3 Lợi ích từ các mũi tiêm vacxin cho trẻ trong năm đầu đời

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKI

Nguyễn Minh Vỹ

Bác sĩ tiêm chủng

Các mũi tiêm vacxin cho trẻ trong năm đầu đời giúp bảo vệ sớm và hiệu quả trước các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm. Đồng thời tạo điều kiện phát triển toàn diện cho trẻ, giúp gia đình tiết kiệm tài chính hơn nhiều so với việc trẻ mắc bệnh.

1. Lợi ích từ các mũi tiêm vacxin cho trẻ trong năm đầu đời

1.1. Các mũi tiêm vacxin cho trẻ trong năm đầu có khả năng bảo vệ lên tới 95%

Theo các chuyên gia y tế, vacxin đã chứng minh được khả năng bảo vệ trước sự tấn công của các bệnh truyền nhiễm. Nhiều đại dịch trên thế giới đã bị “xóa sổ” hoặc giảm tỷ lệ mắc rõ rệt như:

– Sởi.

– Đậu mùa.

– Bại liệt.

– Ho gà.

Vì trẻ mới sinh ra chưa thể có hệ miễn dịch hoàn thiện nên trở thành đối tượng dễ bị các bệnh truyền nhiễm tấn công và gặp phải các biến chứng nặng:

– Bệnh sởi dẫn tới biến chứng viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa và suy giảm miễn dịch.

– Bệnh bại liệt dẫn tới biến chứng liệt tủy sống hoặc liệt cơ hô hấp tăng cao nguy cơ tử vong; tàn tật suốt đời.

– Bệnh viêm gan B dẫn tới biến chứng xơ gan, ung thư gan trong tương lai.

Do đó, trẻ cần được tiêm chủng sớm và đầy đủ, nhất là trong giai đoạn dưới 1 tuổi. Gần 95% trẻ được tiêm chủng đầy đủ sẽ sinh ra miễn dịch đặc hiệu bảo vệ cơ thể không mắc bệnh, tránh được các biến chứng nặng của bệnh.

lịch tiêm chủng cho trẻ

Trẻ cần tiêm chủng ngay từ khi sinh ra để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm

1.2. Tạo điều kiện phát triển toàn diện

Trẻ em là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề về sức khỏe nếu bị nhiễm bệnh. Dù có điều trị kịp thời thì cũng không loại trừ nguy cơ bị di chứng về sau, thậm chí có thể tử vọng. Một số bệnh truyền nhiễm để lại di chứng vĩnh viễn ở trẻ như:

– Viêm não mô cầu.

– Viêm não Nhật Bản.

– Bại liệt.

Trẻ một khi đã mắc bệnh thì hành trình lớn lên khỏe mạnh sẽ rất khó khăn. Di chứng của bệnh gây ảnh hưởng tới hệ thần kinh, vận động và chức năng sinh sản. Từ đó, quá trình học tập, hoạt động thể chất của trẻ bị gián đoạn và không được diễn ra thuận lợi như trẻ khỏe mạnh khác.

Các mũi tiêm ngừa bệnh cho trẻ trong năm đầu đời rất quan trọng bởi góp phần tạo ra “lá chắn miễn dịch” vững chắc cho trẻ. Quá trình phát triển của trẻ về cả thể chất lẫn tinh thần được bảo vệ, trẻ hạn chế dùng thuốc để điều trị so với việc mắc bệnh.

1.3. Thực hiện các mũi tiêm vacxin cho trẻ sớm giúp tiết kiệm tài chính

Thực tế, trẻ không tiêm vacxin và mắc bệnh thì sẽ tốn kém nhiều chi phí như:

– Viện phí (thăm khám, tiền thuốc, tiền nằm viện,…).

– Ngày làm việc mà cha mẹ hoặc người thân phải xin nghỉ để chăm sóc trẻ.

Hơn nữa, nếu trẻ mắc bệnh nặng hoặc có tính chất nguy hiểm thì số tiền thăm khám, chữa trị cao hơn rất nhiều. Bệnh cũng sẽ để lại di chứng khiến trẻ phụ thuộc vào người chăm sóc trong tương lai.

Có thể thấy, chi phí đầu tư vào việc tiêm vacxin cho trẻ từ sớm là rất cần thiết. Điều này giúp gia đình tiết kiệm tài chính hiệu quả hơn nhiều so với khi trẻ mắc bệnh và cần điều trị.

2. Lịch tiêm chủng trong năm đầu đời cho trẻ

Cha mẹ cần nắm rõ lịch tiêm chủng cho trẻ trong suốt 1 năm đầu sau khi sinh. Theo các mốc như sau:

2.1. Sơ sinh

Trong vòng 24h đầu sau sinh, trẻ cần được ưu tiên tiêm Vacxin viêm gan B.

Vacxin phòng bệnh lao tiêm cho trẻ trong vòng một tháng sau sinh.

Vacxin viêm gan B và vacxin phòng bệnh lao chỉ cần tiêm 1 mũi duy nhất. Tiêm càng sớm thì hiệu quả bảo vệ của vacxin càng cao, lên tới 95%.

vacxin viêm gan B cho trẻ sơ sinh

Vacxin viêm gan B là vacxin cần tiêm trong 24h sau sinh

2.2. 6 tuần tuổi

Đây là giai đoạn trẻ dễ mắc nhất:

– Bệnh tiêu chảy cấp do virus Rota.

– Viêm màng não do mô cầu B/C.

– Nhiễm khuẩn huyết.

– Viêm phổi, bệnh viêm tai giữa do phế cầu.

Vì thế trẻ cần tiêm lần lượt các mũi tiêm sau là:

– Vacxin phòng bệnh tiêu chảy Rotavirus. Có 3 loại được tiêm chủng phổ biến là vacxin uống của Bỉ, Việt Nam và Mỹ.

Vacxin của Bỉ và Việt Nam gồm uống 2 liều, liều đầu tiên nên cho uống khi trẻ được 6 tuần tuổi. Liều sau cách liều trước ít nhất 4 tuần và cần hoàn thành trước khi trẻ được 6 tháng tuổi.

Riêng vacxin của Mỹ thì gồm uống 3 liều, liều đầu tiên khi trẻ được 7,5 – 12 tuần tuổi. Các liều sau cách ít nhất 4 tuần và cần hoàn thành trước khi trẻ được 32 tuần tuổi.

– Vacxin phòng 10 chủng  hoặc phòng 13 chủng của phế cầu khuẩn. Bao gồm 3 mũi cơ bản, các mũi cách nhau ít nhất 4 tuần. Trẻ cần tiêm nhắc lại ít nhất 6 tháng sau khi hoàn tất mũi cơ bản.

2.3. Đủ 2 tháng tuổi

Trẻ đủ 2 tháng tuổi trở lên, cha mẹ có thể tiêm cho trẻ vacxin 6in1- loại vacxin giúp phòng 6 bệnh trong 1 lần tiêm gồm:

– Bạch hầu.

– Ho gà.

– Uốn ván.

– Bại liệt.

– Viêm gan B.

– Các bệnh do Hib: viêm màng não mủ, viêm phế quản, viêm phổi, viêm họng.

Có 2 loại vacxin của Bỉ và Pháp với lịch tiêm cơ bản gồm 3 mũi, các mũi cách nhau ít nhất 4 tuần. Mũi tiêm nhắc lại sẽ được thực hiện sau 12 tháng.

2.4. Đủ 6 tháng tuổi

Từ 6 tháng tuổi, trẻ có thể tiêm phòng cúm và tiêm phòng viêm màng não do mô cầu.

– Với vacxin cúm gồm 2 mũi, mũi sau cách mũi trước là 4 tuần. Hàng năm, trẻ cần tiêm mũi nhắc lại để duy trì hiệu quả bảo vệ.

– Với vacxin phòng viêm màng não do mô cầu gồm 2 mũi, mũi sau tiêm cách 2 tháng so với mũi tiêm trước.

các mũi tiêm vacxin cho trẻ

Tiêm phòng cúm có thể thực hiện khi trẻ đủ 6 tháng tuổi

2.5. 9 tháng tuổi

Từ 9 tháng tuổi, cần thực hiện đầy đủ các mũi tiêm vacxin cho trẻ gồm:

– Vacxin ngăn ngừa mắc bệnh quai bị – sởi – rubella

– Vacxin ngăn ngừa mắc viêm não Nhật Bản

– Vacxin phòng thủy đậu

– Vacxin phòng viêm não mô cầu ACYW135

Lịch tiêm cơ bản và tiêm nhắc lại thì cha mẹ cần tuân thủ theo hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ. Tùy vào thể trạng sức khỏe hiện tại của trẻ mà có thể tiêm nhiều vacxin phòng bệnh cùng lúc.

2.6. Đủ 12 tháng tuổi

Với trẻ đủ 12 tháng tuổi trở lên, lúc này trẻ có nhiều nguy cơ nhiễm bệnh nhất. Ngoài tuân thủ đầy đủ các loại vacxin quan trọng ở các tháng trước đó, lúc này cha mẹ nên cho trẻ tiêm vacxin có thành phần ngừa viêm gan A.

Như vậy, tiêm vacxin cho trẻ trong giai đoạn đầu đời mang lại lợi ích vô cùng to lớn. Bên cạnh việc tiêm chủng đầy đủ, cha mẹ cũng cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh khác như: vệ sinh nơi ở, khu vực vui chơi của trẻ thường xuyên; hạn chế đưa trẻ đến chỗ đông người; bổ sung cho trẻ đủ chất dinh dưỡng,….

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital