Sỏi san hô – một trong những loại sỏi thận có hình dạng và cấu trúc phức tạp nhất – từ lâu đã là nỗi ám ảnh của người bệnh vì khả năng gây biến chứng nặng nề nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách. Trong bối cảnh y học hiện đại ngày càng phát triển, phương pháp tán sỏi thận qua da đã nổi lên như một lựa chọn tối ưu, mang lại hiệu quả điều trị vượt trội cho nhóm sỏi khó. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về cơ chế, ưu điểm và ứng dụng đặc biệt của kỹ thuật này trong xử lý sỏi san hô.
Menu xem nhanh:
1. Sỏi san hô và thách thức trong điều trị
1.1 Sỏi san hô là gì và vì sao khó điều trị?
Khác với những loại sỏi thận thông thường có hình tròn hoặc hình bầu dục, sỏi san hô có hình dạng giống như nhánh của san hô, lan tỏa và chiếm toàn bộ hệ thống đài – bể thận. Đây là kết quả của quá trình tích tụ lâu dài các tinh thể khoáng chất và thường liên quan đến nhiễm khuẩn niệu kéo dài. Do có kích thước lớn và cấu trúc phức tạp, sỏi san hô rất khó tán vỡ hoàn toàn bằng những phương pháp điều trị bảo tồn như uống thuốc hoặc tán sỏi ngoài cơ thể. Thậm chí, một số trường hợp còn đòi hỏi phẫu thuật mở – phương pháp vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro và thời gian hồi phục kéo dài, mới có thể bóc tách loại bỏ toàn bộ sỏi.
Việc xử lý sỏi san hô không chỉ đơn thuần là loại bỏ sỏi, mà còn phải đảm bảo bảo tồn chức năng thận và ngăn ngừa tái phát. Chính vì vậy, lựa chọn phương pháp điều trị sỏi tiết niệu phù hợp là yếu tố then chốt ảnh hưởng đến kết quả điều trị lâu dài của người bệnh.

Sỏi san hô là loại sỏi thận phân nhánh bám chặt và phủ kín các đài bể thận của người bệnh, khiến nguy cơ chức năng thận bị suy yếu nhanh
1.2 Những biến chứng nghiêm trọng nếu không điều trị sỏi san hô đúng cách
Sỏi san hô không chỉ gây ra các triệu chứng như đau lưng, tiểu buốt, tiểu máu mà còn có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm nếu không được can thiệp kịp thời. Tắc nghẽn đường tiết niệu, nhiễm khuẩn thận tái diễn, áp xe quanh thận, thậm chí suy thận mạn tính là những hậu quả có thể xảy ra. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân có thể phải cắt bỏ thận nếu thận bị tổn thương nghiêm trọng và mất hoàn toàn chức năng.
Do đó, những ca sỏi san hô thường được xếp vào nhóm sỏi phức tạp cần được xử lý tại các cơ sở y tế có chuyên môn sâu về tiết niệu và được trang bị công nghệ điều trị sỏi tiết niệu tiên tiến như phương pháp tán sỏi thận qua da.
2. Phương pháp tán sỏi thận qua da và vai trò trong điều trị sỏi san hô
2.1 Cơ chế thực hiện của phương pháp tán sỏi thận qua da
Phương pháp tán sỏi thận qua da (Percutaneous Nephrolithotomy – PCNL) là một kỹ thuật ngoại khoa hiện đại, cho phép bác sĩ tiếp cận trực tiếp viên sỏi qua một vết rạch nhỏ trên da, thường là ở vùng lưng. Dưới hướng dẫn của hình ảnh học như siêu âm hoặc X-quang, bác sĩ sẽ tạo một đường hầm nhỏ xuyên qua da vào thận, sau đó đưa ống nội soi vào và sử dụng năng lượng laser hoặc siêu âm để tán vụn viên sỏi, rồi hút ra ngoài.
So với các phương pháp khác, tán sỏi thận qua da có khả năng xử lý những viên sỏi có kích thước lớn, nhiều nhánh và phức tạp như sỏi san hô – điều mà các phương pháp ít xâm lấn hơn như tán sỏi ngoài cơ thể thường không thể làm được triệt để.
Quy trình này thường được thực hiện dưới gây mê toàn thân và yêu cầu hệ thống thiết bị hiện đại cũng như đội ngũ bác sĩ có chuyên môn cao trong lĩnh vực tiết niệu. Thời gian nằm viện sau phẫu thuật trung bình khoảng 3 ngày và bệnh nhân có thể hồi phục sinh hoạt đi lại bình thường nhanh chóng nếu không có biến chứng.

Tán sỏi qua da đường hầm nhỏ giúp loại bỏ sỏi san hô hạn chế xâm lấn, bảo toàn chức năng thận
2.2 Vì sao phương pháp tán sỏi thận qua da là lựa chọn hàng đầu cho sỏi san hô?
Trong nhiều năm qua, phương pháp tán sỏi thận qua da đã được xem là tiêu chuẩn vàng trong điều trị sỏi san hô phức tạp nhờ tỷ lệ lấy sạch sỏi cao lên tới 90–95% chỉ sau một lần can thiệp. Đây là yếu tố rất quan trọng vì nếu sót sỏi, nguy cơ tái phát, nhiễm khuẩn và tổn thương mô thận vẫn có thể xảy ra.
Hơn nữa, so với phẫu thuật mở truyền thống vốn đòi hỏi rạch một đường dài qua da và cơ – tán sỏi qua da ít xâm lấn hơn, ít đau hơn và phục hồi nhanh hơn nhiều. Người bệnh nhờ vậy có thể trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường trong thời gian ngắn hơn, đồng thời hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm trùng, mất máu hoặc để lại sẹo lớn.
Với những bệnh nhân đã từng mắc sỏi cùng bên và tái phát sỏi san hô, việc đã từng mổ mở trước đây và nếu tiếp tục mổ mở cho lần sỏi tái phát sẽ gặp nhiều khó khăn. Do khó bóc tách, chức năng thận sau điều trị ảnh hưởng rất nhiều, vì vậy tán sỏi qua da sẽ mang lại hiệu quả hơn cho người bệnh.
Phương pháp này cũng được đánh giá là an toàn khi áp dụng cho cả người lớn tuổi và những bệnh nhân có bệnh lý nền đi kèm, miễn là có sự đánh giá kỹ lưỡng và theo dõi sát sao từ phía bác sĩ.
3. Những lưu ý quan trọng khi chọn điều trị sỏi san hô bằng tán sỏi qua da
3.1 Cần đánh giá kỹ trước khi tiến hành phương pháp tán sỏi thận qua da
Không phải tất cả các trường hợp sỏi thận đều có thể thực hiện kỹ thuật tán sỏi thận qua da. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả, người bệnh cần được khám lâm sàng kỹ càng, thực hiện đầy đủ các xét nghiệm hình ảnh như CT Scanner niệu quản, siêu âm hệ tiết niệu, xét nghiệm chức năng thận,… nhằm xác định vị trí, kích thước, độ cứng của sỏi cũng như chức năng thận còn lại.
Ngoài ra, các yếu tố khác như khả năng đông máu, tiền sử dị ứng thuốc mê, hoặc các bệnh lý kèm theo như tăng huyết áp, tiểu đường cũng cần được bác sĩ cân nhắc trước khi chỉ định phương pháp này.
Một số trường hợp sỏi san hô kích thước rất lớn cần can thiệp tán 2 đến 3 lần mới có thể loại bỏ toàn diện và triệt để.

Thăm khám thực hiện đầy đủ các xét nghiệm, chẩn đoán trước khi đưa ra phương hướng điều trị sỏi tiết niệu
3.2 Lựa chọn cơ sở y tế có chuyên môn cao và trang thiết bị hiện đại
Do tính chất kỹ thuật cao và yêu cầu sự phối hợp nhiều khâu, phương pháp tán sỏi thận qua da nên được thực hiện tại các bệnh viện chuyên sâu về tiết niệu – nơi có đội ngũ bác sĩ tiết niệu kinh nghiệm, được đào tạo bài bản, cùng với hệ thống máy móc hỗ trợ hiện đại như máy soi niệu quản, máy tán sỏi laser công suất cao, hệ thống theo dõi hậu phẫu an toàn.
Việc lựa chọn đúng địa chỉ điều trị sỏi tiết niệu không chỉ giúp tăng tỷ lệ sạch sỏi mà còn đảm bảo giảm thiểu tối đa rủi ro trong và sau phẫu thuật. Ngoài ra, các bệnh viện lớn còn có quy trình theo dõi và tái khám bài bản sau điều trị, giúp người bệnh yên tâm hơn về kết quả lâu dài.
Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI làm chủ toàn diện công nghệ tán sỏi thận qua da đường hầm nhỏ bằng laser, thực hiện thành công nhiều ca sỏi san hô khó, phức tạp bởi “bàn tay vàng” điều trị sỏi tiết niệu Thầy thuốc ưu tú – Bác sĩ CKII Phạm Huy Huyên.
Vậy nên nếu quý khách hàng có nhu cầu điều trị sỏi tiết niệu bằng công nghệ cao hạn chế tối đa xâm lấn, bảo vệ chức năng thận lâu dài, hãy liên hệ với TCI qua Tổng đài để được tư vấn và phục vụ.