Ung thư phổi không tế bào nhỏ là một dạng bệnh xảy ra phổ biến, diễn biến qua 4 giai đoạn. Trong đó giai đoạn 2 là thời điểm vẫn chưa có sự di căn của khối u. Vậy đặc điểm, triệu chứng của bệnh là gì, điều trị bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn 2 như thế nào hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn 2 là gì?
Bệnh ung thư phổi bao gồm hai dạng được phân loại theo đặc điểm tế bào là ung thư phổi dạng không tế bào nhỏ và ung thư phổi tế bào nhỏ. Trong đó ung thư phổi không tế bào nhỏ là bệnh lý chiếm tỷ lệ bệnh nhân mắc đa số tại Việt Nam hơn so với ung thư phổi tế bào nhỏ. Ngoài ra ung thư phổi không tế bào nhỏ được phân chia thành 4 giai đoạn tiến triển, trong khi đó ung thư phổi tế bào nhỏ chỉ diễn biến qua 2 giai đoạn là khu trú và lan tràn. Chính vì vậy ung thư phổi tế bào nhỏ có mức độ nguy hiểm, phát triển và di căn nhanh, tiên lượng sống thấp.
Vậy nên ung thư phổi giai đoạn 2 là ung thư phổi không tế bào nhỏ được chẩn đoán khi có một hoặc nhiều khối u có mặt trong cùng một thùy phổi, các khối u có thể di căn đến hạch bạch huyết lân cận nhưng chưa di căn xa.
2. Triệu chứng cơ bản của ung thư phổi giai đoạn 2
Hầu hết các trường hợp bệnh nhân ung thư phổi được chẩn đoán xác định mắc bệnh ở giai đoạn 3 hoặc 4. Nguyên nhân chủ yếu là bởi các dấu hiệu, triệu chứng ban đầu thường không rõ ràng và điển hình, khó phân biệt so với các bệnh lý khác.
Một số triệu chứng của bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn 2 có thể bắt gặp đó là:
– Viêm phế quản, viêm phổi kéo dài hoặc tái phát và không cải thiện sau khi đã điều trị nội khoa sử dụng thuốc.
– Ho, ho ra máu, khạc ra máu.
– Đau tức ngực thường xuyên.
– Cảm giác hụt hơi, khó thở.
– Mệt mỏi, sụt cân, suy nhược, chán ăn.
3. Tiên lượng sống của bệnh nhân mắc ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn 2
Ung thư phổi nhìn chung là bệnh lý nguy hiểm có tỷ lệ bệnh nhân tử vong cao, xếp thứ 2 sau ung thư gan. Tuy nhiên nếu được phát hiện và điều trị kịp thời khi ở giai đoạn 1 và 2, người bệnh có tỷ lệ sống trên 5 năm có thể là trên 50%.
Tỷ lệ sống trên 5 năm của bệnh nhân ung thư phổi có thể bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố: Phương pháp điều trị, tuổi tác, giới tính, tình trạng bệnh nền, khả năng đáp ứng điều trị…
4. Điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn 2 như thế nào?
4.1 Phẫu thuật – Phương pháp điều trị cho bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn 2
Phẫu thuật là một phương pháp điều trị tiêu chuẩn dành cho bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn 2. Các hình thức thực hiện phẫu thuật cắt bỏ khối u đó là phẫu thuật cắt thùy phổi và nạo vét hạch vùng, phẫu thuật cắt hình chêm.
Sau can thiệp phẫu thuật, toàn bộ bệnh phẩm sẽ được gửi đi giải phẫu, xét nghiệm đánh giá. Nếu phát hiện có bất thường bệnh nhân sẽ được chỉ định can thiệp điều trị bổ trợ sau phẫu thuật như xạ trị, hóa trị, liệu pháp miễn dịch, hoặc điều trị nhắm trúng đích.
4.2 Xạ trị
Là phương pháp điều trị được cân nhắc sử dụng khi bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn 2 không đủ sức khỏe để tiến hành can thiệp phẫu thuật. Xạ trị có thể được kết hợp cùng hóa trị để tăng hiệu quả tiêu diệt, làm suy yếu sự phát triển của tế bào ung thư.
Bệnh nhân cũng có thể sử dụng xạ trị sau phẫu thuật như đã đề cập phía trên khi được xác định phần rìa khối u được loại bỏ vẫn còn tế bào ung thư, người bệnh không đủ sức khỏe để tiến hành phẫu thuật lần 2.
4.3 Hóa trị
Đối với bệnh nhân mắc ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn 2 thì hóa trị liệu được thực hiện chủ yếu nhằm mục đích hỗ trợ sau phẫu thuật triệt căn hoặc xạ trị để giảm nguy cơ tế bào ác tính quay trở lại, cải thiện tiên lượng sống cho bệnh nhân.
4.4 Liệu pháp miễn dịch và nhắm trúng đích – Phương pháp điều trị cho bệnh nhân ung thư phổi
Liệu pháp miễn dịch và phương pháp sử dụng các loại thuốc đưa vào cơ thể để giúp hệ miễn dịch nhận biết tế bào ung thư ẩn nấp từ đó kích thích hệ miễn dịch tăng cường hàng rào bảo vệ và tiêu diệt tế bào ung thư. Liệu pháp miễn dịch có thể được sử dụng duy trì sau sử dụng hóa chất để hỗ trợ cải thiện thời gian sống của người bệnh.
Liệu pháp nhắm trúng đích chủ yếu sử dụng trong điều trị ung thư phổi giai đoạn muộn, đã có di căn xa. Tuy nhiên hiện nay liệu pháp miễn dịch có thể được sử dụng bổ trợ sau phẫu thuật để cải thiện hiệu quả và nâng cao thời gian sống cho người bệnh.
5. Lời khuyên trong điều trị cho bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn 2
Điều trị bệnh ung thư phổi giai đoạn 2 phụ thuộc vào nhiều tiêu chí, theo đó bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ điều trị triệt để, toàn diện nhằm mục đích loại bỏ toàn diện và hiệu quả các tế bào ác tính, ngăn chặn sự tiến triển của ung thư sang giai đoạn 3.
Vậy nên điều cần thiết đầu tiên là người bệnh nên tuân thủ phác đồ điều trị, tránh tiếp cận với các phương pháp điều trị không rõ ràng làm gia tăng mức độ của bệnh, dẫn đến bệnh tiến triển nhanh sang các giai đoạn muộn, khó khăn trong quá trình điều trị và cứu chữa.
Bên cạnh đó, lời khuyên hàng đầu dành cho người bệnh là nên tầm soát ung thư định kỳ, thăm khám sức khỏe ngay khi có những dấu hiệu bất thường để từ đó có cơ hội phát hiện bệnh trong giai đoạn sớm, tăng khả năng điều trị thành công.
Và nên có một lối sống, sinh hoạt lành mạnh bằng cách không sử dụng thuốc lá, hạn chế sử dụng chất kích thích và thường xuyên thể dục, nghỉ ngơi hợp lý để tăng cường sức khỏe.