6 nguyên nhân gây polyp đại tràng thường gặp

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ

Đỗ Thị Hương 

Bác sĩ Tiêu hóa - Nội soi

Hiện nay các trường hợp mắc polyp đại tràng xuất hiện khá phổ biến. Nguyên nhân gây polyp đại tràng vẫn chưa được xác định cụ thể. Mặc dù đa số các trường hợp bị polyp đều lành tính nhưng bên cạnh đó vẫn có tỷ lệ nhỏ các khối polyp mang nguy cơ ung thư.

1. Các loại polyp đại tràng

Nguyên nhân gây polyp đại tràng ở mỗi người là khác nhau và không phải các khối polyp nào cũng giống nhau. Polyp đại tràng được chia thành 2 loại chính là u tuyến và tăng sản.

1.1. Tăng sản

Đây là polyp không có nguy cơ phát triển thành ung thư. Chúng thường có kích thước nhỏ dưới 5mm và nằm ở vị trí đại tràng sigma hoặc cuối trực tràng.

1.2. U tuyến

Đa số trường hợp ung thư đại tràng thường từ loại polyp này. Tuy nhiên không phải tất cả các u tuyến đều nguy hiểm. Polyp kích thước càng lớn thì nguy cơ ung thư càng cao. U tuyến lại được chia thành các loại nhỏ hơn như:

– Polyp u tuyến ống: Xuất hiện với tỷ lệ 80% và kích thước lớn hơn 25mm. Bề mặt của chúng láng và thường có cuống.

– Polyp u tuyến nhánh (villous adenoma): Chiếm tỷ lệ 5 – 15%. Chúng thường xuất hiện ở trực tràng, đại tràng hông, đại tràng xuống. Về hình dạng polyp có kích thước lớn trên 3cm, sần sùi như bông cải và không có cuống.

– Polyp u tuyến ống nhánh (tubulo-villous adenoma): Đây là dạng hỗn hợp của 2 loại vừa kể trên. Polyp có kích thước thay đổi, không có hoặc có cuống.

– Polyp răng cưa: Chúng có cấu trúc răng cưa và có khả năng tiến triển thành ung thư.

Polyp đại tràng là bệnh thường gặp ở hệ tiêu hóa

Polyp đại tràng là bệnh thường gặp ở hệ tiêu hóa

2. Polyp đại tràng do nguyên nhân nào gây ra?

Cho tới thời điểm hiện tại vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây ra polyp. Các chuyên gia cho rằng sự phân chia và phát triển tế bào quá mức là lý do gây bệnh. Yếu tố này liên quan tới một số vấn đề như dưới đây.

2.1. Nguyên nhân gây polyp đại tràng do tuổi tác

Hầu hết những người bị polyp thường từ 50 tuổi trở lên. Nguyên nhân do ở độ tuổi này các bộ phận trong cơ thể đã không còn hoạt động tốt.

2.2. Tính di truyền

Nếu người thân trong gia đình bạn từng bị polyp hoặc ung thư đại tràng thì bạn có nguy cơ cao mắc bệnh. Số lượng thành viên trong gia đình mắc bệnh càng nhiều sẽ tỷ lệ thuận với nguy cơ mắc bệnh của bạn.

2.3. Dung nạp các chất có hại cho sức khỏe

Thuốc lá và rượu không hề có lợi cho hệ tiêu hóa và sức khỏe nói chung. Nếu thường xuyên sử dụng hai loại này sẽ làm tăng nguy cơ phát triển các khối polyp.

2.4. Rối loạn di truyền là một trong các nguyên nhân gây polyp đại tràng

Một số người bị polyp thường liên quan tới hội chứng Gardner ( hội chứng đa polyp gia đình), hội chứng Lynch, Polyposis vị thành niên, hội chứng Peutz-Jeghers,…

2.5. Do nguyên nhân béo phì

Cân nặng tăng đột ngột dẫn tới béo phì khiến hoạt động của các bộ phận trong cơ thể rối loạn. Lười vận động, ăn quá nhiều chất béo cũng nằm trong số các nguyên nhân gây bệnh.

2.6. Chủng tộc

Các nghiên cứu đã chỉ ra những người Mỹ gốc Phi có nguy cơ tiến triển ung thư đại tràng cao hơn bình thường. Tuy nhiên những năm trở lại đây Việt Nam có số lượng người bị polyp gia tăng đáng kể.

Béo phì là nguyên nhân gây polyp đại tràng

Béo phì là nguyên nhân gây polyp đại tràng

3. Dấu hiệu polyp đại tràng

Đa số người bị polyp đại tràng sẽ không có triệu chứng rõ rệt cho tới khi được thăm khám. Tuy nhiên khi bị polyp, người bệnh vẫn có thể gặp phải một vài triệu chứng được đề cập sau đây.

3.1. Chảy máu trực tràng

Đây là một trong các dấu hiệu của bệnh polyp đại tràng. Ngoài ra biểu hiện này còn có thể do tình trạng rách hậu môn hoặc bị bệnh  trĩ.

3.2. Phân có màu sắc bất thường

Polyp đại tràng có thể khiến phân có màu đen hoặc xuất hiện máu. Hiện tượng này do đại tràng bị chảy máu. Tuy nhiên một số loại thuốc, thực phẩm chức năng, thực phẩm cũng có thể làm thay đổi màu chất thải.

3.3. Thay đổi thói quen đi ngoài

Người bệnh sẽ bị táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài bất thường. Nếu thấy dấu hiệu này xuất hiện quá một tuần thì bạn cần đi khám ngay vì đây rất có thể đang xuất hiện khối polyp hoặc nặng hơn là ung thư đại tràng.

3.4. Đau bụng

Polyp đại tràng có thể gây ra các cơn đau bụng. Tình trạng này xuất hiện là do khối polyp gây tắc nghẽn đường ruột.

3.5. Thiếu máu

Chảy máu từ polyp có thể diễn ra âm thầm kéo dài. Điều này gây sụt giảm lượng sắt cần thiết cho cơ thể. Kéo theo theo đó làm giảm các tế bào hồng cầu vận chuyển oxy. Điều này lý giải vì sao người mắc bệnh thường cảm thấy mệt mỏi và khó thở.

4. Cách chẩn đoán polyp đại tràng

Để ngăn ngừa ung thư đại tràng thì việc chẩn đoán vô cùng quan trọng. Các xét nghiệm giúp tầm soát polyp ở đại tràng bao gồm:

Nội soi đại tràng: Giúp quan sát tình trạng bên trong nơi mắt thường không thể nhìn thấy. Phương pháp này có khả năng loại bỏ các polyp để kiểm tra nguy cơ ung thư.

Chụp cắt lớp CT: Đây còn gọi là phương pháp nội soi đại tràng ảo nhằm chụp ảnh đại tràng từ bên ngoài. Tuy nhiên phương pháp này không thể kết hợp lấy polyp.

– Nội soi đại tràng sigma: Phương pháp này tương tự nội soi đại tràng nhưng dễ thực hiện hơn.

– Xét nghiệm phân: Kết quả xét nghiệm DNA giúp kiểm tra sự thay đổi gen. Nếu xét nghiệm có vấn đề thì người bệnh cần phải thực hiện nội soi.

Nội soi là phương pháp chẩn đoán bệnh chính xác

Nội soi là phương pháp chẩn đoán bệnh chính xác

5. Cách điều trị

Tùy thuộc vào loại polyp được phát hiện mà bác sĩ sẽ chỉ định cách loại bỏ phù hợp. Lựa chọn phương pháp điều trị còn cần dựa trên thể trạng của bệnh nhân.

5.1. Cắt bỏ polyp khi thực hiện nội soi đại tràng

Khi nội soi đại tràng bác sĩ sẽ dùng thòng lọng hoặc kẹp để cắt bỏ polyp. Nếu kích thước của polyp quá lớn sẽ cần tiêm thêm một loại chất lỏng bên dưới để nâng và cô lập khối polyp để cắt bỏ.

5.2. Phẫu thuật xâm lấn tối thiểu

Kích thước của polyp quá lớn sẽ cần phẫu thuật xâm lấn tối thiểu. Dụng cụ phẫu thuật nội soi sẽ được đưa vào ổ bụng để loại bỏ phần ruột có polyp.

5.3. Cắt bỏ đại tràng

Những người bị polyp có tính di truyền thì cần cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ đại tràng. Việc điều trị này sẽ ảnh hưởng khá lớn tới sức khỏe vì vậy cần được cân nhắc kỹ càng trước khi thực hiện.

Sau khi cắt bỏ, các polyp sẽ được mang đi phân tích để đánh giá mức độ nghịch sản và kiểm tra bờ cắt có còn tế bào ung thư hay không. Khi đã từng có polyp thì rất dễ tái nhiễm chính vì vậy người bệnh cần có kế hoạch thăm khám bệnh định kỳ.

6. Polyp có nguy hiểm không?

Các khối polyp sẽ có khả năng mang tế bào ung thư. Chính vì vậy khi xuất hiện polyp tại đại tràng bạn không nên chủ quan. Việc cần làm là bạn nên tới bệnh viện để kiểm tra càng sớm càng tốt để loại bỏ chúng.

7. Các lưu ý giúp phòng bệnh hiệu quả

Cách đề phòng polyp tốt nhất là thường xuyên tầm soát và loại bỏ chúng ngay khi phát hiện. Ngoài ra mọi người có thể kết hợp thực hiện một số biện pháp dưới đây để giảm thiểu nguy cơ xuất hiện polyp.

– Bổ sung vào chế độ ăn các loại ngũ cốc giàu chất xơ, trái cây, rau củ, các loại đậu.

– Duy trì cân nặng ở mức hợp lý. Nếu bị béo phì hoặc quá cân bạn cần có kế hoạch giảm cân.

– Không nên ăn nhiều các loại thịt đỏ: Thịt dê, thịt cừu, thịt bò,…

– Tập thể dục mỗi ngày, các bài tập cần lưu ý phù hợp với thể lực và tình trạng sức khỏe của bản thân mỗi người.

– Không nên hút thuốc và uống rượu.

– Nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về việc bổ sung vitamin D, canxi và aspirin để giảm tỷ lệ ung thư trực tràng.

Mọi người cần bổ sung nhiều rau quả

Mọi người cần bổ sung nhiều rau quả

Bài viết đã cung cấp đầy đủ các nguyên nhân gây polyp đại tràng. Dù bạn đã từng bị bệnh hay chưa bị cũng đều cần trang bị các kiến thức cơ bản để giúp hạn chế nguy cơ xuất hiện polyp tại đại tràng.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital