Kỹ thuật tầm soát ung thư cổ tử cung phổ biến hiện nay

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ, Thầy thuốc ưu tú

Tạ Quang Mậu

Bác sĩ Nội Khoa

Tỷ lệ phụ nữ mắc phải ung thư cổ tử cung ngày càng trẻ hóa, nếu không phát hiện kịp thời sẽ để lại cho bệnh nhân nhiều hậu quả nghiêm trọng. Vậy làm sao để kiểm tra và nên áp dụng kỹ thuật tầm soát ung thư cổ tử cung nào ắt hẳn là câu hỏi được nhiều chị em quan tâm. Vậy hãy cùng theo dõi bài viết sau để cùng tìm hiểu nhé!

1. Tìm hiểu về tầm soát ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung là bệnh lý ác tính của biểu mô lát (biểu mô vảy) hoặc biểu mô tuyến cổ tử cung, thường xuất hiện từ độ tuổi 30 trở đi. Ung thư xuất hiện khi các tế bào này phát triển mất kiểm soát và xâm lấn vào khu vực của các tế bào thường, tạo thành các khối u trong cổ tử cung. Tuy nhiên, căn bệnh này hoàn toàn có thể phòng trừ nếu tiêm đầy đủ vaccine và thường xuyên khám phụ khoa và tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ.

Tầm soát ung thư cổ tử cung là phương pháp chẩn đoán giúp phát hiện sớm và ngăn chặn sự phát triển của các tế bào bất thường ở cổ tử cung. Từ đó, người bệnh sẽ được các bác sĩ theo dõi, chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời để giảm thiểu tối đa những nguy cơ xấu và gia tăng tỷ lệ sống sót cho người bệnh. Kể từ khi các kỹ thuật tầm soát ung thư cổ tử cung ra đời và được ứng dụng rộng rãi, tỷ lệ lệ người mắc và tử vong bởi căn bệnh này giảm đi đáng kể. Chính vì vậy, chị em phụ nữ nên dành thời gian đi khám tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ để bảo vệ vững chắc sức khỏe của bản thân.

ky-thuat-tam-soat-ung-thu-co-tu-cung-pho-bien-hien-nay-1

Khối u ung thư cổ tử cung

2. Các kỹ thuật tầm soát ung thư cổ tử cung phổ biến hiện nay

2.1. Khám phụ khoa

Để tầm soát ung thư cổ tử cung, chị em phụ nữ cần phải đi khám phụ khoa định kỳ. Bản chất khám phụ khoa định kỳ không thể khẳng định được bệnh nhân có mắc ung thư cổ tử cung hay không, tuy nhiên, khám phụ khoa sẽ giúp các bác sĩ phát hiện dấu hiệu ban đầu của bệnh như tình trạng viêm nhiễm,… Và đương nhiên, nếu bệnh lý viêm nhiễm nếu không được điều trị sẽ trở thành môi trường thuận lợi để virus HPV phát triển.

Phụ nữ nên khám phụ khoa định kỳ mỗi 6 tháng hoặc 1 năm và lặp lại trong vòng 2 đến 5 năm sau đó. Đối với phụ nữ đang trong độ tuổi quan hệ tình dục nên khám phụ khoa 6 tháng – 1 năm/lần, vì ngoài ung thư cổ tử cung phụ nữ còn phải đối mặt với các vấn đề khác như viêm nhiễm phụ khoa.

Trong trường hợp bác sĩ khám phát hiện những triệu chứng bất thường và nghi ngờ là ung thư cổ tử cung, bệnh nhân sẽ được các bác sĩ chỉ định thực hiện các phương pháp khác như xét nghiệm HPV, Pap smear, Thinprep Pap, soi cổ tử cung,….. để kiểm tra mức độ phát triển của các tế bào ung thư.

Khám phụ khoa lâm sàng

Khám phụ khoa lâm sàng

2.2. Xét nghiệm Pap Smear

Phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung đầu tiên không thể không kể đến phương pháp xét nghiệm Pap Smear. Phương pháp phết tế bào cổ tử cung (Pap smear) là phương pháp tầm soát hàng đầu giúp phát hiện những biến đổi bất thường trong các tế bào nằm trong cổ tử cung. Sự xuất hiện của những tế bào các tế bào bất thường này là dấu hiệu điển hình tiền ung thư ở bệnh nhân ung thư giai đoạn khởi phát. Trong trường hợp, kết quả xét nghiệm Pap Smear phát hiện tế bào biến đổi bất thường, các bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm thêm để khẳng định và đưa ra phương án điều trị kịp thời trước khi các tế bào này phát triển thành ung thư.

2.3. Xét nghiệm HPV test

So với xét nghiệm Pap Smear, tầm soát ung thư cổ tử cung bằng xét nghiệm HPV có phần tiên tiến hơn, cho phép phát hiện các DNA của HPV sớm với độ nhạy, độ đặc hiệu cao. Để thu thập mẫu xét nghiệm HPV, các bác sĩ cần lấy mẫu tế bào cổ tử cung trực tiếp, song không sử dụng dụng cụ mỏ vịt mà dùng que quấn gòn đặc biệt đưa vào cổ tử cung qua âm đạo. Đặc biệt, 2 chủng virus HPV thường gây ung thư cổ tử cung là HPV16 và HPV18 có thể được xác định nhanh chóng. Hiện nay, xét nghiệm HPV cũng được các bác sĩ khuyến cáo để tầm soát ung thư cổ tử cung thay thế xét nghiệm Pap Smear do có độ chính xác và độ nhạy cao hơn.

2.4. Xét nghiệm Thinprep

Xét nghiệm Thinprep là xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung được cải tiến đáng kể so với xét nghiệm Pap Smear.  Xét nghiệm tế bào ung thư cổ tử cung Thinprep là xét nghiệm tiên tiến giúp chẩn đoán sớm và chính xác bệnh. Điểm khác biệt so với các phương pháp khác là mẫu tế bào cổ tử cung được thu thập sẽ hòa với chất lỏng định hình trong một lọ Thinprep. Ngay sau đó, mẫu xét nghiệm sẽ được đưa đến phòng thí nghiệm để phân tích bằng máy Thinprep làm tiêu bản hoàn toàn tự động.

2.5. Phương pháp sàng lọc VIA

Phương pháp sàng lọc Acid acetic hay còn gọi tắt là VIA (Visual inspection with Acid acetic) là nghiệm pháp chấm cổ tử cung bằng dung dịch acid acetic 3-5% và quan sát bằng mắt thường để phát hiện những tổn thương tiền ung thư. Toàn bộ quy trình sàng lọc diễn ra trong thời rất ngắn, tuy nhiên, chị em có thể cảm thấy hơi xót khi Acid acetic nhỏ vào tử cung nhưng cơn đau sẽ nhanh chóng biến mất.

Đối tượng phù hợp nhất nên sàng lọc VIA là từ 30 đến 50 tuổi nhưng không áp dụng cho phụ nữ mãn kinh và tần suất làm xét nghiệm VIA là 2 năm/lần. Khác với xét nghiệm trên, VIA có thể thực hiện vào bất kỳ lúc nào, ngay cả khi có kinh (trừ khi ra huyết quá nhiều), trong khi có thai, khám hậu sản,… Tuy nhiên, phương pháp VIA chỉ được áp dụng cho phụ nữ quan sát được vùng chuyển tiếp cổ tử cung. Ngoài ra, phương pháp sàng lọc VIA cũng có thể thực hiện khi người phụ nữ đến khám các bệnh lây qua đường tình dục như HIV.

Kỹ thuật tầm soát ung thư cổ tử cung bằng sàng lọc VIA thường được áp dụng tại tuyến y tế cơ sở khi không có đủ điều kiện cơ sở để xét nghiệm HPV cũng như làm Pap smear. Nếu thấy nghi ngờ có dấu hiệu tổn thương tiền ung thư cổ tử cung thì cần hướng dẫn chuyển bệnh nhân lên tuyến trên khám sàng lọc kỹ hơn.

2.6. Soi cổ tử cung

Soi cổ tử cung là phương pháp quan sát cổ tử cung bằng máy soi cổ tử cung. Kỹ thuật soi cổ tử cung sẽ chiếu ánh sáng qua âm đạo, vào cổ tử cung, có thể phóng to hình ảnh thật lên gấp 10 đến 30 lần. Kỹ thuật này giúp bác sĩ phát hiện những tổn thương trên cổ tử cung mà mắt thường không thể nhìn thấy. Bên cạnh đó, soi cổ tử cung còn có thể phối hợp với bôi dung dịch acid acetic 3 – 5% và dung dịch lugol 2% vào cổ tử cung để giúp xác định chính xác các tổn thương ở cổ tử cung.

Soi cổ tử cung được thực hiện khi kết quả xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung cho thấy có những biến đổi bất thường trong tế bào. Soi cổ tử cung là kỹ thuật rất quan trọng giúp các bác sĩ chẩn đoán và đánh giá các bất thường ở cổ tử cung. Khi phát hiện các tổn thương nghi ngờ tại cổ tử cung, bác sĩ sẽ lấy sinh thiết lại vị trí đó để lấy vài mảnh mô nhỏ, sau đó soi trên kính hiển vi để tìm ra tế bào ác tính nhằm phục vụ việc chẩn đoán bệnh chính xác.

Kỹ thuật tầm soát ung thư cổ tử cung phổ biến hiện nay

Phương pháp soi cổ tử cung

3. Nên lựa chọn phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung nào?

Trước khi thực hiện các xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung, chị em nên thực hiện khám phụ khoa để đánh giá chung về tình trạng sức khỏe tình dục của bản thân. Trong trường hợp bác sĩ khám phát hiện những triệu chứng bất thường và nghi ngờ là ung thư cổ tử cung, chị em sẽ được chỉ định làm các xét nghiệm khác như Pap smear, Thinprep Pap và soi hoặc sinh thiết cổ tử cung để kiểm tra mức độ phát triển của các tế bào ung thư.

Với mỗi lứa tuổi lại được áp dụng các kỹ thuật tầm soát ung thư cổ tử cung khác nhau:

– Việc tầm soát ung thư cổ tử cung dành cho phụ nữ có độ tuổi từ 21 trở lên, đặc biệt với những người đã từng quan hệ tình dục. Đối với phụ nữ trong độ tuổi từ  21 đến 29 tuổi, khi đặt lịch tầm soát ung thư cổ tử cung, nên làm xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung Pap smear hoặc Thin Prep với tần suất 3 năm/ lần. Tuy nhiên cần lưu ý xét nghiệm HPV không được khuyến cáo ở độ tuổi này.
– Đối với phụ nữ từ 30 đến 65 tuổi, khi đặt lịch tầm soát ung thư cổ tử cung, nên thực hiện đồng thời cả 2 xét nghiệm HPV và Pap test/ Thin prep với tần suất 5 năm/ lần nếu kết quả HPV âm tính. Và kết hợp thực hiện HPV và Thin prep hoặc Pap Smear hàng năm nếu kết quả HPV dương tính. Tuy nhiên, việc thực hiện tầm soát bằng phương pháp nào hay tần suất ra sao, người bệnh nên dựa vào sự tư vấn của bác sĩ chuyên môn để đảm bảo hiệu quả nhất.
– Phụ nữ có thể ngưng tầm soát ung thư cổ tử cung sau 65 tuổi khi không có tiền sử tế bào cổ tử cung biến đổi bất thường ở các mức độ (trung bình/cao/ác tính) trong các lần tầm soát trước và có 3 lần liên tiếp kết quả Pap test bình thường/ HPV âm tính liên tiếp trong vòng 10 năm, trong đó kết quả gần nhất nên được thực hiện trong vòng 5 năm.

Tuy nhiên. sẽ có trường hợp các kết quả xét nghiệm trên có dấu hiệu bất thường như các tế bào bất thường ấy có trở lại bình thường hay phát triển thành tế bào ung thư và các bác sĩ cần kiểm tra thêm để đưa ra kết luận cuối, bệnh nhân sẽ được chỉ định khám bổ sung thêm như soi cổ tử cung, sinh thiết cổ tử cung,…

Chính vì vậy, chị em cần lựa chọn một cơ sở khám bệnh uy tín, chất lượng để thăm khám và theo dõi toàn bộ quá trình tầm soát ung thư cổ tử cung của mình.  Nếu chị em vẫn đang còn phân vân, chúng tôi xin phép gợi ý địa chỉ khám tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc TCI. Với việc tầm soát ung thư cổ tử cung, Thu Cúc TCI xây dựng các gói khám được thiết kế khoa học cùng hệ thống máy móc kiểm tra hiện đại, độ chính xác cao và đội ngũ y bác sĩ, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực ung bướu.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital