Trẻ càng nhỏ thì khả năng mắc bệnh càng lớn, biến chứng của bệnh cũng nặng hơn do khả năng đề kháng của cơ thể còn yếu. Để phòng bệnh và ngăn ngừa những biến chứng nặng của bệnh, các chuyên gia khuyên cáo nên đưa trẻ đi tiêm phòng từ sớm. Sau đây là lịch tiêm phòng trẻ sơ sinh đến 12 tháng tuổi mà cha mẹ cần ghi nhớ.
Menu xem nhanh:
1. Quá trình gây bệnh và cơ chế hoạt động của vắc xin
Trẻ mắc bệnh khi các loại vi khuẩn, virus xâm nhập và phát tác trong cơ thể. Có những loại bệnh truyền nhiễm phổ biến, trẻ có thể vượt qua được nếu sức khỏe tốt. Nhưng cũng có những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có thể lấy đi tính mạng của trẻ hoặc để lại những di chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe và cả tương lai của trẻ sau này. Nhiều loại bệnh thậm chí còn không có thuốc chữa, gây nên tâm lý hoang mang và lo lắng cho rất nhiều bậc cha mẹ có con nhỏ. Để bảo vệ cả trẻ em và người lớn khỏi những căn bệnh truyền nhiễm này, các nhà khoa học đã phát minh ra vắc xin.
Để hiểu hơn về tiêm chủng, trước tiên cùng tìm hiểu về quá trình cơ thể bị bệnh và cách thức hoạt động của vắc xin.
Trước tiên cùng tìm hiểu về cách các loại mầm bệnh gây bệnh cho chúng ta như thế nào. Các loại vi khuẩn virus tồn tại ở môi trường bên ngoài rất đa dạng. Chúng có thể ở trong không khí, cũng có loại ở trong các giọt bắt lơ lửng sau khi người có bệnh ho hoặc hắt hơi, chúng cũng có thể tồn tại trên bề mặt các vật thể, thậm chí là trong đất hoặc nguồn nước. Các tác nhân gây bệnh này xâm nhập vào cơ thể thông qua nhiều con đường như: đường hô hấp, tiêu hóa, đường máu hoặc dịch tiết,…
Sau khi vào bên trong, cơ thể của chúng ta sẽ phát hiện ra “vật lạ” xâm nhập và phát ra tín hiệu để huy động một “lực lượng” bảo vệ tập trung đến chỗ của “kẻ xâm nhập”. Lực lượng này sẽ bao gồm đại thực bào, bạch cầu,…để tấn công lại mầm bệnh. Trong khi đó, các mầm bệnh này sẽ không ngừng nhân lên nhanh chóng để chống lại đội quân bảo vệ của cơ thể. Đây được ví như một trận chiến giữa kẻ gây bệnh và lực lượng bảo vệ.
Trường hợp virus, vi khuẩn chiến thắng, cơ thể sẽ mắc bệnh. Ngược lại, nếu hệ miễn dịch đủ mạnh để chiến thắng những mầm bệnh này thì cơ thể sẽ khỏi bệnh và dần hồi phục. Sau “trận chiến”, hệ miễn dịch sẽ ghi nhớ về loại virus, vi khuẩn cũng như cách thức chúng tấn công. Sau này, nếu như loại virus, vi khuẩn đó một lần nữa tấn công thì cơ thể đã có thể đối phó với chúng một cách chính xác, hiệu quả, giúp cơ thể chiến thắng dễ dàng và không bị mắc bệnh.
Từ cách thức cơ bản gây bệnh nói trên, các nhà nghiên cứu y học đã cho ra đời vắc xin, đây là phát minh “thế kỷ”, đã cứu sống hàng triệu người trên toàn thế giới khỏi các loại bệnh vô cùng nguy hiểm. Thành phần của vắc xin là 1 phần của vi khuẩn, virus hoặc toàn bộ cá thể nhưng đã được làm yếu đi, không còn khả năng gây bệnh. Vắc xin cũng có thể được tách chiết từ các thành phần của virus, vi khuẩn và được điều chế trong phòng thí nghiệm để mang đến hiệu quả tốt nhất.
Tiêm chủng là đưa vào trong cơ thể những sản phẩm vắc xin đã được kiểm nghiệm qua nhiều công đoạn, đảm bảo an toàn. Khi vắc xin vào cơ thể sẽ gây nên hiện tượng nhiễm trùng giả, không gây bệnh nhưng tại ra báo động cho hệ miễn dịch để sản sinh ra kháng thể và tạo trí nhớ miễn dịch cho cơ thể. Quy trình này tương tự như khi cơ thể bị bệnh thật sự nhưng lại không làm cho trẻ bị bệnh, không phải trải qua quá trình bệnh cũng không gây nên nguy hiểm như khi bị bệnh thật sự. Đây chính là giải pháp hiệu quả giúp trẻ được bảo vệ trước nhiều căn bệnh nguy hiểm.
2. Lịch tiêm phòng trẻ sơ sinh đến 12 tháng tuổi
2.1 Lịch tiêm phòng trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh cần tiêm 2 mũi cơ bản là:
– Vắc xin phòng viêm gan B, tiêm ngay khi sinh tại bệnh viện, thường là trong vòng 24 giờ. Có thể dùng vắc xin của chương trình tiêm mở rộng hoặc tiêm dịch vụ.
– Vắc xin phòng bệnh Lao: vắc xin BCG của Việt Nam, được tiêm tại trạm xá phường/xã trước khi trẻ đầy tháng, tiêm càng sớm càng tốt.
2.2 Lịch tiêm phòng trẻ sơ sinh đến 6 tháng tuổi
Qua giai đoạn sơ sinh, số mũi vắc xin cần tiêm cho trẻ sẽ nhiều hơn. Cụ thể như sau:
– Khi trẻ đủ 6 tuần tuổi. Trẻ sẽ cần uống mũi vắc xin Rota để bảo vệ trẻ khỏi bệnh viêm dạ dày ruột do virus rota. Thời điểm này, trẻ cũng cần tiêm thêm mũi phế cầu để phòng ngừa các bệnh viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi, viêm tai giữa.
– Khi trẻ đủ 2 tháng tuổi: Trẻ cần tiêm mũi 6 trong 1 hoặc 5 trong 1 phòng các bệnh: Uốn ván, ho gà, bạch hầu, bại liệt, Hib, viêm gan B.
– 6 tháng trẻ cần tiêm mũi Cúm và não mô cầu BC
2.3 Lịch tiêm phòng từ 6 tháng đến 12 tháng tuổi
Khi trẻ được 9 tháng, cha mẹ cần ghi nhớ lịch tiêm chủng gồm những mũi sau:
– Sởi – Quai bị- Rubella: Có thể tiêm vắc xin sởi đơn hoặc mũi 3 trong 1 khi trẻ được 9 tháng và tiêm mũi 2 bằng vắc xin 3 trong 1 cách mũi 1 từ 3 đến 6 tháng.
– Vắc xin viêm não Nhật Bản: Tiêm 2 mũi cách nhau 1 năm đối với vắc xin Imojev. Đối với vắc xin Jevax hoặc Jeev tiêm khi trẻ đủ 12 tháng.
– Vắc xin thủy đậu: Tiêm 1 hoặc 2 mũi tùy loại vắc xin.
– Vắc xin viêm não mô cầu AC. Tiêm 2 mũi cách nhau 3 tháng.
Khi trẻ được 12 tháng sẽ cần tiêm tiêm vắc xin viêm gan A để phòng bệnh viêm gan A lây chủ yếu qua đường ăn uống.
Để phòng bệnh cho trẻ một cách hiệu quả nhất, cha mẹ cần ghi nhớ lịch tiêm phòng trẻ sơ sinh đến 12 tháng tuổi. Đây là giai đoạn quan trọng để tiêm những mũi vắc xin phòng bệnh nhằm mang lại tác dụng bảo vệ cao nhất cho trẻ. Nếu có những thắc mắc gì về vắc xin, liên hệ với Phòng tiêm chủng Thu Cúc TCI để được giải đáp bạn nhé.