lưu ý chỉ sử dụng thuốc sau khi được chẩn đoán và tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa. Việc sử dụng các thuốc trôi nổi trên thị trường có thể khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.

5. Phòng bệnh viêm dạ dày ruột

Viêm dạ dày ruột là bệnh tiêu hóa gây nhiều mệt mỏi, khó chịu cho người mắc phải. Để hạn chế nguy cơ mắc bệnh, dưới đây là các biện pháp bạn cần lưu ý:

Ăn chín, uống sôi, không cố tận dụng các đồ ăn quá hạn, đảm bảo vệ sinh trong chế biến thực phẩm.

Duy trì thói quen ăn uống lành mạnh. Ăn đủ chất, uống đủ nước. Bổ sung các thực phẩm có lợi cho đường ruột như đạm dễ tiêu, ngũ cốc, bánh mì, sữa chua,…

Không quên rửa tay bằng xà phòng đúng cách trước khi chế biến đồ ăn, khi ăn và sau mỗi lần đi vệ sinh.

Có lịch vệ sinh nhà cửa, đồ dùng trong nhà thường xuyên, đặc biệt là các khu vực có khả năng mang mầm bệnh như phòng vệ sinh, phòng bếp… 

Không dùng chung các đồ cá nhân với người đã nhiễm bệnh. 

Chia thời gian học tập, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý. Người xuất hiện dấu hiệu bệnh lý cần được nghỉ ngơi nhiều hơn.

Nói tóm lại, bệnh viêm dạ dày ruột có thể trở nên nguy hiểm đối với những bệnh nhân có sức đề kháng yếu. Tuy nhiên, người bệnh nói chung cũng không nên chủ quan mà cần thăm khám ngay khi nghi ngờ các triệu chứng bệnh. Đối với các trường hợp có hiện tượng đi ngoài phân lẫn máu, sốt cao, bí tiểu và mất nước nghiêm trọng… bệnh nhân cần nhập viện ngay để được điều trị kịp thời.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital