Bệnh viêm dạ dày tá tràng có nguy hiểm không?

Tham vấn bác sĩ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Vũ Văn Khiên

Phó giám đốc phụ trách Nội soi tiêu hóa

Viêm dạ dày đại tràng có thể gặp ở mọi lứa tuổi, là bệnh lý đường tiêu hóa phổ biến ở nước ta. Vậy bệnh viêm dạ dày tá tràng có nguy hiểm không và nguyên nhân gây bệnh là gì? Đồng thời người bệnh cần có chế độ ăn uống như thế nào để hỗ trợ hiệu quả điều trị? Các câu hỏi trên sẽ được giải đáp chi tiết trong bài viết sau đây của Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI.

1. Nguyên nhân gây viêm dạ dày tá tràng là gì?

Viêm dạ dày tá tràng thường gặp nhất ở độ tuổi từ 20 đến 40. Trước khi giải đáp viêm dạ dày tá tràng có nguy hiểm không, hãy cùng tìm hiểu các nguyên nhân gây bệnh. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm dạ dày tá tràng, phổ biến nhất có thể kể đến các nguyên nhân như sau:

1.1. Do vi sinh vật

Sự tấn công của vi sinh vật là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến viêm dạ dày tá tràng. Trong đó, vi khuẩn Helicobacter pylori (gọi tắt là Hp) là “thủ phạm” đứng sau đa số trường hợp bệnh. Vi khuẩn này sống ở lớp niêm mạc dạ dày, khi gặp điều kiện thuận lợi chúng sẽ phát triển và gây tổn thương dạ dày tá tràng.

Viêm dạ dày tá tràng có nguy hiểm không?

Nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm dạ dày phổ biến nhất là vi khuẩn HP

1.2. Do thói quen ăn uống

Chế độ ăn uống có tác động lớn đến sức khỏe của dạ dày. Niêm mạc dạ dày có thể bị tổn thương vì chế độ ăn uống thiếu khoa học như bỏ bữa, uống nhiều rượu bia, sử dụng các loại thực phẩm thiếu lành mạnh,…

1.3. Do căng thẳng, stress

Đây là một trong những yếu tố nguy cơ gây viêm dạ dày tá tràng phổ biến trong xã hội hiện đại, đặc biệt là đối với giới trẻ. Căng thẳng kéo dài sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của dạ dày, khiến lớp niêm mạc dễ bị tổn thương và viêm nhiễm.

1.4. Do tác dụng phụ của thuốc

Lạm dụng một số loại thuốc cũng là nguyên nhân gây bệnh viêm dạ dày tá tràng. Thậm chí, sử dụng các loại thuốc giảm đau trong thời gian dài có thể gây xuất huyết dạ dày – tình trạng nguy hiểm có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh. Do đó, người bệnh cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, đặc biệt là thuốc giảm đau.

2. Viêm dạ dày tá tràng có nguy hiểm không?

Đáp án của câu hỏi này là “có”, viêm dạ dày tá tràng là căn bệnh nguy hiểm, người bệnh không thể chủ quan. Bệnh có thể gây ra các biến chứng nặng nề nếu không được kiểm soát tốt. Hãy cùng tìm hiểu các biến chứng cụ thể để thấy được mức độ nguy hiểm của bệnh.

2.1. Chảy máu dạ dày

Đây là biến chứng thường gặp nhất của viêm dạ dày tá tràng mạn tính. Lớp niêm mạc của dạ dày bị tổn thương nặng, hình thành các ổ loét dẫn đến xuất huyết. Lúc này người bệnh sẽ gặp phải triệu chứng nôn ra máu hoặc đi ngoài phân đen.

Với tình trạng chảy máu nhẹ, người bệnh sẽ có biểu hiện đau bụng, mệt mỏi, suy nhược cơ thể,… Trong khi đó, tình trạng chảy máu mức độ nặng có thể gây mất máu, đe dọa đến tính mạng người bệnh. Chính vì vậy, khi phát hiện triệu chứng cảnh báo chảy máu dạ dày, người bệnh cần thăm khám càng sớm càng tốt để được tư vấn và điều trị kịp thời.

2.2. Thủng dạ dày do viêm dạ dày tá tràng có nguy hiểm không?

Khi vết viêm loét ở niêm mạc dạ dày quá nghiêm trọng, ăn sâu vào thành dạ dày sẽ gây biến chứng thủng. Trường hợp thủng dạ dày không được cấp cứu kịp thời có thể nhanh chóng dẫn tới viêm phúc mạc với tỷ lệ tử vong cao.

Khi bị thủng dạ dày, người bệnh sẽ có các triệu chứng rất trầm trọng bao gồm:

– Đau dữ dội vùng thượng vị, cảm giác như có dao đâm vào bụng, không có biện pháp làm dịu cơn đau. Cơn đau từ thượng vị có thể lan ra khắp ổ bụng, lên ngực, vai và lưng.

– Cơ bụng căng cứng, chỉ cần thở mạnh cũng gây đau đớn.

– Khó thở, cảm giác không còn sức lực, mệt mỏi.

– Mặt mũi tái xanh.

– Có thể tụt huyết áp, huyết áp thấp.

– Tay chân lạnh, cơ thể toát mồ hôi nhiều.

Khi gặp các triệu chứng kể trên, người bệnh cần được đưa đến bệnh viện để tiến hành cấp cứu ngay lập tức.

2.3. Ung thư dạ dày do viêm dạ dày tá tràng có nguy hiểm không?

Đây chính là biến chứng nguy hiểm hàng đầu của bệnh viêm dạ dày tá tràng. Ung thư dạ dày là một trong các bệnh lý ung thư có số ca mắc và tử vong cao nhất tại Việt Nam. Theo số liệu Globocan (WHO), nước ta ghi nhận 17.906 ca mắc mới ung thư dạ dày trong năm 2020. Số trường hợp tử vong vì căn bệnh này lên đến 14.615 người.

Tổn thương viêm dạ dày tá tràng làm tăng nguy cơ xuất hiện các tế bào tăng sinh bất thường, hình thành các tổ chức ác tính. Ung thư dạ dày không có dấu hiệu rõ ràng ở giai đoạn đầu, nhiều trường hợp chỉ phát hiện khi bệnh đã tiến triển sang giai đoạn nặng. Nguy cơ di căn của ung thư dạ dày rất cao, nếu phát hiện ở giai đoạn muộn thì tỷ lệ điều trị thành công không cao, tiên lượng thường xấu.

Tìm hiểu viêm dạ dày tá tràng có nguy hiểm không

Viêm dạ dày tá tràng làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày – một trong các bệnh lý ung thư phổ biến và nguy hiểm hàng đầu tại nước ta

3. Lưu ý về chế độ ăn cho người bệnh viêm dạ dày tá tràng

Là bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, chế độ ăn uống có ảnh hưởng lớn đến sự tiến triển của viêm dạ dày tá tràng. Vì vậy, xây dựng chế độ ăn uống khoa học sẽ kiểm soát hiệu quả tình trạng bệnh, ngăn ngừa nguy cơ biến chứng.

3.1. Nguyên tắc ăn uống đúng cách khi bị viêm dạ dày tá tràng

Người bệnh viêm dạ dày tá tràng cần có những lưu ý như sau về chế độ ăn uống:

– Nên ăn thực phẩm chín kỹ, nấu mềm và thái nhỏ giúp dễ tiêu hóa, giảm áp lực cho dạ dày.

– Ăn chậm, nhai kỹ là thói quen tốt cho dạ dày, gia tăng sự bài tiết nước bọt giúp trung hòa axit dịch vị.

– Tránh tình trạng dạ dày rỗng, nên chia nhỏ các bữa ăn trong ngày.

– Ưu tiên các loại thức ăn ấm, tránh các thức ăn lạnh, không nên ăn thực phẩm chua cay.

– Sau khi ăn nên nghỉ ngơi, vận động nhẹ nhàng, không hoạt động mạnh ngay sau khi ăn.

3.2. Người mắc bệnh viêm dạ dày tá tràng nên ăn gì?

Sau khi đã hiểu được viêm dạ dày tá tràng có nguy hiểm không, hãy cùng tìm hiểu các loại thực phẩm có lợi cho dạ dày, giúp ngăn ngừa các biến chứng. Những thực phẩm này có khả năng bảo vệ niêm mạc dạ dày, hỗ trợ chữa lành các vết loét, giúp giảm tiết hoặc trung hòa axit dạ dày.

Chuối và táo

Chuối hỗ trợ điều trị bệnh viêm dạ dày rất tốt nhờ tác dụng trung hòa axit trong dịch dạ dày. Đồng thời hàm lượng pectin cao trong chuối còn giúp cải thiện tình trạng rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy hoặc táo bón.

Táo cũng là loại quả có hàm lượng pectin rất cao, đặc biệt là ở lớp vỏ ngoài. Bổ sung táo vào thực đơn hàng ngày giúp thúc đẩy hoạt động của dạ dày, hỗ trợ điều trị tình trạng viêm.

Ngũ cốc nguyên hạt

Ngũ cốc nguyên hạt (gạo, ngô, các loại đậu…) giàu chất xơ, chất khoáng và vitamin nhóm B cần thiết cho quá trình tiêu hóa và chuyển hóa các chất. Bên cạnh đó, nhóm thực phẩm này giàu chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày.

Bánh mì

Bánh mì có thể làm giảm nhanh cơn đau dạ dày nhờ khả năng thấm hút tốt dịch vị. Mặc khác thực phẩm này không chứa nhiều chất béo, không gây áp lực lên bộ máy tiêu hóa. Tuy nhiên người bệnh không nên ăn bánh mì kèm bơ hay mứt. Lý do là bởi chúng chứa hàm lượng đường và chất béo rất cao, tạo gánh nặng cho dạ dày đang bị tổn thương.

Sữa chua

Lượng probiotic dồi dào trong sữa chua giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Bổ sung sữa chua hàng ngày giúp sản sinh enzyme lactase và cải thiện hoạt động dạ dày cũng như hệ tiêu hóa.

Đậu bắp

Đậu bắp chứa nhiều dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể và tốt cho dạ dày như: vitamin B, C, E, pectin, carotene và nhiều hoạt chất khác. Chất nhầy chính là protein kết dính trong đậu bắp kết hợp cùng pectin và các dưỡng chất khác rất tốt cho việc chữa lành các tổn thương ở dạ dày.

3.3. Bệnh viêm dạ dày nên kiêng gì?

Người bệnh cần tránh các thực phẩm sau đây để tình trạng viêm dạ dày tá tràng không trở nên trầm trọng hơn:

Thức ăn cay, chua

Gia vị cay, chua có thể khiến niêm mạc dạ dày đang tổn thương bị kích ứng nặng nề. Thực phẩm mày khiến cơn đau dày trở nên khó chịu do khiến các cơ trơn trong ruột co thắt mạnh hơn. Ngoài ra, thức ăn chua cay có thể khiến tổn thương viêm loét lan rộng, làm tăng nguy cơ biến chứng.

Giải đáp viêm dạ dày tá tràng có nguy hiểm không

Các gia vị cay, chua có thể khiến niêm mạc dạ dày bị kích ứng nặng nề hơn

Thực phẩm chiên xào

Đồ chiên xào chứa rất nhiều dầu mỡ làm tăng áp lực hoạt động cho dạ dày, gây khó khăn cho việc tiêu hóa. Không chỉ người bệnh viêm dạ dày hay mắc các bệnh về đường tiêu hóa, ngay cả người khỏe mạnh cũng nên hạn chế sử dụng loại thực phẩm này.

Sữa và các chế phẩm từ sữa

Đây là những thực phẩm cần tránh đối với người viêm dạ dày tá tràng. Sữa và các chế phẩm từ sữa  (phô mai, pho mát) có thể gây đầy bụng, khó tiêu và làm nặng nề thêm tình trạng viêm.

Đồ sống, tái

Rau sống, gỏi, nem chua, tiết canh… là những thực phẩm tối kỵ với người mắc viêm dạ dạ dày tá tràng cũng như các bệnh lý đường tiêu hóa. Các thực phẩm này chứa nhiều vi khuẩn và ký sinh trùng, có thể gây đau bụng, tiêu chảy, làm nặng nề thêm tổn thương dạ dày.

Thực phẩm nhiều đường

Nhóm thực phẩm này kích thích sản xuất axit dịch vị, khiến tình trạng viêm dạ dày ngày càng nghiêm trọng.

Bia, rượu

Người bệnh viêm dạ dày tá tràng nên tránh sử dụng bia rượu và các loại đồ uống có cồn. Ngoài gây đau dạ dày và khiến tình trạng viêm dạ dày trầm trọng hơn, bia rượu còn là tác nhân dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe khác.

Như vậy bài viết đã trả lời câu hỏi bệnh viêm dạ dày tá tràng có nguy hiểm không. Đồng thời bạn đọc cũng đã nắm được nguyên nhân gây bệnh và các lưu ý về chế độ ăn uống. Viêm dạ dày tá tràng cần điều trị càng sớm càng tốt với bác sĩ chuyên khoa nhằm ngăn chặn những biến chứng nguy hiểm.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital