Thời điểm vàng cho bé uống vắc xin phòng tiêu chảy Rota

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ - Bác sĩ

Đặng Thị Kim Hạnh

Trưởng đơn vị Tiêm chủng

Tiêu chảy cấp là căn bệnh phổ biến thường xảy ra đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, bệnh gây ảnh hưởng nặng đến sức khỏe và thậm chí là tính mạng của trẻ. Tuy nhiên, bệnh tiêu chảy cấp hoàn toàn có thể kiểm soát được vì hiện tại đã có vắc xin phòng tiêu chảy rota. Vậy đâu là thời điểm thích hợp nhất để cho bé đi uống chủng ngừa Rota?

1. Mức độ nguy hiểm của virus Rota đối với trẻ nhỏ

Virus Rota là một chủng virus gây ra bệnh lý viêm dạ dày ruột cấp tính với mức độ nặng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Virus Rota khi xâm nhập vào cơ thể người bệnh sẽ gây ra tình trạng tiêu chảy mất nước nặng, khiến trẻ bị suy nhược, mệt mỏi và có thể dẫn đến tử vong.

Theo thống kê trên thế giới mỗi năm virus rota có thể "đánh gục" gần 500.000 trẻ dưới 5 tuổi tử vong.

Theo thống kê trên thế giới mỗi năm virus rota có thể “đánh gục” gần 500.000 trẻ dưới 5 tuổi tử vong

Khi mắc tiêu chảy cấp do virus Rota, trẻ sẽ đi ngoài liên tục từ 10 – 20 lần trên 1 ngày, thậm chỉ có thể lên tới trên 20 lần trong trường hợp nặng. Điều này gây nên tình trạng mất nước ở trẻ. Một số biểu hiện thường gặp khi mắc Rota có thể kể đến như: tiêu chảy phân có nước, nôn và sốt cao kéo dài từ 2 – 5 ngày. Trong trường hợp trẻ bị mất nước nghiêm trọng nhưng không được bổ sung có thể dẫn đến tử vong.

Virus Rota chủ yếu lây truyền qua đường phân – miệng hoặc tay – miệng với tốc độ và khả năng lây nhiễm cực nhanh. Chúng được đào thải qua đường tiêu hóa ở trẻ nhiễm bệnh và tồn tại trong môi trường bên ngoài như lưu lại trên tay (trong vài giờ) hoặc lưu trú trên bề mặt rắn (trong vài ngày). Chính vì độ nguy hiểm và dễ lây lan của virus rota mà trẻ em nhất là trẻ sơ sinh dưới 2 tuổi nhất thiết cần được uống vắc xin ngừa tiêu chảy càng sớm càng tốt để bảo vệ sức khỏe và hệ miễn dịch của bé trong giai đoạn đầu đời.

2. Chủng ngừa Rota đúng thời điểm, đủ liều lượng

Đối tượng dễ nhiễm virus Rota là nhóm trẻ sơ sinh giai đoạn từ 6 – 36 tháng tuổi vì lúc này trẻ đã bắt đầu vận động nhiều hơn, tò mò với thế giới xung quanh. Bé đã biết bò hoặc cầm đồ chơi cho vào miệng. Tuy vậy cũng có một số trẻ bị nhiễm virus Rota từ lúc 3 tháng tuổi. Vì vậy theo khuyến cáo của các chuyên gia tiêm chủng, cha mẹ nên cho trẻ đi uống vắc xin ngừa rota từ khi trẻ được 8 tuần tuổi và nên hoàn thành phác đồ tiêm chủng trước 6 tháng tuổi để cơ thể có thời gian sản sinh ra kháng thể, chuẩn bị “lá chắn vững vàng” trước khi bé bước vào giai đoạn dễ nhiễm bệnh nhất.

Cha mẹ nên cho bé đi uống vắc xin phòng tiêu chảy rota đúng thời điểm để bảo vệ sức khỏe tốt nhất cho con

Cha mẹ nên cho bé đi uống vắc xin phòng tiêu chảy rota đúng thời điểm để bảo vệ sức khỏe tốt nhất cho con

Việc cho bé uống vắc xin phòng tiêu chảy rota đúng thời điểm là vô cùng quan trọng vì trên thực tế đã có trường hợp cha mẹ nhớ ra cần cho bé uống ngừa rota thì lúc đó bé đã trên 6 tháng tuổi nên không đủ điều kiện uống được nữa. Chính vì thế, cha mẹ nên hết sức lưu ý để không bỏ lỡ “thời điểm vàng” bảo vệ bé trước sự tấn công của virus Rota.

3. Những loại vắc xin phòng tiêu chảy do virus rota

Hiện tại có 2 loại vắc xin phòng virus Rota đang được sử dụng rộng rãi là vắc xin Rotarix ( được sản xuất tại Bỉ) và vắc xin Rotateq (được sản xuất tại Mỹ). Cả hai dòng vắc xin này đều được nghiên cứu và sản xuất tại các hãng dược lớn trên thế giới và đều cho kết quả phòng ngừa cao.

3.1. Vắc xin phòng tiêu chảy rota của Bỉ (Rotarix)

Vắc xin Rotarix của Bỉ là dòng vắc xin sống giảm độc lực được chỉ định sử dụng cho trẻ sơ sinh từ 6 tuần tuổi, phòng ngừa bệnh viêm dạ dày – ruột do virus rota tuýp G1 và không phải G1. Mặc dù thành phần vắc xin Rotarrix chỉ có 1 tuýp G1P nhưng vắc xin vẫn được công nhận khả năng bảo vệ chéo tất cả các tuýp huyết thanh G1 và không phải G1.

– Đường dùng vắc xin Rotarix:

Vắc xin Rotarix được chỉ định chỉ dùng đường uống và không dùng đường tiêm. Rotarix có khả năng bám dính cực tốt nên sau khi uống vắc xin nếu trẻ có bị nôn hay trớ thì không cần uống lại liều khác. Tuy nhiên nếu trẻ nôn trớ quá nhiều vắc xin thì có thể cần được uống lại.

– Những lưu ý khi sử dụng vắc xin Rotarix:

+ Nên tạm hoãn uống vắc xin trong trường hợp trẻ đang bị sốt hoặc gặp vấn đề liên quan đến rối loạn tiêu hóa, dễ nôn trớ. Nếu trẻ bị cảm cúm nhẹ thì vẫn có thể tiếp tục cho trẻ sử dụng bình thường.

+ Lưu ý nên giữ vệ sinh cá nhân như rửa tay sau khi thay tã, pha bình sữa đối với trẻ vừa được uống vắc xin rota.

+ Với những trẻ mắc bệnh đường tiêu hóa, trước khi quyết định cho bé uống ngừa rota nên hỏi ý kiến tư vấn của bác sĩ vì vắc xin có thể làm cho các vấn đề bệnh của bé nghiêm trọng hơn.

– Những tác dụng phụ không mong muốn khi uống vắc xin Rotarix:

Bé có thể sẽ gặp một vài vấn đề như: bú kém hơn do mất cảm giác ngon miệng, nôn trớ ở 1 – 2 ngày đầu, đầy hơi chướng bụng hoặc đi ngoài nhẹ. Nếu bé xuất hiện triệu chứng đi ngoài phân nước nhiều lần, cha mẹ nên cho bé tới cơ sở y tế chuyên khoa để được kiểm tra và thăm khám, tránh tình trạng để bé bị mất nước.

– Phác đồ và lịch uống dành cho vắc xin Rotarix (Bỉ):

Vắc xin Rotarix được chỉ định uống 2 liều liên tiếp, mỗi liều cách nhau ít nhất 4 tuần. Liều thứ nhất có thể cho bé uống khi đủ 6 tuần tuổi. Liều thứ 2 nên được hoàn thành trước khi bé 6 tháng tuổi.

3.2. Vắc xin phòng tiêu chảy rota của Mỹ (Rotateq)

Vắc xin Rotateq Mỹ là dòng vắc xin sống giảm độc lực, ngũ giá được chỉ định dùng cho trẻ từ 7,5 tuần tuổi với công dụng phòng bệnh viêm dạ dày – ruột do rota virus gây nên ở trẻ nhỏ bởi các tuýp G1, G2, G3, G4 và các tuýp có chứa thành phần P1A.

Vắc xin phòng tiêu chảy rota - Rotateq (Mỹ)

Vắc xin phòng tiêu chảy rota – Rotateq (Mỹ)

– Đường dùng của vắc xin Rotateq (Mỹ):

Vắc xin Rotateq chỉ dùng đường uống, chống chỉ định đường tiêm. Nếu trẻ uống vắc xin bị nôn trớ hoặc nhổ ra thì không được uống lại liều vắc xin thay thế mà sẽ tiếp tục uống ở lịch uống vắc xin kế tiếp. Không được pha loãng vắc xin Rotateq cùng nước hay sữa.

– Những lưu ý khi sử dụng vắc xin Rotateq (Mỹ):

+ Nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi uống ngừa Rota với những trẻ đang mắc bệnh dạ dày ruột tiến triển, tiêu chãy mãn hoặc lồng ruột bẩm sinh.

+ Tạm hoãn uống Rotateq với trẻ đang bị sốt hoặc đang bị nhiễm trùng cấp tính nặng. Nếu nhiễm trùng thể nhẹ vẫn có thế cho trẻ uống Rota bình thường.

+ Rotateq được chứng minh hiệu quả với trẻ từ 6 tuần đến 32 tuần. Trẻ dưới 6 tuần tuổi chưa có dữ liệu lâm sàng về tính hiệu quả cũng như độ an toàn khi sử dụng vắc xin.

– Phác đồ và lịch uống vắc xin ngừa tiêu chảy Rotateq:

Vắc xin Rotateq được khuyến cáo theo phác đồ uống 3 liều, khoảng cách giữa các lần uống cách nhau ít nhất 30 ngày. Liều uống thứ nhất khi trẻ đủ 7,5 tuần tuổi đến 12 tuần tuổi và nên hoàn thành 3 liều uống rota trước khi trẻ đủ 8 tháng tuổi.

– Những tác dụng phụ có thể gặp khi uống vắc xin Rotateq (Mỹ):

Sau khi uống vắc xin ngừa tiêu chảy do rota virus, bé có thể sẽ gặp những phản ứng nhẹ và không kéo dài, cha mẹ không cần quá lo lắng vì đó là sự đáp ứng miễn dịch của cơ thể con. Một số phản ứng có thể gặp sau khi trẻ được uống ngừa rota như: nôn trớ, bỏ bú, rối loạn tiêu hóa nhẹ….Nếu trẻ đi ngoài phân nước nhiều lần và có dấu hiệu mất nước thì cha mẹ nên cho bé tới cơ sở y tế kiểm tra ngay để tránh tình trạng suy nhược cơ thể.

Cả 2 loại vắc xin Rotarix và Rotateq hiện đều được phòng tiêm chủng Thu Cúc TCI cung cấp với nguồn vắc xin chất lượng cũng như đảm bảo điều kiện bảo quản theo tiêu chuẩn của Bộ Y Tế. Để được khám sàng lọc miễn phí và đặt lịch tiêm chủng, quý khách hàng vui lòng liên hệ tới tổng đài tư vấn của Thu Cúc TCI để được tổng đài viên hỗ trợ.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital