Viêm tai giữa là bệnh lý vô cùng phổ biến ở trẻ em. Tuy nhiên, nếu không được điều trị dứt điểm, bệnh viêm tai giữa ở trẻ em có thể tái phát nhiều lần và gây ra những biến chứng nguy hiểm. Chẳng hạn như mất thính lực, nghe kém, chậm nói, chậm phát triển về ngôn ngữ, thủng màng nhĩ, nhiễm trùng lan rộng. Do đó, bố mẹ cần phải trang bị những thông tin cần thiết về nguyên nhân, dấu hiệu của bệnh để tìm được cách xử trí phù hợp nhất.
Menu xem nhanh:
1. Nguyên nhân gây ra bệnh viêm tai giữa ở trẻ em là gì?
Bệnh viêm tai giữa còn được biết đến với tên gọi là nhiễm trùng tai giữa. Căn bệnh này thường xuất phát từ một cơn cảm khiến phần tai giữa bị sưng lên và dịch nhầy tụ lại sau màng nhĩ.
Ngoài ra, nguyên nhân gây ra viêm tai giữa ở trẻ em cũng có thể là do phần ống thông giữa tai và mũi bị nghẹt, sưng. Nhiệm vụ của ống thông này là làm áp suất phía ngoài và trong tai cân bằng nhau. Ống thông ở trẻ em thường ngắn và hẹp khiến dịch nhầy tiết ra dễ bị giữ lại trong tai giữa khi bộ phận này bị nghẹt, sưng do bệnh cảm.
Bên cạnh đó, cục “thịt dư” ở phía trên họng và sau mũi cũng có thể gây ra bệnh viêm tai. Bình thường, cục “thịt dư” này có nhiệm vụ sản xuất bạch huyết cầu để ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng. Tuy nhiên, chúng cũng có thể bị sưng to lên và nhiễm trùng làm nghẽn ống thông tai. Đáng chú ý là nhiễm trùng cục “thịt dư” cũng có thể lan ra đến ống thông.
Hơn nữa, sức đề kháng và hệ thống miễn dịch của trẻ em còn yếu. Do đó, các bé dễ bị mắc viêm tai giữa hơn người lớn.
2. Biểu hiện của bệnh viêm tai giữa ở trẻ em là gì?
Viêm tai giữa là căn bệnh rất khó phát hiện ở những trẻ nhỏ chưa biết nói. Bởi vì lúc này, hầu như các bé chỉ biết khóc và quấy bố mẹ. Theo các chuyên gia y tế, đa số những trẻ bị viêm tai giữa thường xuất hiện những triệu chứng như sau:
– Sốt có thể lên đến trên 39 độ C.
– Sử dụng tay để kéo vành tai.
– Khó ngủ, quấy khóc nhiều và trằn trọc.
– Bị giảm thính lực hoặc không phản ứng với âm thanh.
– Có mủ hoặc dịch chảy ra từ phía ống tai ngoài. Đây là triệu chứng cho thấy màng nhĩ của bé đã bị vỡ do phải chịu áp lực quá mức.
– Các mảng mủ hoặc dịch đã khô và đóng vảy ở xung quanh tai.
– Trẻ cảm thấy đau nhói khi bị kéo vành tai hoặc ấn vào vùng tai.
– Không ăn được nhiều và không cảm thấy ngon miệng khi ăn uống.
3. Hướng dẫn bố mẹ biện pháp điều trị bệnh viêm tai giữa đúng cách
Theo các bác sĩ, viêm tai giữa thường được chia làm 3 giai đoạn là sung huyết, ứ mủ và vỡ mủ. Vì vậy, tùy theo từng giai đoạn cụ thể mà các phương pháp điều trị cũng sẽ khác nhau:
– Nếu viêm tai giữa đang ở giai đoạn sung huyết, trẻ em chỉ cần điều trị nội khoa bằng thuốc kháng sinh toàn thân.
– Vi khuẩn gây ra viêm tai giữa ở trẻ em chủ yếu là Haemophilus Influenzae, liên cầu, phế cầu,… Do đó, bác sĩ sẽ kê thuốc kháng sinh kết hợp với các loại thuốc chống phù nề, chống viêm, giảm đau, hạ sốt, đồng thời điều trị mũi họng cho bé.
– Nếu viêm tai giữa ở trẻ em chuyển sang giai đoạn ứ mủ, bác sĩ có thể cân nhắc áp dụng phương pháp chích rạch màng nhĩ dẫn lưu mủ cùng với những loại thuốc điều trị toàn thân khác như giai đoạn sung huyết.
– Nếu viêm tai giữa ở giai đoạn vỡ mủ, màng nhĩ của trẻ sẽ bị thủng. Lúc này, các bác sĩ sẽ tư vấn điều trị cho bé bằng phương pháp làm thuốc tai.
Theo các bác sĩ, phần lớn trẻ bị viêm tai giữa đều có thể tự khỏi trong vòng 3 – 4 ngày khi sử dụng thuốc kháng sinh toàn thân. Tuy nhiên, khi thấy trẻ xuất hiện những triệu chứng bất thường, các bậc phụ huynh tuyệt đối không được tự ý mua thuốc để chữa trị cho bé.
Bởi vì chúng có thể gây ra những di chứng do tai biến nặng nề của các loại thuốc như điếc không thể phục hồi. Nguyên nhân là do một số loại thuốc có thể gây ngộ độc ốc tai.
Do đó, khi con có biểu hiện bị viêm tai giữa, bố mẹ cần phải nhanh chóng đưa con đến bệnh viện uy tín để được các bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng thăm khám và xác định chính xác nguyên nhân, tình trạng bệnh. Từ đó, bác sĩ sẽ tư vấn và kê đơn điều trị phù hợp nhất với trẻ.
4. Cách phòng ngừa viêm tai giữa cho trẻ em
– Nên nuôi con bằng sữa mẹ ít nhất là trong 6 tháng đầu vì trong sữa mẹ chứa nhiều kháng thể giúp bé chống lại bệnh tật. Do đó, mẹ không nên cho con cai bú sữa sớm.
– Hạn chế cho bé tiếp xúc với khói thuốc lá và chất độc hại.
– Tránh cho trẻ tiếp xúc với những bé khác để ngăn ngừa bệnh viêm đường hô hấp trên và viêm tai giữa.
– Giữ vệ sinh thân thể cho trẻ luôn sạch sẽ, đặc biệt là mũi họng, bàn tay.
– Sử dụng tăm bông thấm sạch tai cho trẻ. Trong trường hợp tai của con bị dính nước, bố mẹ có thể dùng tăm bông tẩm nước muối sinh lý để vệ sinh tai, mũi cho bé. Tuy nhiên, sau đó, phụ huynh phải sử dụng tăm bông sạch để thấm khô tai trẻ, tránh tích tụ nước và gây viêm nhiễm.
– Đưa con đi tiêm chủng theo đúng lịch bởi vì một số loại vắc xin có thể giúp ngăn ngừa viêm tai giữa.
Qua bài viết trên đây, chúng tôi hy vọng bố mẹ đã hiểu rõ hơn về căn bệnh viêm tai giữa ở trẻ em. Ngay khi thấy bé có biểu hiện bị viêm tai giữa, các bậc phụ huynh hãy nhanh chóng đưa con đến cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời.