Một trong những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả điều trị ung thư chính là thời gian phát hiện và bắt đầu chữa bệnh. Vậy cách nhận biết dấu hiệu ung thư cổ tử cung sớm nhất là gì?
Menu xem nhanh:
1. Ung thư cổ tử cung và các giai đoạn bệnh
Ung thư cổ tử cung là bệnh lý nguy hiểm, đe dọa khả năng sinh sản cũng như tính mạng của phái nữ. Bệnh có thể gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm nếu người bệnh không được phát hiện và điều trị từ sớm. Theo thời gian, khối u trong cổ tử cung có thể xâm lấn các cơ quan ở xung quanh và gây ra một số bệnh nghiêm trọng khác như suy thận, thiếu máu, làm tổn thương phổi – gan – xương,…
Dưới đây là 5 giai đoạn phát triển của ung thư cổ tử cung:
Giai đoạn 0
Còn gọi là ung thư tại chỗ, người bệnh không có bất cứ triệu chứng nào trên cơ thể. Ung thư cổ tử cung ở giai đoạn này chỉ có thể được phát hiện khi tầm soát sớm. Nếu điều trị tích cực ngay từ giai đoạn 0, tỉ lệ người bệnh sống trên 5 năm có thể ở mức 96%.
Giai đoạn I
Tế bào ung thư cổ tử cung trong giai đoạn I đã phát triển và hoàn toàn khu trú trong cổ tử cung. Tỉ lệ người bệnh sống trên 5 năm nếu được điều trị ở giai đoạn này là khoảng 80-90%.
Giai đoạn II
Bước sang giai đoạn II, khối u trong cổ tử cung dần lan ra ngoài và xâm lấn khoảng dưới 1/3 âm đạo và chưa xâm lấn thành bên tiểu khung. Nếu được điều trị ở giai đoạn II, người bệnh có khoảng 50-60% cơ hội sống trên 5 năm.
Giai đoạn III
Các tế bào ung thư cổ tử cung trong giai đoạn III phát triển rất mạnh mẽ. Khối u lúc này đã xâm lấn tới 1/3 dưới âm đạo, thành bên khung chậu hoặc niệu quản. Khi điều trị ở giai đoạn III, người bệnh chỉ có khoảng 25-30% cơ hội sống trên 5 năm.
Giai đoạn IV
Giai đoạn IV chính là giai đoạn cuối của ung thư cổ tử cung. Khối u đã di căn xa và lan ra bên ngoài khung chậu. Một số cơ quan như bàng quang hay trực tràng cũng có thể bị xâm lấn. Ở giai đoạn này, tỉ lệ sống trên 5 năm của người bệnh khá thấp, chỉ dưới 15%.
2. Cách nhận biết dấu hiệu ung thư cổ tử cung sớm nhất
2.1. Chảy máu âm đạo bất thường
Âm đạo chảy máu bất thường là một trong những triệu chứng phổ biến nhất của bệnh ung thư cổ tử cung. Tình trạng này có thể xảy ra vào giữa các chu kỳ kinh nguyệt, khi đang quan hệ tình dục hoặc sau đó, hoặc bất cứ lúc nào nếu bước sang thời kì mãn kinh.
2.2. Dịch âm đạo có mùi hôi
Một dấu hiệu ung thư cổ tử cung phổ biến khác là tình trạng tiết dịch âm đạo nhiều bất thường, có màu và mùi lạ, thậm chí lẫn mủ và máu. Tuy nhiên đây cũng có thể là triệu chứng của một số bệnh phụ khoa khác, do đó bạn cần đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác.
2.3. Thấy đau khi quan hệ tình dục
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến cảm giác khó chịu và đau khi quan hệ tình dục, một trong số đó là bệnh ung thư cổ tử cung. Hãy chủ động đi khám nếu tình trạng này lặp lại nhiều lần để phát hiện bệnh ngay từ sớm.
2.4. Đau lưng dưới và quanh vùng xương chậu
Nếu bạn cảm nhận được các cơn đau buốt hoặc âm ỉ ở lưng dưới hay quanh vùng xương chậu thì hãy cảnh giác. Đặc biệt, nếu thấy đau ngay cả khi không trong kỳ kinh nguyệt thì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư cổ tử cung.
2.5. Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt
Ung thư cổ tử cung có thể làm mất cân bằng lượng hormone trong cơ thể, từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển và chu kỳ rụng trứng. Hậu quả là bạn có thể bị trễ kinh hoặc kinh nguyệt chuyển màu đen sẫm.
2.6. Thay đổi thói quen tiểu tiện, đại tiện
Nếu bạn không thể tự kiểm soát việc tiểu tiện hay đại tiện, hay phát hiện nước tiểu có lẫn máu thì đó cũng có thể là dấu hiệu ung thư cổ tử cung. Để tìm ra nguyên nhân chính xác, bạn cần đi khám ngay và thực hiện những xét nghiệm chẩn đoán cần thiết.
2.7. Chân sưng đau
Tình trạng sưng đau bất thường ở chân tưởng chừng không hề liên quan tới căn bệnh ung thư cổ tử cung, tuy nhiên bạn không nên chủ quan. Thực tế, khi khối u trong cổ tử cung phát triển lớn dần sẽ chèn ép lên các dây thần kinh và mạch máu quanh xương chậu. Điều này có thể làm cho chân người bệnh bị sưng và có cảm giác đau.
3. Điều trị ung thư cổ tử cung theo các giai đoạn phát triển
Mỗi giai đoạn ung thư có tỉ lệ điều trị thành công khác nhau và tương ứng với các phương pháp điều trị khác nhau. Cụ thể, các phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung theo từng giai đoạn có thể sắp xếp như sau:
Giai đoạn tiền ung thư
Ở giai đoạn này, người bệnh có thể được điều trị tại chỗ theo phương pháp phẫu thuật bảo tồn, giúp bảo toàn chức năng của tử cung và buồng trứng. Một số kỹ thuật thường được sử dụng có thể kể đến như: khoét chóp hình nón cổ tử cung, phẫu thuật sử dụng laser, vòng cắt đốt, làm đông lạnh tế bào ung thư bằng nitơ lỏng,…
Giai đoạn I
Với giai đoạn I, người bệnh có thể cần cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tử cung, tùy theo kích thước khối u. Ngoài ra, phương pháp xạ trị cũng có thể được chỉ định bổ trợ.
Điều trị ung thư cổ tử cung theo phương pháp này có thể sẽ để lại mô sẹo sau phẫu thuật, khiến cổ cung dễ bị hẹp lại và khả năng sinh sản của người bệnh cũng có thể bị ảnh hưởng.
Giai đoạn II và III
Như đã phân tích ở trên, tế bào ung thư cổ tử cung ở giai đoạn II và giai đoạn III đã lan ra ngoài cổ tử cung và xâm lấn các cơ quan khác. Vì vậy, phương pháp điều trị được khuyến khích sử dụng trong giai đoạn này là cắt bỏ toàn bộ cổ tử cung và buồng trứng hoặc xạ trị phối hợp hóa trị.
Giai đoạn IV
Giống như hầu hết các bệnh ung thư khác, mục tiêu điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối không phải là chữa khỏi hoàn toàn cho bệnh nhân mà là giảm thiểu tối đa các triệu chứng và kéo dài tuổi thọ cho người bệnh. Do đó, người bệnh thường được điều trị bằng thuốc kết hợp với các biện pháp chăm sóc giảm nhẹ khác.
Để tối ưu hiệu quả điều trị, người bệnh hãy đi khám ngay khi nghi ngờ bất cứ dấu hiệu nào của ung thư cổ tử cung để được làm xét nghiệm chẩn đoán và xây dựng phác đồ điều trị phù hợp.