Hiểu đúng về khái niệm tầm soát ung thư cổ tử cung là gì

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKI

Phạm Thị Nhài

Bác sĩ Sản phụ khoa

Ung thư cổ tử cung là một trong những loại ung thư phổ biến ở nữ giới, nguy hiểm chỉ đứng sau ung thư vú. Tầm soát ung thư cổ tử cung hiện là phương pháp sàng lọc tốt nhất, giúp phát hiện bệnh ngay cả khi không có triệu chứng. Hãy cùng tìm hiểu tầm soát ung thư cổ tử cung là gì và các lưu ý trong quá trình thực hiện để có kết quả chính xác.

1. Ung thư cổ tử cung ở giai đoạn sớm gần như không triệu chứng

Đó là một phần nguyên nhân dẫn đến tâm lý chủ quan ở nữ giới. Hầu hết các chị em đều cho rằng bản thân vẫn khỏe mạnh nên chưa cần đi khám định kỳ hoặc thực hiện sàng lọc ung thư chủ động. Chỉ đến khi cơ thể xuất hiện một vài dấu hiệu rõ ràng như ra huyết âm đạo bất thường, tiết dịch âm đạo bất thường,… thì một số mới nghi ngờ và tìm đến bác sĩ. Số ít trường hợp chấp nhận sống chung với bệnh trong thời gian dài vì nhiều lý do, bao gồm cả tâm lý e ngại khi đi khám, khiến cho việc phát hiện bệnh thường ở giai đoạn muộn.

Theo thống kê của GLOBOCAN, tỷ lệ mắc ung thư cổ tử cung trong năm 2022 là 6,6 trên 100.000 phụ nữ, tổng quan chiếm tới 2,3% tỷ lệ ung thư chung tại Việt Nam. Đáng chú ý, tỷ lệ tử vong lên tới 3,4/ 100.000 người. Có thể thấy, việc phát hiện bệnh muộn khiến quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ thành công không cao và thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh.

Nói về vai trò của sàng lọc ung thư đối với nữ giới, bác sĩ Sản phụ khoa Phạm Thị Nhài (Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI) cho biết sàng lọc chủ động là cách tốt nhất để phát hiện những bất thường, dấu hiệu tiền ung thư, hoặc ung thư ở giai đoạn sớm. Dựa vào kết quả sàng lọc, nữ giới có thể phòng ngừa bệnh, cơ hội điều trị thành công cao, đồng thời bảo toàn được chức năng sinh sản và mạng sống. Bên cạnh đó, việc tiêm phòng vaccine cũng là cách phòng ngừa ung thư cổ tử cung được các chuyên gia y tế khuyến khích thực hiện.

sàng lọc ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung là mối đe dọa sức khỏe lớn đối với nữ giới

2. Bác sĩ giải đáp tầm soát ung thư cổ tử cung là gì?

2.1. Hiểu đúng tầm soát ung thư cổ tử cung là gì

Tầm soát ung thư cổ tử cung là phương pháp sàng lọc, nhằm phát hiện sớm các tế bào bất thường ở cổ tử cung nữ giới (vị trí khe hẹp nối tử cung và âm đạo). Theo thời gian, các tế bào này sẽ phát triển đột biến và hình thành nên khối u. Ở giai đoạn muộn, tế bào bất thường sẽ nhân lên không kiểm soát và mất cơ chế tự hủy, tiếp đó tấn công sang những mô lân cận, thậm chí di căn tới những cơ quan khác.

Như vậy, tầm soát có ý nghĩa trong việc phát hiện tế bào ung thư, hoặc chẩn đoán nguy cơ mắc ung thư ngay cả khi chưa có triệu chứng rõ ràng. Khác với khám phụ khoa thông thường, tầm soát ung thư cổ tử cung bao gồm nhiều chỉ định chuyên sâu để kiểm tra sự phát triển của các tế bào ung thư.

2.2. Thời điểm thích hợp để sàng lọc ung thư cổ tử cung

Chỉ định sàng lọc ung thư cổ tử cung có thể áp dụng cho nữ giới từ 21 tuổi trở lên và đã phát sinh quan hệ tình dục. Nữ giới trong độ tuổi từ 35 – 44 được khuyến cáo nên sàng lọc ung thư chủ động vì đây là nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao nhất.

Tần suất thực hiện còn phụ thuộc vào phương pháp mà bác sĩ chỉ định. Thông thường, nữ giới chỉ cần tầm soát định kỳ 1 – 3 năm/ lần theo lịch hẹn của bác sĩ. Ngoài ra, mỗi chị em cần duy trì thói quen khám phụ khoa định kỳ hàng năm để phát hiện sớm tình trạng viêm nhiễm, một số bệnh phụ khoa, hay thậm chí là dấu hiệu cảnh báo ung thư.

2.3. Các phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung là gì?

Có 2 phương pháp sàng lọc ung thư cổ tử cung được áp dụng phổ biến là Pap smear và HPV. Tùy mỗi trường hợp mà bác sĩ có thể chỉ định thực hiện một trong hai phương pháp trên, hoặc kết hợp cả hai để đưa ra kết luận chính xác. Pap smear là một loại xét nghiệm phổ biến, với quy trình thực hiện nhanh gọn và đơn giản nên có thể thực hiện trong quá trình khám phụ khoa với dụng cụ chuyên biệt. Chi phí thực hiện loại xét nghiệm này cũng không quá cao, phù hợp với thu nhập của phần đông dân số Việt Nam.

Ngoài ra, còn một số phương pháp sàng lọc khác như Thinprep Pap, Cellprep, soi cổ tử cung, sinh thiết. Tuy nhiên, các xét nghiệm này không quá phổ biến và chỉ thực hiện khi có chỉ định của bác sĩ.

tầm soát ung thư cổ tử cung là gì

Quá trình sàng lọc ung thư cổ tử cung sẽ diễn ra dưới sự tư vấn và chỉ định của bác sĩ

2.4. Kết quả sàng lọc ung thư cổ tử cung có chính xác không?

Tầm soát ung thư cổ tử cung hiện đang là phương pháp chẩn đoán ung thư sớm có độ chính xác cao nhất và được khuyến khích thực hiện ở nữ giới trong độ tuổi trưởng thành.

Tuy nhiên, cũng như các loại xét nghiệm khác, tầm soát ung thư cổ tử cung không phải luôn chính xác, mà có thể xuất hiện kết quả bất thường (dương tính giả/ âm tính giả). Để thu được kết quả sàng lọc chính xác, bác sĩ sản phụ khoa khuyên các chị em cần lưu ý một vài vấn đề sau đây:

– Tránh quan hệ tình dục hoặc sử dụng các sản phẩm vệ sinh âm đạo, đặt thuốc trong vòng 3 ngày trước khi thăm khám.

– Không nên tầm soát ung thư khi đang đến kỳ kinh nguyệt. Tốt nhất nên thăm khám sau khi sạch kinh từ 3 – 5 ngày.

– Trường hợp bị viêm nhiễm âm đạo hoặc mắc các bệnh phụ khoa khác thì nên điều trị bệnh trước khi làm xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung.

Để quá trình khám diễn ra suôn sẻ, không gây ảnh hưởng đến kết quả thì các chị em nên thẳng thắn trao đổi về tình trạng sức khỏe với bác sĩ, tuyệt đối không nên giấu bệnh vì có thể bỏ lỡ mất cơ hội phát hiện bệnh nguy hiểm từ giai đoạn sớm.

3. Trường hợp phát hiện bất thường sau khi làm xét nghiệm

Nếu không may phát hiện bất thường sau khi làm xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung thì người bệnh không nên quá lo lắng. Nhiều trường hợp xuất hiện tế bào bất thường nhưng không phải ung thư và sau một thời gian điều trị thì tế bào ấy có thể trở lại bình thường. Ngoài ra, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện bổ sung một số danh mục chuyên sâu nhằm đưa ra kết luận chính xác, ví dụ như soi cổ tử cung hoặc sinh thiết.

Cần lưu ý rằng, tế bào biến đổi bất thường ở cổ tử cung sẽ mất từ 3 – 7 năm để tiến triển thành ung thư, vì thế không khó để có thể phát hiện và phòng ngừa bệnh từ sớm. Thông qua thăm khám và sàng lọc định kỳ, bác sĩ có thể theo dõi sự biến đổi của các tế bào, đồng thời đưa ra hướng xử trí an toàn, kịp thời.

sàng lọc phát hiện sớm ung thư cổ tử cung

TCI sở hữu đội ngũ bác sĩ sản phụ khoa giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực sàng lọc sức khỏe chủ động

Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI tự hào là một trong những cơ sở y tế có đủ năng lực thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung. Với cơ sở vật chất hiện đại và đội ngũ nhân lực giàu kinh nghiệm, TCI ngày càng được nhiều chị em lựa chọn để chăm sóc sức khỏe định kỳ. Mọi thông tin về dịch vụ, quý khách hàng vui lòng liên hệ với bệnh viện để nhận giải đáp sớm nhất!

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital