Những năm đầu đời, vì hệ miễn dịch chưa phát triển toàn diện, trẻ dễ dàng mắc nhiều vấn đề về sức khỏe. Trong vô vàn những vấn đề, đơn giản có, phức tạp có; 4 vấn đề hay 4 bệnh sau là thường xuyên tấn công trẻ nhất. Làm cha, làm mẹ, tuyệt đối đừng xem nhẹ 4 bệnh thường gặp ở trẻ này, bởi không chỉ phổ biến, chúng còn rất nguy hiểm, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Menu xem nhanh:
1. Nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính
Nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính hay viêm đường hô hấp cấp tính là bệnh lý được xác định khi tình trạng viêm nhiễm xuất hiện tại một hoặc một vài bộ phận cấu thành đường hô hấp, như: mũi, hầu họng, xoang, thanh quản, khí quản, phế quản, tiểu phế quản, phổi. Bệnh có nhiều hình thái, bao gồm: Viêm mũi, viêm họng, viêm xoang, viêm thanh quản, viêm khí quản, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản và viêm phổi.
Nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính có thể khởi phát từ nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, nếu là nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính ở trẻ thì thường là do virus, như: Virus cúm, virus sởi, virus hợp bào hô hấp,… và một số loại nấm.
Không phân biệt hình thái cụ thể, nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính nhìn chung đều được biểu hiện bằng tình trạng trẻ sốt, ho khan hoặc ho có đờm, chảy mũi, hắt hơi, ngạt mũi, nôn trớ, thở nhanh, thở khò khè, đi ngoài phân lỏng
Mặc dù bản chất là lành tính, bệnh thường gặp ở trẻ này vẫn có thể tiến triển đến suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết và tử vong, nếu không được điều trị tích cực.
2. Sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính phát sinh do siêu vi trùng Dengue. Bệnh lây từ người sang người thông qua muỗi vằn và xuất hiện phổ biến hơn ở trẻ em, mặc dù người trưởng thành cũng có thể dễ dàng nhiễm bệnh.
Dấu hiệu nhận biết sốt xuất huyết là vô cùng đặc trưng. Cụ thể, những dấu hiệu đó là: Sốt cao khó hạ, đau đầu, đau hốc mắt, đau cơ xương khớp, mệt mỏi, ăn kém, phát ban trên da, nôn, đau bụng, tiêu chảy. Đây là những triệu chứng sốt xuất huyết nhẹ. Trường hợp sốt xuất huyết nặng, trẻ có thể bị xuất huyết nội tạng, cụ thể là xuất huyết não và xuất huyết hệ tiêu hóa. Những trẻ này thường chỉ sốt nhẹ, đau đầu mức độ bình thường và không phát ban. Tuy nhiên, sau 2 ngày xuất hiện những triệu chứng đó, trẻ đi ngoài ra phân đen hoặc ra phân lẫn máu tươi, chảy máu mũi, chảy máu răng,…
Khác với nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính, mặc dù khả năng điều trị dứt điểm rất cao, sốt xuất huyết vẫn là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm. Bệnh thường gặp ở trẻ này nếu không điều trị tích cực có thể biến chứng đến sốc mất máu, xuất huyết não, suy tim, suy thận và tử vong
3. Tay chân miệng
Tay chân miệng cũng là một bệnh truyền nhiễm cấp tính. Bệnh do virus đường ruột họ Enterovirus (cụ thể là Coxsackievirus A16, Enterovirus 71) gây ra. Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trung bình mỗi năm, có khoảng 50.000 – 100.000 trẻ Việt Nam mắc tay chân miệng. Trẻ tay chân miệng được ghi nhận chủ yếu vào các khoảng thời gian tháng 3 – tháng 5 và tháng 9 – tháng 12.
Tương tự sốt xuất huyết, nhận biết tay chân miệng không hề khó khăn. Theo đó, bệnh có triệu chứng không điển hình và triệu chứng điển hình. Với triệu chứng không điển hình là: Sốt, đau họng, chảy mũi, mệt mỏi, tiêu chảy, nổi hạch cổ và hạch hàm dưới; và triệu chứng điển hình là các tổn thương da – niêm mạc, tồn tại dưới dạng các vết phồng rộp.
Tay chân miệng có thể biến chứng, cũng có thể không biến chứng. Cụ thể, nếu hình thành do Coxsackievirus A16, tay chân miệng ít biến chứng. Trường hợp hình thành do Enterovirus 71, tay chân miệng có thể diễn biến đến viêm màng não, viêm não, viêm cơ tim và tử vong.
4. Adenovirus
Tương tự sốt xuất huyết và tay chân miệng, Adenovirus là bệnh truyền nhiễm cấp tính. Nguyên nhân gây Adenovirus là virus Adeno – một loại virus có sức sống tương đối mãnh liệt (có thể gây bệnh ở nhiệt độ 36 độ C trong 7 ngày, 22 độ C trong 14 ngày, 4 độ C trong 70 ngày và chỉ không thể gây bệnh ở nhiệt độ từ 56 độ C).
Adenovirus có thể tác động đến đa cơ quan trên cơ thể trẻ. Cụ thể, những cơ quan đó là: Mắt (viêm kết mạc), cơ quan hô hấp (viêm họng, viêm phổi), cơ quan tiêu hóa (viêm dạ dày), cơ quan tiết niệu (viêm bàng quang). Chính vì vậy, biểu hiện trẻ mắc Adenovirus rất đa dạng. Trong đó, các biểu hiện Adenovirus phổ biến nhất chúng ta có là: Sốt, ho, thở khò khè, thở nhanh, có thể có suy hô hấp, đau mắt đỏ, đau bụng, đi ngoài phân lỏng.
Không được điều trị tích cực, Adenovirus có thể làm trẻ bị lồng ruột, viêm phổi mãn tính, nhiễm trùng huyết và tử vong
Để hạn chế tối đa nguy cơ biến chứng, bảo vệ con an toàn vượt qua những năm đầu đời, ngay khi dấu hiệu của 4 bệnh trên xuất hiện, lập tức đưa con đến cơ sở y tế uy tín gần nhất, để con được thăm khám, chẩn đoán và chỉ định phương pháp điều trị hiệu quả.
Phía trên là thông tin cơ bản về 4 bệnh thường gặp ở trẻ trong những năm đầu đời. Nếu còn thắc mắc cần giải đáp, liên hệ Thu Cúc TCI ngay, cha mẹ nhé!