Bệnh polyp đại trực tràng có gây ung thư không?

Tham vấn bác sĩ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Vũ Văn Khiên

Phó giám đốc phụ trách Nội soi tiêu hóa

Khi phát hiện bệnh polyp đại trực tràng, người bệnh thường đặt ra câu hỏi liệu polyp có tiến triển ung thư hay không. Thực tế đa số polyp là lành tính, tuy nhiên một số loại polyp có khả năng ác tính hóa. Bài viết sau đây sẽ cung cấp thông tin về các yếu tố nguy cơ gây polyp đại trực tràng, cách chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa nguy cơ ung thư.

1. Bệnh polyp đại trực tràng và nguyên nhân gây bệnh

1.1. Thế nào là bệnh polyp đại trực tràng?

Polyp đại trực tràng là tổ chức tăng sinh tế bào tại đại tràng và trực tràng, có hình dạng giống khối u. Polyp có thể có cuống hoặc không cuống, nằm ở nhiều vị trí và có kích thước khác nhau.

Polyp đại trực tràng gồm 3 loại phổ biến: polyp tăng sản, polyp tuyến và polyp ác tính. Lưu ý rằng không phải tất cả polyp đều trở thành ung thư đại trực tràng. Thông thường polyp có kích thước càng lớn thì nguy cơ ung thư càng cao.

Người bệnh thường không gặp phải các triệu chứng rõ ràng. Một số trường hợp có thể bị đau bụng, thay đổi thói quen đại tiện (táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài bất thường). Khi bề mặt của polyp bị tổn thương có thể dẫn đến xuất huyết tiêu hóa.

Polyp có thể được loại bỏ hoàn toàn và an toàn trong nội soi đại trực tràng. Khi phát hiện polyp, người bệnh cần được làm các kiểm tra và theo dõi theo chỉ định của bác sĩ.

Bệnh polyp đại trực tràng là gì?

Polyp đại trực tràng là bệnh lý thường gặp tại đường tiêu hóa, trong đó những người cao tuổi là đối tượng có nguy cơ cao hàng đầu

1.2. Nguyên nhân xuất hiện polyp đại trực tràng

Chế độ ăn uống và môi trường đóng vai trò nhất định trong việc hình thành polyp đại trực tràng, cụ thể:

– Chế độ ăn ít chất xơ, nhiều chất béo, nhiều thịt đỏ.

– Thói quen hút thuốc lá.

– Béo phì là yếu tố làm tăng nguy cơ xuất hiện polyp đại trực tràng.

– Tuổi tác: Theo thống kê, 90% trường hợp polyp đại trực tràng xảy ra sau 50 tuổi. Đây là lý do vì sao việc sàng lọc polyp và ung thư đại trực tràng được khuyến cáo bắt đầu ở tuổi 50.

– Yếu tố di truyền và tiền sử gia đình: Polyp cũng như ung thư đại trực tràng có liên quan đến yếu tố di truyền. Bên cạnh đó, một số bệnh di truyền hiếm gặp có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Những người có tiền sử gia đình mắc polyp hoặc ung thư đại trực tràng cần được sàng lọc càng sớm càng tốt.

2. Bệnh polyp đại trực tràng có gây ung thư không?

Như đã nói ở trên, không phải trường hợp polyp nào cũng tiến triển thành ung thư đại trực tràng. Trong đó, một số loại polyp tuyến có khả năng trở thành ung thư. Những loại polyp khác (như polyp tăng sản) hầu như không có khả năng trở thành ung thư.

– Polyp tăng sản: Thường có kích thước nhỏ, nằm ở trực tràng và đại tràng sigma. Loại polyp này gần như không có khả năng trở thành ác tính.

– Polyp tuyến: Đây là loại polyp đại trực tràng phổ biến nhất, chiếm 2/3 số trường hợp. Mặc dù chúng có khả năng trở thành ung thư nhưng tỷ lệ này chỉ chiếm một phần rất nhỏ. Nhìn chung polyp tuyến có kích thước càng lớn thì khả năng tiến triển ung thư càng cap.

– Polyp ác tính ( polyp này chứa tế bào ung thư): Phương án điều trị cho polyp ác tính phụ thuộc vào tình trạng, mức độ ung thư và các yếu tố cá nhân khác.

Cần lưu ý răng, không phải lúc nào cũng có thể phân biệt các loại polyp thông qua nội soi. Các công nghệ nội soi hiện đại như NBI và MCU cho phép quan sát kỹ lưỡng tổn thương để đưa ra tiên lượng về tính chất của polyp. Bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm mô bệnh học để khẳng định nguy cơ của từng polyp.

Chẩn đoán bệnh polyp đại trực tràng

Nguy cơ ung thư của polyp đại trực tràng phụ thuộc vào loại polyp, số lượng, kích thước và vị trí

3. Chẩn đoán và điều trị polyp đại trực tràng

3.1. Cách chẩn đoán bệnh polyp đại trực tràng

Polyp thường không gây ra triệu chứng, do đó rất khó nhận biết qua các dấu hiệu lâm sàng. Chúng được phát hiện khi kiểm tra sàng lọc ung thư (thường gặp là nội soi đại trực tràng) hoặc xét nghiệm tìm máu trong phân.

Nội soi đại trực tràng là giải pháp tối ưu hàng đầu để đánh giá polyp. Kỹ thuật này giúp bác sĩ nhìn thấy toàn bộ niêm mạc đại trực tràng, từ đó phát hiện polyp tại đây. Bác sĩ sẽ đánh giá được kích thước, số lượng, vị trí, cấu trúc bề mặt của polyp. Đồng thời, thông qua nội soi, bác sĩ có thể tiến hành cắt bỏ polyp và sinh thiết mô bệnh học.

Đại tràng có cấu trúc dạng ống, bề mặt phẳng với các nếp gấp cong. Các mô bao phủ polyp có thể hoàn toàn tương tự như mô đại tràng bình thường. Thậm chí có những polyp phẳng, không có thay đổi nhiều về màu sắc, rất khó để quan sát. Chính vì vậy, để đảm bảo hiệu quả sàng lọc polyp, người bệnh cần lựa chọn cơ sở y tế có đội ngũ bác sĩ nội soi giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm, trang bị công nghệ nội soi hiện đại.

3.2. Điều trị polyp đại trực tràng

Nội soi đại trực tràng cắt polyp là phương pháp phổ biến nhằm điều trị polyp. Trong đó, polyp có kích thước từ 0,2 – 2cm có thể được chỉ định cắt ngay khi thực hiện nội soi. Các polyp nhỏ hơn 0,2cm cần được theo dõi thêm vì chúng có thể bị nhầm lẫn với tổn thương viêm. Polyp lớn hơn 2cm, nghi ngờ ung thư hoặc tổn thương chưa xác định cần được sinh thiết để đưa ra phương án can thiệp phù hợp.

Để loại bỏ polyp, bác sĩ sẽ đưa dụng cụ chuyên dụng qua ống nội soi và trong đại trực tràng. Dụng cụ này sẽ tiếp cận và tiến hành cắt bỏ polyp. Hiện nay phương pháp cắt polyp hiện đại nhất là cắt hớt niêm mạc (EMR) và cắt tách dưới niêm mạc (ESD). Hai kỹ thuật này giúp loại bỏ trọn khối polyp, hạn chế tối đa biến chứng chảy máu và thủng đại trực tràng.

Kỹ thuật cắt polyp trong nội soi được đánh giá là có độ an toàn cao. Người bệnh được gây mê nên không hề có cảm giác khó chịu. Sau khi cắt polyp, người bệnh có thể xuất viện ngay và nhanh chóng quay trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường. Người bệnh cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ về chế độ ăn uống – sinh hoạt cũng như lịch tái khám.

Điều trị bệnh polyp đại trực tràng

Polyp đại trực tràng có thể được cắt bỏ ngay trong quá trình nội soi, thực hiện nhanh chóng và hiếm khi xảy ra biến chứng

4. Phòng ngừa ung thư đại trực tràng khi có polyp

4.1. Đối với người mắc polyp đại trực tràng

Polyp cần được phát hiện và loại bỏ sớm nhằm ngăn chặn nguy cơ ung thư. Ngoài ra, người bệnh polyp đại trực tràng cần tiến hành nội soi định kỳ để theo dõi. Những người thường xuyên sàng lọc polyp đại trực tràng có nguy cơ ung thư thấp hơn những người không tầm soát.

Khoảng cách giữa các lần nội soi đại trực tràng (thường là 1 –  5 năm sau khi cắt polyp) phụ thuộc vào các yếu tố như sau:

– Đặc điểm vi mô của polyp đại trực tràng.

– Số lượng và kích thước của polyp tại đại trực tràng.

– Khả năng quan sát khi thực hiện nội soi đại trực tràng: Nếu việc làm sạch đại tràng không được đảm bảo sẽ làm hạn chế khả năng phát hiện các polyp nhỏ đến trung bình. Với trường hợp này, người bệnh có thể được đề nghị thực hiện nội soi sớm hơn để kiểm tra lại.

Thêm vào đó, người bệnh cần lưu ý các giải pháp về lối sống để ngăn chặn nguy cơ ung thư từ polyp đại trực tràng:

– Xây dựng chế độ ăn ít chất béo, giàu chất xơ (rau xanh, trái cây), hạn chế thịt đỏ trong khẩu phần ăn.

– Duy trì trọng lượng cơ thể hợp lý thông qua chế độ ăn lành mạnh, tăng cường vận động.

– Không hút thuốc lá, hạn chế tối đa rượu bia và đồ uống có cồn.

4.2. Đối với các thành viên trong gia đình người bệnh

Người thân cấp độ một (cha mẹ, anh/ chị/ em ruột, con ruột) của người được chẩn đoán mắc polyp tuyến hoặc ung thư đại trực tràng trước 60 tuổi có nguy cơ phát triển bệnh cao hơn so với dân số chung. Vì vậy, gia đình người bệnh được khuyến nghị bắt đầu sàng lọc từ sớm trước năm 50 tuổi.

– Những người có 1 người thân cấp một bị polyp tuyến hoặc ung thư đại trực tràng trước 60 tuổi hoặc 2 người thân cấp một mắc bệnh ở mọi lứa tuổi: Bắt đầu sàng lọc ung thư đại trực tràng ở tuổi 40 hoặc trẻ hơn 10 tuổi so với tuổi chẩn đoán sớm nhất trong gia đình. Trường hợp này nên thực hiện nội soi đại trực tràng mỗi 5 năm.

– Những người có người thân cấp độ hai (ông bà, dì, chú ruột) hoặc người thân cấp độ 3 (anh chị em họ) bị ung thư đại trực tràng: Nên sàng lọc tương tự như người có nguy cơ trung bình.

Tóm lại, bệnh polyp đại trực tràng có khả năng tiến triển thành ung thư. Tuy nhiên không phải bất kỳ ai mắc cũng bị ung thư đại trực tràng. Mỗi người cần lưu ý chủ động nội soi đại tràng sàng lọc polyp cũng như các bệnh lý đường tiêu hóa khác, phòng ngừa nguy cơ ung thư.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital