Bị sỏi thận nên ăn gì, kiêng ăn gì là tốt?

Tham vấn bác sĩ
Thầy Thuốc ưu tú, Bác sĩ CKII

Phạm Huy Huyên

Phó Giám đốc Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc, Phụ trách Ngoại thận tiết niệu

Bị sỏi thận nên ăn gì, kiêng ăn gì?” luôn là một trong những câu hỏi được người bệnh sỏi quan tâm hàng đầu. Nguyên nhân gây sỏi thận bắt nguồn từ việc rối loạn trong quá trình trao đổi chất khoáng, do vậy, chế độ ăn uống chính là chìa khoá quyết định tới tình trạng bệnh. Khi đó, việc ăn gì và kiêng ăn gì trở thành vấn đề hết sức quan trọng.

1. Chế độ dinh dưỡng có ảnh hưởng như thế nào đến người bệnh sỏi thận?

Như đã nói ở trên, dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng đối với người bệnh bị sỏi thận. Một chế độ dinh dưỡng đúng cách sẽ làm chậm quá trình hình thành sỏi, cải thiện tốt tình trạng bệnh.

Không chỉ vậy, khi mắc sỏi nhiều người sẽ thường mệt mỏi, chán ăn hoặc ăn uống không ngon miệng nên dễ mất cân đối trong khẩu phần ăn. Chính vì thế, việc hiểu rõ về chế độ ăn, thực phẩm nên ăn và nên kiêng để có thể bổ sung chúng một cách đúng cách nhất.

Tùy vào kích thước, tính chất của sỏi mà sẽ có phương pháp điều trị phù hợp. Dù là bất kỳ phương pháp nào thì cũng cần phải kết hợp chế độ ăn khoa học bao gồm uống nhiều nước, cân bằng dinh dưỡng để tránh suy nhược cơ thể, bổ sung thực phẩm giàu canxi & vitamin, hạn chế tối đa lượng muối, đường hằng ngày và tránh xa chất kích thích… để giúp cho việc điều trị được thuận lợi, ngăn bệnh tiến triển xấu đi và giảm nguy cơ tái sỏi về sau.

Chế độ dinh dưỡng cho người bị sỏi thận

Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng đối với người bệnh sỏi thận

2. Người bị sỏi thận nên ăn gì?

2.1. Bổ sung canxi

Nhiều người vẫn cho rằng bản chất của sỏi là canxi vậy nên cần kiêng hoàn toàn canxi trong khẩu phần ăn hàng ngày để tránh nguy cơ sỏi phát triển. Trên thực tế, quá trình hình thành sỏi không hẳn là do canxi mà còn từ rất nhiều yếu tố khác tạo thành. Có nhiều người không ăn các thực phẩm chứa canxi nhưng vẫn bị sỏi bình thường. Ngược lại có những người ăn nhiều tôm, cua, sữa… nhưng lại không bị mắc bệnh.

Thực chất, việc sử dụng các thực phẩm chứa canxi với hàm lượng đúng quy định còn có thể giúp giảm nguy cơ hình thành sỏi. Người bệnh không nên kiêng hoàn toàn canxi vì sẽ gây mất cân bằng trong cơ thể, có thể dẫn đến loãng xương và khiến cơ thể hấp thụ nhiều oxalat hơn, gia tăng khả năng tạo sỏi thận.

Một số loại thực phẩm bổ sung canxi như sữa, sữa chua, phô mai, trứng, các loại hải sản có vỏ,.. mà người bệnh sỏi có thể thêm vào thực đơn mỗi ngày.

Bổ sung Canxi cho người bị sỏi thận

Bổ sung canxi có lợi cho quá trình điều trị và ngăn ngừa nguy cơ tái sỏi

2.2. Bị sỏi thận phải uống đủ nước mỗi ngày

Đây có lẽ là một trong những lưu ý quyết định và quan trọng nhất mà người bệnh sỏi cần quan tâm hàng đầu. Người bị sỏi thận cần uống nhiều nước mỗi ngày, đảm bảo sao cho lượng nước tiểu mỗi ngày lớn hơn 2,5 lít. Như vậy, người bệnh cần uống từ 3-4 lít/ngày.

Việc đi tiểu nhiều sẽ giúp việc đào thải được diễn ra thuận lợi hơn đồng thời hạn chế thấp nhất khả năng sỏi tái phát. Bất kể bị sỏi thận loại nào cũng đều cần uống nhiều nước. Người bệnh có thể uống nước lọc, nước canh trong bữa ăn hoặc các loại nước trái cây,…

2.3. Tăng cường các thực phẩm giàu Vitamin A

Vitamin A là loại vitamin thiết yếu đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường chức năng miễn dịch và hỗ trợ điều hòa hệ thống bài tiết. Khi cơ thể được bổ sung đủ vitamin A sẽ giảm bớt sự lắng đọng khoáng chất có trong nước tiểu, hạn chế việc hình thành sỏi thận. Các thực phẩm giàu vitamin A như cà rốt, bí đỏ, ớt chuông, cà chua, khoai lang, bông cải xanh…

2.4. Thực phẩm vitamin B6 cũng rất quan trọng

Vitamin B6 là loại vitamin mà cơ thể không tự sản xuất được mà cần được bổ sung từ các loại thực phẩm hoặc thực phẩm chức năng. Vitamin B6 tham gia vào nhiều hoạt động của cơ thể, đặc biệt chúng có thể làm giảm khả năng hình thành oxalat – một trong những nguyên nhân gây sỏi hàng đầu. Bổ sung vitamin B6 từ các loại hạt, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu (đậu đỏ, đậu phộng, đậu nành), bông cải, cà rốt và các loại cá…

2.5. Các loại trái cây tốt cho người bệnh bị sỏi thận

Trái cây có múi như cam, quýt, chanh, bưởi… chứa nhiều vitamin C, đã được chứng minh có thể giảm khả năng hình thành oxalat, đồng thời cũng làm giảm lượng cholesterol chuyển hóa thành axit có trong dịch mật (thành phần chủ yếu gây ra sỏi).

Một số loại nước trái cây nên được bổ sung cho người bệnh sỏi thận:

  • Nước chanh: Có chứa chất citrate sẽ giúp hòa tan sỏi thận
  • Trà lựu: Giúp giảm hàm lượng axit có trong nước tiểu, hỗ trợ thải độc
  • Nước ép nho: Thành phần có chứa chất chống oxy hóa, giúp đào thải độc tố
  • Trà gừng: Là chất kháng khuẩn, chống viêm rất tốt
  • Trà húng quế: Có chứa axit axetic hỗ trợ phá hủy sỏi thận
  • Nước cam ép: Tương tự như nước chanh vì có chứa citrate giúp ngăn chặn sỏi

2.6. Bổ sung thực phẩm giàu chất xơ

Chất xơ sẽ giúp quá trình chuyển hóa thức ăn của hệ tiêu hóa và hệ bài tiết được diễn ra thuận lợi hơn nhờ đó giảm nguy cơ hình thành sỏi. Một số thực phẩm giàu chất xơ mà người bệnh bị sỏi thận nên ăn: Cần tây, bắp cải, bông cải xanh, khoai lang,…

Thực phẩm tốt cho người bị sỏi thận

Bổ sung đầy đủ vitamin, khoáng chất thiết yếu tốt người bệnh sỏi thận

3. Người bị sỏi thận cần kiêng ăn gì?

– Chất đạm: Theo các chuyên gia, việc ăn nhiều protein và bệnh sỏi thận có mối liên quan mật thiết. Việc hấp thụ quá nhiều đạm sẽ làm gia tăng lượng axit, canxi và phốt pho có trong nước tiểu. Vì thế, người bệnh sỏi thận cần hạn chế các thực phẩm giàu đạm và tuân thủ ở mức khoảng 200g protein mỗi ngày.

– Muối: Mỗi ngày người bệnh sỏi chỉ được ăn tối đa 3g muối và nên ăn càng nhạt càng tốt. Hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, đồ ăn đóng hộp vì các loại thực phẩm này có chứa rất nhiều muối.

– Đường và các loại đồ ăn ngọt.

– Thức ăn nhiều dầu mỡ.

– Hạn chế các loại đồ uống có ga, nước ngọt,..

– Kiêng tuyệt đối các loại chất kích thích như rượu bia, thuốc lá,  trà, cà phê,..

– Không nên tự ý mua các loại thuốc bổ hay thực phẩm chức năng mà chưa tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Chế độ ăn giữ vai trò quan trọng đối với người bệnh bị sỏi thận trong việc quyết định hiệu quả điều trị. Vì vậy người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối nghiêm ngặt những thông tin dinh dưỡng đã nêu trong bài viết để cải thiện tình trạng bệnh, tránh để sỏi thận kéo dài và tái đi tái lại gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cũng như giảm chất lượng cuộc sống hằng ngày.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital