Là tuyến nội tiết lớn nhất cơ thể, tuyến giáp đóng vai trò quan trọng sản sinh hormone điều hòa trao đổi chất. Để kiểm tra khả năng hoạt động và phát hiện sớm các bệnh lý liên quan, y học thường sử dụng phương pháp xét nghiệm chức năng tuyến giáp. Vậy chúng ta cần hiểu về xét nghiệm này như thế nào?
Menu xem nhanh:
1. Xét nghiệm chức năng tuyến giáp và những vấn đề liên quan
Trước khi tìm hiểu về kỹ thuật xét nghiệm đánh giá chức năng của tuyến giáp, hãy hiểu đúng – đủ về cơ quan này.
1.1. Tuyến giáp và chức năng của tuyến giáp
Tuyến giáp là tuyến nhỏ nằm trước cổ, mang hình bướm. Tuyến làm nhiệm vụ sản sinh các hormone, được truyền vào máu đi tới các cơ quan trong cơ thể. Hormone này đóng vai trò là dẫn dẫn truyền, điều hòa hoạt động của tế bào và các mô cơ quan. Nhờ đó quá trình trao đổi chất diễn ra nhịp nhàng, trôi chảy.
2 hormone tuyến giáp chính là triiodothyronine – T3 (chiếm 10%) và thyroxine – T4 (chiếm 90%). Bản chất của chúng đều là tyrosine. Nguyên liệu chính sản xuất ra hormone này là iot. Tuy nhiên, trong phân tử T4 có chứa 4 nguyên tử iot, ở T3 là 3 nguyên tử. Tại các tế bào và mô, T4 sẽ khử 1 iot để chuyển thành T3.
Trường hợp nồng độ hai hormone này thấp hơn bình thường làm ảnh hưởng tới tốc độ trao đổi chất, vùng dưới đồi sẽ giải phóng hormone thyrotropin-releasing (TRH). TRH đi vào tuyến yên, kích thích tuyến yên sản sinh hormone kích thích tuyến giáp sản xuất T3, T4.
1.2. Xét nghiệm chức năng tuyến giáp được mô tả như thế nào?
Xét nghiệm đánh giá chức năng tuyến giáp là xét nghiệm máu, đo lường nồng độ các chất và hormone trong máu. Thông qua các kết quả đó, bác sĩ kiểm tra khả năng hoạt động của tuyến giáp, phát hiện bệnh lý như suy giáp, cường giáp, hoặc tiên lượng khối u giáp.
Vậy khi nào nên làm xét nghiệm với tuyến giáp? Với vai trò quan trọng của tuyến, các bác sĩ luôn khuyến cáo khi bệnh nhân có các dấu hiệu bất thường như khó nuốt, khàn tiếng, ho kéo dài, cổ to bất thường,… cần đi xét nghiệm tuyến càng sớm càng tốt. Đặc biệt, những người có tiền sử bệnh lý tuyến giáp cần thực hiện xét nghiệm định kỳ 6 tháng/lần.
Tuy nhiên, xét nghiệm kiểm tra chức năng tuyến giáp không tiến hành đơn lẻ, mà sẽ nằm trong gói khám hay tầm soát ung thư. Bởi chỉ kết quả xét nghiệm không thể kết luận được tình trạng bệnh nhân. Bác sĩ sẽ kết hợp các danh mục khám khác để chẩn đoán và tầm soát bệnh lý.
2. Các xét nghiệm đánh giá chức năng tuyến giáp phổ biến
Mỗi loại xét nghiệm kiểm tra chức năng tuyến giáp được đặt tên theo loại hormone hoặc chất bác sĩ cần đánh giá. Có 5 xét nghiệm thường gặp nhất.
2.1. Xét nghiệm TSH
TSH hay là hormone kích thích tuyến giáp sản xuất T3 và T4 khi có dấu hiệu giảm thấp nồng độ hai chất này. Xét nghiệm này giúp chẩn đoán các rối loạn trong tuyến giáp cùng nguyên nhân gây rối loạn. Ngoài ra đây cũng là kỹ thuật giúp theo dõi kết quả điều trị bệnh và tiên lượng nguy cơ tái phát sau điều trị.
2.2. Xét nghiệm thyroxine – T4
Đây là phương pháp giúp đo lường nồng độ thyroxine trong máu, kiểm tra chức năng hoạt động của giáp. Xét nghiệm này thường được kết hợp với xét nghiệm TSH, nhằm tầm soát nguy cơ cường giáp hoặc suy giáp. T4 có loại bị ảnh hưởng bởi protein máu, có loại không. T4 không bị ảnh hưởng gọi là T4 tự do, là dạng hoạt hóa của thyroxine. Xét nghiệm T4 tự do gọi là FT4.
2.3. Xét nghiệm triiodothyronine – T3
T3 là hormone tuyến giáp được tạo thành từ T4. Xét nghiệm đo lường nồng độ T3 toàn phần được chỉ định thực hiện khi bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân mắc cường giáp do T3 gây nên. Xét nghiệm FT3 (T3 tự do) chỉ đo hàm lượng T3 gắn kết với protein.
2.4. Xét nghiệm kháng thể kháng Thyroperoxidase – TPOAb
Đây là loại kháng thể được sản sinh khi cơ thể nhầm lẫn các thành phần tuyến giáp với các loại protein lạ. Đây là bệnh lý tự miễn tuyến giáp, là tác nhân gây viêm mãn tính tuyến giáp, tổn thương, rối loạn chức năng hoặc nghiêm trọng hơn là suy giáp, ung thư tuyến giáp.
2.5. Xét nghiệm thyroglobulin – Tg trong xét nghiệm chức năng tuyến giáp
Tg là protein được sản sinh bởi tuyến giáp. Xét nghiệm Tg được ứng dụng trong chỉ điểm khối u tuyến giáp, đánh giá hiệu quả chữa ung thư và dự đoán khả năng tái phát bệnh. 2 ung thư tuyến giáp phổ biến nhất là u tuyến giáp thể nhú và thể nang. Bệnh thường đi kèm dấu hiệu tăng Tg rõ rệt trong máu.
Ngoài ra, 15-20% số bệnh nhân mắc u tuyến giáp, cơ thể có khả năng tự sản xuất kháng thể kháng Tg, gọi là Anti-Tg. Nó ảnh hưởng tới kết quả xét nghiệm Tg. Vì vậy Tg và Anti-Tg thường được thực hiện cùng nhau để có kết quả chính xác nhất.
3. Ý nghĩa của các chỉ số xét nghiệm chức năng tuyến giáp
Ở người bình thường, chỉ số xét nghiệm đánh giá chức năng thường là:
– TSH: 0,4-4,0 mU/L;
– T4: 60-140 nmol/L;
– FT4: 10-26 pmol/L;
– T3: 1,1-2,7 nmol/L;
– FT3: 3,5-7,8 pmol/L.
Thông thường, từ chỉ số trên mà bác sĩ sẽ có thể chẩn đoán được một số vấn đề bạn có thể mắc phải như:
– Nếu TSH nhỏ hơn 0,4 tức bệnh nhân thừa hormone, cần giảm liều lượng thuốc hormone giáp xuống và tái xét nghiệm sau 2-3 tuần.
– Trường hợp TSH lớn hơn 4,0 là tình trạng thiếu hormone giáp hay suy giáp, cần tăng liều lượng hormone và tái xét nghiệm sau đó.
– TSH cao và FT4 thấp là cơ sở để bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân mắc suy giáp nguyên phát.
– TSH thấp và FT4 thấp có thể là dấu hiệu của suy giáp thứ phát.
– TSH thấp và FT4 cao là biểu hiện của bệnh nhân mắc cường giáp.
Ngoài ra, nếu lượng Tg và Anti-Tg cao thì bệnh nhân có khả năng bị viêm giáp. Trường hợp kết quả này duy trì sau khi bệnh nhân đã cắt tuyến giáp thì có thể nhu mô tuyến giáp vẫn còn hoặc hạch đã di căn xa hơn. Ngoài ra, các xét nghiệm T3, FT3 thường được kết hợp cùng TSH sẽ giúp bác sĩ chỉ định bệnh nhân điều chỉnh tăng giảm liều lượng hormone tùy tình hình sức khỏe và bệnh lý.
Như vậy, xét nghiệm kiểm tra chức năng tuyến giáp là kỹ thuật không thể thiếu trong tầm soát ung thư tuyến giáp và các bệnh lý về tuyến giáp. Tuy nhiên, chúng ta cần tìm hiểu kỹ càng về địa chỉ thăm khám để đảm bảo kết quả thăm khám chính xác và an toàn nhất.