Xử lý viêm loét dạ dày buồn nôn và phòng chống đúng cách

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKI 

Hà Quang Luật

Bác sĩ Tiêu hóa - Nội soi

Viêm loét dạ dày buồn nôn có thể kèm theo các triệu chứng tiêu hóa khác như đau bụng, khó tiêu, ợ chua, ợ hơi, chán ăn,… đều là những dấu hiệu lên tiếng về tình trạng trở nặng của bệnh. Người bệnh cần nhanh chóng thăm khám và được điều trị đúng cách tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy tới.

1. Triệu chứng viêm loét dạ dày

1.1. Đau bụng thượng vị

Với trường hợp viêm loét dạ dày cấp tính, cơn đau thượng vị có biểu hiện dữ dội kèm theo cảm giác nóng rát, cồn cào. Còn với viêm loét dạ dày mạn tính, cơn đau thượng vị thường đau âm ỉ, thỉnh thoảng mới đau quặn lên từng cơn. Cơn đau tái đi tái lại theo nhiều năm.

Đau thượng vị do viêm loét dạ dày thường xuất hiện sau khi người bệnh ăn no, đau lúc khi đói hoặc đau lúc nửa đêm làm ảnh hưởng trực tiếp tới giấc ngủ của người bệnh.

Triệu chứng viêm loét dạ dày

Đau bụng vùng thượng vị là dấu hiệu điển hình cảnh báo về viêm loét dạ dày.

1.2. Viêm loét dạ dày gây cảm giác buồn nôn và nôn

Lý giải cho việc người bệnh viêm loét dạ dày thường có cảm giác buồn nôn hoặc bị nôn hết thức ăn ngay sau ăn đến từ những tổn thương ở dạ dày làm trì hoãn và ảnh hưởng tới hoạt động tiêu hóa thức ăn. Thức ăn đi xuống dạ dày sẽ tác động trực tiếp tới ổ viêm loét gây kích thích niêm mạc khiến người bệnh có cảm giác muốn nôn hết thức ăn.

Trường hợp người bệnh bị nôn quá nhiều, nôn liên tục trong thời gian dài sẽ dẫn đến tình trạng mất nước, mất điện giải, cơ thể hốc hác, nhợt nhạt, thường xuyên mệt mỏi và gầy sút cân. Điều này có ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người bệnh và cần có phương án điều trị sớm.

1.3. Xuất huyết dạ dày

Xuất huyết dạ dày là triệu chứng của cơn đau dạ dày cấp tính với biểu hiện đau bụng dữ dội, nôn ra máu, đi ngoài phân đen hoặc kèm theo máu tươi. Đây là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm lên tiếng về tình trạng viêm loét dạ dày tiến triển nghiêm trọng. Với trường hợp xuất huyết nặng, người bệnh có thể cần được can thiệp nội soi cầm máu nếu không sẽ rất nguy hiểm.

2. Xử lý viêm loét dạ dày buồn nôn

Khi xuất hiện các triệu chứng mô tả viêm loét dạ dày kể trên, người bệnh nên chủ động thăm khám càng sớm càng tốt để được chẩn đoán đúng bệnh và nhận chỉ định điều trị đúng cách kịp thời.

Trước hết, người bệnh sẽ được điều trị triệu chứng để thuyên giảm cảm giác khó chịu như đau bụng, buồn nôn, nôn và chống tiết dịch vị, chống viêm. Sau đó, bác sĩ sẽ tìm hiểu nguyên nhân gây viêm loét để điều trị đúng phác đồ. Một trong những nguyên nhân hàng đầu gây viêm loét đến từ vi khuẩn HP dương tính. Điều trị HP được thực hiện bằng kháng sinh đặc hiệu, người bệnh cần tuân thủ đúng đơn kê của bác sĩ cùng các lưu ý trong chế độ ăn và sinh hoạt hằng ngày.

Khám viêm loét dạ dày

Người bệnh nghi ngờ viêm loét dạ dày cần nhanh chóng thăm khám với bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa.

3. Cách phòng chống viêm loét hiệu quả

Xuất phát từ nguyên nhân gây viêm loét dạ dày để lên kế hoạch phòng chống bệnh hiệu quả bằng các lưu ý sau đây:

3.1. Lựa chọn thực đơn, chế độ ăn khoa học

Chế độ ăn đóng vai trò quan trọng trong cả quá trình điều trị bệnh và sau điều trị. Việc lựa chọn thực phẩm nên ăn, tránh những thực phẩm không tốt và ăn đúng cách là yêu cầu cần thiết với người bệnh viêm loét dạ dày. Cụ thể:

– Nên ăn các thực phẩm dễ tiêu hóa, bổ sung đủ dưỡng chất nhất là chất xơ từ các loại hoa quả và rau củ tươi.

– Uống nhiều nước.

– Không ăn cay nóng, không ăn đồ nhiều dầu mỡ, không ăn đồ chua, không dùng các đồ uống có chất kích thích.

– Ăn đúng bữa, đúng giờ. Nên chia khẩu phần ăn theo nhiều bữa nhỏ trong ngày.

– Ăn chậm, nhai kỹ. Lưu ý nên tập trung khi ăn.

3.2. Phòng ngừa và điều trị tốt vi khuẩn HP

Nếu gia đình có thành viên nhiễm vi khuẩn HP dương tính xuất hiện các triệu chứng tiêu hóa cụ thể như đau bụng, khó tiêu, ợ hơi, ợ chua,… thì cần thực hiện nghiêm túc các cách phòng lây nhiễm hiệu quả như ăn riêng uống riêng, sát trùng dụng cụ ăn uống cẩn thận bằng nước sôi. Đồng thời, các thành viên trong gia đình cần nhanh chóng xét nghiệm HP để phát hiện kịp thời và điều trị ngay theo đúng phác đồ.

3.3. Hạn chế thuốc kháng sinh, các thuốc kháng viêm

Một trong những nguyên nhân chính gây ra viêm loét là aspirin và nhóm các thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs). Bạn sẽ cần phải cắt giảm hoặc ngừng dùng hoàn toàn những thuốc này và chuyển sang một loại khác thay thế ít ảnh hưởng nhất tới niêm mạc dạ dày do bác sĩ chỉ định.

Khi gặp những triệu chứng cụ thể của cơn đau dạ dày, người bệnh nên sớm tới các cơ sở y tế uy tín để chẩn đoán tìm chính xác về nguyên nhân và được điều trị đúng cách. Không nên tự ý mua thuốc giảm đau vì rất có thể các loại thuốc này sẽ càng làm tình trạng bệnh thêm nghiêm trọng và dẫn tới những hậu quả nặng nề hơn như viêm dạ dày mạn tính, biến chứng chảy máu, thủng dạ dày,…

Viêm loét dạ dày buồn nôn cẩn trọng khi dùng thuốc

Người bệnh viêm loét dạ dày cần cẩn trọng khi sử dụng các loại thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm,…

3.4. Ngủ đủ giấc để tránh viêm loét dạ dày buồn nôn

Giấc ngủ là “liều thuốc” phục hồi của hệ cơ quan trong cơ thể bao gồm cả hệ tiêu hóa. Các chuyên gia tiêu hóa khuyến cáo mọi người không nên thức quá khuya sau 23 giờ hay dậy quá sớm. Hãy đảm bảo thời gian ngủ mỗi ngày duy trì đủ là 7-8 tiếng. Bên cạnh đó, đảm bảo chất lượng giấc ngủ cũng rất quan trọng.

3.5. Kiểm soát căng thẳng

Căng thẳng, mệt mỏi kéo dài làm gián đoạn hoạt động tiết dịch vị ở dạ dày. Theo đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình tiêu hóa thức ăn. Có thể dễ thấy, khi bạn stress, mệt sẽ dễ chán ăn, ăn không tiêu, đầy bụng kéo dài,… Vì vậy, việc cân bằng giữa nghỉ ngơi và làm việc rất cần thiết. Bên cạnh đó, hãy cho cơ thể được thư giãn, thoải mái, suy nghĩ tích cực để có một sức khỏe tinh thần ổn định.

Viêm loét dạ dày buồn nôn ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và cuộc sống của người bệnh. Khi gặp phải các dấu hiệu bất thường ở đường tiêu hóa, người bệnh cần chủ động thăm khám sớm và thực hiện điều trị theo đúng chỉ định.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital