Ung thư thực quản là bệnh phổ biến ở nam giới nhiều hơn so với nữ giới, có thể xảy ra do nhiều yếu tố nguy cơ. Cùng tìm hiểu các thông tin quan trọng về bệnh ung thư thực quản trong bài viết dưới đây để có thể nhận biết bệnh sớm, gia tăng cơ hội điều trị.
Menu xem nhanh:
1. Thông tin tổng quan về bệnh ung thư thực quản
1.1 Ung thư thực quản/ K thực quản là gì?
Ung thư thực quản/ K thực quản là loại ung thư có độ phổ biến thứ 10 trên thế giới, bắt đầu trong các mô của thực quản. Đây là đường ống dài có nhiệm vụ di chuyển thức ăn từ cổ họng đến dạ dày. K thực quản xảy ra khi các tế bào ác tính trong mô thực quản của bạn bắt đầu nhân lên, cuối cùng tạo ra khối u.
Các khối u ác tính tại thực quản có thể không gây ra các triệu chứng đáng chú ý cho đến khi ung thư lan rộng. Một trong những nguyên do chủ yếu là bởi thực quản của bạn sẽ căng ra để tạo khoảng không đưa những miếng thức ăn lớn đi qua. Khi khối u phát triển, nó sẽ bắt đầu chặn lỗ thực quản khiến người bệnh gặp triệu chứng khó khăn khi nuốt hoặc cảm thấy đau khi nuốt.
1.2 Phân loại bệnh ung thư thực quản
Có hai dạng ung thư thực quản:
– Ung thư biểu mô tuyến: Đây là loại K thực quản phổ biến, chiếm tỷ lệ mắc bệnh cao. Bệnh phát triển trong mô tạo ra chất nhầy giúp bạn có thể nuốt, và thường ảnh hưởng đến phần dưới của thực quản.
– Ung thư biểu mô tế bào vảy: Là loại ung thư bắt đầu ở các tế bào vảy lót thực quản của người bệnh. K thực quản tế bào vảy thường ảnh hưởng đến phần trên và giữa của thực quản.
1.3 Những nguyên nhân dẫn đến bệnh ung thư thực quản là gì?
Nguyên nhân chính gây ra bệnh K thực quản chưa được xác định chính xác, tuy nhiên có các yếu tố nguy cơ được tìm thấy là có thể làm phát triển ung thư thực quản bao gồm:
– Sử dụng thuốc lá: Bao gồm cả hút thuốc lá chủ động và thụ động.
– Sử dụng rượu bia: Sử dụng thường xuyên và/ hoặc nhiều làm tăng nguy cơ bị bệnh K thực quản.
– Béo phì: Thừa cân hoặc béo phì có thể gây viêm thực quản và có thể tiến triển trở thành ung thư.
– Barrett thực quản và trào ngược axit dạ dày thực quản mạn tính: Barrett thực quản xảy ra do sự thay đổi trong các tế bào ở đầu dưới của thực quản do trào ngược axit mãn tính không được điều trị. Ngay cả khi không mắc bệnh Barrett thực quản, những người bị ợ chua lâu ngày vẫn có nguy cơ mắc K thực quản cao hơn.
– Virus HPV: HPV là một loại virus phổ biến có thể gây ra những thay đổi mô ở dây thanh quản, miệng… và gây bệnh.
– Tiền sử ung thư vùng đầu cổ mặt có nguy cơ mắc K thực quản cao hơn.
– K thực quản có liên quan đến một số tình trạng hiếm gặp và/hoặc di truyền. Một là bệnh achalasia, một căn bệnh hiếm gặp khiến bạn khó nuốt. Một chứng rối loạn khác là bệnh tylosis, một chứng rối loạn di truyền hiếm gặp, trong đó biểu hiện là sự tăng sinh quá mức các tế bào sừng – da thừa mọc ở lòng bàn tay và lòng bàn chân.
– Nghề nghiệp tiếp xúc với một số hóa chất chẳng hạn như dung môi giặt khô trong thời gian dài có nguy cơ mắc K thực quản cao hơn người bình thường.
1.4 Các triệu chứng đáng chú ý của bệnh K thực quản
Khó nuốt là triệu chứng đầu tiên mọi người có thể nhận thấy ở bệnh K thực quản. Các triệu chứng khác người bệnh có thể gặp phải bao gồm:
– Đau ở cổ họng hoặc lưng, đau sau xương ức, hoặc giữa hai bả vai.
– Nôn hoặc ho ra máu.
– Ợ nóng.
– Khàn giọng hoặc ho mạn tính.
– Giảm cân không rõ nguyên nhân và lý do.
2. Triển vọng của người bệnh khi mắc K thực quản
Tiên lượng sống của bệnh nhân bị K thực quản được xác định dựa trên nhiều yếu tố chẳng hạn như sức khỏe tổng thể, giai đoạn bệnh trong thời điểm chẩn đoán khối u vẫn khu trú hay đã lan rộng. K thực quản giai đoạn đầu có thể được điều trị thành công. Khoảng 46% số người được điều trị K thực quản giai đoạn đầu sống sau 5 năm kể từ khi chẩn đoán.
Tế bào ung thư có thể không tiêu diệt được nếu đã lan rộng, di căn. Lúc này các bác sĩ sẽ cung cấp phương pháp điều trị để giúp người bệnh sống tốt hơn, duy trì chất lượng cuộc sống và giảm bớt các triệu chứng.
3. Điều trị và cách dự phòng bệnh K thực quản
3.1 Phương pháp điều trị
Điều trị bệnh K thực quản phụ thuộc vào giai đoạn cụ thể, tình trạng sức khỏe chung, các bệnh lý nền, tuổi tác, mong muốn của người bệnh và gia đình, từ đó sẽ có những phương hướng điều trị bao gồm:
– Phẫu thuật: Cắt thực quản là phương pháp điều trị phổ biến cho bệnh K thực quản giai đoạn đầu. Phẫu thuật được thực hiện nhằm mục đích loại bỏ một số hoặc hầu hết thực quản và các mô xung quanh. Bác sĩ phẫu thuật sẽ tạo ra một thực quản mới cho người bệnh để tiếp tục quá trình tiêu hóa bằng cách kéo một phần dạ dày lên ngực và cổ.
– Xạ trị: Tia bức xạ sẽ làm chết hoặc tổn thương các tế bào ung thư bằng cách nhắm vào khối u. Người bệnh có thể được chỉ định xạ trị làm liệu pháp bổ trợ trước hoặc sau phẫu thuật.
– Hóa trị: Sử dụng thuốc chống ung thư để tiêu diệt các tế bào ác tính tại thực quản hoặc ngăn chúng tiến triển.
– Liệu pháp quang động học (PDT) giúp tiêu diệt các khối u bằng thuốc gọi là chất cản quang. Ánh sáng kích hoạt các loại thuốc này và tạo ra phản ứng hóa học tiêu diệt tế bào ác tính tại thực quản.
– Liệu pháp nhắm mục tiêu: Một số tế bào ác tính thực quản mang lượng protein HER2 cao bất thường, protein này giúp tế bào ung thư phát triển. Trong liệu pháp nhắm mục tiêu, bác sĩ sẽ điều trị K thực quản bằng thuốc nhắm mục tiêu protein HER2.
– Liệu pháp miễn dịch: Phương pháp điều trị này liên quan đến các chất ức chế kiểm soát miễn dịch. Những loại thuốc này được sử dụng để giúp khôi phục phản ứng của hệ thống miễn dịch đối với các tế bào ác tính tại đường ống thực quản.
3.2 Phương án dự phòng
Để giảm nguy cơ phát triển ung thư tại thực quản bạn có thể ăn uống lành mạnh để duy trì cân nặng, tránh các hoạt động có hại cho sức khỏe như sử dụng thuốc lá, uống nhiều…
Ngoài ra, tiêm vắc-xin phòng virus HPV là một giải pháp để làm giảm nguy cơ mắc bệnh K thực quản. Trong trường hợp bạn mắc bệnh Barrett thực quản hoặc một số bệnh lý đường tiêu hóa khác, bạn có thể được khuyến nghị thực hiện sàng lọc ung thư, tầm soát phát hiện sớm bệnh để gia tăng cơ hội điều trị thành công.