Có bao nhiêu nhóm máu, cách phân loại nhóm máu

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ, Thầy thuốc ưu tú

Tạ Quang Mậu

Bác sĩ Nội Khoa

Máu là dịch lỏng màu đỏ chảy trong hệ tuần hoàn, ở người máu được chia thành các nhóm khác nhau dựa vào 1 số đặc điểm nhất định. Vậy có bao nhiêu nhóm máu, cách phân loại nhóm máu như thế nào, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

1. Cấu tạo và chức năng của máu với cơ thể người

Máu là thành phần được sinh ra từ tủy xương của cơ thể, cấu tạo máu gồm các thành phần như hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu và huyết tương, cụ thể như sau:

1.1. Hồng cầu

Hồng cầu là tế bào có hình đĩa lõm hai mặt, đường kính trung bình khoảng 7,5µm, chiều dày 1µm ở trung tâm và 2µm ở ngoại vi. Thành phần quan trọng nhất trong hồng cầu là Hemoglobin. Số lượng hồng cầu bình thường trong máu ngoại vi là: 5,05±0,38 T/l (x1012 tế bào/ lít) ở nam giới và 4,66±0,36 T/l(x1012 tế bào/ lít) ở nữ giới.

1.2. Bạch cầu

Là những tế bào có chức năng chống lại các tác nhân lạ (như vi khuẩn, vi rút,…) nhằm bảo vệ cơ thể. Bạch cầu được phân loại thành các dạng là bạch cầu hạt và bạch cầu không hạt. Trong đó bạch cầu hạt lại được chia thành bạch cầu trung tính, bạch cầu ưa acid, bạch cầu ưa base. Bạch cầu không hạt thì gồm 2 loại là bạch cầu mono và bạch cầu lympho.

Có bao nhiêu nhóm máu, cách phân loại nhóm máu như thế nào

Máu có nhiều thành phần như hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu, huyết tương

1.3. Tiểu cầu

Đây là những mảnh tế bào không có nhân, hình đĩa có đường kính khoảng 2-4µm, có màng bao bọc. Tiểu cầu có vai trò quan trọng trong quá trình đông cầm máu. Số lượng tiểu cầu bình thường trong máu ngoại vi dao động từ 150-300 G/l, trong đó: nam : 263,0± 61 G/l, nữ: 274,0± 63,0 G/l.

1.4. Huyết tương

Đây cũng là 1 phần quan trọng của máu chính là phần dung dịch màu vàng bao gồm nước, đạm, mỡ, đường, vitamin, muối khoáng, các men,…

2. Chức năng của máu với cơ thể người

Máu là 1 phần quan trọng và đảm đương nhiều chức năng mang tính sống còn đối với cơ thể.

2.1. Vận chuyển các phân tử

Vai trò đầu tiên của máu là vận chuyên các chất dinh dưỡng, điện giải, oxy để cung cấp cho các bộ phận trong cơ thể. Ngoài ra  máu cũng có chức năng vận chuyển hóc môn và các chất dẫn truyền từ nên sản xuất đến cơ quan đích.

Phân loại các nhóm máu như thế nào

Chức năng quan trọng nhất của máu là nuôi dưỡng và bảo vệ cơ thể

2.2. Bảo vệ cơ thể

Đây là 1 chức năng quan trọng, một số tế bào máu có khả năng thực bào, giúp tiêu hóa và khử độc các chất lạ và vi khuẩn. Ngoài ra một số tế bào máu có khả năng sinh kháng thể để trung hòa chất độc từ tác nhân lạ. Bên cạnh đó tiểu cầu và protein huyết tương có vai trò quan trọng trong quá trình đông cầm máu giúp bảo vệ cơ thể.

2.3. Giúp duy trì sự ổn định của pH và áp lực thẩm thấu của dịch ngoại bào

Nhờ trong máu có các hệ thống đệm nên dịch ngoại bào trong cơ thể luôn được duy trì ổn định trong khoảng từ 7.35 đến 7,45. Các hệ thống đệm này chuyển các acid, base mạnh thành các acid, base yếu hơn đồng thời vận chuyển các chất có tính acid và base mạnh đến các cơ quan bài tiết.

3. Có bao nhiêu nhóm máu và phân loại nhóm máu như thế nào?

3.1. Hệ nhóm máu ABO

Hệ nhóm máu ABO bao gồm các nhóm máu sau:

Nhóm máu A

Đây là nhóm máu có kháng nguyên A trên bề mặt hồng cầu và kháng thể B trong huyết thanh. Người có nhóm máu A có thể hiến máu cho người khác có cùng nhóm máu A, hoặc nhóm máu AB. Nhóm máu A cũng có thể nhận máu truyền từ người cho có nhóm máu A hoặc O.

Phân loại được có bao nhiêu nhóm máu

Hệ nhóm máu ABO bao gồm 4 nhóm máu A, B, AB và O

Nhóm máu B

Nhóm máu này có kháng nguyên B trên bề mặt hồng cầu và có kháng thể A trong huyết thanh do đó người có nhóm máu B có thể hiến máu cho người có cùng nhóm máu B, hoặc AB. Ngoài ra, người có nhóm máu B cũng có thể nhận máu truyền từ người cho có nhóm máu B hoặc O.

Nhóm máu AB

Có kháng nguyên A, B trên bề mặt hồng cầu và không có kháng thể A, kháng thể B trong huyết thanh. Đây là nhóm máu có mức độ phổ biến thấp nhất trong hệ ABO. Người có nhóm máu AB có thể nhận máu từ bất kỳ người có nhóm máu nào. Tuy nhiên, chỉ có thể truyền cho người cùng nhóm AB vì có cả hai kháng nguyên AB trên tế bào hồng cầu.

Nhóm máu O

Đây là nhóm máu phổ biến nhất,có thể truyền máu cho tất cả các nhóm máu khác do nhóm máu O hoàn toàn không có kháng nguyên nhưng chỉ có thể nhận máu truyền từ người có cùng nhóm máu O, vì có cả kháng thể A, kháng thể B trong huyết thanh, các kháng thể trong huyết tương của nhóm máu này sẽ tấn công các loại khác.

Mức độ phổ biến các nhóm máu như thế nào

Mức độ phổ biến các nhóm máu

3.2. Hệ nhóm máu Rh – kháng nguyên D (Rh D)

Kháng nguyên D thuộc hệ nhóm máu Rh có tính sinh miễn dịch mạnh nhất trong tất cả các hệ nhóm máu ngoài hệ nhóm máu ABO. Do đó, đây được coi  là hệ nhóm máu quan trọng sau hệ nhóm máu ABO.

Hầu hết máu ở người đều có kháng nguyên D trên hồng cầu, thường gọi là Rh D(+). Ngược lại, nhóm máu không có kháng nguyên D trên hồng cầu thì được gọi là Rh D(-). Rh D(-) được xem là 1 nhóm máu hiếm với tỷ lệ người có Rh D(-) tại Việt Nam chỉ khoảng 0,07%.

Về khả năng truyền máu thì người có nhóm máu Rh D(-) có thể truyền máu cho người có nhóm máu Rh D(+), tuy nhiên chỉ có thể nhận được máu truyền từ người có cùng nhóm máu và có Rh D(-).

Trên đây là những thông tin giải đáp thắc mắc có bao nhiêu nhóm máu, chức năng, thành phần của máu trong cơ thể. Khoa xét nghiệm của Hệ thống y tế Thu Cúc với đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên giỏi, máy móc hiện đại là địa chỉ được nhiều người lựa chọn để thực hiện các xét nghiệm máu.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital