Thiếu máu ở trẻ em là chứng bệnh tiến triển âm thầm, khó nhận biết. Bệnh có rất nhiều mức độ khác nhau, tương ứng với từng độ tuổi của trẻ. Cùng tìm hiểu các mức độ thiếu máu ở trẻ em, nguy cơ và cách phòng ngừa qua bài viết dưới đây!
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu bệnh thiếu máu ở trẻ em
1.1. Thiếu máu ở trẻ em là bệnh gì?
Thiếu máu là tình trạng có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi, đối tượng nào. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do cơ thể không có đủ hồng cầu.
Hồng cầu là tế bào chứ huyết sắc tố (hemoglobin). Đây là một loại protein sắc tố đặc biệt, có khả năng mang và cung cấp oxy cho tất cả các tế bào khác trong cơ thể.
Các tế bào ở cơ bắp hay các cơ quan trong cơ thể của trẻ cần oxy để hoạt động. Do đó, số lượng tế bào hồng cầu không đủ có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, tùy theo các cấp độ thiếu máu ở trẻ em.
1.2. Biểu hiện thiếu máu ở trẻ em
Nhận biết sớm các biểu hiện thiếu máu ở trẻ sẽ giúp ngăn ngừa việc gia tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh. Phần lớn trẻ em khi bị thiếu máu thường sẽ có các biểu hiện dễ nhận biết sau:
– Da tái xanh hoặc vàng da, vàng mắt, niêm mạc nhợt nhạt
– Ù tai, hoa mắt, hay chóng mặt
– Chán ăn, bỏ ăn, bỏ bú
– Hay hồi hộp, tim đập nhanh, thở gấp
– Yếu ớt, dễ mệt mỏi, lười vận động
– Thường xuyên cáu gắt, quấy khóc
2. Nguyên nhân nào gây ra bệnh thiếu máu ở trẻ em
Dưới đây là một số nguyên nhân khiến trẻ gặp phải tình trạng thiếu máu:
– Cơ thể trẻ không sản xuất đủ lượng hồng cầu: Điều này xảy ra khi trẻ không có đủ sắt hoặc các dưỡng chất khác trong chế độ ăn uống, dẫn đến tình trạng thiếu máu do thiếu sắt.
– Quá nhiều tế bào hồng cầu bị phá hủy: Đây là nguyên nhân do bẩm sinh hoặc di truyền từ người thân trong gia đình, dẫn đến rối loạn hồng cầu.
– Chảy máu gây mất tế bào hồng cầu: Nguyên nhân này đến từ chấn thương hoặc một vài bệnh lý nào đó gây xuất huyết nội.
– Chế độ ăn uống không bổ sung đủ lượng sắt cơ thể cần.
3. Các cách phân cấp mức độ thiếu máu ở trẻ em
Hiện nay có 4 cách phổ biến để phân cấp các mức độ (hay còn gọi là phân độ) thiếu máu ở trẻ em.
3.1. Phân cấp mức độ thiếu máu ở trẻ em dựa vào lượng huyết sắc tố
Đây là cách phân cấp mức độ thiếu máu phổ biến nhất. Dựa vào lượng Hemoglobin (Hb) đo được trong máu, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chia thiếu máu ở trẻ thành các mức độ sau:
– Đối với trẻ từ 6 – 59 tháng tuổi: Lượng huyết sắc tố trong máu phải đạt từ 110g/l trở lên mới là bình thường. Nếu lượng huyết sắc tố trong máu dưới 110g/l thì được đánh giá là thiếu máu. Cụ thể:
+ Mức độ thiếu máu nhẹ: Lượng Hb trong máu đạt 100 – 109g/l
+ Mức độ thiếu máu vừa: Lương Hb trong máu đạt 70 – 99g/l
+ Mức độ thiếu máu nặng: Lượng Hb trong máu thấp hơn 70g/l
– Đối với trẻ từ 5 – 11 tuổi: Mức độ bình thường là lượng Hb trong máu đạt từ 115g/l trở lên.
+ Mức độ thiếu máu nhẹ: Lượng Hb trong máu đạt 110 – 114g/l
+ Mức độ thiếu máu vừa: Lương Hb trong máu đạt 80 – 109g/l
+ Mức độ thiếu máu nặng: Lượng Hb trong máu thấp hơn 80g/l
– Đối với trẻ từ 12 – 14 tuổi: Cơ thể cần tối thiểu 120g Hb trên mỗi lít máu để đảm bảo các tế bào và các cơ quan có đủ oxy làm việc.
+ Mức độ thiếu máu nhẹ: Lượng Hb trong máu đạt 110 – 119g/l
+ Mức độ thiếu máu vừa: Lương Hb trong máu đạt 80 – 109g/l
+ Mức độ thiếu máu nặng: Lượng Hb trong máu thấp hơn 80g/l
3.2. Phân cấp mức độ thiếu máu ở trẻ em dựa vào diễn tiến của bệnh
Mức độ thiếu máu ở trẻ còn được chia theo diễn tiến của bệnh.
– Thiếu máu cấp tính: Là tình trạng thiếu máu xuất hiện nhanh, trong một thời gian ngắn.
– Thiếu máu mạn tính: Là tình trạng thiếu máu xuất hiện từ từ và tăng dẫn trong thời gian dài.
4. Trẻ bị thiếu máu nguy hiểm như thế nào?
Khi trẻ bị thiếu máu, rất nhiều cơ quan trong cơ thể bị ảnh hưởng.
4.1. Thể trạng yếu ớt
Do thiếu máu, cơ thể trẻ không được cung cấp đủ oxy dẫn đến tình trạng thiếu năng lượng, thậm chí là kiệt sức. Ở trẻ nhỏ, thiếu máu còn có nguy cơ gây ra tình trạng chậm phát triển cả về thể lực và trí lực.
4.2. Hệ thần kinh phải chịu tác động tiêu cực
Trong cơ thể, não là cơ quan tiêu thụ nhiều oxy nhất, chiếm tới 20%. Tình trạng thiếu máu sẽ khiến não không được cung cấp đủ oxy, dẫn đến các triệu chứng và tác động tiêu cực lên hệ thần kinh như:
– Đau đầu, nhức đầu
– Chóng mặt, hoa mắt
– Mất tập trung
– Suy giảm trí nhớ, khả năng tư duy và nhận thức
4.3. Ảnh hưởng đến hệ tim mạch
Tim là bộ phận có chức năng bơm máu đi khắp cơ thể. Do đó, khi cơ thể thiếu máu, tim sẽ phải làm việc “hết công suất” để đáp ứng lượng oxy và dưỡng chất đi nuôi các bộ phận khác.
Bản thân tim cũng cần máu để hoạt động. Vì thế, nếu tim thường xuyên phải làm việc quá sức trong thời gian dài sẽ có nguy cơ:
– Suy tim: Khả năng bơm máu của tim sẽ bị suy giảm nếu cơ tim phải làm việc quá nhiều. Triệu chứng của suy tim là: Khó thở, đau thắt ngực, mệt mỏi…
– Rối loạn nhịp tim: Hệ thống điện tim cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu cơ tim bị thiếu máu. Từ đó, dẫn đến hiện tượng nhịp tim đập bất thường.
– Nhồi máu cơ tim: Đây là biến chứng không mong muốn, tuy hiếm gặp ở trẻ nhưng lại là biến chứng nặng nề nhất. Nếu tim bị thiếu máu và oxy có thể khiến một phần cơ tim bị hoại tử, nguy cơ tử vong rất cao nếu không được kịp thời cấp cứu.
4.4. Suy giảm hệ hô hấp
Thông thường, mức oxy máu bình thường ở trẻ là khoảng 75 – 100 mmHg. Những trường hợp có mức oxy máu dưới 60mmHg có nghĩa là trẻ đang bị thiếu oxy máu. Chính tình trạng thiếu máu này sẽ khiến trẻ khó thở, thở nhanh, thở nông, thở mệt gắng sức. Từ đó, hệ hô hấp bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ngoài ra, bệnh thiếu máu còn có thể khiến trẻ bị suy giảm sức đề kháng, gia tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng như viêm họng, viêm phổi, tiêu chảy…
5. Làm thế nào để giúp trẻ giảm bớt mức độ nguy hiểm do thiếu máu?
Các bậc phụ huynh nên lưu ý 4 điều sau để làm giúp trẻ giảm bớt mức độ nguy hiểm do thiếu máu:
5.1. Chẩn đoán thiếu máu ở trẻ em
Như đã chia sẻ, thiếu máu là bệnh phổ biến ở trẻ nhưng triệu chứng không rõ ràng, khó phát hiện. Vì thế, bố mẹ hãy cho trẻ tiến hành các xét nghiệm máu để có được kết quả chẩn đoán chính xác. Các xét nghiệm bao gồm:
– Xét nghiệm hemoglobin và hematocrit: Giúp đo lượng huyết sắc tố và hồng cầu trong máu.
– Công thức máu toàn phần (CBC): Giúp kiểm tra các tế bào hồng cầu và bạch cầu, tiểu cầu…
– Phết tế bào ngoại vi: Giúp kiểm tra hình dạng tế bào hồng cầu.
5.2. Loại bỏ các yếu tố nguy cơ
Các yếu tố làm gia tăng nguy cơ thiếu máu ở trẻ em bao gồm:
– Uống sữa bò từ sớm
– Trẻ sinh non hoặc có cân nặng nhẹ hơn bình thường
– Phẫu thuật hoặc tai nạn dẫn đến mất máu
– Chế độ ăn thiếu chất sắt, một số vitamin hoặc khoáng chất
– Các bệnh mãn tính như nhiễm trùng, bệnh thận hoặc gan
– Tiền sử gia đình: Rối loạn thiếu máu, thiếu máu hồng cầu hình liềm…
5.3. Ngăn ngừa bệnh thiếu máu trẻ em
Mẹ hãy thực hiện một số gợi ý sau để ngăn ngừa bệnh thiếu máu ở trẻ:
– Cho bé bú mẹ nhiều nhất có thể
– Dùng sữa bột có chứa chất sắt
– Hạn chế tối đa việc dùng sữa bò cho bé dưới 1 tuổi
– Bổ sung các thực phẩm giàu chất sắt khi trẻ bắt đầu ăn dặm
Trên đây là những thông tin về bệnh thiếu máu cũng như các mức độ thiếu máu ở trẻ em. Hy vọng bài viết này đã giúp các bậc phụ huynh hiểu hơn về căn bệnh này và có phương pháp ngăn ngừa sớm bệnh thiếu máu ở trẻ.