Hội chứng rối loạn nhịp tim: Biểu hiện và phòng tránh

Tham vấn bác sĩ
Đại tá, PGS.TS, BSCK II, Thầy thuốc nhân dân

Nguyễn Văn Quýnh

Bác sĩ Nội Khoa

Hội chứng rối loạn nhịp tim có thể gây ra các triệu chứng như đánh trống ngực, chóng mặt, ngất xỉu… Vậy hội chứng này nguy hiểm như thế nào? Cách phòng ngừa ra sao? Tất cả sẽ được “vén màn” trong bài viết dưới đây.

1. Sơ lược về rối loạn nhịp tim

Hội chứng rối loạn nhịp tim là tình trạng xung điện điều khiển nhịp tim hoạt động một cách bất thường khiến tim đập quá chậm, quá nhanh hoặc không đều. Thông thường nhịp tim của người bình thường dao động khoảng 60 – 100 lần/ phút. Song nếu tim đập quá chậm (dưới 60 lần/phút) hoặc quá nhanh (trên 100 lần/phút), lúc nhanh lúc chậm… được xem là rối loạn nhịp tim.

Các bệnh loạn nhịp tim thường gặp ở người bệnh bao gồm:

– Nhịp tim đều nhanh: Nhịp nhanh thất, nhịp nhanh ở trên thất.

– Nhịp tim đều chậm: Block thất – nhĩ, suy nút xoang.

– Nhịp tim không đều: Ngoại tâm thu nhịp đôi, ba, tư…

– Nhịp tim bị loạn hoàn toàn: Rung nhĩ là điển hình.

Hội chứng rối loạn nhịp tim nguy hiểm thế nào? Có ảnh hưởng tới tính mạng không?

Rối loạn nhịp tim là sự bất thường về tốc độ hoặc tần suất tim đập.

2. Nguyên nhân dẫn đến hội chứng rối loạn nhịp tim

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng rối loạn nhịp tim. Những nguyên nhân đó có thể là bệnh lý của tim gây ra, bệnh lý ở các bộ phận khác làm ảnh hưởng tới, hoặc những bất thường của tim. Tình trạng này có thể diễn ra trong vài phút hoặc ngắn hơn nhưng xuất hiện thành đợt và không có bất cứ triệu chứng cảnh báo nào trước đó. Song, cũng có một số trường hợp bệnh kéo dài trong nhiều giờ, liên tục trong nhiều năm.

Ngoài ra, một số nguyên nhân khác cũng tác động tới nhịp tim như tuổi tác (nguy cơ cao ở người cao tuổi), người mắc bệnh rối loạn chuyển hóa như đái tháo đường, cao huyết áp, mỡ máu, lạm dụng các chất kích thích.

Bệnh cũng thường gặp ở những người bệnh bị trầm cảm hoặc mắc chứng lo âu.

3. Dấu hiệu cảnh báo rối loạn nhịp tim chớ coi thường

Rối loạn nhịp tim có thể không gây ra triệu chứng khó chịu cho người bệnh. Đặc biệt, những người mắc bệnh lý rối loạn nhịp mạn tính thường không cảm nhận được triệu chứng nghiêm trọng.

Tuy nhiên, cần chú ý một số dấu hiệu cảnh báo rối loạn nhịp tim sau:

– Đánh trống ngực

Đánh trống ngực là triệu chứng hay gặp và điển hình của người bị rối loạn nhịp tim. Người bệnh lúc này thường có cảm giác tim đập mạnh ở trong lồng ngực, đi kèm là cảm giác hụt hẫng, tim ngừng đập xong đập mạnh trở lại…

– Cảm giác khó thở đột ngột xuất hiện, đi kèm cảm giác khó chịu ngực

Triệu chứng khó thở thường khá phổ biến ở các bệnh nội khoa. Tuy nhiên, cơn khó thở kèm theo cảm giác hồi hộp, tim dập không đều… là một trong nhiều dấu hiệu cảnh báo bạn có thể đang gặp vấn đề nghiêm trọng như rối loạn nhịp tim nguy hiểm hay nhồi máu cơ tim.

– Chóng mặt

Chóng mặt do chứng rối loạn nhịp tim là cảm giác choáng váng, thế giới quay vòng vòng hoặc chính người bệnh quay vòng. Kèm với đó là cảm giác mất cân bằng ở người bệnh.

Có thể nói, chóng mặt không phải là bệnh. Nó là triệu chứng của các bệnh lý khác nhau và một trong số đó là rối loạn nhịp tim.

– Ngất xỉu

Ngất xỉu là tình trạng bệnh nhân đột ngột mất đi ý thức trong thời gian ngắn. Ngất xỉu là triệu chứng khá nguy hiểm bởi nó có thể gây ra chấn thương nghiêm trọng và đe dọa trực tiếp tới tính mạng như người bệnh ngất trong lúc leo cầu thang hoặc đang lái xe.

Rối loạn nhịp tim có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, vì thế cần cẩn trọng.

Suy tim là một trong những biến chứng của rối loạn nhịp tim.

4. Rối loạn nhịp tim nguy hiểm ra sao?

Thông thường, một số rối loạn nhẹ không gây hại gì tới sức khỏe. Song với những rối loạn nhịp tim khác, nhất là rối loạn gây ra triệu chứng như mô tả ở trên, nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời sẽ đe dọa đến tính mạng hoặc dẫn tới những biến chứng vô cùng nghiêm trọng.

4.1. Hội chứng rối loạn nhịp tim có thể dẫn đến đột quỵ

Người mắc hội chứng này có nguy cơ đột quỵ cao gấp 5 lần người bình thường. Nguyên nhân là do ở máu không thể lưu thông để nuôi cơ thể, tăng khả năng hình thành cục máu đông ở người bệnh. Lúc này, những cục máu đông hình thành trong tâm nhĩ di chuyển tới não, gây tắc/hẹp mạch máu não và dẫn tới đột quỵ.

4.2. Hội chứng rối loạn nhịp tim có thể gây suy tim

Tim có nhiệm vụ bơm máu tới các bộ phận trong cơ thể để duy trì sự sống. Tuy nhiên khi nhịp tim bị rối loạn, tim không thể bơm máu nuôi cơ thể một cách hiệu quả. Do đó, tim phải hoạt động nhiều hơn và trở nên yếu đi. Điều này sẽ cản trở các hoạt động bình thường của bộ phận này, gây ra suy tim.

4.3. Rối loạn nhịp tim làm hạn chế hoạt động/ sinh hoạt

Cơ thể cần được cung cấp máu có oxy liên tục để có thể giúp con người di chuyển, vận động hay thực hiện các công việc hàng ngày. Tuy nhiên nếu tim bị bệnh sẽ không thể bơm đủ máu tới các bộ phận khác, khiến người bệnh luôn trong tình trạng yếu ớt, mệt mỏi.

4.4. Rối loạn nhịp tim có thể dẫn tới đột tử

Theo các chuyên gia, một số rối loạn nhịp tim có tính tiềm ẩn, người bệnh không có triệu chứng hoặc triệu chứng không rõ ràng. Dẫu vậy, khi người bệnh có cơn loạn nhịp tái phát trở nặng, có thể dẫn tới đột tử. Loạn nhịp tim là một trong những nguyên nhân chính gây đột tử ở người trẻ.

Làm gì để ngăn chặn và kiểm soát rối loạn nhịp tim?

Nên tới cơ sở y tế uy tín có chuyên khoa Tim mạch để thăm khám khi thấy dấu hiệu bất thường.

5. Lời khuyên của bác sĩ về cách phòng tránh rối loạn nhịp tim

Mỗi người có thể chủ động ngăn ngừa nguy cơ rối loạn nhịp tim bằng những cách sau:

– Xây dựng thực đơn tốt cho sức khỏe tim mạch

Theo khuyến cáo của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, chế độ ăn lành mạnh và khoa học bao gồm thực phẩm ngũ cốc, thịt cá, rau, trái cây, các sản phẩm từ sữa ít béo và chất béo không bão hòa. Mọi người cần tránh dung nạp chất béo chuyển hóa, chất béo bão hòa và cholesterol.

– Duy trì cân nặng trong mức ổn định, tránh béo phì

Mỗi người cần cân bằng lượng calo nạp vào cơ thể và calo bị đốt cháy bằng các hoạt động thể dục thể thao hàng ngày.

– Tập thể dục

Tập thể dục không chỉ giúp kiểm soát cân nặng mà còn hữu ích trong việc ổn định nhịp tim.

– Ngừng hút thuốc và tránh xa rượu

Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyên mọi người bên tránh xa thuốc lá và hạn chế uống rượu.

– Tránh căng thẳng

Nguy cơ mắc bệnh tim ở người thường xuyên căng thẳng, stress sẽ cao hơn bình thường. Vì vậy, cần loại bỏ căng thẳng khỏi cuộc sống hàng ngày để bảo vệ tim của bạn.

Rối loạn nhịp tim là hội chứng nguy hiểm. Tình trạng này có thể gây ra biến chứng và ảnh hưởng nghiệm trọng tới sức khỏe con người. Do đó khi nhận thấy cơ thể có các dấu hiệu bất thường, người bệnh cần tới cơ sở y tế uy tín để thăm khám và điều trị.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital