Khám thai double test là một trong những phương pháp khám sàng lọc quan trọng trong thai kỳ giúp mẹ bầu phát hiện sớm nguy cơ dị tật ở thai nhi. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho các mẹ các thông tin cơ bản về phương pháp này.
Menu xem nhanh:
1. Khám thai double test là gì?
Xét nghiệm double test là phương pháp sàng lọc huyết thanh trước sinh dành cho mẹ bầu nhằm phát hiện một số bất thường về nhiễm sắc thể, nguy cơ xuất hiện các dị tật có thể di truyền ở thai nhi.
Thông thường, thai nhi có 22 cặp nhiễm sắc thể (NST) thường và 1 cặp nhiễm sắc thể giới tính XX (bé gái) hay XY (bé trai). Trong trường hợp xuất hiện thể tam nhiễm, thai nhi sẽ mắc các hội chứng dị tật như:
– Tam nhiễm NST 21: hội chứng Down
– Tam nhiễm NST 18: hội chứng Edward
– Tam nhiễm NST 13: hội chứng Patau
Khi có dấu hiệu đột biến nhiễm sắc thể, nồng độ hCG (Human Chorionic Gonadotropin – một loại hormon được tiết ra trong quá trình hình thành nhau thai sau khi trứng rụng đã được thụ tinh và làm tổ) và PAPP-A (Pregnancy Associated Plasma Protein A – là một loại glycoprotein do nhau thai tạo ra và bài tiết vào máu mẹ) sẽ thay đổi so với mức bình thường.
Xét nghiệm double test giúp mẹ bầu sớm biết tình trạng thai nhi để nhanh chóng đưa ra cách xử lý phù hợp. Trong suốt quá trình phát triển trong bụng mẹ, thai nhi có khả năng mắc phải một số dị tật mà siêu âm thường khó phát hiện ra. Xét nghiệm double giúp mẹ bầu sàng lọc, kiểm soát các nguy cơ gây dị tật cho con.
2. Ai nên khám thai double test?
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, mọi phụ nữ mang thai đều cần được thực hiện xét nghiệm double test, đặc biệt các mẹ bầu sau đây có nguy cơ cao càng nên chú ý:
– Thai phụ trên 34 tuổi
– Mẹ bầu có tiền sử sảy thai, mang thai ngoài tử cung,…
– Đã từng sinh ra con mang dị tật bẩm sinh
– Trong gia đình có người mang dị tật bẩm sinh
– Thai phụ nhiễm virus hay uống thuốc điều trị bệnh trong thai kỳ
– Đo độ mờ da gáy thai nhi cho kết quả có nguy cơ mắc dị tật bẩm sinh.
Tuy nhiên, không phải thời điểm nào của thai kỳ làm xét nghiệm double test cũng cho ra kết quả chính xác. Mẹ bầu cần chú ý tới mốc thời gian khám thai tốt nhất để phát hiện nguy cơ sớm nếu có.
3. Nên xét nghiệm double test khi nào?
Thông thường, xét nghiệm double test được thực hiện vào tuần thứ 11 đến 13 tuần 6 ngày, tức quý I của thai kỳ. Thời điểm tốt nhất để làm xét nghiệm này là trong tuần thai thứ 12 bởi nồng độ PAPP-A, β-hCG tự do trong máu người mẹ thay đổi trong suốt thai kỳ, cụ thể:
– β-hCG (human chorionic gonadotropin) tự do là một thành phần huộc cấu trúc hormone hCG – có trong huyết thanh của thai phụ vào khoảng ngày thứ 6 – 8, sau khi trứng thụ tinh. Hormone hCG có nồng độ cao nhất vào khoảng ngày 50-80, tính từ lần hành kinh cuối cùng.
Trường hợp nếu thai nhi mắc hội chứng Down, nồng độ β-hCG tự do sẽ tăng vào cuối tam cá nguyệt thứ nhất (3 tháng đầu hay đến hết tuần thứ 13 của thai kỳ) và đầu tam cá nguyệt thứ 2 (3 tháng giữa thai kỳ hay từ tuần thứ 14 đến tuần thứ 27 thai kỳ).
– PAPP-A (Pregnancy Associated Plasma Protein A) là một loại Glycoprotein được tiết ra từ nhau thai. Nồng độ này thường tăng dần trong cả thai kỳ. Nếu thai nhi mắc hội chứng Down, nồng độ PAPP-A sẽ giảm trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Từ quý II trở đi, nồng độ PAPP-A sẽ giảm nhẹ hoặc vẫn giữ ở mức bình thường.
Vì vậy, ngay từ khoảng 3 tháng đầu thai kỳ, thai phụ không nên bỏ lỡ thời gian để sàng lọc hội chứng Down cho thai nhi.
4. Ưu, nhược điểm của xét nghiệm double test là gì?
4.1. Ưu điểm khám thai double test
Xét nghiệm double test giúp bác sĩ đánh giá nguy cơ dị tật thai nhi và có thể đưa ra những lời khuyên và xử lý phù hợp.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ em sinh ra mắc bệnh Down chiếm tỷ lệ khoảng 1/700. Nguy cơ này càng tăng cao khi tuổi thai phụ càng cao. Nếu mẹ 20 tuổi, nguy cơ trẻ sinh ra mắc hội chứng Down là 1/2000, nếu mẹ 35 tuổi, tỷ lệ này là khoảng 1/365 và nếu 40 tuổi thì tỷ lệ này lên đến 1/100 ca sinh.
4.2. Nhược điểm khám thai double test
Kỹ thuật double test chỉ cho kết quả thai nhi có mắc dị tật hay không, không cho kết quả chính xác hoàn toàn. Phương pháp này nếu kết hợp với siêu âm độ mờ da gáy cũng chỉ cho kết quả tương đối mang tính nguy cơ.
Điều này có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thai kỳ bởi trong thời gian mang thai mẹ bầu thường có tâm lý không ổn định, sức khỏe yếu hơn bình thường. Việc dự đoán nguy cơ dị tật của thai nhi có thể khiến thai phụ lo lắng. Vì vậy, mẹ bầu nên suy xét kỹ trước khi thực hiện xét nghiệm double test.
Khám thai double test chỉ có thể đánh giá, sàng lọc nguy cơ mắc các hội chứng Down, Edwards, Patau, không đánh giá khả năng mắc các dị tật khác ở thai. Vì vậy, mẹ bầu nên khám định kỳ tại các cơ sở khám bệnh uy tín để được bác sĩ theo dõi, đảm bảo an toàn trong suốt thai kỳ và sức khoẻ thai nhi.
Tại Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI, mẹ bầu được lựa chọn các gói thai sản từ tuần thứ 8 thai kỳ đến khi vượt cạn an toàn. Với đội ngũ bác sĩ chuyên khoa nhiều kinh nghiệm cùng trang thiết bị máy móc hiện đại, mẹ bầu có thể hoàn toàn yên tâm thực hiện khám thai, kiểm tra sức khỏe định kỳ và các xét nghiệm trong suốt thai kỳ.
Các gói thai sản theo từng mốc thời gian của thai kỳ, mẹ sẽ được khám thai không giới hạn, khám thai định kỳ và làm các xét nghiệm theo từng mốc thai kỳ quan trọng. Ngoài ra, mẹ bầu còn được thực hiện siêu âm thai trọn gói trong mỗi lần đến khám. Sau khi khám thai định kỳ và làm các xét nghiệm sàng lọc, bác sĩ sẽ tổng hợp, phân tích và đưa ra những lời khuyên tốt nhất cho mẹ.
Liên hệ ngay Thu Cúc TCI để được tư vấn gói thai sản phù hợp với tình trạng thai kỳ nhé!