3 nguyên nhân gây đau bụng dưới bên trái và đau lưng

Tham vấn bác sĩ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Vũ Văn Khiên

Phó giám đốc phụ trách Nội soi tiêu hóa

Đau bụng dưới bên trái và đau lưng có thể là dấu hiệu cảnh báo một số cơ quan trong ổ bụng có bất thường. Cơn đau có thể xuất phát từ những nguyên nhân đơn giản như táo bón đến nghiêm trọng như sỏi thận. Nhận biết được các dấu hiệu và triệu chứng của những bệnh lý nguy hiểm là rất quan trọng để kịp thời điều trị, tránh để xảy ra hậu quả đáng tiếc.

1. Các nguyên nhân liên quan tới hệ tiêu hóa

1.1. Viêm túi thừa gây đau bụng dưới bên trái và đau lưng

Viêm túi thừa là nguyên nhân phổ biến của những cơn đau tại khu vực này. Túi thừa đại tràng là những cấu trúc dạng túi phát triển trong thành của đại tràng, thường gặp ở đại tràng sigma và đại tràng trái, cũng có thể gặp ở toàn bộ đại tràng. Khi các túi thừa này bị viêm nhiễm gây ra bệnh lý viêm túi thừa. Ngoài triệu chứng đau, viêm túi thừa còn gây ra các triệu chứng khác như sốt, buồn nôn, táo bón hoặc tiêu chảy.

Viêm túi thừa là nguyên nhân phổ biến của đau bụng dưới bên trái và đau lưng

Viêm túi thừa là nguyên nhân phổ biến của đau bụng dưới bên trái và đau lưng

1.2. Các vấn đề khác tại đại tràng

Các vấn đề về đại tràng khác ngoài viêm túi thừa cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến triệu chứng đau. Đơn giản như táo bón khiến ruột già bị phình lên có nhiều khả năng là “thủ phạm” của tình trạng đau bụng dưới bên trái và đau lưng. Nếu táo bón kèm theo đầy hơi, người bệnh không thể trung tiện, tắc nghẽn đại tràng có thể xảy ra.

Ung thư đại tràng cũng có thể là nguyên nhân gây khiến vùng lưng và bụng dưới xuất hiện những cơn đau. Các triệu chứng khác của căn bệnh nguy hiểm này là rối loạn tiêu hóa, chán ăn, khó tiêu, phân có lẫn máu, đại tiện phân đen, phân mỏng và hẹp hơn bình thường, giảm cân không rõ lý do, mệt mỏi, suy nhược.

2. Nguyên nhân liên quan tới hệ tiết niệu

2.1. Sỏi thận

Cơn đau lưng nghiêm trọng dần lan tới bụng dưới bên trái có thể là dấu hiệu cảnh báo sỏi thận hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu. Sỏi thận được hình thành từ sự kết tủa của một số chất có trong nước tiểu. Khi viên sỏi lớn di chuyển qua hệ thống tiết niệu gây đau, nước tiểu có máu và buồn nôn.

2.2. Viêm bể thận

Tình trạng đau tương tự cũng xảy ra với những người bị nhiễm trùng đường tiết niệu phía bên trái. Nhiễm trùng đường tiết niệu liên quan đến thận được gọi là viêm bể thận và gây ra triệu chứng đau kèm theo sốt, bỏng rát khi đi tiểu.

Cơn đau lưng nghiêm trọng dần lan tới bụng dưới bên trái có thể là dấu hiệu cảnh báo sỏi thận hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu.

Cơn đau lưng nghiêm trọng dần lan tới bụng dưới bên trái có thể là dấu hiệu cảnh báo sỏi thận hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu.

3. Nguyên nhân liên quan tới hệ thống sinh sản

Đau bụng dưới bên trái và đau lưng ở phụ nữ có thể cảnh báo vấn đề về buồng trứng hoặc ống dẫn trứng. Nhiễm trùng, u nang hoặc xoắn buồng trứng có thể gây ra những cơn đau dữ dội, tiến triển xấu dần theo thời gian. Thai nằm trong ống dẫn trứng trái thay vì tử cung – tình trạng này còn gọi là chửa ngoài tử cung – là một nguyên nhân khác gây triệu chứng đau và có thể kèm theo chảy máu âm đạo.

Ở nam giới, viêm tinh hoàn, u tinh hoàn hoặc xoắn tinh hoàn bên trái thường gây đau lan từ tinh hoàn vào lưng và bụng phía bên trái.

4. Khi nào cần tới bệnh viện?

Bạn nên đi khám ngay khi bị đau lưng và đau bụng dưới bên trái, nhất là khi tình trạng này không biến mất sau một vài ngày hoặc diễn biến xấu đi. Đặc biệt nếu triệu chứng kèm theo sốt, phân có máu, nôn kéo dài, không thể trung tiện, chảy máu âm đạo, chóng mặt hoặc ngất xỉu, cần tìm kiếm sự chăm sóc y tế càng sớm càng tốt.

Đi khám ngay khi bị đau bụng dưới bên trái và đau lưng

Đi khám ngay khi bị đau bụng dưới bên trái và đau lưng

Vùng bụng dưới và lưng là khu vực có nhiều cơ quan thiết yếu của cơ thể như: hệ tiết niệu, hệ tiêu hóa, cơ quan sinh sản. Cơn đau xuất hiện có thể cảnh báo những bất thường, những bệnh lý tại các cơ quan này. Bạn tuyệt đối không nên chủ quan, thay vào đó hãy gặp đến cơ sở y tế, bệnh viện đa khoa uy tín để kiểm tra và xử lý.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital