Chắc hẳn bạn đã từng nghe đến sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang hay sỏi niệu đạo. Vậy bạn đã biết đến sỏi niệu quản nội thành bàng quang hay chưa? Đây là một loại sỏi khá phổ biến của niệu quản được phân chia dựa theo cấu tạo của niệu quản. Hãy theo dõi bài viết sau để cùng tìm hiểu chi tiết về loại sỏi này nhé.
Menu xem nhanh:
1. Sỏi niệu quản ở vị trí nội thành bàng quang và triệu chứng điển hình của bệnh
1.1 Sỏi niệu quản nội thành bàng quang là gì?
Niệu quản là đường ống dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang có độ dài khoảng 25-30cm, đường kính trong 2 – 3 mm, có thể co giãn rộng đến 7mm. Kích thước niệu quản to đều từ trên xuống dưới trừ 3 vị trí hẹp niệu quản tự nhiên là: Đoạn nối niệu quản – bể thận, vị trí niệu quản bắt chéo bó mạch chậu và vị trí ở trong thành bàng quang.
Sỏi niệu quản là sỏi chủ yếu do sự hình thành ở thận và di chuyển xuống niệu quản. Dựa vào vị trí của sỏi nằm trên ống niệu quản nên thông thường sẽ có 3 dạng sỏi niệu quản là sỏi niệu quản ⅓ trên, sỏi niệu quản ⅓ giữa và sỏi niệu quản ⅓ dưới.
Do cấu tạo của niệu quản có các vị trí hẹp tự nhiên nên sỏi cũng dễ mắc tại các vị trí đó. Cụ thể là có khoảng 10% sỏi dễ bị mắc lại là ở khúc nối bể thận và niệu quản. 20% sỏi mắc tại đoạn niệu quản bắt chéo bó mạch chậu. Và có đến 70% sỏi mắc tại vị trí niệu quản nội thành bàng quang.
Vậy sỏi niệu quản nội thành bàng quang không phải là sỏi bàng quang mà là sỏi nằm ở vị trí ⅓ dưới niệu quản nói chung và vị trí hẹp nhất của niệu quản (khoảng 2-3mm) nói riêng, tiếp giáp với bàng quang.
1.2 Triệu chứng của sỏi niệu quản nội thành bàng quang
Niệu quản vốn đã có kích thước nhỏ, đặc biệt tại vị trí đoạn hẹp nhất tiếp giáp với bàng quang, khi sỏi mắc tại đó lâu ngày không được đào thải xuống bàng quang và trôi ra ngoài, sẽ càng có nhiều triệu chứng rõ ràng.
– Các cơn đau thắt lưng xuất hiện, đau quặn khiến người bệnh rất khó chịu, cơn đau có thể kéo dài
– Bệnh nhân có tình trạng tiểu buốt, tiểu rắt, hay buồn tiểu nhưng đi không nhiều, có thể sẽ gặp tình trạng nước tiểu lẫn máu, nước tiểu có màu hồng nhạt
– Ngoài ra người bệnh có thể gặp tình trạng sốt, rét run, bụng trướng…
2. Mức độ nguy hiểm của sỏi niệu quản vị trí nội thành bàng quang
Khi sỏi niệu quản nằm ở vị trí ⅓ dưới nhìn chung sẽ dễ đào thải hơn so với sỏi ở các vị trí phía trên. Tuy nhiên nhiều trường hợp sỏi được đẩy từ niệu quản xuống mắc tại bàng quang, gọi là sỏi bàng quang. Do vậy bạn không được chủ quan mà vẫn phải có phương pháp điều trị triệt để để hệ tiết niệu đồng thời sạch sỏi.
Đặc biệt, sỏi niệu quản nằm ở đoạn nội thành bàng quang nếu không được đẩy xuống bên dưới theo dòng nước tiểu ra ngoài kịp thời sẽ gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm:
– Tắc nghẽn đường tiết niệu gây tổn thương thận: Khi nước tiểu không thể di chuyển bình thường từ thận xuống niệu quản vào bàng quang, sẽ dẫn đến dòng nước tiểu chảy ngược lại vào thận, khiến thận ứ nước và gây tổn thương thận. Từ đó có thể dẫn đến giãn đài bể thận, chức năng thận suy yếu
– Viêm đường tiết niệu: Khi sỏi ở trong niệu quản lâu ngày sẽ cọ xát vào niêm mạc niệu quản làm tổn thương, tạo cơ hội tấn công của vi khuẩn gây viêm nhiễm
– Suy thận: Như đã đề cập phía trên, tình trạng ứ nước, tắc nghẽn kéo dài sẽ dẫn đến suy giảm chức năng thận. Từ đó khiến thận không đảm bảo chức năng lọc dẫn tới tình trạng suy thận. Đây là bệnh lý vô cùng nguy hiểm và tốn nhiều thời gian và tiền bạc để chữa trị.
3. Điều trị sỏi niệu quản vị trí sát thành bàng quang
Tùy vào kích thước của sỏi, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân mà bác sĩ chuyên khoa tiết niệu sẽ đưa ra phác đồ điều trị hợp lý nhất. Phần lớn sỏi có kích thước < 5mm sẽ được bài xuất tự nhiên theo dòng nước tiểu. Khi sỏi có kích thước lớn hơn, có 2 phương pháp điều trị nội khoa và nội soi tán sỏi tân tiến sẽ được ưu tiên áp dụng.
3.1 Điều trị nội khoa
Đối với trường hợp sỏi nhỏ hơn hoặc bằng 5mm thường được điều trị nội khoa. Nghĩa là bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng sỏi của bệnh nhân kê thuốc để bào mòn sỏi, giúp sỏi thoát được ra ngoài bằng nước tiểu.
Bên cạnh đó bác sĩ sẽ đưa ra những lời khuyên về chế độ ăn uống, luyện tập để hỗ trợ quá trình bào mòn sỏi, dễ dàng tống xuất ra khỏi cơ thể nhanh hơn.
Thông thường bệnh nhân sẽ được uống thuốc theo liệu trình, nên người bệnh lưu ý không được tự ý sử dụng thuốc. Việc không dùng thuốc theo chỉ định có thể gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến các cơ quan khác trong cơ thể.
3.2 Điều trị ngoại khoa
Tán sỏi nội soi ngược dòng là phương pháp chỉ định điều trị sỏi niệu quản ⅓ dưới rất hiệu quả. Do đó sỏi niệu quản ở đoạn nội thành bàng quang nếu không thoát ra ngoài bằng đường tự nhiên hoặc không tan sau khi đã điều trị nội khoa, bác sĩ sẽ áp dụng điều trị ngoại khoa bằng kỹ thuật này để mang lại hiệu quả tối ưu nhất.
Phương pháp tán sỏi đoạn sát thành bàng quang được thực hiện với ống nội soi kèm đầu phát tia laser đưa vào từ niệu đạo (đường ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài cơ thể), vào bàng quang và lên đến niệu quản. Khi xác định được vị trí sỏi bằng ống nội soi, bác sĩ sẽ sử dụng laser chiếu vào sỏi để phá sỏi thành các mảnh vụn. Cuối cùng sẽ tiến hành bơm rửa, gắp lấy sạch sỏi ra bên ngoài.
Bệnh nhân cũng hoàn toàn yên tâm vì đây là kỹ thuật có nhiều lợi ích nổi trội như:
– Không cần nằm viện quá lâu, bệnh nhân có thể xuất viện ngay trong ngày nếu sức khỏe ổn định
– Là phương pháp không có vết mổ, ít đau, ít tổn thương, bảo tồn chức năng thận
– Hạn chế tối đa nhiễm trùng vì không mổ, hiệu quả sạch sỏi cao lên đến 90%
Tán sỏi niệu quản nội soi ngược dòng bằng laser có hiệu quả cao, tuy nhiên đây cũng là kỹ thuật yêu cầu đội ngũ bác sĩ giỏi, trang thiết bị y tế hiện đại để đáp ứng khả năng chữa trị thành công, hạn chế tối đa nguy cơ tái phát. Vậy nên người bệnh cần lưu ý lựa chọn bệnh viện thật kỹ càng để gửi gắm niềm tin.
4. Một số lưu ý về chăm sóc bệnh nhân sau tán sỏi niệu quản
Sau nội soi bạn cần lưu ý một số chế độ chăm sóc để giúp người bệnh nhanh phục hồi, giảm biến chứng và hạn chế tái phát sỏi trong tương lai.
– 6 tiếng sau nội soi tán sỏi, người bệnh nên thì ăn nhẹ, ăn đồ lỏng và bắt đầu vận động nhẹ nhàng
– Các ngày tiếp theo bệnh nhân ăn uống và sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên cần lưu ý:
+ Uống nhiều nước đảm bảo 2- 3 lít/ngày để quá trình đào thải cặn sỏi còn sót lại ra ngoài nhanh hơn. Có thể bổ sung thêm các loại nước ép chứa nhiều khoáng chất giúp lợi tiểu, kháng khuẩn
+ Hạn chế các gia vị cay nóng, dầu mỡ, thức ăn nhanh, rượu bia, nước ngọt, chất kích thích, thực phẩm nhiều muối, đường…
– Theo dõi nước tiểu về màu sắc, số lượng, và số lần đi tiểu
– Theo dõi nhiệt độ cơ thể để phát hiện nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Nếu có nhiễm khuẩn đường niệu thì điều trị kháng sinh đến khi hết viêm.
– Nếu không có nhiễm khuẩn đường tiết niệu thì ngày hôm sau rút sonde và cho người bệnh ra viện (thông thường người bệnh ra viện sau 24 đến 48h).
– Trước khi xuất viện bác sĩ hẹn thời gian tái khám định kỳ để phát hiện sỏi tái phát hoặc biến chứng khác.
Trên đây là toàn bộ thông tin về loại sỏi niệu quản nằm ở vị trí nội thành bàng quang. Là vị trí khá đặc thù nên người bệnh cần lưu ý, phát hiện bệnh sớm để có phương pháp chữa trị kịp thời tránh những biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe tổng quan.