Polyp đại tràng là gì? Polyp có phải ung thư không?

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ 

Chu Xuân Hưng

Bác sĩ Tiêu hóa - Nội soi

Polyp đại tràng là gì mà khiến nhiều người phải quan ngại. Rất nhiều những thắc mắc được mọi người quan tâm đến căn bệnh đường tiêu hóa này như polyp có phải ung thư không, gây ra những ảnh hưởng gì, cần điều trị như thế nào,… Hãy cùng tìm hiểu ngay.

1. Polyp đại tràng là gì? Nguyên nhân hình thành polyp?

1.1. Polyp đại tràng là gì?

Polyp đại tràng là những khối lồi vào bên trong lòng của đại tràng, chúng được hình thành do sự tăng sinh quá mức của lớp niêm mạc đại tràng. Polyp gồm 2 loại chính là loại có cuống và loại không cuống với kích thước đa dạng. Có trường hợp, polyp có thể lớn tới vài cm. Một người có thể có 1 polyp đơn lẻ hoặc có nhiều polyp cùng lúc.

Polyp đại tràng là gì?

Polyp đại tràng phát triển lồi bất thường ở lớp niêm mạc đại tràng.

1.2. Nguyên nhân gây polyp

Về nguyên nhân hình thành polyp vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, sẽ có những yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng có polyp như sau:

– Người cao tuổi có tỷ lệ mắc polyp cao hơn người trẻ tuổi. Polyp thường được tìm thấy trong khoảng 15-20% người trưởng thành và phổ biến hơn ở những người trên 50 tuổi.

– Người đã từng có polyp hoặc mắc ung thư đại tràng, ung thư buồng trứng, ung thư tử cung trước năm 50 tuổi sẽ có nhiều khả năng bị polyp cao hơn.

– Hút thuốc và uống rượu.

– Không tập thể dục, người lười vận động.

– Người béo phì thừa cân.

– Bị bệnh viêm ruột chẳng hạn như viêm loét đại trực tràng và bệnh Crohn.

– Bệnh sử gia đình có thành viên là bố mẹ hoặc anh chị em ruột mắc polyp đại trực tràng hoặc ung thư đại trực tràng thì nguy cơ bạn có polyp sẽ cao hơn.

– Bị bệnh đái tháo đường type 2 không được điều trị kiểm soát tốt.

– Polyp di truyền.

2. Polyp có phải ung thư không?

2.1. Giải đáp: Polyp đại tràng là gì, có phải ung thư không?

Bản chất của polyp không phải u, mà là tổn thương có hình dạng giống khối u. Đa số polyp đại tràng đều là lành tính nhưng một số trường hợp vẫn có khả năng biến đổi trở thành ác tính (ung thư). Theo thống kê, có tới 50% ca bệnh ung thư đại trực tràng phát triển từ polyp đại trực tràng. Vì vậy, một người khi xuất hiện càng nhiều polyp đại tràng hoặc có polyp nhưng kích thước lớn thì cần phải lưu tâm, cảnh giác. Điều trị polyp sớm cho hiệu quả phòng chống ung thư đường tiêu hóa lên tới 80%. Người bệnh nên chủ động tiến hành thăm khám tầm soát bệnh lý đường tiêu hóa định kỳ và điều này đặc biệt quan trọng ở những đối tượng có nguy cơ cao.

Polyp đại tràng có phải ung thư không?

50% ca bệnh ung thư đại trực tràng phát triển từ polyp.

2.2. Những polyp nào có nguy cơ ác tính cao?

Các chuyên gia y tế chia polyp làm hai loại chính là polyp tăng sản và polyp u tuyến. Trong đó, các polyp tăng sản thường không có nguy cơ bị ung thư nhưng các polyp u tuyến lại là tiền thân cho phần lớn bệnh ung thư đại trực tràng. Với những polyp u tuyến có kích thước càng lớn (thường là lớn hơn 2cm) thì nguy cơ ung thư sẽ càng cao. Bác sĩ sẽ rất khó phân biệt giữa polyp tăng sản và polyp u tuyến dựa theo ngoại hình bên ngoài mà thường phải được kết luận bằng sinh thiết giải phẫu bệnh.

Ngoài ra, với những polyp có chân lan rộng, dạng dẹt, không có cuống thì khả năng ác tính sẽ cao hơn những loại có cuống nhỏ hay cuống to và dài. Thêm nữa, trên một cơ thể khi xuất hiện càng nhiều polyp thì nguy cơ ác tính càng cao, đặc biệt là những trường hợp có nhiều polyp đại tràng mang tính di truyền thì khả năng trở thành ác tính là rất lớn.

3. Chẩn đoán polyp đại tràng

Để chẩn đoán phát hiện các tổn thương polyp đại trực tràng hay các dấu hiệu của ung thư đại trực tràng, bạn cần thực hiện một trong các phương pháp sau:

– Nội soi đại tràng: Đây là phương pháp chẩn đoán chính và mang lại hiệu quả tối ưu. Thông qua nội soi, bác sĩ có thể xác định chính xác về polyp từ vị trí, kích thước, tính chất. Đặc biệt, bác sĩ còn có thể thực hiện lấy mẫu mô bệnh học làm sinh thiết giải phẫu bệnh nhằm kiểm tra nguy cơ ác tính của polyp. Với trường hợp polyp là tổ chức tiền ung thư hoặc ung thư sớm sẽ được điều trị cắt bỏ ngay qua nội soi. Đây cũng là lợi thế ưu điểm mà các phương pháp chẩn đoán polyp khác không thể thực hiện.

Xét nghiệm máu trong phân: Trong giai đoạn đầu của ung thư đại trực tràng, người bệnh có thể gặp phải tình trạng đi ngoài kèm máu. Khi đó, xét nghiệm máu trong phân khi có polyp sẽ cho kết quả chính xác.

Chụp MRI, chụp CT: Thông thường, phương pháp này sẽ được áp dụng với những người không thể nội soi. Cụ thể cần chụp MRI hay CT sẽ được bác sĩ đánh giá theo tình trạng cụ thể để đưa ra chỉ định.

Nội soi đại tràng phát hiện polyp

Nội soi đại tràng giúp chẩn đoán và điều trị polyp.

4. Điều trị polyp đại tràng

Tùy theo loại polyp đại tràng được phát hiện, đặc điểm polyp và giai đoạn phát triển của polyp mà bác sĩ sẽ chỉ định biện pháp loại bỏ phù hợp:

– Can thiệp cắt polyp qua nội soi: Trong quá trình nội soi đại trực tràng, bác sĩ có thể đồng thời thực hiện can thiệp loại bỏ trọn khối polyp bằng các kỹ thuật hiện đại. Đây là thủ thuật an toàn, không đau, không biến chứng và cho hiệu quả điều trị tốt, thời gian hồi phục nhanh chóng. Vì vậy, cắt polyp qua nội soi là giải pháp điều trị tối ưu cho người bệnh. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ áp dụng trong trường hợp polyp có kích thước không quá lớn, polyp là tổ chức tiền ung thư hoặc ung thư giai đoạn sớm.

– Phẫu thuật nội soi xâm lấn tối thiểu: Áp dụng đối với những polyp đại tràng kích thước quá lớn hay không thể được loại bỏ an toàn qua nội soi thì sẽ cần làm phẫu thuật nội soi cắt đi phần ruột có polyp.

– Phẫu thuật mổ mở cắt đại tràng: Thường áp dụng trong trường hợp người bệnh có tình trạng di truyền như mắc polyposis tuyến gia đình. Bác sĩ sẽ tiến hành mổ mở ổ bụng và cắt bỏ một phần hoặc cắt đi toàn bộ đại tràng.

Polyp đại tràng là gì đã được giải đáp tới các bạn. Polyp tuy không phải ung thư nhưng tuyệt đối không thể chủ quan. Chủ động thăm khám chuyên khoa tiêu hóa định kỳ, thực hiện nội soi dạ dày đại tràng theo chỉ định để tầm soát bệnh lý đặc biệt là ung thư đúng cách.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital