Các mốc siêu âm thai sẽ trải dài từ lúc mẹ mới mang bầu cho tới những ngày chuẩn bị lâm bồn. Theo đó, mẹ cần đến bệnh viện để siêu âm thai đúng ngày vì như vậy, bác sĩ mới có thể kiểm tra sát sao tình trạng của thai nhi một cách chính xác nhất. Trong bài viết bên dưới, chúng tôi sẽ chia sẻ với mẹ bầu các mốc siêu âm thai quan trọng để thuận tiện hơn cho việc ghi nhớ và thăm khám.
Menu xem nhanh:
1. Vì sao phải đi siêu âm thai định kỳ?
Siêu âm định kỳ là cách tốt nhất để ghi lại hình ảnh của thai nhi ở trong bụng mẹ. Nhờ vậy, bố mẹ không chỉ được ngắm nhìn hình ảnh của con yêu mà còn biết được những vấn đề xung quanh sức khỏe của bé. Đặc biệt là bố mẹ sẽ biết được con mình có mắc phải các dị tật bẩm sinh hay không.
2. Các mốc siêu âm thai quan trọng mẹ bầu cần phải ghi nhớ
2.1. Lần siêu âm thai đầu tiên (Tuần 5 – 6)
Thai kỳ của chị em phụ nữ khi mới bắt đầu thường xuất hiện những dấu hiệu như nôn, ọe khan, đói lả vào lúc sáng sớm và buổi chiều, mệt mỏi, buồn ngủ,… Vì vậy, khi chu kỳ kinh nguyệt trễ hơn một tuần, chị em nên mua que thử thai để kiểm tra xem có dấu hiệu mang thai hay không.
Trong trường hợp que thử thai hiện 2 vạch, chị em nên đi khám chuyên khoa Sản để được siêu âm, phòng ngừa trường hợp thai ngoài tử cung. Bên cạnh đó, một số trường hợp, bác sĩ siêu âm thấy túi thai nhưng vẫn chưa nghe được tim thai vào thời điểm này thì chị em cũng đừng quá lo lắng. Hãy chờ tới tuần thứ 8 trở ra đi siêu âm lại để xác định tim thai.
2.2. Lần siêu âm thai thứ 2 (Tuần 11 – 13)
Đây là mốc siêu âm thai quan trọng và bắt buộc mà mẹ bầu nào cũng cần phải thực hiện. Tại thời điểm này, mẹ nên thực hiện sàng lọc dị tật bẩm sinh thông qua việc đo độ mờ da gáy kết hợp với xét nghiệm Double Test để bác sĩ phát hiện chuẩn xác hơn nguy cơ mắc Hội chứng Down của thai nhi.
Vì vậy, mẹ bầu cũng cần phải siêu âm thai để khảo sát hình thái các chi, các tạng và cột sống của thai nhi. Cùng lúc đó, bác sĩ siêu âm sẽ đo khoảng sáng sau gáy để dự đoán dị tật bẩm sinh ở thai nhi do các bất thường nhiễm sắc thể gây ra. Ngoài ra, các mẹ cũng sẽ được đo huyết áp, kiểm tra cân nặng và nếu cần, bác sĩ sẽ yêu cầu chị em làm thêm xét nghiệm nước tiểu, máu.
2.3. Lần siêu âm thai thứ 3 (Tuần 14 – 17)
Vào thời điểm này, mẹ nên thực hiện Triple Test để được bác sĩ sàng lọc và dự đoán nguy cơ mắc Hội chứng Down và dị dạng nhiễm sắc thể ở thai nhi. Tuy nhiên, các mẹ cũng nên nhớ là xét nghiệm Triple Test không có giá trị chẩn đoán chuẩn xác mà chỉ dự đoán nguy cơ.
Triple Test là xét nghiệm dùng máu của người mẹ để tìm ra những nguy cơ rối loạn bẩm sinh ở thai nhi, bao gồm HCG (loại nội tiết do nhau thai sản xuất), chất AFP (loại protein do nhau thai sản xuất) và Estriol (loại Estrogen do thai nhi và nhau thai sản xuất). Trong trường hợp xét nghiệm thai nhi có dấu hiệu mắc Hội chứng Down hoặc dị dạng, bác sĩ sẽ tư vấn cho mẹ bầu thực hiện thêm một số chẩn đoán chuyên sâu khác.
2.4. Lần siêu âm thai thứ 4 (Tuần 20 – 22)
Đây là cột mốc siêu âm thai quan trọng để bác sĩ phát hiện ra những bất thường về hình thái của thai nhi như dị dạng ở các cơ quan trong cơ thể, hở hàm ếch, và những bất thường về hệ xương, tim thai,… Từ đó, bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp can thiệp kịp thời.
Ngoài thực hiện Triple Test, các mẹ cũng nên thực hiện một số xét nghiệm khác như xét nghiệm nước tiểu, máu để kiểm tra HIV, nhóm máu, viêm gan B, yếu tố Rh,… để xác định nguy cơ dị tật bẩm sinh ở thai nhi trong bụng mẹ.
2.5. Lần siêu âm thai thứ 5 (Tuần 24 – 28)
Với mốc siêu âm thai này, mẹ sẽ được tiêm phòng uốn ván mũi đầu tiên hoặc mũi nhắc lại trong trường hợp mang thai lần 2. Nếu mẹ bầu nào chưa tiêm phòng uốn ván sẽ phải tiêm 2 mũi. Mũi thứ nhất cách mũi thứ 2 ít nhất là 1 tháng và mũi thứ 2 phải tiêm trước khi sinh tối thiểu 1 tháng. Thời gian tốt nhất để tiêm mũi uốn ván đầu tiên là vào tháng thứ 5 hoặc thứ 6 và mũi thứ 2 sau đó khoảng 1 tháng.
2.6. Lần siêu âm thai thứ 6 (Tuần 31 – 32)
Đây là mốc siêu âm thai để xác định các dị tật thai xuất hiện muộn ở thai nhi và theo dõi Doppler động mạch não, động mạch rốn, động mạch tử cung. Cùng với đó, bác sĩ cũng sẽ khám tổng quát để xem xét vị trí ngôi thai và tiên lượng cuộc sinh cho mẹ,
2.7. Lần siêu âm thai thứ 7 (Tuần 35 – 36)
Ở tuần thai này, mẹ bầu cần siêu âm để bác sĩ kiểm tra nước ối, trọng lượng thai nhi,… Từ đó, bác sĩ sự dự báo cân nặng của con lúc sinh. Ngoài ra, mẹ cũng nên làm Non-stress test để kiểm tra sức khỏe của thai nhi và xem con có nhận đủ oxy hay không bằng máy đo Monitor.
Sau tuần thai này, mẹ sẽ phải kiểm tra thai kỳ mỗi tuần một lần hoặc bất cứ khi nào cảm thấy sức khỏe có vấn đề bất thường để theo dõi tim thai và cử động của thai nhi,…
Trong quá trình mang thai có rất nhiều biến chứng có thể xảy ra, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và sự an toàn của thai nhi. Do đó, các mẹ bầu cần phải ghi nhớ các mốc siêu âm thai quan trọng để kiểm tra sức khỏe của con thường xuyên cho tới lúc “mẹ tròn con vuông”.