Bệnh lupus ban đỏ là một tự miễn mạn tính, không rõ nguyên nhân, gây tổn thương hầu hết các cơ quan trong cơ thể, trong trường hợp nặng, có thể đe dọa tính mạng người bệnh. Phát hiện và chẩn đoán lupus ban đỏ sớm thì việc điều trị sẽ dễ dàng hơn.
Chẩn đoán lupus ban đỏ gặp nhiều khó khăn vì dấu hiệu và triệu chứng của bệnh khác nhau đáng kể trong từng trường hợp. Các dấu hiệu và triệu chứng này có thể thay đổi theo thời gian và chồng chéo với biểu hiện của nhiều bệnh khác. Không có một xét nghiệm nào có thể chẩn đoán chính xác được bệnh lupus ban đỏ. Do đó các bác sĩ chẩn đoán lupus ban đỏ chủ yếu dựa vào xét nghiệm máu và nước tiểu, quan sát triệu chứng và khám lâm sàng.
Menu xem nhanh:
1. Xét nghiệm máu và nước tiểu
– Xét nghiệm công thức máu toàn bộ: xét nghiệm này đo lường số lượng các tế bào hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu cũng như số lượng hemoglobin – một protein trong các tế bào hồng cầu. Kết quả xét nghiệm có thể cho biết bệnh nhân có bị thiếu máu hay không. Vì thiếu máu là tình trạng thường gặp ở bệnh lupus ban đỏ.
– Tốc độ máu lắng: xét nghiệm này thực hiện nhằm đo chiều cao cột hồng cầu lắng xuống (đơn vị là mm) của một thể tích máu đã được chống đông, đựng trong một ống nghiệm đặc biệt có chia vạch trong khoảng thời gian là 1 giờ. Tốc độ máu lắng nhanh hơn bình thường chỉ ra một bệnh về hệ thống, chẳng hạn như lupus ban đỏ.
– Xét nghiệm đánh giá thận và gan: xét nghiệm máu có thể giúp bác sĩ đánh giá tình trạng hoạt động của gan và thận. Bệnh lupus ban đỏ có thể ảnh hưởng tới hai cơ quan này.
– Xét nghiệm nước tiểu: xét nghiệm nước tiểu cho biết sự gia tăng của nồng độ protein và các tế bào hồng cầu trong nước tiểu. Nếu tình trạng này xảy ra chứng tỏ bệnh lupus ban đỏ đã ảnh hưởng đến thận.
– Xét nghiệm kháng thể kháng nhân (ANA): bình thường trong máu người có kháng thể để bảo vệ cơ thể chống lại sự xâm nhập của những tác nhân gây bệnh như vi trùng hay virus. Kháng thể kháng nhân là những kháng thể không hiện diện ở người bình thường, có khả năng gắn kết với những cấu trúc nhất định bên trong nhân tế bào. Kháng thể kháng nhân được tìm thấy ở những người mà hệ miễn dịch có thể gây ra tình trạng viêm chống lại các mô của bản thân họ. Đây còn được gọi là bệnh tự nhiễm như bệnh lupus ban đỏ.
2. Xét nghiệm chẩn đoán bằng hình ảnh
Nếu nghi ngờ bệnh lupus ban đỏ ảnh hưởng đến phổi hoặc tim của người bệnh, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện một số xét nghiệm như:
– Chụp X quang: hình ảnh chụp X quang giúp phát hiện nếu có chất lỏng hoặc viêm ở phổi.
– Siêu âm tim: giúp kiểm tra các bất thường ở van và các phần khác của trái tim nếu có.
3. Sinh thiết
Lupus ban đỏ có thể gây tổn hại cho thận theo nhiều cách khác nhau và phương pháp điều trị cũng phụ thuộc vào mức độ thiệt hại. Trong một số trường hợp, người bệnh cần làm sinh thiết để xác định hướng điều trị hiệu quả nhất.
Những phương pháp chẩn đoán lupus ban đỏ trên đây chỉ mang tính chất tham khảo.