Theo thống kê cho thấy có tới 12% dân số Việt Nam được chẩn đoán mắc bệnh sỏi tiết niệu. Nhiều người còn rất chủ quan, coi nhẹ biến chứng của căn bệnh này. Vậy nguyên nhân sỏi tiết niệu là gì? Bệnh gây ra những nguy hiểm như thế nào và cách điều trị ra sao? Xin mời quý độc giả theo dõi ngay sau đây.
Menu xem nhanh:
1. Nguyên nhân sỏi tiết niệu là gì?
Sỏi tiết niệu được hình thành do sự kết tinh, lắng đọng của các tinh thể vô cơ có trong nước tiểu. Sỏi thận chiếm tỷ lệ cao nhất với hơn 40% tổng số ca mắc. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh sỏi tiết niệu, theo các chuyên gia y tế có 2 nhóm nguyên nhân chính dưới đây.
1.1. Nguyên nhân sỏi tiết niệu từ những thói quen không tốt
– Không uống đủ nước là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh sỏi tiết niệu. Khi cơ thể không đủ nước dẫn đến tình trạng nước tiểu bị cô đặc, nồng độ các tinh thể bão hòa trong nước tiểu lắng đọng hình thành sỏi.
– Thói quen nín nhịn đi tiểu khi có nhu cầu là thói quen xấu, nhiều người Việt mắc phải. Nhịn tiểu khiến nước tiểu ở quá lâu trong hệ tiết niệu, làm cho các chất tạo sỏi dễ dàng lắng đọng, kết tủa.
– Thói quen uống rượu bia quá nhiều không chỉ gây hại sức khỏe, đặc biệt hại gan mà còn là nguyên nhân gây ra bệnh sỏi đường tiết niệu.
– Ăn quá nhiều rau có chứa thành phần oxalat như rau dền, rau muống, rau bạc hà… Oxalat là một hợp chất hữu cơ, khi bổ sung quá nhiều có thể liên kết với các khoáng chất để hình thành sỏi.
– Thói quen ăn mặn của người Việt cũng là một lý do gia tăng bệnh sỏi đường tiết niệu.
– Lạm dụng bổ sung canxi và vitamin C.
1.2. Nguyên nhân sỏi tiết niệu đến từ yếu tố khác
– Dị dạng đường tiết niệu như hẹp niệu quản, hẹp niệu đạo, túi thừa niệu đạo… khiến cho nước tiểu không thoát hết được ra ngoài. Lâu dần việc lắng cặn từ nước tiểu là nguyên nhân gây ra sỏi.
– Một số bệnh di truyền cũng làm tăng nguy cơ gây ra bệnh sỏi đường tiết niệu.
– Do Việt Nam nói riêng và vùng Đông Nam Á nói chung thuộc khu vực dịch tễ dễ bị sỏi.
– Tác dụng phụ của một số thuốc điều trị cũng là nguyên nhân sỏi tiết niệu hình thành.
– Những người nằm bất động lâu ngày như bị liệt cũng dễ có sỏi tiết niệu hơn.
– Nhiễm trùng đường tiểu tái phát nhiều lần cũng sẽ dẫn đến việc tạo sỏi.
2. Những biến chứng nguy hiểm của căn bệnh sỏi tiết niệu
Khi không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh sỏi tiết niệu có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm sau đây:
– Tắc nghẽn đường tiểu dẫn đến thận ứ nước, giãn đài bể thận: Khi sỏi lớn sẽ chặn dòng thoát của nước tiểu, khiến nước tiểu không thể thoát hết ra ngoài.
– Viêm đường tiết niệu tái diễn liên tục: Viên sỏi có cạnh sắc nhọn, di động làm trầy xước, chảy máu niêm mạc tiết niệu tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm trùng.
– Suy giảm chức năng của thận dẫn đến suy thận: Tình trạng ứ nước tiểu, viêm tiết niệu… kéo dài sẽ ảnh hưởng đến chức năng lọc của thận, lâu ngày sẽ dẫn đến suy thận
– Vỡ thận do chứng vô niệu: Khi viên sỏi chèn ép khiến nước tiểu không thể đào thải gây áp lực dẫn đến vỡ thận.
3. Tìm hiểu về những cách điều trị sỏi tiết niệu hiện nay
Khi sỏi tiết niệu còn nhỏ, kích thước nhỏ hơn 5mm, chưa gây ra biến chứng. Đồng thời, người bệnh không bị hẹp niệu quản và niệu đạo sẽ được chỉ định uống thuốc tây để cơ thể tự đào thải sỏi. Các loại thuốc được bác sĩ kê đơn giúp tan sỏi và bào mòn sỏi. Ngoài ra, người bệnh cần uống thêm thuốc giảm đau, kháng viêm, thuốc giãn cơ trơn… Việc điều trị bằng thuốc cần được theo dõi sát sao và tái khám đúng hẹn. Qua đó bác sĩ sẽ có những đánh giá về hiệu quả điều trị.
Khi sỏi lớn và gây ra những triệu chứng khó chịu, những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe, việc loại bỏ sỏi bắt buộc phải thực hiện. Trước đây, để loại bỏ sỏi tiết niệu bác sĩ sử dụng phương pháp phẫu thuật mổ mở, với 1 đường mổ rất dài vị trí thận. Phương pháp này gây mất máu, nhiều biến chứng và lâu hồi phục cho người bệnh. Hiện nay các phương pháp tán sỏi công nghệ cao ra đời, áp dụng rộng rãi giúp điều trị hiệu quả bệnh sỏi tiết niệu với nhiều ưu điểm vượt trội.
3.1. Tán sỏi ngoài cơ thể – Điều trị sỏi tiết niệu hiệu quả không mổ, không đau
Đây là phương pháp tán sỏi không hề xâm lấn vào cơ thể. Các bác sĩ sử dụng sóng xung kích hội tụ vào vị trí viên sỏi để phá vỡ cấu trúc. Tán sỏi ngoài cơ thể không gây tổn thương đến các cơ quan lân cận. Quá trình tán sỏi diễn ra êm ái, người bệnh tỉnh táo và nằm thoải mái. Sau khoảng 30 phút đến 50 phút tán sỏi, người bệnh có thể được xuất viện ngay.
3.2. Tán sỏi qua da – Giải pháp tán sạch sỏi tiết niệu kích thước lớn
Giải pháp tán sỏi này loại bỏ được sỏi tiết niệu kích thước lớn, ở vị trí khó. Bác sĩ sẽ chỉ rạch trên da vùng lưng khoảng 5mm đến 10mm, tạo một đường hầm nhỏ vào thận sau đó sẽ luồn ống nội soi và thiết bị tán sỏi thực hiện phá vỡ sỏi bằng năng lượng laser. Tán sỏi qua da có ưu điểm giúp người bệnh ít đau, ít chảy máu, bảo vệ tối đa chức năng thận. Ngoài ra, người bệnh rất nhanh hồi phục, thời gian lưu viện chỉ 1 đến 3 ngày.
3.3. Điều trị sỏi tiết niệu bằng phương pháp tán sỏi ngược dòng bằng laser
Phương pháp tán sỏi này áp dụng điều trị sỏi niệu quản ở vị trí ⅓ giữa và dưới, điều trị sỏi bàng quang và sỏi niệu đạo.
Tiến hành tán sỏi, người bệnh sẽ được gây mê, sau đó bác sĩ đưa ống nội soi qua đường niệu đạo, rồi luồn dây dẫn tia laser vào vị trí sát viên sỏi. Tùy theo độ cứng của sỏi, bác sĩ sẽ điều chỉnh cường độ tia laser bắn vỡ cấu trúc sỏi. Khi sỏi đã được tán vỡ nát, mảnh nhỏ sẽ theo nước tiểu ra ngoài, với những mảnh sỏi lớn bác sĩ sẽ dùng dụng cụ chuyên dụng để lấy bỏ. Phương pháp tán sỏi này hoàn toàn không mổ, ít đau, nhanh chóng hồi phục…
Như vậy, nguyên nhân sỏi tiết niệu có rất nhiều. Trong đó rất nhiều nguyên nhân đến từ thói quen xấu. Để phòng ngừa hiệu quả căn bệnh này, người bệnh cần có thói quen ăn uống, sinh hoạt lành mạnh. Khi nhận thấy cơ thể có những bất thường về tiết niệu, cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám kịp thời.