Giải đáp 5 câu hỏi về vaccine phòng ung thư cổ tử cung

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKI

Nguyễn Minh Vỹ

Bác sĩ tiêm chủng

Chích ngừa ung thư cổ tử cung là biện pháp hiệu quả giúp cho chị em phòng ngừa được căn bệnh nguy hiểm này. Từ đó làm giảm tỷ lệ mắc bệnh, đặc biệt là đối với những phụ nữ được tiêm vaccine phòng ung thư cổ tử cung khi còn trẻ. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp 5 câu hỏi thường gặp liên quan tới việc tiêm ngừa bệnh lý này.

1. Ung thư cổ tử cung là gì?

Ung thư cổ tử cung là bệnh ác tính của biểu mô vảy hoặc biểu mô tuyến cổ tử cung. Bệnh đứng thứ 2 trong nhóm ung thư sinh dục về tỷ lệ mắc và tử vong. Riêng ở nước ta, ung thư cổ tử cung là căn bệnh phổ biến thứ 3 ở phụ nữ với khoảng 4.177 ca mắc mới mỗi năm và 2.420 trường hợp tử vong. Tương đương trung bình mỗi ngày có 7 người phụ nữ tử vong vì căn bệnh nguy hiểm này. Tuy nhiên, ung thư cổ tử cung là một trong số ít những loại ung thư có thể phòng ngừa được bằng một số phương pháp.

Nguy cơ nhiễm bị HPV ít nhất 1 lần trong đời của người phụ nữ là khoảng 80% nhưng có trên 90% trường hợp nhiễm HPV sẽ tự đào thải vi rút trong vòng 2 năm, khoảng 10% các trường hợp vẫn còn virus HPV sau 3 năm và có dưới 5% tiến triển thành tổn thương CIN2 (giai đoạn loạn sản ở mức độ vừa phải) hoặc nặng hơn trong 3 năm.

Tổn thương xâm lấn cổ tử cung thường bắt đầu xuất hiện sau 13 đến 15 năm, trong đó 20% CIN3 (giai đoạn loạn sản ở mức độ nặng) tiến triển thành ung thư trong 5 năm và 50% CIN3 tiến triển thành ung thư trong vòng 30 năm. Tỷ lệ nhiễm bệnh cao nhất nằm trong độ tuổi 20 – 30. Điều đáng sợ là nó tiến triển âm thầm, dai dẳng và không để lại triệu chứng nào trong nhiều năm, thậm chí hàng chục năm cho đến khi người mắc phát hiện ra mắc ung thư.

ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung là bệnh lý thường tiến triển một cách âm thầm

2. Vắc xin phòng ung thư cổ tử cung là gì?

Vắc xin HPV là vắc xin giúp bảo vệ chống lại sự lây nhiễm virus gây u nhú ở người HPV (Human Papilloma Virus). HPV là một nhóm gồm hơn 200 loại virus liên quan, trong đó có hơn 40 loại lây lan qua đường quan hệ tình dục trực tiếp. Virus HPV được chia làm 2 nhóm chính gồm nhóm nguy cơ thấp và nhóm nguy cơ cao.

– Ở nhóm nguy cơ thấp các type thường gặp nhất là 6 và 11, chúng có thể gây nên các bệnh như sùi mào gà, mụn cóc sinh dục

– Ở nhóm nguy cơ cao gồm các type 16, 18, 31, 33 và 45. Đây là những type có thể gây ra các tổn thương nội biểu mô cổ tử cung và/hoặc ung thư cổ tử cung, hậu môn, âm đạo, thanh quản, dương vật,…

Vắc xin HPV kích thích cơ thể sản xuất kháng thể đặc hiệu có khả năng chống lại virus HPV. Sử dụng kỹ thuật tái tổ hợp DNA, vaccine này được chế từ protein cấu trúc tinh chế L1 sau đó lắp ghép thành vỏ rỗng đặc hiệu cho HPV được gọi là các phần tử giống với virus HPV. Các vắc xin này không chứa những sản phẩm sinh học sống là DNA của virus, do đó không có khả năng lây nhiễm, cũng không chứa kháng sinh và chất bảo quản.

Vắc xin ngừa vi rút HPV giúp ngăn ngừa những tổn thương tiền ung thư và ung thư cổ tử cung, ung thư âm hộ, âm đạo… Đặc biệt, với trường hợp đã từng quan hệ tình dục hoặc từng nhiễm virus HPV, vắc xin vẫn có thể bảo vệ cho bạn.

3. Đối tượng nào nên và không nên tiêm vaccine phòng ung thư cổ tử cung?

3.1. Người nên tiêm vaccine phòng ung thư cổ tử cung

Tại Việt Nam, vắc xin phòng ngừa ung thư cổ tử cung được khuyến cáo nên tiêm cho bé gái và phụ nữ trong độ tuổi từ 9 – 26 tuổi, bất kể đã từng quan hệ tình dục hay chưa.

Việc tiêm phòng ung thư cổ tử cung nên được nữ giới tiến hành càng sớm càng tốt, trước khi bị phơi nhiễm với virus.

vaccine phòng ung thư cổ tử cung

Vắc xin phòng ngừa ung thư cổ tử cung được nên tiêm cho bé gái và phụ nữ trong độ tuổi từ 9 – 26 tuổi

3.2. Đối tượng không nên tiêm vaccine phòng ung thư cổ tử cung

Tiêm phòng HPV được đánh giá là an toàn cho sức khỏe. Tuy nhiên vắc xin được khuyến cáo chống chỉ định cho những đối tượng sau:

– Người có phản ứng dị ứng mạnh sau liều tiêm vắc xin HPV trước đó hoặc với bất kỳ thành phần của vaccine.

– Phụ nữ mang thai: Hiện có ít số liệu về tính an toàn của vắc xin HPV đối với phụ nữ mang thai. Vì vậy, không tiêm vắc xin HPV cho phụ nữ mang thai (nên trì hoãn cho tới khi kết thúc thai kỳ). Nếu phụ nữ trẻ mang thai sau khi tiêm vắc xin 1 mũi đầu tiên thì những mũi tiếp theo sẽ được hoãn cho tới khi sinh con. Việc vô tình tiêm vaccine HPV trong khi mang bầu không phải là chỉ định để quyết định chấm dứt thai kỳ. Phụ nữ cho con bú không chống chỉ định cho việc tiêm vắc xin HPV. Bởi các bằng chứng hiện nay không cho thấy việc tăng nguy cơ đối với sức khỏe của bà mẹ và trẻ em sau khi tiêm vắc xin HPV với phụ nữ cho con bú.

4. Lịch tiêm phòng vắc xin HPV như thế nào?

Hiện nay, ở nước ta đang lưu hành 2 loại vắc xin HPV đó là vắc xin Gardasil và Gardasil 9 (xuất xứ Mỹ).

– Vắc xin Gardasil giúp bảo vệ khỏi HPV type 16,18,6 và 11. Liều tiêm gồm 3 mũi, mũi thứ hai cách mũi thứ nhất 2 tháng và mũi thứ ba cách mũi thứ hai 4 tháng.

– Vắc xin Gardasil 9 giúp phòng 9 type vi rút HPV, bao gồm các type 16,18,6,11,31,33,45,52,58. Vắc xin Gardasil 9 được mở rộng đối tượng bảo vệ cho cả nam và nữ giới. Liều tiêm gồm 3 mũi, mũi tiêm thứ hai và/hoặc mũi tiêm thứ 3 cách mũi tiêm đầu tiên trên 1 năm.

vắc xin HPV

Tại Việt Nam đang lưu hành 2 loại vắc xin HPV phổ biến đó là vắc xin Gardasil và Gardasil 9

5. Nếu người bị nhiễm HPV thì có tiêm phòng được không?

Những người dù đã từng hoặc chưa từng quan hệ tình dục đều có khả năng đã bị phơi nhiễm/nhiễm HPV rồi hoặc chưa. Dù thế nào đi nữa bạn vẫn nên đi tiêm phòng vắc xin bởi ba lý do sau:

– Bạn từng quan hệ tình dục nhưng chưa chắc bạn bị nhiễm virus HPV. Việc tiêm vắc xin vẫn hoàn toàn có thể bảo vệ bạn khỏi các bệnh gây ra do 4 type HPV có trong vắc xin.

– Virus HPV có nhiều type. Việc bạn từng nhiễm một type HPV nào trước đây, thì khi tiêm phòng vắc xin sẽ bảo vệ bạn trước nguy cơ lây nhiễm những type virus HPV còn lại.

– Khả năng tái nhiễm của virus HPV thường rất cao. Miễn dịch của cơ thể sau khi nhiễm trùng tự nhiên không đủ để phòng ngừa nguy cơ tái nhiễm nhưng vắc xin lại có thể làm được điều này.

Bạn cũng nên lưu ý rằng vắc xin không điều trị được nhiễm trùng vi rút HPV.

Trên đây là những thông tin về việc tiêm vắc xin ngừa bệnh ung thư cổ tử cung. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào về vấn đề tiêm chủng cần giải đáp, hãy liên hệ tới TCI bạn nhé!

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital