Bệnh viêm tai giữa ở trẻ: Hướng dẫn điều trị, tránh điếc vĩnh viễn

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Bệnh viêm tai giữa ở trẻ em là tình trạng tai giữa nhiễm trùng, chứa đầy mủ, tạo áp lực lên màng nhĩ, gây đau và giảm sức nghe, thậm chí là gây điếc vĩnh viễn nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Viêm tai giữa xuất hiện đặc biệt nhiều ở trẻ em, nhất là trẻ dưới 5 tuổi. Trong bài viết sau, Thu Cúc TCI xin hướng dẫn bố mẹ cách xử trí khi trẻ có dấu hiệu viêm tai giữa, đừng bỏ lỡ bố mẹ nhé!

1. Bệnh viêm tai giữa ở trẻ em phát sinh do đâu?

Virus là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm tai giữa ở trẻ em; trong đó, thường gặp nhất là virus cúm, adenovirus và virus RSV. Ngoài virus, một số vi khuẩn cũng có thể khiến trẻ em viêm tai giữa, tiêu biểu như streptococcus pneumoniae, haemophilus influenzae, moraxella catarrhalis…

Virus là nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh viêm tai giữa ở trẻ em.

Ngoài virus, một số vi khuẩn cũng có thể khiến trẻ em viêm tai giữa.

Dù là ở người trưởng thành hay ở trẻ em thì viêm tai giữa vẫn chủ yếu phát sinh do virus, vi khuẩn. Tuy nhiên, như đã đề cập phía trên, trẻ em là đối tượng dễ viêm tai giữa hơn. Sở dĩ có thực tế này là bởi trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ có cấu trúc tai chưa hoàn chỉnh, với vòi nhĩ (ống nối tai giữa với mũi, họng) ngắn và hẹp hơn so với người trưởng thành. Bởi thế, virus, vi khuẩn dễ xâm nhập vào tai giữa trẻ em hơn. Bên cạnh đó, hệ miễn dịch của trẻ em cũng còn yếu, chưa đủ khả năng chống lại tác động của virus, vi khuẩn.

2. Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm tai giữa ở trẻ em là gì?

Viêm tai giữa ở trẻ em có rất nhiều dấu hiệu nhận biết. Cụ thể, trẻ có thể đau tai (đau tai là triệu chứng phổ biến nhất của viêm tai giữa ở trẻ em; vì đau tai, trẻ có thể khóc, bứt tai hoặc giật tóc); sốt (trẻ có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao, nói chung là trẻ có thể sốt từ 38 độ C); chảy mũi (trẻ có thể chảy mũi trong hoặc vàng); giảm thính lực (trẻ không phản ứng hoặc phản ứng chậm với âm thanh và nói to hơn bình thường); quấy khóc, ăn ít, ngủ ít; nôn mửa

Bố mẹ lưu ý không phải trẻ viêm tai giữa nào cũng có tất cả các dấu hiệu trên. Một số trẻ chỉ có một hoặc hai triệu chứng.

Viêm tai giữa ở trẻ em có rất nhiều dấu hiệu nhận biết.

Đau tai là triệu chứng phổ biến nhất của viêm tai giữa ở trẻ em.

3. Bệnh viêm tai giữa ở trẻ em nguy hiểm như thế nào?

Viêm tai giữa là một bệnh lý phổ biến nhưng không nguy hiểm nếu điều trị kịp thời. Ngược lại, nếu không điều trị kịp thời, viêm tai giữa có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm:

– Suy giảm thính lực: Viêm tai giữa có thể gây tổn thương tai, dẫn đến suy giảm thính lực tạm thời hoặc vĩnh viễn. Nếu thính lực suy giảm, khả năng ngôn ngữ của trẻ cũng ảnh hưởng.

Viêm tai xương chũm: Đây là biến chứng nguy hiểm, có thể dẫn đến áp xe não hoặc viêm màng não.

– Liệt mặt ngoại biên: Viêm tai giữa có thể tác động tiêu cực đến dây thần kinh mặt, dẫn đến liệt mặt ngoại biên. Biểu hiện của liệt mặt ngoại biên là một bên mặt bị sụp xuống, chảy nước mắt và khó nhắm mắt.

– Áp xe não: Tình trạng viêm ở tai giữa có thể lan sang não, dẫn đến áp xe não. Áp xe não là tình trạng não xuất hiện một ổ mủ, tình trạng này có thể gây ra các triệu chứng như đau đầu, buồn nôn, nôn, sốt cao…

– Viêm màng não: Tình trạng viêm ở tai giữa cũng có thể lan sang màng não, dẫn đến viêm màng não, gây ra các triệu chứng như đau đầu, cứng cổ, sốt cao…

– Tắc tĩnh mạch não: Viêm tai giữa có thể dẫn đến tắc tĩnh mạch não, gây ra các triệu chứng như đau đầu, co giật…

4. Điều trị bệnh viêm tai giữa ở trẻ em ra sao?

Biến chứng viêm tai giữa tuy hiếm gặp nhưng có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Do đó, bố mẹ cần cho trẻ thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín ngay khi nghi ngờ trẻ viêm tai giữa. Sau thăm khám, bác sĩ sẽ chẩn đoán tình trạng của trẻ và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Chỉ định đó có thể bao gồm một số nội dung như sau:

4.1. Sử dụng thuốc để điều trị bệnh viêm tai giữa ở trẻ em

Bác sĩ có thể kê thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau hạ sốt hoặc thuốc nhỏ tai cho trẻ. Bố mẹ cần cho trẻ uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.

– Thuốc kháng sinh: Thuốc kháng sinh được sử dụng để điều trị viêm tai giữa do vi khuẩn. Các loại thuốc kháng sinh thường được dùng trong trường hợp này là amoxicillin, augmentin, azithromycin và cephalosporin thế hệ I, II, III. Liều lượng và thời gian sử dụng thuốc phụ thuộc độ tuổi, tình trạng sức khỏe và mức độ nghiêm trọng của viêm tai giữa.

– Thuốc giảm đau hạ sốt: Chủ yếu là paracetamol và ibuprofen. Cha mẹ cần tuân thủ hướng dẫn sử dụng của bác sĩ để tránh dùng thuốc quá liều cho trẻ.

– Thuốc chống dị ứng: Thuốc chống dị ứng, như loratadin, cetirizine, desloratadine…, có thể được sử dụng để giảm các triệu chứng dị ứng như chảy mũi, nghẹt mũi, ngứa tai…

Bác sĩ có thể kê thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau hạ sốt hoặc thuốc nhỏ tai cho trẻ.

Bố mẹ cần cho trẻ uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.

4.2. Giảm đau không dùng thuốc cho trẻ viêm tai giữa

Ngoài dùng thuốc, bố mẹ cũng có thể giảm đau cho trẻ bằng một số cách khác như:

– Chườm ấm tai: Dùng khăn ấm để chườm tai đau của trẻ trong 15 – 20 phút/lần.

– Massage tai: Nhẹ nhàng massage tai và các vùng xung quanh để giảm đau.

4.3. Vệ sinh tai cho trẻ

Vệ sinh tai là một trong những nội dung điều trị viêm tai giữa ở trẻ em quan trọng nhất. Dưới đây là một số lưu ý trong vệ sinh tai cho trẻ viêm tai giữa, bố mẹ ghi nhớ và thực hiện nhé:

– Vệ sinh tay cẩn thận trước khi vệ sinh tai cho trẻ.

– Sử dụng khăn mềm hoặc gạc để vệ sinh (không sử dụng tăm bông) nhẹ nhàng vành tai và ống tai ngoài, không ngoáy sâu trong tai vì có thể gây tổn thương màng nhĩ.

– Có thể nhỏ 2 – 3 giọt nước muối sinh lý 0.9% vào khăn mềm/gạc.

– Giữ tai trẻ luôn khô và sạch.

– Nếu tai trẻ chảy mủ tai, cần sử dụng dụng cụ hút mủ chuyên dụng để hút mủ theo hướng dẫn của bác sĩ.

4.4. Theo dõi tình trạng bệnh viêm tai giữa ở trẻ em

Bố mẹ cần theo dõi tình trạng của trẻ và thông báo cho bác sĩ nếu có bất kỳ dấu hiệu nào bất thường, ví dụ như sốt cao, đau tai dữ dội, chảy mủ tai, mất hoàn toàn thính lực…

Phía trên là các thông tin quan trọng về viêm tai giữa ở trẻ em. Hy vọng rằng với chúng, bố mẹ có thể bảo vệ trẻ an toàn trước bệnh lý tai mũi họng vô cùng phổ biến này.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital