Các biểu hiện của loét dạ dày, cách điều trị và phòng bệnh

Tham vấn bác sĩ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Vũ Văn Khiên

Phó giám đốc phụ trách Nội soi tiêu hóa

Loét dạ dày là bệnh không hiếm gặp trong cuộc sống hiện đại. Biểu hiện của loét dạ dày ở mỗi người có thể giống hoặc khác nhau tùy thuộc vào tình trạng bệnh. Bệnh cần được phát hiện càng sớm càng tốt để tránh gây ra những biến chứng nguy hiểm.

1. Khái niệm về bệnh loét dạ dày

Bệnh loét dạ dày là tình trạng niêm mạc dạ dày bị tổn thương do dịch vị tiêu hóa có tính acid làm bào mòn lớp lót trên niêm mạc. Biểu hiện của loét dạ dày khá đa dạng và không giống nhau ở mỗi người. Loét dạ dày được xem là bệnh lý phổ biến hiện nay và có ảnh hưởng đến hàng triệu người dân mỗi năm. Bên cạnh đó bệnh loét dạ dày còn rất dễ tái phát vì vậy chúng ta cần điều trị bệnh triệt để và có biện pháp phòng bệnh.

Loét dạ dày là bệnh lý phổ biến

Loét dạ dày là bệnh lý phổ biến

2. Biểu hiện của loét dạ dày thường gặp nhất

Biểu hiện của loét dạ dày ở mỗi người sẽ khác nhau do còn phụ thuộc vào tình trạng bệnh. Một số trường hợp bệnh ở giai đoạn mới khởi phát triệu chứng không rõ ràng do đó rất khó phát hiện. Tuy nhiên phần lớn các trường hợp bệnh nhân sẽ có một số triệu chứng sau đây.

2.1 Đau nhói vùng thượng vị là biểu hiện của loét dạ dày

Nếu cảm thấy đau tức vùng bụng thì có thể đây là dấu hiệu viêm loét dạ dày sớm. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh mà mỗi người có mức độ đau khác nhau. Cơn đau có thể xuất hiện bất cứ lúc nào: Lúc đói, khi đang ngủ,…

2.2 Buồn nôn, nôn

Dạ dày bị loét sẽ gây kích thích khiến chúng co bóp mạnh hơn. Đây là nguyên nhân khiến người bệnh có cảm giác buồn nôn và nôn. Cảm giác này thường xuất hiện sau khi ăn no và người bệnh sẽ cảm thấy thoải mái hơn sau khi nôn.

2.3 Đầy bụng, chán ăn, ăn không ngon

Các vết loét xuất hiện khiến cho chức năng hoạt động của dạ dày kém đi, tốc độ chuyển hóa thức ăn chậm. Do đó thức ăn khi đưa vào cơ thể sẽ bị tích tụ lại gây ra cảm giác đầy bụng. Cơ thể người bệnh cũng trở nên mệt mỏi, đắng miệng, giảm vị giác vì vậy không còn cảm giác thèm ăn. Đây là biểu hiện các bệnh nhân thường mắc phải.

2.4 Rối loạn tiêu hóa

Niêm mạc dạ dày bị tấn công sinh ra viêm loét sẽ ảnh hưởng tới chức năng hoạt động của dạ dày. Điển hình nhất là làm rối loạn tiêu hóa. Biểu hiện thường gặp là người bệnh bị tiêu chảy và táo bón xen kẽ.

2.5 Mất ngủ, đột ngột giảm cân không rõ nguyên do

Người mắc các bệnh liên quan tới đường tiêu hóa thường giảm cân nhanh. Nguyên nhân là do khi bị bệnh sẽ cản trở cơ thể hấp thu chất dinh dưỡng. Người bệnh cũng thường xuyên trong tình trạng mất ngủ do các cơn đau thường xuất hiện và hành hạ vào lúc nửa đêm về sáng. Các yếu tố trên cộng lại khiến cho cân nặng của người bệnh giảm sút rõ rệt.

Đau vùng thượng vị là biểu hiện của loét dạ dày

Đau vùng thượng vị là biểu hiện của loét dạ dày

3. Nguyên nhân hàng đầu gây bệnh

Bệnh loét dạ dày có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Một số nguyên nhân khách quan và cũng có những nguyên nhân bắt nguồn từ thói quen xấu của người bệnh. Đây là lý do tại sao các bệnh về hệ tiêu hóa ngày càng phổ biến và có xu hướng gia tăng.

3.1 Vi khuẩn HP gây ra các biểu hiện của loét dạ dày

Vi khuẩn HP tuy nhỏ bé nhưng lại là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh. Sau khi xâm nhập vào cơ thể chúng thường sống trong lớp nhầy của niêm mạc dạ dày. Khi hoạt động khuẩn HP tiết ra độc tố gây kích ứng niêm mạc dạ dày và hình thành các ổ viêm loét.

3.2 Chế độ ăn uống không theo khoa học

Cuộc sống ngày càng bận rộn khiến cho nhiều người bị cuốn theo. Thói quen bỏ bữa, ăn uống không đúng giờ, ăn nhanh khiến cho hệ tiêu hóa bị ảnh hưởng đáng kể. Việc ăn quá khuya hay vừa ăn vừa làm việc cũng là nguyên nhân khiến dạ dày bị tổn thương do phải hoạt động quá sức. Bên cạnh đó thì việc tiêu thụ các loại thức ăn gây kích thích dạ dày: Thức ăn chế biến sẵn, đồ chiên rán, đồ ăn chua cay, thức ăn ít dinh dưỡng đều làm tăng nguy cơ gây viêm loét dạ dày.

3.3 Tác dụng phụ không mong muốn của thuốc giảm đau và kháng viêm

Những người cao tuổi thường phải sử dụng thuốc trị bệnh xương khớp, thuốc giảm đau kháng viêm do đó sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về hệ tiêu hóa. Các loại thuốc này bên cạnh công dụng của nó thì nếu sử dụng trong thời gian dài sẽ gây ra tác dụng phụ không tốt cho dạ dày.

3.4 Stress

Những người thường xuyên căng thẳng, buồn phiền sẽ có tỉ lệ mắc bệnh loét dạ dày cao hơn. Bởi căng thẳng sẽ làm suy yếu hệ thống miễn dịch và khiến quá trình tiêu hóa bị rối loạn. Khi này các loại vi khuẩn sẽ dễ dàng xâm nhập vào cơ thể.

3.5 Sử dụng đồ uống có cồn, chất kích thích

Chất kích thích, rượu bia,…đều ảnh hưởng đến cơ thể và hệ tiêu hóa. Các độc tố chứa trong chúng sẽ kích thích niêm mạc dạ dày làm các vết loét lan rộng hơn. Nếu uống rượu bia trong thời gian chữa bệnh sẽ cản trở các vết thương phục hồi.

3.6 Yếu tố di truyền

Có thể bạn chưa biết, các bệnh về hệ tiêu hóa có mang yếu tố di truyền. Do đó nếu trong gia đình bạn có người bị bệnh loét dạ dày thì bạn cũng nằm trong nhóm có nguy cơ cao nhiễm bệnh.

Vi khuẩn HP là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh

Vi khuẩn HP là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh

4. Phương pháp điều trị loét dạ dày bạn cần biết

Loét dạ dày là bệnh lý không còn xa lạ với nhiều người. Việc sử dụng phương pháp nào để điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân và tình trạng bệnh.

4.1 Điều trị nội khoa bằng thuốc

Điều trị các biểu hiện của loét dạ dày bằng thuốc là phương pháp được sử dụng phổ biến nhất hiện nay. Thuốc Tây có tác dụng nhanh chóng, hỗ trợ điều trị bệnh triệt để và có thể áp dụng cho đại đa số các trường hợp.

Các loại thuốc thường sử dụng như: Thuốc kháng thụ thể H2, thuốc ức chế bơm proton, thuốc trung hòa acid dịch vị, thuốc tạo màng bọc. Trường hợp bệnh nhân dương tính với vi khuẩn HP sẽ sử dụng thêm kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn.

4.2 Phẫu thuật

Đây là kỹ thuật xâm lấn có thể gây ra nhiều rủi ro. Vì vậy phẫu thuật chỉ được áp dụng trong một số trường hợp bắt buộc như: Điều trị bằng thuốc không hiệu quả; xảy ra các biến chứng nguy hiểm: Hẹp môn vị, thủng dạ dày,…

4.3 Điều trị bằng cách thay đổi thói quen sinh hoạt, ăn uống

Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc thì việc thay đổi thói quen sinh hoạt, ăn uống cũng là yếu tố hỗ trợ chữa bệnh. Xây dựng các thói quen lành mạnh, ăn uống đúng khoa học không chỉ góp phần giúp các tổn thương mau lành mà còn ngăn ngừa bệnh tái phát.

5. Một số biện pháp phòng bệnh loét dạ dày

Loét dạ dày là bệnh rất dễ tái nhiễm vì vậy sau khi chữa khỏi người bệnh cũng vẫn cần thực hiện biện pháp phòng bệnh

– Bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể đầy đủ theo các nhóm dưỡng chất đầy đủ

– Tránh stress, lo lắng kéo dài

– Nên ngủ đủ giấc, sắp xếp thời gian nghỉ ngơi và làm việc điều độ

– Cân nhắc khi uống thuốc kháng viêm, giảm đau

– Duy trì thói quen rèn luyện cơ thể hàng ngày để nâng cao sức khỏe và tăng sức đề kháng

– Kiêng các thực phẩm, đồ uống không có lợi cho hệ tiêu hóa

– Tạo thói quen khám bệnh định kỳ nhằm giúp phát hiện bệnh sớm

Luôn giữ tinh thần vui vẻ giúp đẩy lùi mọi bệnh tật

Luôn giữ tinh thần vui vẻ giúp đẩy lùi mọi bệnh tật

Mong rằng sau khi đọc bài viết bạn đã hiểu rõ hơn về các biểu hiện của loét dạ dày. Bệnh loét dạ dày tuy không quá nguy hiểm nhưng nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách có thể gây ra các biến chứng ảnh hưởng tới sức khỏe.

 

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital