Tìm hiểu 2 phương pháp xét nghiệm ung thư tuyến giáp

Tham vấn bác sĩ
Tiến sĩ, Bác sĩ

Lê Công Dần

Bác sĩ Xét nghiệm

Ung thư dù xuất hiện ở vị trí nào cũng là mối nguy lớn đối với sức khỏe của con người. Với sự phát triển của y học, chúng ta đã có rất nhiều phương pháp kiểm tra, sàng lọc bệnh lý nguy hiểm này. Và trong bài viết hôm nay, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về phương pháp xét nghiệm ung thư tuyến giáp.

1. Hiểu về phương pháp xét nghiệm máu trong tầm soát ung thư tuyến giáp

Tại Việt Nam, ung thư tuyến giáp xếp hạng 8 trong các loại ung thư ở nữ giới và tỷ lệ ca mắc mới tăng gấp 4 lần so với trước đây. Tuy vậy, tiên lượng của bệnh khá tốt, đặc biệt với các trường hợp phát hiện bệnh sớm. Xét nghiệm máu là một trong những phương pháp được sử dụng phổ biến từ giai đoạn chẩn đoán tới theo dõi quá trình điều trị các bệnh lý tuyến giáp.

1.1. Các loại xét nghiệm đánh giá chức năng tuyến giáp

Có rất nhiều loại xét nghiệm đánh giá chức năng tuyến giáp, tùy thuộc vào tiền sử bệnh lý cũng như các triệu chứng lâm sàng  mà bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm đánh giá chức năng tuyến giáp như sau:

– Thyroxine (T4): Trong cơ thể, có khá nhiều enzym chuyển hóa lipid, protid và glucid phải chịu ảnh hưởng của hormon thyroxine. Xét nghiệm T4 toàn phần là phương pháp được thực hiện nhằm đo lượng thyroxine lưu thông trong máu của người bệnh. Phương pháp này thường được sử dụng trong việc chẩn đoán đo lường chức năng tuyến giáp cùng với xét nghiệm T3.

– Triiodothyronine (T3): Cùng với T4, hormone T3 có vai trò điều hòa sự phát triển của cơ thể, kiểm tra các quá trình tổng hợp protein và sự phát triển của hệ thần kinh. Cả hai hormone T3 và T4 đều do tuyến giáp sản sinh ra, do đó các xét nghiệm này sẽ giúp kiểm tra chức năng của tuyến giáp.

– Hormone TSH: Đây là hormone ở tuyến yên có nhiệm vụ truyền dẫn tín hiệu cho tuyến giáp. Cụ thể khi phát hiện lượng hormone tuyến giáp trong máu quá nhiều, tuyến yên sẽ hạn chế sản xuất TSH giảm việc sản xuất hormone giáp lại và ngược lại. Vì thế, hiện nay nhiều bác sĩ thường sử dụng xét nghiệm TSH thay cho xét nghiệm T3 – T4 trong việc đánh giá chức năng tuyến giáp.

– Kháng thể Thyroid peroxidase (TPOAb): Xét nghiệm này nhằm kiểm tra khả năng người bệnh có mắc bệnh tự miễn tuyến giáp hay không. 

– Thyroglobulin (Tg): Sự hiện diện của hormone Tg trong máu là dấu hiệu cho thấy mô tuyến giáp vẫn còn hoạt động sau khi thực hiện phẫu thuật tuyến giáp hoặc xạ trị.

– Kháng thể Thyroglobulin (TgAb): Khi trong cơ thể xuất hiện tình trạng tự miễn, nó sẽ phá vỡ quá trình sản xuất thyroglobulin và tạo ra kháng thể thyroglobulin.Vì thế, xét nghiệm kiểm tra hormone này có thể chỉ ra được tình trạng tự miễn dịch.

xét nghiệm ung thư tuyến giáp là gì

Có nhiều chỉ số hormone quan trong trong xét nghiệm máu sàng lọc bệnh lý tuyến giáp

1.2. Độ chính xác của xét nghiệm ung thư tuyến giáp 

Cơ chế tầm soát ung thư thông qua xét nghiệm máu là đo nồng độ các chất chỉ điểm ung thư – các hợp chất được sinh ra trong quá trình ung thư phát triển. Trong khi đó, các chất chỉ điểm này lũng có thể tăng cao do mắc các bệnh lý khác, Vì vậy, xét nghiệm máu được đánh giá là có độ chính xác không cao, không phản ánh chính xác bản chất ung thư. Do đó, để có thể khẳng định chính xác về khả năng mắc ung thư của người bệnh, các bác sĩ thường sẽ chỉ định kết hợp thêm một số phương pháp kiểm tra khác. 

Các xét nghiệm máu có ý nghĩa hơn trong việc theo dõi quá trình điều trị và phục hồi sau ung thư. 

– Định lượng nồng độ T3 và TSH hỗ trợ chẩn đoán phân biệt ung thư tuyến giáp với bệnh lý bướu cổ.

Nồng độ hormone TSH là chỉ số nhạy nhất để theo dõi thuốc Levothyroxine có thích hợp khi dùng để điều trị bệnh nhân hay không. 

– Sau khi phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp và điều trị hủy mô giáp bằng I-131, chỉ số Tg được dùng để theo dõi bệnh.

2. Xét nghiệm ung thư tuyến giáp với phương pháp sinh thiết

Sinh thiết tuyến giáp là một thủ thuật y tế trong đó mẫu mô nhỏ được lấy ra từ tuyến giáp và kiểm tra dưới kính hiển vi để phát hiện các bệnh lý về tuyến giáp. Nếu như xét nghiệm máu không được đánh giá cao về tính chính xác thì sinh thiết lại được xem là phương pháp chẩn đoán bệnh có độ chính xác cao. 

2.1. Các phương pháp sinh thiết trong tầm soát ung thư tuyến giáp

– Sinh thiết kim: Đây là kỹ thuật sinh thiết tuyến giáp được áp dụng chủ yếu để sàng lọc bệnh ung thư tuyến giáp. Kỹ thuật này thường thực hiện kết hợp với phương pháp siêu âm nhằm tìm vị trí đặt kim chính xác. Mẫu mô và dịch tuyến giáp sẽ được lấy thông qua mũi kim và được mang tới phòng xét nghiệm để kiểm tra. Người bệnh có thể sẽ cảm thấy cảm giác khó chịu, đau nhói trong quá trình sinh thiết. 

– Sinh thiết qua phẫu thuật (sinh thiết mở): Kỹ thuật sinh thiết này yêu cầu phải gây mê bệnh nhân vì thế người bệnh cũng cần nhiều thời gian để hồi phục hơn. Mẫu mô có thể được mang đi xét nghiệm ngay để lấy kết quả khi đang phẫu thuật. Nếu phát hiện có tế bào ung thư, bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp của người bệnh.

xét nghiệm ung thư tuyến giáp ở đâu

Tùy vào từng trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp sinh thiết phù hợp

2.2. Rủi ro của xét nghiệm ung thư tuyến giáp bằng sinh thiết

Sinh thiết tuyến giáp là kỹ thuật tương đối an toàn, tỷ lệ biến chứng thấp nhưng vẫn có một số rủi ro như:

– Nhiễm trùng

– Chảy máu

– Tổn thương các mô xung quanh tuyến giáp

– Cảm giác đau, sưng đỏ xung quanh vị trí sinh thiết

– Các vết đỏ lan rộng từ vị trí sinh thiết

– Hạch bạch huyết sưng ở cổ

– Có biểu hiện sốt

Bên cạnh đó, chúng ta cũng nên có lưu ý thêm về tính chính xác của phương pháp sinh thiết. Kết quả (âm tính) khi sinh thiết tuyến giáp không có nghĩa là chắc chắn tuyến giáp khỏe mạnh. Nhiều khối u tuyến giáp có kích thước nhỏ và mẫu sinh thiết có thể đến từ một khu vực của tuyến giáp không có bệnh, nên sinh thiết cũng có thể cho kết quả âm tính giả. Do đó, khi có dấu hiệu bất thường và bạn thuộc nhóm có nguy cơ cao bị ung thư tuyến giáp thì việc duy trì tầm soát định kỳ có ý nghĩa rất quan trọng.

giá xét nghiệm ung thư tuyến giáp

Các phương pháp tầm soát ung thư vẫn có tỷ lệ sai sót nhỏ

Trên đây là một số thông tin quan trọng về 2 phương pháp xét nghiệm sàng lọc ung thư tuyến giáp phổ biến, hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu thêm về 2 kỹ thuật tầm soát ung thư này. Vì luôn tồn tại một số rủi ro cũng như sai lệch trong chẩn đoán nên bạn cần tìm tới các cơ sở y tế uy tín để đảm bảo kết quả kiểm tra sức khỏe chính xác nhất có thể. 

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital