Nguyên nhân đau dạ dày thường gặp cần cảnh giác

Tham vấn bác sĩ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Vũ Văn Khiên

Phó giám đốc phụ trách Nội soi tiêu hóa

Đau dạ dày là triệu chứng bất thường về tiêu hóa, cảnh báo vấn đề sức khỏe dạ dày. Nếu chủ quan và không kịp thời điều trị, tình trạng này có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm khó lường. Chính vì vậy, việc xác định nguyên nhân đau dạ dày để nâng cao cảnh giác phòng ngừa bệnh là vô cùng cần thiết.

1. Đau dạ dày là gì và đau ở vị trí nào?

Đau dạ dày được hiểu là tình trạng dạ dày (bao tử) bị tổn thương hoặc rối loạn vận động kèm tăng tiết acid dịch vị. Bệnh gây ra các cơn đau âm ỉ, căng tức hoặc nóng rát tại vùng thượng vị (vùng chính giữa bụng trên rốn). Thông thường triệu chứng khó chịu này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, cơn đau có thể dữ dội và kéo dài trong nhiều trường hợp, cảnh báo nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm.

Cơn đau dạ dày có thể xuất hiện tại vùng thượng vị hoặc lệch sang hai bên, thậm chí có thể lan ra sau lưng. Người bệnh có thể bị đau bụng khi đói hoặc về ban đêm, hoặc ngay sau khi ăn khiến người bệnh có cảm giác tức bụng, ấm ách, không ăn được nhiều.

Người bệnh thường bị đau dạ dày đi kèm với nhiều triệu chứng đa dạng, bao gồm:

– Đầy hơi, chướng bụng.

– Ợ hơi, ợ chua, ợ nóng.

– Trào ngược acid dạ dày, đôi khi kèm theo thức ăn.

– Buồn nôn, nôn.

Nguyên nhân đau dạ dày thường gặp

Cơn đau dạ dày có thể liên quan đến các bất thường tại dạ dày, thường đi kèm ợ hơi, chướng bụng, trào ngược acid,…

2. Các nguyên nhân đau dạ dày phổ biến

Đau dạ dày có liên quan đến nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó các nguyên nhân phổ biến hàng đầu được liệt kê dưới đây.

2.1. Viêm niêm mạc dạ dày – tá tràng cấp tính

Niêm mạc dạ dày – tá tràng bị tổn thương đột ngột sau khi uống nhiều rượu bia hoặc ăn thực phẩm cay nóng. Ngoài ra, tác dụng phụ của thuốc giảm đau chống viêm Non Steroid hoặc Aspirin cũng có thể gây ra đợt viêm dạ dày cấp.

2.2. Loét dạ dày – tá tràng

Tổn thương loét dạ dày – tá tràng thường bắt nguồn từ vi khuẩn Helicobacter Pylori  (viết tắt là HP) hoặc do dùng Aspirin và các thuốc đau chống viêm Non Steroid. Bên cạnh đó, bệnh còn có thể liên quan đến bệnh Crohn, hội chứng Zollinger Ellison (các khối u gastrin khiến dạ dày sản xuất quá nhiều acid)…

2.3. Khối u ác tính tại thực quản – dạ dày là nguyên nhân đau dạ dày

Tổ chức ung thư tại thực quản – dạ dày là căn nguyên nguy hiểm dẫn đến triệu chứng đau dạ dày. Trong đó, ung thư vùng tâm vị thực quản thường gặp ở người hút nhiều thuốc lá và lạm dụng rượu bia. Nguy cơ ung thư dạ dày tăng cao ở nhóm tuổi từ trung niên trở lên.

Các nguyên nhân đau dạ dày

Các khối u tại thực quản và dạ dày có thể gây ra những cơn đau dạ dày

2.4. Chứng khó tiêu chức năng

Hội chứng này gây triệu chứng đau tức hoặc nóng rát vùng thượng vị, ăn nhanh no, bụng ậm ạch khó chịu sau khi ăn. Nội soi dạ dày thường được chỉ định trong trường hợp này nhằm xác định tình trạng niêm mạc dạ dày bình thường, chỉ có viêm teo hay đã tiến triển thành viêm loét.

2.5. Thói quen ăn uống không lành mạnh

Đây cũng là một trong những “thủ phạm” đứng sau tình trạng đau dạ dày, với các thói quen điển hình gồm:

– Ăn uống không đúng giờ, thường xuyên bỏ bữa, ăn không điều độ, ăn quá khuya.

– Để bụng trong trạng thái quá đói hoặc ăn quá no, ăn quá nhanh.

– Sử dụng nhiều thực phẩm chiên rán, cay nóng hoặc chua.

– Không tập trung khi ăn, có thói quen vừa ăn vừa đọc sách, xem tivi, chơi điện thoại,…

– Không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, sử dụng các thực phẩm bẩn, nhiễm khuẩn, ôi thiu,…

– Sử dụng quá nhiều đồ uống có cồn, thuốc lá và các chất kích thích cũng là thói quen xấu gây hại cho dạ dày.

2.6. Căng thẳng và lo lắng kéo dài

Tâm lý căng thẳng, lo âu sẽ giải phóng các hormone và chất dẫn truyền thần kinh ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động co bóp của dạ dày và nhu động ruột. Điều này dẫn đến hiện tượng đau bụng, đầy hơi, ợ chua,… Ngoài ra, căng thẳng còn có thể gây mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, từ đó dẫn đến đau dạ dày.

2.7. Tác dụng phụ của thuốc là nguyên nhân đau dạ dày

Một số loại thuốc có thể gây ra các rối loạn đối với dạ dày nói riêng và hệ tiêu hóa nói chung. Sau đây là một số nhóm thuốc có khả năng gây khó chịu cho dạ dày, người bệnh cần cẩn trọng khi sử dụng:

– Thuốc giảm đau như Aspirin, Ibuprofen, Naproxen,… có thể kích ứng niêm mạc dạ dày, gây đau bụng, ợ nóng,…

– Thuốc kháng sinh thường được sử dụng với mục đích tiêu diệt vi khuẩn, điều trị nhiễm trùng. Tuy nhiên, loại thuốc này có thể làm mất cân bằng hệ vi sinh đường tiêu hóa, dẫn đến tình trạng đau dạ dày, buồn nôn, đầy hơi, tiêu chảy,…

– Một số thuốc giảm Cholesterol có thể ảnh hưởng đến dạ dày, gây đầy hơi, táo bón hoặc tiêu chảy.

– Thuốc giảm đau (đặc biệt là các loại thuốc giảm đau mạnh như Oxycodone, Hydrocodone) có thể gây co thắt bụng, đầy hơi, buồn nôn, táo bón,…

– Thực phẩm chức năng bổ sung sắt có thể khiến dạ dày bị kích ứng, gây triệu chứng đau.

– Một số loại thuốc điều trị ung thư có tác dụng phụ là gây đau dạ dày.

Nguyên nhân đau dạ dày phổ biến

Sử dụng một số loại thuốc trong thời gian dài có thể khiến dạ dày bị tổn thương dẫn đến triệu chứng đau

2.8. Dị ứng hoặc không dung nạp một số thực phẩm

Tình trạng đau dạ dày, đầy hơi có thể bắt nguồn từ lý do dị ứng và không dung nạp thực phẩm. Các thực phẩm dễ gây dị ứng và kích ứng dạ dày thường gặp phải kể đến như:

– Sữa và các sản phẩm từ sữa.

– Đậu phộng, đậu nành.

– Hải sản, một số loại cá, động vật thân mềm có vỏ (như ốc, nghêu…).

Khi phát hiện hiện tượng dị ứng hoặc không dung nạp một số loại thức ăn – đồ uống nhất định, người bệnh cần liên hệ bác sĩ để được tư vấn hướng xử trí. Thêm vào đó, bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh kế hoạch ăn uống phù hợp nhằm đảm bảo sức khỏe dạ dày và đường tiêu hóa.

3. Biến chứng tiềm ẩn gây ra bởi đau dạ dày

Với cơn đau dạ dày cấp tính, đa số các triệu chứng sẽ xuất hiện đột ngột. Tình trạng này thường không quá nguy hiểm đến sức khỏe và có thể dễ dàng chữa khỏi nếu điều trị kịp thời.

Tuy nhiên, các cơn đau dạ dày xuất hiện thường xuyên với mức độ nghiêm trọng hơn cảnh báo các vấn đề mạn tính. Lúc này người bệnh đối mặc với một số biến chứng nguy hiểm tiềm ẩn như: xuất huyết dạ dày, thủng dạ dày, hẹp môn vị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

4. Cách chẩn đoán đau dạ dày

Cơn đau dạ dày có thể liên quan đến các bất thường, bệnh lý tại dạ dày và một số vấn đề tại các cơ quan khác như sỏi mật, u đường mật, u tụy, bán tắc ruột hoặc tắc ruột,… Do đó, để có được kết luận chính xác về vấn đề sức khỏe đang gặp phải, người bệnh cần thăm khám với bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa.

Trước hết, bác sĩ sẽ kiểm tra lâm sàng, khai thác vị trí, mức độ cơn đau, các triệu chứng đi kèm,… Từ đó, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng phù hợp cho từng người bệnh.

Nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng là một trong các phương pháp hiệu quả nhất và được ứng dụng phổ biến trong chẩn đoán đau dạ dày và nguyên nhân gây bệnh. Bên cạnh đó, một số phương pháp khác như siêu âm ổ bụng, chụp CT, X-quang, cộng hưởng từ… cũng có thể được thực hiện giúp chẩn đoán loại trừ các bệnh lý khác.

5. Điều trị đau dạ dày

5.1. Điều trị theo nguyên nhân đau dạ dày

Bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị đặc hiệu tùy theo từng căn nguyên gây đau dạ dày:

– Trường hợp đau dạ dày do viêm loét dạ dày: Để lành ổ loét, người bệnh có thể cần sử dụng thuốc ức chế bơm Proton (PPI) nhằm giảm tiết acid. Một số loại thuốc thường dùng gồm: Omeprazole, Pantoprazole, Esomeprazole, Lansoprazole, Rabeprazole,…

– Trường hợp đau dạ dày tá tràng do vi khuẩn HP: Người bệnh cần dùng kháng sinh tiêu diệt HP kết hợp với thuốc PPI.

– Trường hợp cơn đau dạ dày gây ra bởi việc dùng các thuốc giảm đau chống viêm Non Steroid hoặc Aspirin: Người bệnh cần điều chỉnh các loại thuốc đang dùng theo tư vấn của bác sĩ, kết hợp dùng PPI để điều trị.

– Trường hợp nguyên nhân do chứng khó tiêu chức năng: Người bệnh có thể dùng PPI hoặc phối hợp với các loại thuốc làm tăng vận động đường tiêu hóa.

Nhằm đảm bảo hiệu quả điều trị, người bệnh tuyệt đối không tự ý sử dụng các loại thuốc. Thay vào đó, người bệnh cần thăm khám và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

5.2. Cải thiện chế độ ăn uống và sinh hoạt hỗ trợ điều trị

– Uống đủ nước mỗi ngày giúp hoạt động tiêu hóa trơn tru và quá trình hấp thụ dinh dưỡng diễn ra hiệu quả.

– Ăn chậm, nhai kỹ thức ăn, nên ăn nhiều bữa nhỏ trong một ngày.

– Tránh xa các loại thực phẩm khó tiêu hoặc khiến tình trạng đau dạ dày trầm trọng thêm như: đồ ăn cay nóng, thực phẩm nhiều dầu mỡ,…

– Không uống rượu bia, không hút thuốc lá bởi đây là các tác nhân khiến cơn đau dạ dày nặng nề hơn.

– Tăng cường vận động, tập thể dục mỗi ngày, ngủ đủ giấc, hạn chế căng thẳng, không thức khuya.

Trên đây là các nguyên nhân đau dạ dày thường gặp, cách chẩn đoán và điều trị tình trạng này. Khi xuất hiện cơn đau và các triệu chứng khó chịu về dạ dày cũng như đường tiêu hóa, hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được thăm khám kịp thời, ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm về sau.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital