Sắt cần thiết cho quá trình tạo máu, thiếu sắt khiến cơ thể thiếu máu gây nên nhiều hậu quả nghiêm trọng. Đặc biệt là bà bầu nếu thiếu sắt sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi. Vậy bà bầu thiếu sắt phải làm sao?
Menu xem nhanh:
1. Hậu quả của thiếu sắt ở phụ nữ mang thai
1.1. Ảnh hưởng tới quá trình thai sản
Bà bầu thiếu sắt sẽ dễ dẫn đến tình trạng thiếu máu khiến cơ thể mệt mỏi, hay chóng mặt, hoa mắt, dễ sảy thai, đẻ non, đẻ con nhỏ yếu, dễ bị băng huyết khi sinh, tăng nguy cơ nhiễm trùng, làm gia tăng các tai biến sản khoa, nhất là tai biến do xuất huyết sau sinh, thậm chí có thể dẫn tới tử vong cả mẹ và con trong quá trình “vượt cạn”.
Những bà mẹ bị thiếu máu có nguy cơ đẻ con nhẹ cân và dễ bị chảy máu ở thời kỳ hậu sản và sinh ra những đứa con có tình trạng dự trữ sắt thấp.
1.2. Ảnh hưởng đến thai nhi
Còn đối với thai nhi, việc thiếu sắt sẽ khiến quá trình phát triển của con bị ảnh hưởng nghiêm trọng làm tăng nguy cơ bị khuyết tật ống dây thần kinh (nứt đốt sống, thai vô sọ…), cân nặng lúc sinh thấp, suy dinh dưỡng bào thai, ảnh hưởng đến trí tuệ sau này (chậm phát triển, các kỹ năng ngôn ngữ và vận động ở tuổi đi học kém)…
2. Bà bầu thiếu sắt phải làm sao?
Khi có tình trạng thiếu sắt, mẹ bầu nên đi thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị sớm nhất. Nếu xét nghiệm cho thấy mẹ bị thiếu sắt và bác sĩ kê đơn để bổ sung sắt cho mẹ bầu thì mẹ cần thực hiện đúng theo những chỉ dẫn đó.
Mẹ cũng nên bổ sung thêm các loại thực phẩm giàu sắt như thịt bò, thịt nạc, trứng, quả chà là, mía, mật ong, nho, bí ngô… vào thực đơn hàng ngày của mình. Tuy nhiên, lượng sắt mẹ nạp vào cơ thể không được quá 27mg/ngày.
Để hấp thu nhiều sắt nhất có thể, mẹ nên uống viên sắt khi đang đói, uống thuốc bằng nước lọc hoặc nước cam, vitamin C giúp hấp thu sắt tốt hơn, nhưng đừng uống với sữa vì canxi cản trở quá trình hấp thu sắt. Cà phê và trà cũng ảnh hưởng đến sự hấp thu sắt.
Trong khoảng một tuần kể từ khi bắt đầu điều trị, cơ thể mẹ bầu sẽ tạo ra nhiều hồng cầu mới và lượng hemoglobin cũng tăng cao. Thường chỉ sau một tháng điều trị là có thể hoàn toàn thoát khỏi tình trạng thiếu máu khi mang thai, nhưng mẹ vẫn nên tiếp tục bổ sung sắt trong vài tháng tiếp theo để tăng cường nguồn sắt dự trữ, chuẩn bị cho giai đoạn “vượt rào”.
Các mẹ cần đăng ký khám thai định kỳ để được theo dõi sức khỏe trọn vẹn của mẹ và bé suốt thai kỳ. Đây là biện pháp giúp mẹ phòng ngừa những nguy cơ bệnh lý ảnh hưởng đến sự phát triển của mẹ và bé.