Sàng lọc ung thư cổ tử cung từ sớm để bảo vệ tương lai

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CK II, Thầy thuốc ưu tú

Nguyễn Văn Khuê

Bác sĩ Nội Khoa

Chủ động tìm kiếm thông tin và tầm soát ung thư cổ tử cung là cách hiệu quả giúp chị em phòng ngừa từ sớm căn bệnh nguy hiểm – ung thư cổ tử cung. Thế nên, hãy tiến hành sàng lọc ung thư cổ tử cung ngay từ hôm nay để chuẩn bị cho một tương lai tươi sáng và sự nghiệp thành công.

1. Tại sao chị em nên sàng lọc ung thư cổ tử cung từ sớm?

Virus HPV được đánh giá là nguyên nhân chính dẫn đến nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung ở phụ nữ. Theo thống kê của Bộ Y tế, 80% phụ nữ có khả năng nhiễm virus HPV ít nhất 1 lần trong đời, nhất là ở độ tuổi 20 đến 30. Việc lây nhiễm virus HPV rất phổ biến do có thể lây truyền từ người sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp giữa da với da, da với niêm mạc hoặc niêm mạc với niêm mạc khi quan hệ tình dục.

Có nhiều biện pháp để phòng ngừa ung thư cổ tử cung như tầm soát ung thư cổ tử cung, tiêm phòng vắc xin, giữ gìn vệ sinh cá nhân,… Trong đó, cách tốt nhất để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung là thực hiện các phương pháp khám sàng lọc định kỳ. Việc kiểm tra sức khỏe sinh sản và tầm soát ung thư cổ tử cung thường xuyên được chứng minh giúp phát hiện và điều trị ung thư từ sớm. Hoạt động này giúp phát hiện tế bào ung thư từ giai đoạn khởi phát đem đến cải thiện đáng kể trong việc điều trị, ngăn ung thư tiến triển và di căn tới các khu vực lân cận.

Tầm quan trọng của việc khám sàng lọc ung thư cổ tử cung

Các bác sĩ luôn khuyến cáo chị em nên thực hiện hiện khám phụ khòa và tầm soát ung thư cổ tử cung sớm nhất có thể

2. Điểm danh các phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung phổ biến hiện nay

Để hiểu rõ hơn và phân biệt được những phương pháp dùng để tầm soát ung thư cổ tử cung, chị em hãy cùng theo dõi những thông tin dưới đây.

2.1. Sàng lọc ung thư cổ tử cung bằng xét nghiệm phết tế bào Pap Smear

Xét nghiệm Pap Smear là xét nghiệm phết tế bào ung thư cổ tử cung được dùng để phát hiện những tế bào bất thường có khả năng tiến triển thành ung thư cổ tử cung.

Để thực hiện phương pháp này, bác sĩ sẽ tiến hành thu thập mẫu tế bào ở cổ tử cung để tiến hành phân tích. Sau đó, tế bào này sẽ được phết lên lam kính để xét nghiệm phân tích kết quả.

Toàn bộ quá trình thực hiện phương pháp diễn ra rất ngắn, chỉ trong vòng vài phút và không gây đau. Sau khi thực hiện xét nghiệm, chị em phụ nữ có thể thấy khó chịu do bị chuột rút hoặc chảy máu âm đạo nhẹ. Tuy nhiên, nếu tình trạng khó chịu kéo dài và chảy máu âm đạo không dứt cần thông báo ngay cho bác sĩ để có thể điều trị kịp thời.

2.2. Sàng lọc ung thư cổ tử cung bằng xét nghiệm Thinprep

Xét nghiệm Thinprep là phương pháp xét nghiệm tế bào cổ tử cung được cải tiến so với xét nghiệm Pap Smear.

Về mục đích thực hiện và phương pháp lấy mẫu của xét nghiệm này cũng tương tự với xét nghiệm Pap Smear. Tuy nhiên, mẫu tế bào cổ tử cung sau khi thu thập sẽ được rửa toàn bộ vào một chất lỏng định hình và cho vào lọ Thinprep. Sau đó, mẫu sẽ được bảo quản và mang đến phòng thí nghiệm để thực hiện các kỹ thuật tách chiết, phết tế bào lên mặt lam kính, tiến hành phân tích và cho kết quả.

Điểm khác biệt của phương pháp Thinprep

Thinprep là phương pháp xét nghiệm tế bào cổ tử cung với nhiều cải tiến so với phương pháp Pap Smear

2.3. Xét nghiệm HPV DNA

Xét nghiệm HPV được chỉ định thực hiện để phát hiện sự hiện diện của virus HPV – nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ung thư cổ tử cung, gây biến đổi bất thường ở tế bào cổ tử cung với chủng nguy cơ cao.

Thông thường, quy trình lấy mẫu xét nghiệm HPV được thực hiện đồng thời cùng xét nghiệm Pap Smear hoặc Thinprep để thu thập các tế bào cổ tử cung. Mẫu sau khi được thu thập sẽ đưa vào máy để tiến hành phân tích kết quả.

Đối với phương pháp xét nghiệm HPV, chị em cần lưu ý rằng phương pháp này không khẳng định 100% rằng chị em có mắc ung thư cổ tử cung hay không. Dù vậy, dựa vào kết quả thu được bác sĩ có thể phát hiện được virus gây bệnh đang tồn tại trong cơ thể, từ đó đánh giá được nguy cơ mắc bệnh trong tương lai.

3. Độ tuổi và lựa chọn phương pháp sàng lọc phù hợp

Theo khuyến cáo của bác sĩ, chị em phụ nữ nên bắt đầu tầm soát ung thư cổ tử cung từ 21 tuổi trở đi. Cụ thể:

– Từ 21 đến 29 tuổi: Ở độ tuổi này chị em có thể lựa chọn giữa hai phương pháp Pap Smear và Thinprep để thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung. Tần suất thực hiện trung bình là 3 năm/ lần, nếu chị em thuộc nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh, bác sĩ sẽ có chỉ định cụ thể đối với từng trường hợp bệnh.

– Từ 30 đến 65 tuổi: Ở độ tuổi này chị em vẫn có thể duy trì lịch sàng lọc như ở độ tuổi trên hoặc kết hợp thực hiện xét nghiệm HPV và Thinprep hoặc Pap Smear định kỳ 5 năm/lần nếu kết quả xét nghiệm HPV trước đó âm tính. Và kết hợp thực hiện HPV và Thinprep hoặc Pap Smear hàng năm nếu kết quả xét nghiệm HPV trước đó dương tính.

– Trên 65 tuổi: Nếu trên 65 tuổi và các kết quả xét nghiệm HPV/ Pap Smear/ Thinprep trước đó cho kết quả âm tính, chị em có thể liên hệ bác sĩ để được tư vấn có nên tiếp tục thực hiện các phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung nữa hay không. Tuy nhiên, nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường, chị em vẫn nên tiến hành khám sàng lọc sau độ tuổi 65.

Độ tuổi và phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung phù hợp

Chị em nên tham khảo tư vấn của bác sĩ để có cho mình lịch tầm soát ung thư cổ tử cung phù hợp nhất

4. Những lưu ý trước khi thực hiện xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung

Trước khi thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung bằng bất kỳ phương pháp nào, chị em nên chú ý 3 điều không nên làm dưới đây:

– Không nên quan hệ tình dục trước khi thực hiện xét nghiệm vì có thể ảnh hưởng đến chất lượng mẫu thu thập và làm tổn thương cổ tử cung.

– Không thực hiện xét nghiệm khi đang trong chu kỳ kinh nguyệt vì máu có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm.

– Không thụt rửa và sử dụng các loại thuốc đặt âm đạo, thuốc xịt hoặc bôi trong ít nhất 24 giờ trước khi thực hiện xét nghiệm.

Trên đây là những thông tin giúp chị em hiểu rõ hơn tầm quan trọng của việc tầm soát sớm ung thư cổ tử cung và những kiến thức cần thiết trước khi sàng lọc. Mong rằng chị em sẽ chủ động hơn trong việc tầm soát ung thư cổ tử cung để bảo vệ sức khỏe của bản thân. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào khác, chị em có thể liên hệ ngay đến Thu Cúc TCI để được tư vấn và hỗ trợ sớm nhất!

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital