Cách điều trị sỏi tiết niệu – sỏi thận rơi xuống bàng quang

Tham vấn bác sĩ
Thầy Thuốc ưu tú, Bác sĩ CKII

Phạm Huy Huyên

Phó Giám đốc Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc, Phụ trách Ngoại thận tiết niệu

Sỏi bàng quang là một trong những bệnh lý thường gặp, chiếm khoảng ⅓ số ca sỏi đường tiết niệu. Một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh là do tình trạng sỏi thận rơi và kẹt tại bàng quang. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu cụ thể về bệnh sỏi thận rơi xuống bàng quang, triệu chứng và những phương pháp điều trị để có thêm nhiều kiến thức trang bị cho sức khỏe của bản thân nhé!

1. Quá trình sỏi thận rơi xuống bàng quang

1.1 Diễn biến của sỏi thận rơi xuống bàng quang

Sỏi thận rơi và kẹt tại bàng quang là tình trạng những viên sỏi ở thận như sỏi đài thận, sỏi bể thận, sỏi đài bể thận có kích thước có thể đi qua niệu quản theo dòng nước tiểu từ thận xuống bàng quang. Tại đây viên sỏi bị mắc lại và không được đẩy qua niệu đạo và ra ngoài.

Khi sỏi rơi xuống bàng quang người bệnh khó có thể phát hiện ra sớm bởi những triệu chứng ban đầu thường không rõ ràng và dễ gây nhầm lẫn với các bệnh lý khác.

Diễn biến của sỏi thận rơi kẹt tại bàng quang

Sỏi thận rơi xuống và kẹt tại bàng quang nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến quá trình lưu thông nước tiểu bị ảnh hưởng

1.2 Quá trình sỏi thận rơi xuống bàng quang gây ra triệu chứng gì?

Ở mỗi người bệnh, tình trạng sỏi sẽ gây ra những triệu chứng bạn có thể nhận thấy khác nhau. Nhưng nhìn chung khi sỏi phát triển lâu ngày trong bàng quang, gia tăng kích thước có thể sẽ dẫn đến những triệu chứng sau:

– Cơn đau quặn thắt ở vùng ngang thắt lưng lan xuống vùng bụng dưới. Cơn đau từ nhẹ đến nặng dần và quặn thắt lại khiến bạn khó có thể đứng lên ngồi xuống một cách dễ dàng.

– Bệnh nhân gặp tình trạng tiểu rắt, buồn tiểu nhiều lần nhưng đi tiểu ít.

– Quá trình đi tiểu bị ngắt quãng, tiểu không hết nước, tiểu không liên tục.

– Nước tiểu có màu sắc bất thường, đục màu và có thể có mùi hôi hoặc lẫn máu.

– Một số trường hợp bệnh nhân có thể gặp tình trạng nhiễm trùng và kèm theo sốt.

1.3 Biến chứng nguy hiểm của sỏi bàng quang gây ra bởi sỏi thận rơi 

Bên cạnh những triệu chứng bất thường xảy ra đối với cơ thể kể trên, nhiều trường hợp bệnh nhân sau khi đi đến viện thăm khám còn phát hiện được ra những biến chứng.

–  Viêm bàng quang hoặc teo bàng quang do quá trình sỏi cọ xát vào thành bàng quang nhiều khiến bộ phận này bị nhiễm khuẩn, chảy máu. Nghiêm trọng hơn người bệnh sẽ gặp tình trạng viêm đường tiết niệu bao gồm cả thận, niệu quản, niệu đạo.

– Rò bàng quang là một trong những biến chứng ảnh hưởng xấu đến quá trình sinh hoạt của người bệnh. Đây là tình trạng nước tiểu chảy qua phần âm đạo, hậu môn và rò rỉ ra bên ngoài. Lâu ngày sẽ gây nhiều bệnh viêm nhiễm khác.

– Viêm thận và suy thận: Khi sỏi rơi xuống bàng quang và làm tắc nghẽn dòng nước tiểu thoát ra bên ngoài cơ thể. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng nước tiểu đẩy ngược dòng trở về thận khiến đài bể thận bị giãn. Từ đó hình thành nên nguy cơ mắc viêm thận và suy thận nghĩa là suy giảm chức năng của thận.

Một số biến chứng của bệnh sỏi thận rơi xuống bàng quang

Viêm thận, suy thận là một trong những biến chứng của sỏi gây ra

Chính vì vậy để những biến chứng nguy hiểm kể trên không làm ảnh hưởng nặng nề đối với sức khỏe cũng như chi phí điều trị, ngay khi có những triệu chứng bất thường bạn nên đi thăm khám và điều trị kịp thời. Tuyệt đối tránh để sỏi lâu trong cơ thể và cần điều trị bệnh dứt điểm.   

2. Các phương pháp chẩn đoán bệnh lý sỏi bàng quang

Sau khi được chẩn đoán lâm sàng, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân thực hiện những xét nghiệm hình ảnh để xác định chính xác tình trạng bệnh và kết luận phương hướng điều trị mang lại hiệu quả nhất. 

– Xét nghiệm phân tích nước tiểu: Xác định vi khuẩn và khoáng chất kết tinh trong bàng quang và đánh giá tình trạng nhiễm khuẩn bàng quang.

– Siêu âm: Xác định được vị trí của sỏi bàng quang và kích thước bằng sóng siêu âm.

– Chụp X-Quang: Giúp phát hiện sỏi có xuất hiện trong hệ thống đường tiết niệu hay không.

Chụp CT Scan phát hiện sỏi và kích thước của sỏi thậm chí rất nhỏ.

3. Điều trị bệnh lý sỏi thận rơi kẹt tại bàng quang

3.1 Điều trị nội khoa

Đối với sỏi thận rơi xuống bọng đái có kích thước nhỏ, và chưa gây ra những biến chứng gây ảnh hưởng đến người bệnh dựa trên đánh giá của bác sĩ, lúc này bệnh nhân sẽ được ưu tiên điều trị nội khoa. Nghĩa là bác sĩ sẽ kết hợp kê đơn thuốc giúp chống viêm, giảm đau và hỗ trợ đẩy sỏi ra ngoài. Bên cạnh đó bệnh nhân cần tuân thủ những nguyên tắc sử dụng thuốc của bác sĩ yêu cầu tránh dùng quá liều lượng hoặc thời gian cho phép. Bởi có thể gây nhiều vấn đề đối với sức khỏe của gan, dạ dày và thận.

Khi sử dụng thuốc điều trị, bệnh nhân cũng cần lưu ý xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, hoạt động thể dục thể thao đúng cách để tăng cường sức khỏe cho hệ bài tiết, đồng thời giúp sỏi nhanh chóng trôi ra ngoài.

3.2 Điều trị sỏi bằng phương pháp tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser

Đối với các trường hợp viên sỏi không thể tự di chuyển ra bên ngoài thì bác sĩ sẽ khuyên người bệnh nên tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser. Đây là phương pháp điều trị sỏi tiết niệu tân tiến hiện đại, mang đến hiệu quả cao cho sỏi bàng quang. 

Với phương pháp điều trị sỏi tiết niệu này, bệnh nhân được lấy sỏi mà không cần mổ mở. Thông qua đường ống niệu đạo, đường ống tự nhiên của cơ thể con người dẫn nước tiểu từ bàng quang ra bên ngoài cơ thể, bác sĩ sẽ đưa ống nội soi chuyên dụng vào và tới bàng quang. Khi tiếp cận đến vị trí của sỏi bác sĩ sẽ sử dụng năng lượng laser làm vỡ vụn sỏi thành các mảnh nhỏ và hút ra ngoài. 

Thông thường một ca tán sỏi sẽ diễn ra trong khoảng 30 phút đến 60 phút. Kết thúc quá trình điều trị sỏi tiết niệu, sỏi bàng quang, bệnh nhân có thể nghỉ ngơi và ra về sau khoảng 24 giờ đến 48 giờ.

Trong thời gian hậu phẫu bạn cần lưu ý vẫn duy trì uống nhiều nước hàng ngày từ 2-3 lít nước để cặn sỏi, cặn máu còn sót lại sẽ được đẩy ra ngoài. Và lưu ý không vận động mạnh, làm việc nặng, thể dục thể thao quá sức trong khoảng một tuần đầu tiên, mà chỉ nên vận động, sinh hoạt, làm việc nhẹ nhàng.

Nếu có các triệu chứng đau tức hoặc nước tiểu có máu hồng nhạt bạn cần theo dõi, Khi xuất hiện với tần suất nhiều hoặc kết hợp sốt cần báo ngay cho bác sĩ điều trị của bạn để được tái khám & xử lý kịp thời.

3.3 Phẫu thuật mổ mở loại bỏ sỏi

Trường hợp sỏi rơi xuống bàng quang đã đạt được kích thước lớn, không thể tự đẩy ra ngoài. Hoặc không đáp ứng thực hiện được kỹ thuật tán sỏi do các yếu tố như hẹp niệu đạo, cột sống không nằm được ở tư thế sản khoa, có nhiễm khuẩn chưa được điều trị… thì cần phải áp dụng phương pháp phẫu thuật để lấy sỏi ra ngoài.

Đây là phương pháp điều trị sỏi tiết niệu truyền thống và có thời gian hồi phục và cần nằm viện lâu hơn so với các phương pháp tán sỏi công nghệ cao… Chính vì vậy người bệnh nên thăm khám sớm, điều trị kịp thời khi kích thước sỏi chưa quá lớn.

Điều trị sỏi tiết niệu, sỏi thận rơi xuống bàng quang như thế nào

Nội soi ngược dòng tán sỏi bàng quang bằng laser là phương pháp điều trị sỏi tiết niệu không sang chấn, không mổ 

Sỏi thận rơi xuống bàng quang gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống thường ngày. Vậy nên cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe của bản thân là phòng bệnh, phòng tránh khả năng sỏi thận rơi kẹt tại bàng quang. Ngay từ đầu bạn nên phòng tránh những nguy cơ mắc sỏi thận bằng những chế độ ăn uống lành mạnh và luyện tập thể dục thể thao hàng ngày.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital