Giải đáp thắc mắc người trên 65 tuổi có được tiêm vắc xin không

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKI

Nguyễn Minh Vỹ

Bác sĩ tiêm chủng

Vắc xin và tiêm chủng là một trong những biện pháp quan trọng để chủ động tạo đề kháng phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm hiệu quả. Vậy bên cạnh trẻ em và thanh thiếu niên, người trên 65 tuổi có được tiêm vắc xin không? 

1. Người trên 65 tuổi có được tiêm vắc xin không?

1.1. Tầm quan trọng của vắc xin với sức khỏe con người và cộng đồng

Tiêm chủng là đưa kháng nguyên vào cơ thể nhằm kích thích hệ thống miễn dịch phát triển kháng thể tương thích với một số bệnh lý cụ thể. Theo đó, vắc xin đem lại nhiều lợi ích cho cá nhân lẫn cộng đồng:

Với cá nhân

–  Giảm nguy cơ mắc các bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm.

– Giảm thiểu rủi ro đối mặt với di biến chứng của bệnh trong tương lai.

– Chi phí cho vắc xin rẻ hơn rất nhiều so với chi phí phải bỏ ra để khám và điều trị bệnh.

– Vắc xin không chỉ giúp trẻ em an toàn lớn lên, phát triển toàn diện mà còn giúp người lớn và người cao tuổi an tâm làm việc, tận hưởng cuộc sống.

Với cộng đồng

– Trẻ em được tiêm phòng sẽ phát triển khỏe mạnh, đóng vai trò lớn trong phát triển nguồn nhân lực tương lai của quốc gia.

– Tiêm chủng được đánh giá là biện pháp hiệu quả để phòng chống bệnh tật, tạo miễn dịch cộng đồng đề phòng những đại dịch lớn xảy ra.

– Giảm thiểu chi phí khám chữa bệnh cho gia đình và cả xã hội, giảm nhẹ gánh nặng lên nền y tế quốc gia.

Nhìn chung, vắc xin và tiêm chủng là một trong những biện pháp quan trọng để chủ động tạo đề kháng phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm hiệu quả. Nếu không được tiêm vắc xin, tiêm không đầy đủ hay tiêm muộn sẽ dẫn đến nguy cơ mắc bệnh do không có miễn dịch bảo vệ.

Mọi người cần ý thức được tầm quan trọng của tiêm chủng cũng như chủ động thực hiện tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch những loại vắc xin được khuyến cáo. Hãy coi tiêm phòng không chỉ là quyền lợi mà còn là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân để chung tay bảo vệ cộng đồng.

trên 65 tuổi có được tiêm vắc xin không

Vắc xin đem lại nhiều lợi ích cho cá nhân lẫn cộng đồng.

1.2. Trả lời thắc mắc người trên 65 tuổi có được tiêm vắc xin không

Càng lớn tuổi, càng nhiều người dần quên mất vắc xin là dành cho tất cả mọi người chứ không chỉ riêng trẻ em. Bên cạnh việc chăm sóc sức khỏe bằng những thói quen sinh hoạt điều độ, ăn uống hợp lý và luyện tập thường xuyên, việc tiêm vắc xin để bảo vệ bản thân khỏi bệnh tật cũng không kém phần quan trọng.

Hơn nữa khi chúng ta già đi, hệ thống miễn dịch cũng dần suy giảm. Do đó, những người trên 65 tuổi cần ghi nhớ lịch tiêm chủng theo đúng phác đồ được khuyến cáo để duy trì miễn dịch bảo vệ cơ thể khỏe mạnh.

tiêm phòng cho người trên 65 tuổi

Người trên 65 tuổi cần tiêm chủng theo đúng phác đồ được khuyến cáo để duy trì miễn dịch bảo vệ cơ thể khỏe mạnh.

2. Những loại vắc xin khuyến cáo cho người trên 65 tuổi

Theo khuyến cáo từ chuyên gia, người trên 65 tuổi nên tiêm những loại vắc xin dưới đây:

2.1. Vắc xin phế cầu khuẩn

Viêm phổi do phế cầu khuẩn có thể xuất hiện ở bất kỳ đối tượng nào nếu không được tiêm phòng đúng thời điểm. Ngoài trẻ em thì người già trên 65 tuổi là đối tượng có nguy cơ cao cần thực hiện tiêm vắc xin phế cầu.

Phế cầu khuẩn có thể lây từ trẻ nhỏ sang người lớn. Ở trẻ, vi khuẩn gây bệnh viêm tai giữa, nhiễm trùng tai, viêm màng não hay viêm phổi thì ở người lớn, phế cầu khuẩn là nguyên nhân chính gây viêm phổi. Trên thực tế, số ca tử vong vì viêm phổi do phế cầu khuẩn ở người cao tuổi khá lớn. Tuy nhiên hầu hết mọi người chỉ chú ý tiêm vắc xin phế cầu cho trẻ nhỏ mà bỏ quên đối tượng này.

Hiện nay, vắc xin phế cầu Prevenar 13 được khuyến cáo tiêm một mũi cho người lớn, người cao tuổi, người mắc bệnh nền mãn tính để hình thành kháng thể bảo vệ sức khỏe trọn đời.

2.2. Vắc xin phòng viêm não Nhật Bản

Viêm não Nhật Bản thường ít xảy ra ở người lớn tuy nhiên vẫn có tỷ lệ mắc bệnh nhất định và tỷ lệ tử vong cao, để lại di chứng vô cùng nặng nề. Một số di chứng có thể xảy ra khi người lớn mắc viêm não Nhật Bản có thể kể đến liệt các chi, mất khả năng ngôn ngữ, Parkinson, động kinh, rối loạn vận động, rối loạn tâm thần, giảm thính lực,…

Viêm não Nhật Bản không có phương pháp đặc trị mà chỉ tập trung vào giảm nhẹ triệu chứng, phối hợp với các biện pháp hỗ trợ để nâng cao sức khỏe và thể chất. Bệnh diễn biến nhanh và tiên lượng rất xấu. Tiêm chủng là phương pháp hiệu quả để chủ động phòng bệnh, đặc biệt với người sống tại vùng đang lưu hành bệnh.

Hiện nay Việt Nam đang triển khai tiêm vắc xin Imojev phòng viêm não Nhật Bản cho người lớn.

2.3. Vắc xin phòng cúm

Trong các bệnh đường hô hấp thì cúm mùa được đánh gá đặc biệt nguy hiểm với người già. Những thống kê gần đây cho thấy có tới 70-85% trường hợp tử vong do cúm là người trên 65 tuổi, 50-70% trường hợp nhập viện do cúm cũng là nhóm đối tượng này.

Nguyên nhân của vấn đề này là hệ miễn dịch suy giảm theo thời gian khiến cơ thể dễ bị virus cúm tấn công và gây bệnh. Ngoài ra người già thường mắc kèm các bệnh mãn tính như tiểu đường, tim mạch, hô hấp,… Đây là những tác nhân gia tăng nguy cơ nhập viện khi họ mắc bệnh.

Cúm có thời gian ủ bệnh ngắn và diễn biến nhanh, dễ nhầm lẫn với các bệnh lành tính khác khiến nhiều người chủ quan. Do đó những người cao tuổi cần tiêm vắc xin cúm hàng năm để bảo vệ sức khỏe hiệu quả.

tiêm vắc xin gì cho người già

Một số loại vắc xin được khuyến cáo gồm Influvac Tetra, GC Flu Quadrivalent, Vaxigrip Tetra và Ivacflu-S.

2.4. Vắc xin phòng uốn ván, ho gà và bạch hầu

Bạch hầu và uốn ván là hai bệnh lý nguy hiểm phát hiện nhiều ở người già với tỷ lệ tử vong tăng lên theo từng năm. Ho gà là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khiến người bệnh suy yếu và dễ biến chứng viêm phổi, viêm não, nhiễm trùng cơ hội,…

Hai loại vắc xin phối hợp phòng 3 bệnh lý kể trên được khuyến cáo cho người lớn là Adacel và Boostrix.

2.5. Vắc xin phòng thủy đậu

Người lớn có tỷ lệ mắc thủy đậu cao gấp 1.6 lần trẻ em với nguy cơ đối mặt với biến chứng nặng nề (nhiễm trùng hô hấp, viêm phổi, viêm não,…) cùng số ca tử vong cao.

Tiêm phòng vắc xin là phương pháp hiệu quả để phòng ngừa bệnh, hạn chế tỷ lệ đối mặt với những biến chứng nguy hiểm. Hai loại vắc xin phòng thủy đậu được khuyến cáo cho người lớn là Varivax và Varilrix.

2.6. Vắc xin mô cầu khuẩn

Triệu chứng sớm của viêm màng não do mô cầu khuẩn rất dễ nhầm lẫn với cảm cúm thông thường. Bệnh khó chẩn đoán, diễn biến nhanh và nặng, có thể gây tử vong trong vòng 24 giờ. Do đó tiêm vắc xin để đề phòng bệnh là cực kỳ quan trọng, đặc biệt là là với người cao tuổi.

Hiện nay, Bộ Y tế khuyến cáo tiêm vắc xin VA-Mengoc-BC và Menactra cho người lớn, người cao tuổi, người có hệ miễn dịch kém để đề phòng viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, viêm khớp, viêm phổi do não mô cầu khuẩn.

Khi chúng ta già đi, bên cạnh chăm sóc dinh dưỡng và luyện tập thể chất, tiêm phòng là việc làm rất cần thiết giúp bảo vệ sức khỏe, ngăn chặn sự lây lan hoặc giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh, từ đó giảm tỉ lệ đối mặt với di biến chứng và tử vong. Hãy chủ động thực hiện tiêm chủng để bảo vệ sức khỏe hiệu quả, tăng chất lượng cuộc sống cho chính bản thân và gia đình.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital