Viêm dạ dày hành tá tràng và những điều cần biết

Tham vấn bác sĩ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Vũ Văn Khiên

Phó giám đốc phụ trách Nội soi tiêu hóa

Viêm dạ dày hành tá tràng là căn bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Bệnh lý này có thể chữa trị được hoàn toàn trong giai đoạn đầu của bệnh. Nếu bệnh được phát hiện muộn khi đã chuyển sang giai đoạn mạn tính việc điều trị bệnh sẽ trở nên khó khăn và có thể xảy ra biến chứng.

1. Bệnh viêm dạ dày hành tá tràng là gì?

Bệnh viêm dạ dày hành tá tràng gây ra những tổn thương viêm và loét trên niêm mạc dạ dày hoặc tá tràng (phần đầu của ruột non). Khi lớp niêm mạc của dạ dày hay tá tràng bị bào mòn, phần thành ruột sẽ bị lộ ra. Vết loét chiếm 95% ở tá tràng, còn ở dạ dày vết loét chiếm 60%, trong đó có 25% các trường hợp vết loét ở bờ cong nhỏ dạ dày.

Viêm dạ dày hành tá tràng là bệnh lý phổ biến ở hệ tiêu hóa

Viêm dạ dày hành tá tràng là bệnh lý phổ biến ở hệ tiêu hóa

2. Những nguyên nhân nào gây bệnh loét dạ dày-tá tràng?

Bệnh viêm loét dạ dày-tá tràng có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu kỹ hơn về các nguyên nhân gây bệnh viêm loét-dạ dày sau đây:

2.1 Nguyên nhân do nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (Vi khuẩn HP)

Helicobacter pylori (Vi khuẩn HP) chính là một trong những nguyên nhân chính gây bệnh viêm loét dạ dày-tá tràng. Vi khuẩn HP khi đã xâm nhập vào cơ thể sẽ sinh sống trong lớp nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày-tá tràng. Sau đó vi khuẩn HP sẽ tiết ra các độc tố làm mất chức năng chống lại acid của niêm mạc.

2.2 Nguyên nhân do sử dụng thuốc có tác dụng giảm đau, kháng viêm thường xuyên

Việc sử dụng trong thời gian dài các loại thuốc kháng viêm, giảm đau sẽ làm ức chế quá trình tổng hợp prostaglandin. Prostaglandin là chất có khả năng bảo vệ niêm mạc dạ dày hành tá tràng. Sự sụt giảm chất này sẽ gây bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng.

2.3 Nguyên nhân từ thói quen ăn uống, sinh hoạt không điều độ

Việc sinh hoạt cá nhân không điều độ như: Bỏ bữa, thức khuya, ngủ muộn, ăn uống không đúng giấc… cũng là một trong các nguyên nhân gây bệnh. Giờ giấc sinh hoạt không hợp lý tạo ra các yếu tố thuận lợi dẫn đến bệnh viêm loét dạ dày-tá tràng.

2.4 Sử dụng các loại nước uống có cồn (rượu, bia…) và hút thuốc lá

Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây bệnh viêm loét dạ dày-tá tràng. Sử dụng nhiều đồ uống có cồn sẽ làm giảm trung hòa acid trong dạ dày. Trong thuốc lá có chứa hơn 150 loại chất gây nguy hại cho cơ thể của con người, đặc biệt trong đó là chất nicotine. Hút thuốc lá nhiều sẽ khiến cơ thể hấp thụ nhiều chất nicotine. Từ đó gây kích thích cơ chế để tiết ra nhiều cortisol – Tác nhân chính làm tăng nguy cơ viêm loét dạ dày.

2.5 Tinh thần bị căng thẳng (stress)

Tinh thần thường xuyên lo lắng, iu phiền, căng thẳng diễn ra trong thời gian dài sẽ có ảnh hưởng lớn đến quá trình bài tiết acid trong dạ dày. Từ đó gây bệnh viêm loét dạ dày- hành tá tràng.

3. Những dấu hiệu nào khi mắc bệnh viêm loét dạ dày-tá tràng

Một số trường hợp người bệnh không có triệu chứng hoặc triệu chứng không rõ ràng. Tuy nhiên phần lớn các bệnh nhân thường có một số dấu hiệu chung như:

3.1 Đau vùng thượng vị dạ dày (đau bụng trên rốn)

Đây là một trong các dấu hiệu điển hình của bệnh viêm loét dạ dày-tá tràng. Cơn đau có thể xuất hiện đau quặn từng cơn hoặc âm ỉ. Bệnh nhân có thể đau vào lúc nửa đêm về sáng. Nếu loét tá tràng thì cơn đau thường sẽ xuất hiện khi bụng đói hoặc khoảng 2 – 3 tiếng sau khi ăn xong.

3.2. Đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn

Khi cơ thể có dấu hiệu bị đầy bụng, khó tiêu thì rất có thể dạ dày đang gặp vấn đề. Dạ dày bị tổn thương sẽ khiến cho hoạt động của hệ tiêu hóa bị ảnh hưởng và chậm lại. Từ đó khiến cho bệnh nhân viêm loét dạ dày-tá tràng thường cảm thấy chướng bụng, đầy hơi.

3.3. Ợ hơi, ợ chua

Đây là các triệu chứng phổ biến của đa số bệnh nhân khi bị viêm loét dạ dày-tá tràng. Bệnh nhân viêm loét dạ dày-tá tràng trong thời kỳ đầu thường xuyên gặp phải các triệu chứng ợ hơi, ợ chua, rát thượng vị.

3.4. Rối loạn tiêu hóa là dấu hiệu viêm dạ dày hành tá tràng

Dạ dày và hành tá tràng bị tổn thương sẽ gây ảnh hưởng tới chức năng tiêu hóa. Người bệnh có thể bị tiêu chảy xen lẫn táo bón. Khi hệ tiêu hóa của cơ thể không ổn định, người bệnh thường có hiện tượng bị sút cân.

3.5. Mất ngủ, suy nhược sức khỏe

Bệnh nhân viêm dạ dày hành tá tràng thường có cơn đau khi đói hoặc đau lúc nửa về đêm sáng. Tình trạng này sẽ ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ của bệnh nhân, gây mất ngủ, ảnh hưởng tới sức khỏe cơ thể.

Chúng ta vừa tìm hiểu về các triệu chứng của bệnh viêm loét dạ dày-tá tràng ở trên. Tuy nhiên các dấu hiệu trên chỉ mang tính tham khảo sơ bộ. Để hỗ trợ việc điều trị một cách chuẩn xác, bệnh nhân cần đến bệnh viện để được các bác sĩ chuyên khoa thăm khám.

Vi khuẩn HP là nguyên nhân gây bệnh hàng đầu

Vi khuẩn HP là nguyên nhân gây bệnh hàng đầu

4. Biện pháp điều trị

Bệnh viêm dạ dày hành tá tràng nếu được phát hiện sớm và kịp thời sẽ rất thuận lợi và dễ dàng điều trị khỏi bệnh. Nếu phát hiện bệnh muộn, để bệnh chuyển sang giai đoạn mạn tính thì việc chữa trị sẽ rất khó khăn và có thể gây ra các biến chứng đáng tiếc.

Bệnh nhân cần nên đến bệnh viện chuyên khoa gần nhất để được các bác sĩ chẩn đoán và được đưa ra các phác đồ điều trị bệnh thích hợp nhất.

Cụ thể cách điều trị:

– Ngừng việc sử dụng thuốc kháng viêm NSAID

– Một số loại thuốc thường sử dụng trong điều trị: Thuốc kháng sinh, thuốc chống acid, thuốc chống bài tiết ức chế thụ thể H2, thuốc tạo màng bọc, thuốc ức chế bơm proton

– Trường hợp bệnh nhân dương tính với vi khuẩn HP sẽ được kê đơn thuốc có kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn

– Bệnh nhân cần điều chỉnh và duy trì các chế độ ăn uống, sinh hoạt và nghỉ ngơi điều độ, hợp lý. Cần hạn chế sử dụng các loại thực phẩm có tính kích thích.

Điều trị nội khoa là phương pháp thông dụng nhất

Điều trị nội khoa là phương pháp thông dụng nhất

5. Chế độ dinh dưỡng dành cho bệnh nhân viêm loét dạ dày-tá tràng

Để điều trị bệnh viêm dạ dày hành tá tràng, bệnh nhân cần ăn kiêng một số loại thực phẩm và cần có chế độ ăn uống phù hợp. Một số loại thực phẩm sau đây bệnh nhân nên sử dụng và không nên dùng.

5.1 Các loại thực phẩm bệnh nhân viêm dạ dày hành tá tràng nên sử dụng

– Rau củ quả tươi: Trong rau củ quả tươi có chứa nhiều các loại vitamin rất tốt cho việc làm liền nhanh chóng các vết thương của đường tiêu hóa. Chúng ta nên sử dụng các loại rau củ non, đặc biệt là rau củ họ cải (cải bắp, củ cải, hoặc rau cải).

– Sữa và trứng: Sữa và trứng giúp làm đệm trung hòa lượng acid có trong dạ dày. Cách sử dụng: Chúng ta nên uống sữa nóng. Trứng nên chế biến bằng cách hấp hoặc ăn cùng với cháo. Sử dụng từ 2-3 lần mỗi lần ăn khoảng 1-2 quả trong mỗi tuần.

– Thực phẩm có chứa nhiều đạm dễ tiêu như: Thịt lợn nạc, cá nạc… Cách sử dụng: Chúng ta nên chế biến dưới dạng như: Luộc, hấp, kho để dễ tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng.

– Các loại thực phẩm có chứa tinh bột như: Cơm, bánh mì, cháo, khoai củ nấu, hoặc luộc chín kỹ. Các loại thực phẩm này rất dễ tiêu hóa.

– Sử dụng các loại dầu thực vật được chế biến từ các loại hạt trong chế biến thức ăn. Dầu thực vật được chế biến từ các hạt như: Dầu từ hạt hướng dương, dầu hạt cải, dầu vừng, dầu đậu nành… Sử dụng các loại dầu này trong chế biến thức ăn không chỉ tốt cho hệ tiêu hóa , mà còn tốt cho sức khỏe.

5.2 Các loại thực phẩm không nên sử dụng khi viêm loét dạ dày- hành tá tràng

– Các loại thực phẩm đã chế biến sẵn như: Lạp sườn, thịt xông khói, dăm bông, xúc xích…nên hạn chế ăn vì chúng chưa nhiều muối

– Thuốc lá: Hút thuốc lá khiến bệnh nhân khó cải thiện bệnh viêm dạ dày-tá tràng mà còn có nguy cơ mắc phải nhiều bệnh liên quan tới đường hô hấp. Việc bỏ hút thuốc là điều vô cùng cần thiết

– Các loại nước uống có cồn như: Bia, rượu nếu sử dụng nhiều… không chỉ không tốt cho dạ dày mà nguy hại cho tim mạch và gan.

– Các loại thực phẩm cứng, dai như: Thịt nhiều gân, sụn…

– Rau, củ có nhiều xơ như: Rau già, rau cần…

– Các loại đồ muối: Dưa cà muối, hành muối.

– Các loại quả có vị chua như: Sấu, khế, xoài,…

– Các loại nước có gas

– Chè đặc

– Cà phê đậm đặc

5.3 Các điểm cần lưu ý khi chế biến thực phẩm cho bệnh nhân viêm loét dạ dày-tá tràng

– Các loại thực phẩm cần được thái nhỏ, nghiền nát trước khi chế biến, hoặc nấu mềm thức ăn.

– Bệnh nhân nên ăn thức ăn ngay sau khi chế biến xong. Nếu ăn thức ăn để lâu sẽ không còn đảm bảo chất dinh dưỡng

6. Các biện pháp để phòng tránh bệnh viêm loét dạ dày-tá tràng

Chúng ta cần có một lối sống và thói quen sinh hoạt hợp lý sẽ có thể giúp làm giảm nguy cơ phát triển của bệnh lý viêm loét dạ dày hành tá tràng. Lối sống và thói quen sinh hoạt hợp lý bao gồm:

– Thường xuyên rửa tay sạch bằng xà phòng hoặc nước, cồn sát khuẩn để tránh nguy cơ nhiễm trùng.

–  Không sử dụng nhiều hơn hai ly các loại đồ uống có cồn mỗi ngày.

– Hạn chế sử dụng aspirin, naproxen (NSAID), Ibuprofen

– Sử dụng các loại thực phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đã được nấu chín hoàn toàn

– Thường xuyên rèn luyện cơ thể bằng các bài tập nhẹ nhàng, đơn giản

– Thực hiện và duy trì lối sống lành mạnh, từ bỏ ngay việc hút thuốc lá.

– Xây dựng chế độ ăn uống đầy dinh dưỡng và cân bằng.

– Sử dụng các loại trái cây nhiều vitamin, rau và ngũ cốc nguyên hạt. Điều này sẽ giúp cho cơ thể của chúng ta có khả năng ngăn ngừa bệnh loét dạ dày-tá tràng và giúp cải thiện đáng kể tình trạng sức khỏe của chúng ta.

Mọi người cần thường xuyên tập thể dục để nâng cao sức khỏe

Mọi người cần thường xuyên tập thể dục để nâng cao sức khỏe

Mong rằng qua bài viết bạn đã có đầy đủ thông tin về bệnh viêm dạ dày hành tá tràng. Đây là bệnh lý không quá nguy hiểm vì vậy nếu không may bị bệnh bạn cũng không nên quá lo lắng. Bệnh nhân cần thực hiện đúng theo các yêu cầu của bác sĩ để các ổ viêm nhanh chóng phục hồi. Sau khi bệnh được điều trị mọi người cũng nên duy trì các thói quen tốt để phòng chống nguy cơ tái nhiễm.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital