Như chúng ta đã biết, bệnh ung thư thường ít có biểu hiện, triệu chứng ngay từ giai đoạn đầu. Nếu biết cách phát hiện sớm ung thư, hầu hết các bệnh ung thư đều có thể được điều trị hiệu quả hoặc kiểm soát lâu dài. Qua bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Menu xem nhanh:
1. Tỷ lệ điều trị đạt hiệu quả cao nếu phát hiện được ung thư sớm
Nếu được phát hiện sớm thì hầu hết các căn bệnh ung thư có thể chữa trị hiệu quả bằng những phương pháp phù hợp. Đối với giai đoạn rất sớm, người bệnh có thể chỉ cần tiến hành loại bỏ khối u mà không cần bổ sung phương pháp hỗ trợ nào khác như hóa trị, xạ trị… Điều này giúp giảm thiểu tối đa chi phí điều trị, giảm tác dụng phụ và biến chứng bệnh.
Tỷ lệ điều trị thành công và tỷ lệ sống của một số căn bệnh ung thư nếu được phát hiện sớm là:
– Ung thư đại tràng: Hơn 90% trường hợp mắc bệnh ung thư đại tràng có thể sống hơn 5 năm nếu được chẩn đoán ở giai đoạn sớm.
– Ung thư vú: Hơn 90% phụ nữ phát hiện bệnh ung thư vú vào giai đoạn sớm có thể sống được tối thiểu 5 năm. Trong khi ở giai đoạn muộn, cơ hội sống sẽ chỉ còn 6%.
– Ung thư buồng trứng: Hơn 90% phụ nữ bị ung thư buồng trứng giai đoạn sớm có thể sống tối thiểu 5 năm. Trong khi ở giai đoạn muộn thì cơ hội sống còn khoảng 5%.
– Ung thư phổi: Nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu, khoảng 70% bệnh nhân có thể sống tối thiểu 1 năm sau chẩn đoán. Trong khi cơ hội này giảm xuống còn 14% vào giai đoạn muộn.
2. Tại sao nhiều căn bệnh ung thư lại phát hiện muộn?
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc phát hiện bệnh muộn khiến cho việc điều trị khó khăn, kéo theo tỷ lệ sống thấp. Theo thống kê, khoảng 25% bệnh nhân phát hiện ung thư khi đang nhập viện cấp cứu vì bất cứ một triệu chứng nào đó. Hầu hết, các bệnh nhân này có cơ hội sống thường thấp hơn so với các bệnh nhân khác, bởi khi đó tình trạng bệnh đã trở nặng.
Ngoài ra, một số nguyên nhân khác dẫn đến việc phát hiện muộn có thể kể đến như:
– Đa phần các triệu chứng của ung thư thường không xuất hiện rõ vào giai đoạn đầu.
– Một bộ phận người dân còn chủ quan trong việc thực hiện các biện pháp chăm sóc sức khoẻ. Do vậy, khi gặp phải các dấu hiệu bất thường, họ không đi khám mà tự ý mua thuốc để uống.
– Một số người trì hoãn việc tới bệnh viện để thăm khám bởi tâm lý lo sợ sẽ phát hiện ra bệnh.
3. Giúp bạn tìm hiểu về cách phát hiện sớm ung thư
3.1. Tầm soát định kỳ – Cách phát hiện sớm ung thư hiệu quả bạn cần biết
Nếu chỉ dựa vào những triệu chứng rồi mới đi khám thì chúng ta khó có thể phát hiện ung thư sớm. Bởi các triệu chứng của ung thư thường xuất hiện khi bệnh ung thư đã bước sang giai đoạn muộn. Theo các chuyên gia y tế, tầm soát ung thư định kỳ là phương pháp hiệu quả giúp người dân phát hiện căn bệnh này sớm.
Hiện nay, tại nhiều bệnh viện cũng đã triển khai các gói tầm soát ung thư để phù hợp với nhiều đối tượng. Trong gói khám thường bao gồm các danh mục như xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng,… nhằm nhận diện sớm khối u trên toàn cơ thể.
Đồng thời, gói khám còn giúp phát hiện những vấn đề về sức khỏe khác như bệnh mỡ máu, huyết áp cao, bệnh gout, tiểu đường… Vì vậy, người dân không nên bỏ qua việc thực hiện khám tầm soát ung thư sớm và định kỳ để kịp thời phát hiện bệnh, điều trị ngay khi bệnh còn ở giai đoạn “trứng nước”.
3.2. Quy trình tầm soát phát hiện sớm ung thư thường diễn ra như thế nào?
Thông thường, quy trình tầm soát ung thư sẽ thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Khám lâm sàng
Đây là bước khám cơ bản trong sàng lọc ung thư. Bác sĩ sẽ hỏi về yếu tố nguy cơ cũng như tiền sử bệnh của bản thân và gia đình bạn. Từ đó có sự đánh giá chung về tình trạng sức khỏe tổng quát
Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ hỏi về triệu chứng bất thường ở cơ thể nếu có (ví dụ: bạn bị đau ở đâu không hoặc ó triệu chứng nào bất thường không?…). Những thông tin này sẽ là các căn cứ để bác sĩ đưa ra phương thức tầm soát phù hợp nhất.
Bước 2: Khám cận lâm sàng
– Xét nghiệm cơ bản
– Xét nghiệm chỉ điểm khối u
– Chẩn đoán hình ảnh/ Thăm dò chức năng như nội soi, siêu âm, chụp X-Quang, chụp CT cắt lớp, chụp cộng hưởng từ MRI…
Bước 3: Đọc kết quả với bác sĩ
Sau khi có được kết quả từ các phương pháp thăm khám, bác sĩ sẽ tiến hành đọc kết quả cho người bệnh, tư vấn chế độ ăn uống, sinh hoạt cũng như lên phác đồ điều trị phù hợp trong trường hợp phát hiện ra bệnh.
3.3. 3 loại ung thư phổ biến và đối tượng nên tầm soát
Đối với bệnh ung thư vú
– Nữ từ 20 tuổi trở lên.
– Nữ giới có nguy cơ mắc bệnh cao như: Tiền sử gia đình có người bị ung thư vú, kinh nguyệt sớm (trước 12 tuổi), mãn kinh muộn (sau 55 tuổi); người thường sử dụng thuốc tránh thai hoặc dùng Estrogen; người không có con/ sinh con đầu lòng sau 30 tuổi; người có chế độ ăn uống chứa nhiều mỡ động vật; người có thói quen hút thuốc lá, sử dụng bia/rượu,…
– Bạn cũng nên chụp X-quang tuyến vú và siêu âm tuyến vú ngay khi nhận thấy có triệu chứng bất thường tại vú như: sờ thấy có khối rắn, co kéo da hoặc tiết dịch ở núm vú, màu da vú có thay đổi,…
Đối với bệnh ung thư gan
– Người đang nhiễm virus viêm gan B, C và bệnh liên quan đến gan.
– Bệnh nhân tiểu đường hoặc béo phì.
– Người bị xơ gan do sử dụng bia rượu, chất kích thích quá nhiều.
– Người nhận thấy có biểu hiện như thường xuyên mệt mỏi, nước tiểu màu vàng đậm, bị đau âm ỉ ở vùng gan, xuất huyết dưới da.
Đối với bệnh ung thư phổi
– Người trong độ tuổi khoảng từ 55 – 74.
– Người đang hút thuốc lá hoặc đã thuốc trong vòng 15 năm qua.
– Người có tiền sử hút thuốc lá từ khoảng 30 bao – năm trở lên.
Hiện nay, tỷ lệ mắc ung thư đang có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt với các nước đang phát triển như Việt Nam. Do đó, việc thực hiện khám tầm soát sớm ung thư chính là hoạt động mà mỗi người dân chúng ta không nên bỏ qua.