Bệnh suy giảm trí nhớ: Triệu chứng và biện pháp cải thiện

Tham vấn bác sĩ
Tiến sĩ, Bác sĩ

Nguyễn Văn Doanh

Trưởng khoa Khám bệnh

Người mắc bệnh suy giảm trí nhớ có biểu hiện lơ đễnh, lúc nhớ lúc quên, không thể tập trung vào một vấn đề nào đó. Hiện nay, suy giảm trí nhớ không chỉ là vấn đề của người già mà rât nhiều người trẻ cũng mắc phải. Cùng tìm hiểu nguyên nhân và tìm ra phương pháp cải thiện bệnh lý này qua bài viết dưới đây nhé!

1. Suy giảm trí nhớ là bệnh gì?

Suy giảm trí nhớ còn có tên gọi khác là chứng hay quên. Đây là tình trạng não bộ bị giảm chức năng ghi nhớ hoặc quá trình vận chuyển thông tin bị trì trệ. Người mắc bệnh này sẽ gặp khó khăn khi muốn ghi nhớ thông tin mới hay nhớ những sự việc xảy ra trong quá khứ.

Mọi người thường nghĩ chứng suy giảm trí nhớ chỉ xảy ra đối với người già. Tuy nhiên, theo nghiên cứu gần đây tỉ lệ giới trẻ mắc chứng này là 14%. Nguyên nhân chủ yếu là do lối sống không khoa học, làm việc nhiều, căng thẳng.

2. Dấu hiệu thường gặp của bệnh suy giảm trí nhớ

Trí nhớ giảm sút có rất nhiều biểu hiện khác nhau, bạn có thể nhận biết tình trạng qua các dấu hiệu sau:

– Không nhớ đồ đạc để đâu

– Nói trước quên sau, kể một sự việc nhiều lần vì không nhớ đã từng nói trước đó

– Khó để ghi nhớ một thông tin mới, bài học mới

– Không nhớ các mốc thời gian, sự kiện đã từng xảy ra

– Hay quên những việc cần làm và muốn làm

– Thường xuyên mệt mỏi, căng thẳng, stress, tâm trạng thay đổi thất thường, cáu gắt,…

– Nhầm lẫn giữa các mốc thời gian, sự việc

– Giảm khả năng phán đoán, giải quyết tình huống và đưa ra quyết định

– Mất phương hướng, quên đường trong những trường hợp bệnh trở nặng 

Không nhớ đồ đạc để đâu, nói trước quên sau là một trong những biểu hiện của suy giảm trí nhớ

Không nhớ đồ đạc để đâu, nói trước quên sau là một trong những biểu hiện của suy giảm trí nhớ

3. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy giảm trí nhớ

Nguyên nhân dẫn đến suy giảm trí nhớ có thể khác nhau tùy vào từng đối tượng bệnh nhân.

3.1 Biểu hiện bệnh suy giảm trí nhớ ở giới trẻ

Chứng suy giảm trí nhớ ở người trẻ chủ yếu là do lối sống, những thói quen không tốt trong sinh hoạt hằng ngày như:

– Thiếu ngủ: Mất ngủ hoặc thiếu ngủ sẽ ảnh hưởng đến não bộ trong quá trình lưu trữ và ghi nhớ thông tin. Tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến mệt mỏi, đầu óc không tỉnh táo.

– Làm nhiều việc một lúc: Thói quen này khiến não bộ bị quá tải, vì vậy bạn nên làm việc có kế hoạch, tránh tạo áp lực cho bản thân.

– Chế độ ăn uống không khoa học: Giới trẻ ngày nay thường không ăn đủ ba bữa một ngày hoặc đủ bữa nhưng ít tinh bột và đạm. Điều này làm bữa ăn mất cân đối, không đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể, trong đó có bộ não. Ngoài ra, đồ ăn nhiều đường và dầu mỡ cũng là một trong những nguyên nhân khiến não bộ bị “ăn mòn”.

3.2 Bệnh suy giảm trí nhớ ở người già biểu hiện như thể nào?

Người cao tuổi là nhóm có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất. Tuổi cao sẽ dẫn đến những thoái hóa gây ảnh hưởng đến não bộ bao gồm:

– Thoái hóa thần kinh: Bộ não của con người được hình thành từ hàng trăm tỷ tế bào thần kinh. Qua 25 tuổi thì trung bình mỗi ngày có 3000 tế bào thần kinh bị chết và không sản sinh thêm. Vì thế nên càng cao tuổi thì trí nhớ lại càng giảm sút.

– Bệnh tật: Các bệnh như chấn thương sọ não, đột quỵ, thiếu máu não,… cũng là những nguyên nhân có thể gây suy giảm trí nhớ ở người già.

3.3 Phụ nữ sau khi sinh con dễ bị giảm sút trí nhớ

Rất nhiều phụ nữ sau sinh bị suy giảm trí nhớ. Nguyên nhân là do quá căng thẳng, mệt mỏi hoặc do sự thay đổi của các hormone.

– Nội tiết thay đổi: Sự rối loạn nồng độ estrogen sẽ tác động lên não bộ dẫn đến các tế bào thần kinh não bị rối loạn. Bởi vậy phụ nữ sau sinh mới có hiện tượng “não cá vàng”.

– Mất ngủ: Người phụ nữ vừa phải chăm lo cho gia đình vừa phải học cách chăm em bé nên hay cảm thấy lo lắng, áp lực, khó ngủ. Nếu không được gia đình, đặc biệt là chồng thông cảm thì họ rất dễ bị trầm cảm. Đây là lý do khiến phụ nữ sau sinh bị giảm trí nhớ.

– Thiếu chất: Sau sinh cơ thể phụ nữ sẽ dễ suy yếu nếu không được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết. Điều này gây ra tình trạng thiếu máu, oxy lên não và dẫn đến suy giảm trí nhớ.

Hiện nay, nhiều người trẻ bị suy giảm trí nhớ do lối sống không khoa học

Hiện nay, nhiều người trẻ bị suy giảm trí nhớ do lối sống không khoa học

4. Hậu quả của suy giảm trí nhớ đối với người bệnh 

Trí nhớ bị giảm sút sẽ ảnh hưởng đến chất lượng công việc, sức khỏe và cuộc sống hàng ngày của người bệnh.

– Hiệu quả học tập và công việc giảm sút: Khi trí nhớ giảm thì khả năng tư suy, phán đoán, xử lý công việc sẽ kém đi. Tình trạng nhớ nhớ quên quên có thể gây ra những sai sót ảnh hưởng đến tài sản, công việc.

Sa sút trí tuệ: Khi bệnh giảm trí nhớ chuyển biến nặng sẽ dẫn đến rối loạn ngôn ngữ, rối loạn hành động, mất phương hướng, không phân biệt được đồ vật,…

– Ảnh hưởng cuộc sống: Một vài biểu hiện mà người bệnh thường gặp phải là đi chợ quên mang tiền, quên tắt bếp tắt điện khi ra ngoài, quên xe,… có thể gây mất mát tài sản. Ngoài ra, người bệnh còn hay cáu gắt, tâm trạng không ổn định ảnh hưởng đến các mối quan hệ xung quanh.

Alzheimer: Theo thống kê có khoảng 10% người mắc chứng suy giảm trí nhớ sẽ chuyển thành bệnh Alzheimer. Bệnh này chưa có cách chữa khỏi, bệnh nhân có thể tử vong trong 8 – 10 năm sau khi mắc bệnh này.

– Parkinson: Ở giai đoạn đầu người bệnh sẽ cảm thấy mệt mỏi, run, cứng cơ, rối loạn chữ viết, giảm nhận thức,…

– Gây teo não: Khi tình trạng suy giảm trí nhớ kéo dài sẽ dẫn đến sa sút trí tuệ, gây ra những tổn hại nghiêm trọng cho người bệnh. Họ có thể gặp các biến chứng như teo não, sang thương mạch máu, tổn thương chất trắng,…

Thay đổi lối sống khoa học để cải thiện bệnh suy giảm trí nhớ

Thay đổi lối sống khoa học để cải thiện bệnh suy giảm trí nhớ

5. Cách cải thiện chứng suy giảm trí nhớ hiệu quả

Hiện nay, chưa có loại thuốc nào chứng minh có thể chữa khỏi bệnh này. Tuy nhiên, bác sĩ sẽ kết hợp một số phương pháp điều trị để cải thiện tình hình, thường là kết hợp điều trị bệnh lý, điều chỉnh tâm lý, thay đổi lối sống,…để kiểm soát, hạn chế sự phát triển của bệnh.

Một vài biện pháp cải thiện tình trạng suy giảm trí nhớ:

– Tập luyện thể dục thể thao đều đặn hàng ngày

– Ăn uống đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng

– Ngủ đủ giấc, để tâm lý thoải mái khi ngủ

– Sắp xếp học tập, công việc khoa học

– Hạn chế căng thẳng, stress

– Rèn luyện trí nhớ bằng cách giải câu đố trí tuệ

– Cố gắng giao tiếp, nói chuyện nhiều với mọi người xung quanh

Bệnh suy giảm trí nhớ nếu không được phát hiện và hạn chế kịp thời sẽ chuyển biến thành sa sút trí tuệ. Khi đó, công việc và chất lượng cuộc sống của người bệnh sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Việc nhận biết các dấu hiệu ban đầu có ý nghĩa lớn đối với việc phát hiện và điều trị sớm. Ngay khi nhận thấy các “tín hiệu” cảnh báo, hãy thăm khám sớm để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời bởi các bác sĩ chuyên khoa. 

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital