Cách hạ sốt sau khi tiêm vacxin cho trẻ hiệu quả tại nhà

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ - Bác sĩ

Đặng Thị Kim Hạnh

Trưởng đơn vị Tiêm chủng

Sốt là một trong những phản ứng sau tiêm chủng thường gặp, nhất là ở trẻ em. Hầu hết các trường hợp sẽ là sốt nhẹ, sẽ hết sau vài giờ đến vài ngày. Bài viết này sẽ hướng dẫn cha mẹ cách hạ sốt sau khi tiêm vacxin ở trẻ một cách an toàn và hiệu quả ngay tại nhà. Tuy nhiên, nếu trẻ có biểu hiện sốt trên 39 độ, cần đưa tới bệnh viện kiểm tra ngay để phòng rủi ro có thể xảy tới.

1. Sốt nhẹ – Phản ứng sau tiêm chủng thường gặp ở trẻ

Sau khi tiêm chủng, hầu hết trẻ đều có biểu hiện sốt nhẹ dưới 38,5 độ và không kéo dài quá 2 ngày. Đây là phản ứng sau tiêm hoàn toàn bình thường nên cha mẹ không nên quá lo lắng. Khi trẻ bị sốt cũng có nghĩa là hệ thống miễn dịch đang đáp ứng với tiêm chủng.

Nguyên nhân gây nên tình trạng sốt nhẹ là vì thành phần trong vacxin được tạo thành các sinh vật (virus, vi khuẩn) đã chết hoặc bị làm cho yếu đi. Khi vacxin được đưa vào cơ thể sẽ bắt đầu kích hoạt các tế bào miễn dịch, lúc này hệ thống miễn dịch nhận ra có tác nhân lạ và phản ứng lại. Từ đó gây ra dấu hiệu viêm dẫn tới sưng, đau tại vị trí tiêm cũng như sốt ở trẻ.

Tuy nhiên, có một số ít trường hợp trẻ không lên cơn sốt sau tiêm chủng. Đây cũng là điều khiến nhiều cha mẹ thắc mắc và có suy nghĩ rằng “Liệu có phải vacxin đã vô tác dụng”. Thực tế, phản ứng sau tiêm chủng ở mỗi trẻ là khác nhau, tùy vào thể trạng của từng trẻ. Có thể có trẻ sốt nhẹ, một số khác không có biểu hiện sốt hay số ít trẻ (hiếm) sẽ đột ngột sốt cao. Với trường hợp không sốt, hệ thống miễn dịch cũng vẫn đang phản ứng với tiêm chủng nhưng ở một mức độ nhẹ nhàng hơn. Do đó, cha mẹ cần theo dõi trẻ ở nhiều dấu hiệu khác nhau sau tiêm chủng, không chỉ nên căn cứ vào biểu hiện sốt. Việc trẻ có sốt hay không thì cũng không mang ý nghĩa quyết định hiệu quả của vacxin.

2. Làm thế nào để hạ sốt sau khi tiêm vacxin cho trẻ an toàn?

2.1. Một số cách hạ sốt sau khi tiêm vacxin cho trẻ

Để hạ sốt sau tiêm vacxin an toàn, hiệu quả ở trẻ thì cha mẹ nên thực hiện các điều sau:

– Theo dõi thân nhiệt cơ thể của trẻ thường xuyên.

– Cho trẻ mặc những bộ quần áo thoáng mát, thoải mái. Nhiều cha mẹ nghĩ trẻ sốt nên cần mặc nhiều lớp quần áo để tránh bị lạnh nhưng thực tế không phải vậy. Việc làm này vô tình khiến trẻ không thoải mái vì phải mặc quá nhiều đồ, đồng thời bí bách khiến cơ thể “khó thở” hơn và không thể hạ sốt.

– Đảm bảo trẻ uống đủ nước. Với trẻ sơ sinh thì nên cho bú sữa mẹ nhiều hơn thông thường. Khi sốt trẻ thường mất nước nhiều, cơ thể trở nên mệt mỏi và kiệt sức. Nếu để lâu, không được bù nước kịp thời thì rất nguy hiểm tới tính mạng.

– Giữ khu vực vui chơi, phòng ngủ của trẻ thông thoáng. Ban ngày nên mở cửa sổ để phòng được điều hòa không khí, tránh không gian ngủ nghỉ của trẻ bị ấm mốc, bí.

– Có thể sử dụng chườm mát cho trẻ để đẩy nhanh quá trình hạ sốt

– Cho trẻ ăn các món dễ tiêu hóa như súp, canh rau củ quả, các món hầm,… Ưu tiên bổ sung trái cây tươi như: cam, dưa hấu,…

hạ sốt sau khi tiêm vacxin

Theo dõi thân nhiệt trẻ sau khi tiêm phòng rất quan trọng

2.2. Áp dụng nhiều cách hạ sốt sau khi tiêm vacxin nhưng không hiệu quả

Một số ít trường hợp cha mẹ đã dùng mọi cách để hạ sốt sau tiêm vacxin cho trẻ nhưng tình trạng không khả quan. Ngược lại biểu hiện sốt còn trở nên nghiêm trọng hơn. Nếu đo thấy thân nhiệt trẻ tăng cao trên 39 độ kèm theo các triệu chứng sau thì cần tới ngay bệnh viện để kiểm tra:

– Cơ thể co giật, chuyển dần sang tím tái.

– Trẻ không có phản ứng lại khi được gọi.

– Trẻ quấy khóc nhiều giờ không ngừng.

– Tại vị trí tiêm thì nốt sưng ngày càng to và nặng hơn.

Nôn trớ khi ăn, thậm chí khi uống nước, bú sữa mẹ.

3. Những phản ứng sau tiêm khác và cách xử lý

3.1. Sưng và đau nhẹ khi ấn vào chỗ tiêm

Ngoài biểu hiện sốt, ở trẻ sẽ có tình trạng sưng ở chỗ tiêm, khi ấn vào thì trẻ có cảm giác đau. Tình trạng này chỉ xuất hiện 1-2 ngày rồi biến mất

Nếu thấy trẻ liên tục quấy khóc vì vết tiêm sưng, đau thì cha mẹ cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để sử dụng thuốc điều trị triệu chứng phù hợp.

phản ứng sau tiêm

Tình trạng sưng đau tại vị trí tiêm sẽ kéo dài trong vài giờ đến 1-2 ngày rồi biến mất

3.2. Lười bú và biếng ăn

Sau tiêm chủng, nhiều trẻ không còn cảm giác thèm ăn, thậm chí là với những món trẻ vốn yêu thích. Trẻ sơ sinh thì có biểu hiện bỏ bú.

Để khắc phục tình trạng này, cha mẹ có thể chia nhiều bữa nhỏ trong ngày. Tránh bắt ép trẻ ăn nhiều trong một lần ăn, có thể dẫn tới tình trạng trẻ bỏ ăn. Cha mẹ có dỗ dành hay mua món ăn yêu thích cho trẻ thì trẻ vẫn sẽ ngó lơ.

3.3. Mệt mỏi và giảm phản xạ

Sốt, sưng đau tại nốt tiêm, ăn ít,… là những điều khiến trẻ ngày càng thêm mệt mỏi. Lúc này trẻ có xu hướng không muốn làm gì, chỉ muốn ngồi hoặc nằm một chỗ. Sắc mặt của trẻ cũng không tươi, thường ở trạng thái lờ đờ, buồn ngủ. Đồng thời, trẻ giảm phản xạ trong quá trình chơi, giao tiếp với bố mẹ hay bạn bè. Tuy nhiên, phản ứng này cũng sẽ biến mất sau 1-2 ngày nếu trẻ được nghỉ ngơi đầy đủ, bổ sung các chất dinh dưỡng thiết yếu.

cần làm gì sau khi tiêm phòng

Trẻ giảm khả năng tương tác với cha mẹ nhưng sẽ hết sau 1-2 ngày nếu được nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ

3.4. Nôn mửa và tiêu chảy

Rối loạn tiêu hóa là một trong những phản ứng sau tiêm vacxin cũng rất hay gặp ở trẻ. Một số trẻ cảm thấy buồn nôn khi ăn hoặc sau khi ăn, một số khác sẽ bị tiêu chảy. Cách để nhận biết có bị tiêu chảy hay không thì cha mẹ cần dựa vào những đặc điểm sau:

– Số lần đi ngoài nhiều hơn bình thường

– Phân có kết cấu lỏng hơn, có mùi tanh

– Da và môi khô do cơ thể mất nước

Khi trẻ có biểu hiện này, cha mẹ không nên quá lo lắng. Các phản ứng này không ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của trẻ. Đảm bảo trẻ uống đủ nước, ăn những món dễ tiêu hóa thì tình trạng này sẽ cải thiện sau vài ngày.

Như vậy, sốt là một phản ứng rất bình thường sau tiêm ở trẻ. Cha mẹ có thể áp dụng một vài cách hạ sốt sau khi tiêm vacxin trên để cơ thể của trẻ nhanh chóng phục hồi. Ngoài ra, luôn để ý đến mọi biểu hiện bất thường dù là nhỏ nhất. Nếu trẻ có bất kỳ phản ứng nguy hiểm như sốt cao đột ngột, nôn trớ liên tục, người tím tái,… thì cần đưa đến ngay cơ sở y tế để tìm ra nguyên nhân và điều trị kịp thời.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital